'Giai điệu Quang Trung'
(Baonghean.vn) - Nếu bạn yêu một nơi chốn nào đó, dù nó chỉ là cát, đá, sỏi thì bạn cũng có thể nghe được âm thanh nơi đấy. Nó không phải xuất phát từ những vật phát ra âm thanh mà nó bắt đầu từ chính trái tim bạn. Khu nhà tầng ấy, mỗi công dân đã từng gắn bó với khu Quang Trung đều có riêng cho mình một giai điệu, tôi gọi nó là giai điệu Quang Trung.
Gặp nhau đầu hạ ở Hà Nội, tôi viết lên tờ giấy nhỏ và chuyển cho 3 người. “Giai điệu mà bạn nhớ nhất khi sống ở Quang Trung là gì?”. Minh Ngọc, giờ đã là chuyên gia CNTT của Tổng cục Thuế nhưng với chúng tôi, anh là cậu bé nhà B5, sinh sống theo bố là giáo viên Khối chuyên Toán, Đại học sư phạm Vinh, thầy giáo Nguyễn Đình Nhân (em ruột cố Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ). Ngọc chậm rãi:
- Sau biến cố tháng 2 năm 1979, trên nóc nhà B5 có một cái còi tầm. Mỗi ngày 3 lần, đều đặn lúc 6 giờ 30, 13 giờ 30 và 17 giờ đều cất lên 3 hồi còi. Ngày ấy, nhiều nhà chưa có đồng hồ, tiếng còi tầm để bố, mẹ đến trường đi dạy, để bọn tôi chuẩn bị đi học chiều. Âm thanh ấy lặp đi, lặp lại mãi ngày này qua tháng khác và trở nên thân quen với người dân thành phố lúc đó. Sinh hoạt của khu nhà tầng phụ thuộc nhiều vào giai điệu ấy, để rồi khi nhớ lại về những năm tháng sống ở B5, tôi lại nhớ đến tiếng còi tầm.
Ảnh minh họa. |
Câu chuyện của Ngọc khiến tôi nhớ lại, sau năm 1982, Thành đội Vinh không còn sử dụng còi nữa. Có một dạo không hiểu ai mách nước mà người của Xí nghiệp Đầu máy Vinh lại tháo về đưa lên lắp ở khu vực Ga Vinh. Được vài hôm, Thành đội Vinh phát hiện và cho người lên lập biên bản thu giữ, tiếng còi tầm cũng đi vào dĩ vãng của những công dân thành phố những năm 198X.
**
Chị Ngọc Giao, Giám đốc Tài chính NTT Data VietNam lại nhớ nhiều đến âm thanh “bánh mì, bánh mì nóng hổi, vừa thổi, vừa ăn đâ…ây….ai, bánh mì đây…”. Nói đến những năm đầu 198x, là nói đến cuộc sống một thời khốn khó. Cô bé Ngọc Giao còn mới bắt đầu cắp sách tới trường, quà sáng là bát cơm nguội mẹ phần chiều qua, là bát khoai xéo ăn vào nóng khé nơi cuống họng. Hôm nào, ba mẹ có lương đầu tháng, hào phóng cho phép mấy đứa con, mỗi đứa một chiếc bánh mì nóng hổi của các lò mì nằm trong những con ngõ chằng chịt của Tiểu khu Lê Mao thì thích phải biết.
Ảnh minh họa. |
Ngọc Giao tâm sự: “Khi làm công ty nước ngoài, bánh mì là món ăn thông dụng hàng ngày của chúng tôi, nhưng giai điệu rao bánh ấy đã đi theo tôi suốt cả năm tháng cuộc đời”.
Chị cho biết, không phải chỉ mình tôi đâu nhé, sau này có điều kiện gặp lại bạn bè cùng thời sống ở nhà tầng Quang Trung, bọn chúng đều xuýt xoa có được một lần ăn cái bánh mì nóng giòn ấy, được nghe lại tiếng rao của những người phụ nữ bán rong “bánh mì, bánh mì nóng hổi, vừa thổi, vừa ăn đâ…ây….ai, bánh mì đây…”.
Bánh mì nhỏ, vỏ nóng giòn, ruột xốp thơm lừng. Những đứa trẻ nằm trong chăn trên gác cao, nghe giai điệu rao bánh mỗi buổi sớm mai, không kịp đánh răng, chạy vội cầu thang xuống đất như sợ người ta đi mất. Mỗi tháng, cũng chỉ được ăn bánh mì nóng bé tí ấy 1-2 lần nên bọn trẻ cứ bấm ngón tay tính, để xem bao giờ lại được gặm nhấm niềm vui ấy.
**
Vô tình, tôi gặp lại anh Lê Văn Phúc, đang công tác tại Bưu Điện Nghệ An. Đây cũng là những khuôn mặt sống cùng năm tháng tại khu nhà cao tầng. Rất ngạc nhiên khi Phúc lại nhớ đến âm thanh “chạt…chạt…chạt” một thời của Quang Trung ngày ấy.
Những "bóc lạc viên" nổi tiếng một thời của nhà tầng Quang Trung. |
Những năm ấy, Ngoại thương Nghệ An kiếm được hợp đồng xuất khẩu lạc nhân sang Đông Âu, giá khoảng 460 USD/tấn. Thế là người ta huy động thu mua lạc vỏ của Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Nam Đàn… rồi về thuê nhân công bóc. Thành phố ưu tiên cho “dân Quang Trung” được đi làm dịch vụ bóc lạc, kho giao nhận nằm tận ngoài Ga Vinh. Bóc lạc, vừa có tiền công, thừa thì có cái mà ăn, vỏ lạc để đun nấu, tiện tứ bề nên nhà nào có trẻ con đều xung phong nhận bóc lạc.
Ban đầu, người ta dập củ lạc xuống nền bê tông nên có âm thanh “chạt…chạt…chạt”, rộng ràng khắp từ nhà này, qua nhà khác, từ khu này qua khu khác. Mỗi ngày, mỗi đứa trẻ bị khoán độ 2 yến lạc vỏ, xong việc mới được đi chơi. Mùa hè, khi học sinh nghỉ học thì cả khu nhà tầng như một công trường bóc lạc, vui đáo để.
Phúc là một trong những “kỷ lục gia” của khu Quang Trung về khoản bóc lạc, nghe bảo có ngày anh bóc được trên 4 yến. Một kỷ lục, rất kỷ lục. Sau này, người ta cải tiến, làm 2 thanh tre, nối giữa là miếng cao su để kẹp lạc, năng suất tăng lên rất nhiều. Nhưng một thời mưu sinh và âm thanh vui, rộn ràng ấy đã đi vào ký ức những đứa trẻ, mùa hè bóc lạc kiếm tiền học.
**
Với mỗi người, sẽ có một cảm nhận về giai điệu cuộc sống quanh mình khác nhau. Đó có thể là tiếng gà gáy sớm mai, là tiếng trẻ ê a học bài….Năm tháng dần trôi, có những giai điệu âm thanh không bao giờ còn trở lại, nhưng không phải vì vậy mà người ta sẽ lãng quên nó. Giai điệu Quang Trung cũng vậy, sống mãi trong ký ức chúng tôi vì nó là một phần của cuộc đời mình.
AT