Giá trị thông tin của Nhiếp ảnh báo chí
Có thể coi Nhiếp ảnh Báo chí (Photojournalism - PJ) là một trong những thể loại Nhiếp ảnh hoặc có thể coi Nhiếp ảnh Báo chí là một trong những hình thái của Báo chí. Cách thứ hai có lẽ hợp lý hơn.
Ảnh minh họa |
Báo chí là một mặt hàng mua bán, một loại hàng hoá đặc biệt. Khách hàng cốt yếu là những độc giả. Không có độc giả thì báo không thể bán được và toà soạn cũng không thể có doanh thu quảng cáo.
Các bức ảnh xuất hiện trên một tờ báo, đương nhiên phải tuân thủ các vấn đề, kể cả pháp lý liên quan đến báo chí. Do PJ là một trong ba công cụ, hình thái của báo chí nên nó phải tuân thủ theo toàn bộ những tính chất và yêu cầu của báo chí. Bất cứ một công cụ truyền thông nào cũng đều mang 02 yếu tố:
1. Nội dung truyền tải
2. Hình thức biểu cảm
Đây cũng là hai giá trị mà độc giả cần, khi họ mua một tờ báo hoặc đọc một trang báo. Nội dung truyền tải trong trường hợp này được hiểu là các thông tin mà những bức ảnh báo chí mang lại. Thông tin báo chí thường được định nghĩa dưới dạng 5W -1H. Tuy nhiên, người làm báo nói chung và đặc biệt những Photojournalist (phóng viên ảnh) cần nắm rõ những tính chất của thông tin; những tính chất khiến thông tin trở nên có giá trị đối với bạn đọc.
Một Photojournalist nói riêng hay một người làm truyền thông chuyên nghiệp nói chung phải hiểu được những tính chất mang giá trị của thông tin. Nếu không, họ sẽ lao đi chụp những thứ có vẻ là ảnh báo chí nhưng không liên quan đến báo chí, biến họ trở thành một người thích chụp ảnh, chứ không phải một Photojournalist thực thụ.
Phần lớn các trường Cao học Truyền thông/Báo chí tại Hoa Kỳ đều có vòng phỏng vấn những sinh viên muốn nhập học. Câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất luôn được đặt ra là: Anh/Chị hãy nêu ra 10 đề tài mà Anh/Chị sẽ thực hiện trong năm nay cho tờ báo của thành phố này. Câu hỏi này sẽ khiến ứng viên bộc lộ rõ tư duy đề tài và chất báo chí trong mỗi người. Điều này quan trọng hơn kỹ năng viết lách, chụp ảnh, quay phim hay biên tập.
Để vượt qua được câu hỏi này, ứng viên phải hiểu rõ tờ báo đó, tờ báo mang phong cách gì, chú trọng phản ánh điều gì, đối tượng độc giả mục tiêu là những ai, … Dù viết hay đến mấy, chụp giỏi đến đâu mà không có tư duy này thì mãi mãi sẽ là một nhà văn hay một thợ ảnh, không thể là nhà báo.
Ảnh minh họa |
Và tất nhiên, câu trả lời của mỗi ứng viên sẽ không giống nhau, tuỳ thuộc vào tên tờ báo, khu vực phát hành, đối tượng độc giả và thời điểm. Bà Chủ nhiệm Cao học Truyền thông NEU từng nói: “Những sinh viên trả lời tốt nhất câu hỏi đầu tiên ở vòng phỏng vấn, 2 năm sau, đều trở thành những sinh viên xuất sắc nhất khi tốt nghiệp”.
Để có tư duy đề tài tốt, người làm báo cần nắm rõ những tính chất của thông tin. Từ đó, họ sẽ phân luồng và lựa chọn thông tin để phát triển đề tài. Thông tin có 04 tính chất sau, cần lưu ý rằng 04 tính chất này liên hệ mật thiết và chặt chẽ:
1. Liên quan
Bạn đọc thích đọc những thông tin liên quan đến họ, dù ít dù nhiều. Những thông tin tác động trực tiếp đến cuộc sống của độc giả mang giá trị lớn hơn rất nhiều. Ví dụ, tại Việt Nam, thông tin xăng tăng giá hay giảm giá sẽ thu hút bạn đọc gấp vạn lần thông tin chiến sự tại châu Phi. Chuyên nghiệp hơn, một số toà soạn phải xây dựng hệ thống bản đồ phát hành và cập nhật hàng tháng. Bản đồ phát hành cho toà soạn biết số lượng độc giả phân bổ ra sao về mặt địa lý. Nếu hiện tại, số lượng độc giả tập trung nhiều tại quận Ba Đình thì toà soạn nên ưu tiên khai thác thông tin tại quận này, thay vì quận Từ Liêm hay Thanh Xuân.
2. Khác thường
Thông tin liên quan đến những vấn đề mà độc giả không thể nhìn thấy hàng ngày sẽ mang giá trị lớn. Ví dụ: tệ nạn, tai nạn, những số phận bi thương, hay những nghị lực phi thường, …
3. Danh tiếng
Người nổi tiếng luôn gây sự chú ý cho độc giả vì tò mò thường hiện hữu trong đa số. Thậm chí, một vài câu nói của người nổi tiếng sẽ làm tăng giá trị của bài báo.
4. Thời sự
Thông tin càng nhanh chóng, càng có giá trị. Các toà soạn luôn chạy đua nhau về tốc độ đưa tin.
Liệu bất cứ tin tức nào hay bài báo nào cũng phải đầy đủ 04 yếu tố kể trên ? Tất nhiên là không. Đây là 04 tính chất tối quan trọng giúp người làm báo lựa chọn và khai thác thông tin. Đặc thù công việc của Photojournalist luôn phải tiếp cận thông tin trực tiếp và không thể thông qua nguồn tin thứ ba. Các bài báo của họ đều phải có những bức ảnh mang tính diễn tả và minh chứng. Không tiếp cận trực tiếp thì lấy đâu ra ảnh ?
Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, danh từ Phóng viên Ảnh được sử dụng thường xuyên và nhầm lẫn với Photojournalist. Trên thực tế, đặc biệt ở báo chí Hoa Kỳ, tồn tại 2 dạng phóng viên chụp ảnh: Newspaper Photographer và Photojournalist.
Newspaper Photographer đơn thuần là người chụp ảnh cho báo, ai bảo đi chụp cái gì thì chụp cái đó hoặc thấy cái gì có khả năng đăng được thì chụp. Túm lại, công việc chính là chụp ảnh. Photojournalist thì hơi khác. Chụp ảnh là một phần quan trọng của công việc nhưng chỉ là một phần thôi.
Nhiệm vụ của các Photojournalist là xây dựng các bài báo có hình ảnh (Photojournal). Tỷ lệ giữa số lượng ảnh và số lượng chữ tuỳ thuộc vào từng bài báo. Đối với các Photojournalist, 4 yếu tố kể trên mang tính sống còn cho công việc của họ.
Theo Infonet
TIN LIÊN QUAN |
---|