Giải bài toán nâng hiệu quả sản xuất mía đường

17/04/2014 20:07

(Baonghean) - Với 3 nhà máy đường hoạt động hiện nay: Nhà máy đường Tate&Lyle, Nhà máy đường Sông Lam, Nhà máy đường Sông Con, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm sản xuất đường mía lớn nhất cả nước. Công nghiệp sản xuất mía đường đã tác động tích cực tới người dân trồng mía, tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các địa phương có các nhà máy đứng chân.

(Baonghean) - Với 3 nhà máy đường hoạt động hiện nay: Nhà máy đường Tate&Lyle, Nhà máy đường Sông Lam, Nhà máy đường Sông Con, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm sản xuất đường mía lớn nhất cả nước. Công nghiệp sản xuất mía đường đã tác động tích cực tới người dân trồng mía, tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các địa phương có các nhà máy đứng chân.

Hàng năm diện tích trồng mía của tỉnh biến động từ 26.000 ha – 32.000 ha, niên vụ 2013 – 2014 toàn tỉnh Nghệ An trồng được 28.000 ha mía nguyên liệu, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 55 tấn/ha. Tổng công suất thiết kế của cả 3 nhà máy hiện tại là 12.000 tấn mía cây/ngày. Với diện tích, năng suất mía trên cơ bản đáp ứng được nhu cầu chế biến của các nhà máy. Đối với các nhà máy đường trong cả nước thì việc có được vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng cho chế biến là niềm mơ ước. Với Nghệ An, để có được điều đó, ngành Mía đường đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chuyên môn, nỗ lực của các công ty chế biến mía đường, sự hưởng ứng của người dân trồng mía.

Mặc dù vậy, ngành sản xuất đường cả nước nói chung và sản xuất đường của Nghệ An đang còn gặp nhiều khó khăn. Năng suất mía đường thấp, người nông dân hầu như không có lãi. Theo đánh giá, sau khi trừ chi phí, người dân chỉ lãi 13.400.000 đồng/ha. Giá bán sản phẩm thấp, có những thời điểm bán thấp hơn giá thành sản xuất. Lượng đường tồn kho nhiều, chất lượng sản phẩm thấp hơn các nước, tiêu thụ đường ngay trên thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn. Nhìn sang các nước có ngành sản xuất đường phát triển như Trung Quốc, Thái Lan thậm chí ngay cả Lào, sản xuất mía đường so với sản xuất trong nước vẫn có nhiều điểm khác biệt.

Tại các nước trên, diện tích trồng mía được bố trí quy hoạch tại các vùng đất tốt, chủ động được nước tưới, giá vật tư, phân bón thấp nên chi phí cho sản xuất thấp hơn so với trong nước. Trong khi đó, năng suất mía đạt 100 – 120 tấn/ha, cao gấp 2,5 lần Việt Nam. Đối với công đoạn chế biến, chính phủ các nước đã có chương trình phát triển ngành chế biến mía đường theo hướng đầu tư thiết bị mới, đồng bộ, công nghệ hiện đại nên hiệu suất chế biến cao, chất lượng đường đảm bảo. Thực tế trong giai đoạn 1998 - 2002, nhiều doanh nghiệp chế biến đường trong nước đã nhập khẩu các dây chuyền thiết bị cũ, lạc hậu từ các nước Ấn Độ, Trung Quốc. Với lợi thế gần như tuyệt đối trong tất cả các khâu từ nguyên liệu, thiết bị, công nghệ sản xuất, mạng lưới kinh doanh… nên việc sản xuất đường các nước hiệu quả hơn sản xuất trong nước và sản phẩm đường của Việt Nam bị cạnh tranh ngay trên sân nhà là tất yếu.

Hiện nay Chính phủ đang áp hạn ngạch nhập khẩu đường đồng thời có những chính sách hỗ trợ ngành sản xuất đường trong nước nên các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước đang có chỗ đứng. Việc hội nhập ngày càng sâu, rộng vào thị trường thế giới thì việc cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước là không tránh khỏi. Đến lúc đó khó khăn cho doanh nghiệp trong nước sẽ tăng lên gấp bội. Xu thế chung các doanh nghiệp không đổi mới sẽ bị tụt hậu sau thậm chí sẽ bị đào thải. Vấn đề đặt ra là làm thể nào để nâng cao sức cạnh tranh của ngành sản xuất đường trong nước, để người nông dân trồng mía và cả các nhà sản xuất đường đều có lợi nhuận, đảm bảo đầu tư xã hội có hiệu quả. Để giải quyết được điều đó cần phải có chiến lược đầu tư đúng đắn trong các công đoạn nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với sản xuất nguyên liệu

Thu hoạch mía ở Tân Kỳ. Ảnh: Công Sáng
Thu hoạch mía ở Tân Kỳ. Ảnh: Công Sáng

Trong quy hoạch đất nông nghiệp thường ưu tiên đất phù sa, đất tốt, chủ động nước tưới để trồng lúa, màu nhằm đảm bảo an toàn lương thực. Đất vùng đồi, đất bán sơn địa, đất không chủ động nước tưới được quy hoạch để trồng cây công nghiệp, trong đó có cây mía. Việc tập trung sản xuất lúa đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới tuy nhiên thu nhập của người dân lại thấp, hiện tượng người dân bỏ ruộng nhiều. Tư duy hiện nay là tối đa hóa thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích. Vì vậy cần rà soát diện tích đất nông nghiệp hiện có, bố trí lại cây trồng phù hợp, với cây mía cần điều chỉnh quy hoạch theo hướng “hạ sơn cho cây mía”. Bố trí diện tích ít hiệu quả trong việc trồng lúa, trồng màu để bố trí trồng mía trên cơ sở so sánh giá trị lợi nhuận. Năng suất mía chỉ cần đạt 80 - 90 tấn/ha thì thu nhập của người dân cũng đã cao hơn so với trồng lúa hiện nay. Với diện tích đất đồi, đất bán sơn địa trồng mía không hiệu quả có thể chuyển đổi trồng cây khác phù hợp hơn.

Đối với khâu chế biến sản phẩm

Trong công đoạn chế biến, có thể nói các nhà máy chế biến đường của tỉnh có bề dày kinh nghiệm, Nhà máy đường Sông Con, Nhà máy đường Sông Lam có đội ngũ cán bộ công nhân lành nghề, hằng năm có nhiều sáng kiến khoa học cải tiến dây chuyền sản xuất được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá cao. Vấn đề của 2 nhà máy này là thiết bị cũ và không đồng bộ. Nhà máy đường Sông Lam được thành lập từ những thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Nhà máy đường Sông Con được lắp mới từ năm 2000 – 2001 nhưng thiết bị cũng không phải là tiên tiến, hiện đại và không đồng bộ. Mặc dù đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của 2 nhà máy trên được đánh giá cao nhưng lực bất tòng tâm. Nhà máy đường Tate&Lyle được xây dựng từ năm 1998, thiết bị đồng bộ, hiện đại vào loại nhất cả nước. Nhà máy này tự động hóa hầu như tất cả các công đoạn. Công ty lại áp dụng các chương trình quản lý chất lượng ISO, HACCP nên đội ngũ cán bộ công nhân viên vận hành chuyên nghiệp, tính kỷ luật rất cao.

Để sản xuất hiệu quả, sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp trong tỉnh cần có phương án đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ. Với những công nghệ sản xuất cũ, không phù hợp sản xuất sản phẩm kém hoặc thiếu tính cạnh tranh cần mạnh dạn loại bỏ, đầu tư thay thế. Doanh nghiệp chế biến đường trong tỉnh là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và trung bình nên việc đầu tư thay mới thiết bị tiên tiến, đồng bộ với công nghệ hiện đại gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cần phải xác định để sản xuất sản phẩm chất lượng, đạt hiệu quả sản xuất, sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường thì yếu tố thiết bị, công nghệ cần được chú trọng.

Khâu tiêu thụ sản phẩm

Mỗi đơn vị đều lựa chọn cho mình một cách thức tiêu thụ sản phẩm phù hợp, thông thường các đơn vị lựa chọn phương án bán cho các nhà phân phối. Các nhà phân phối sẽ thiết lập mạng lưới đại lý của mình để đưa sản phẩm ra thị trường. Nhà sản xuất sẽ tránh được chi phí kho bãi, xây dựng quầy bán sản phẩm, nuôi bộ máy nhân viên tiếp thị, bán sản phẩm… Mặc dù vậy, các nhà sản xuất không nên quan niệm sản phẩm ra khỏi nhà máy là hết trách nhiệm. Để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận thì chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố quan trọng. Chất lượng sản phẩm cần được quan tâm, bên cạnh đầu tư đổi mới công nghệ có thể áp dụng các chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm như ISO, HACCP… Thực tế cho thấy, sản phẩm của Nhà máy đường Tate&Lyle có tính cạnh tranh cao trên thị trường nhờ chất lượng, thương hiệu, giá bán thậm chí cao hơn 10 - 15% vẫn được người tiêu dùng chấp nhận. Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất cũng cần tính đến khả năng đa dạng hóa sản phẩm, tận thu phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tăng hiệu quả sản xuất.

Để các doanh nghiệp mía đường cả nước nói chung và doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng đứng vững và phát huy hiệu quả cần có sự quan tâm định hướng của cấp ủy đảng, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương hỗ trợ, chia sẻ của người dân và đặc biệt sự chủ động chính các doanh nghiệp chế biến đường mang yếu tố quyết định. Doanh nghiệp là đầu mối quan trọng trong liên kết 4 nhà, chủ động đề xuất cơ quan quản lý trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, liên kết chặt chẽ với người dân để đầu tư phát triển nguyên liệu đồng thời quyết định trong việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ. Doanh nghiệp cần đánh giá đúng thực tại, xác định hướng phát triển của đơn vị mình, xu thế phát triển của ngành mía đường cả nước trong quá trình hội nhập quốc tế để đề ra các biện pháp đúng đắn tạo sự phát triển ổn định và bền vững.

Thái Tuấn

Mới nhất
x
Giải bài toán nâng hiệu quả sản xuất mía đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO