Giải mã “lòng tốt chiến lược” của Trump với Nga

Lan Hạ 11/08/2018 11:00

(Baonghean.vn) - Các biện pháp trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Nga cho thấy “lòng tốt chiến lược” của ông không phải là dấu hiệu của sự mềm yếu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh gặp Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tổng thống Trump đã có hành động mạnh mẽ để chứng tỏ rằng những cáo buộc của những người chỉ trích ông - rằng ông quá gần gũi với Nga và Tổng thống Vladimir Putin - là ngu xuẩn.

Ngày 8/8, chính quyền Trump tuyên bố sẽ áp đặt các đòn trừng phạt thương mại cứng rắn đối với Nga nhằm đáp lại vụ đầu độc được cho là âm mưu sát hại cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái của người này ở Anh. Những biện pháp trừng phạt mới này của Mỹ, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8 tới, sẽ cấm các công ty Mỹ có ý định xuất khẩu công nghệ và các thiết bị ứng dụng an ninh quốc gia khác cho các công ty có vốn hoặc được sở hữu bởi chính phủ Nga.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ các biện pháp trừng phạt này có thể ảnh hưởng tới 70% nền kinh tế Nga và 40% lực lượng lao động.

Liên quan vấn đề này, Tân Hoa Xã ngày 9/8 bình luận các biện pháp trừng phạt mới này có thể phủ bóng hy vọng mong manh về cải thiện quan hệ Mỹ-Nga sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin ở thủ đô Helsinki (Phần Lan) hồi tháng 7.

Hãng này dẫn nhận định của Vladimir Vasilyev từ Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada cho rằng, động thái này của Washington đồng nghĩa với việc hai nước đang “trượt vào một cuộc chiến kinh tế” và quan hệ song phương đang tiến tới “mức không thể vãn hồi”.

Theo nhà khoa học chính trị Nga Yevgeny Minchenko, điều quan trọng đối với giới chức Mỹ là họ cần chứng minh họ cứng rắn hơn với Nga so với chính quyền Obama.

Trump ép Nga tới đường cùng?

Cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin ở thủ đô Helsinki (Phần Lan) hồi tháng 7. Ảnh: Getty
Cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin ở thủ đô Helsinki (Phần Lan) hồi tháng 7. Ảnh: Getty

Nhằm chứng tỏ chính quyền Trump không hề sợ đối đầu với Nga khi cần, một quan chức cấp cao Nhà Trắng chia sẻ với Foxnews: “Đối với bất kỳ ai nghĩ rằng chính quyền này yếu mềm đối với Nga thì tôi sẽ nói thế này: hãy nhìn vào những gì chúng tôi đã làm, hãy nhìn vào hành động của chúng tôi… Chính quyền này thực sự đang sử dụng chính sách của Reagan khi cần kiểm soát Moskva”.


Foxnews bình luận: các biện pháp trừng phạt mới này cho thấy Trump sẽ không trao cho Putin “tấm thẻ xanh” vì những hành động không thể dung thứ.

Tin tốt lành ở đây là Mỹ giờ biết cách đối phó với giới lãnh đạo của một nước Nga ngạo mạn: không chịu nhún và kiềm chế những cơn thịnh nộ gay gắt nhất của họ cho đến khi họ cảm thấy đủ tổn hại thì mới thôi. Điều này có tác dụng với chính quyền Reagan và giờ sẽ có tác dụng với chính quyền Trump.

Các biện pháp trừng phạt mới này cần được nhìn nhận là một phần của sự chuyển dịch chính sách quy mô lớn hơn nhằm đảo bảo rằng Nga thực sự hiểu được rằng nước này sẽ phải trả giá đắt bất kỳ lúc nào nước này muốn tấn công phương Tây, các đồng minh NATO, hoặc bất kỳ đối tác nào của Mỹ.

Nếu ai từng nghiên cứu lịch sử thì chính sách này vốn từng được biết đến là chính sách kiềm chế đối với Liên Xô trong suốt những năm Chiến tranh Lạnh. Hiện giờ, nhờ Trump mà chính sách này “gõ đầu” Putin.

Nếu mọi người để ý sẽ thấy rất nhiều minh chứng cho thấy chính quyền Trump đã thực hiện nhiều hành động mạnh tay. Trước hết, Trump và ê-kíp của mình đã “dọn dẹp” những gì chính quyền Obama để lại liên quan vấn đề Ukraine.

Nếu như Obama lưỡng lự, do dự, nói nước đôi và nghiền ngẫm vấn đề song không thực hiện hành động nào hiệu quả thì Trump lại đang hành động đúng đắn khi cung cấp vũ khí cho Ukraine - điều đáng lẽ ra phải được thực hiện từ nhiều năm trước.

Cũng đừng ngạc nhiên nếu Trump thúc đẩy Ukraine trở thành thành viên của NATO – điều mà Nga coi là cơn ác mộng tồi tệ nhất. Tiếp đó, nếu có ý kiến công kích Trump vì đã chỉ trích các thành viên NATO về mức chi tiêu quốc phòng vì chính mục tiêu phòng thủ của họ, thì liên minh này giờ đây đang tăng dần quy mô ngân sách cũng như năng lực tổng thể của mình là nhờ Trump yêu cầu họ làm như vậy để đối phó với Nga.

Nếu một ngày nào đó, các nước NATO phải hạ gục “gấu Nga” ở Baltic, Biển Đen hoặc ở đâu đó thì họ sẽ phải có “vũ khí” để ngăn chặn và đánh bại bất kỳ hành động hiếu chiến nào của Nga. Và tất cả đều là do Trump đã yêu cầu họ không được “ăn bám” vào “Chú Sam” (tức Mỹ).

Còn đối với vấn đề Syria, Trump đã chứng minh rằng ông sẽ không cho phép các đồng minh do Nga chống lưng có thể thoát tội giết người hàng loạt. Khi Tổng thống Syria Bashar al-Asad dùng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường, Trump đã không bỏ qua, mà lệnh oanh kích để buộc Assad phải trả giá.

Mâu thuẫn ngay trong nội bộ Mỹ về chính sách với Nga

Tuy nhiên, công bằng mà nói, đúng là ê kíp Trump đối với Nga đôi khi khiến các thành viên nhóm định hình chính sách đối ngoại ở Washington không kiềm chế nổi sự bực tức. Dù đúng hay sai, Trump thích nịnh bợ lực lượng đối địch, lúc thì ca ngợi họ, lúc thì nói như “rót mật vào tai”. Thế nhưng, có đúng là đến thời điểm này, chính sách của Trump đối với Nga vẫn chưa rõ ràng?

Các chính trị gia định hình chính sách đối ngoại cần hiểu rằng Trump có thể tươi cười với đối thủ của Mỹ đồng thời vẫn “ra tay” để hủy hoại đối thủ và theo đuổi các lợi ích quốc gia.

Không nên sai lầm khi cho rằng sự nịnh bợ là yếu kém. Nghệ thuật của chính sách đối ngoại thông minh là việc hiểu ra rằng bạn cần phải làm việc với giới lãnh đạo độc tài và bạo chúa mà bạn không ưa.

Trump có thể không có tấm bằng tiến sĩ về khoa học chính trị từ Đại học Harvard, song ông biết cần làm gì với những người mà chẳng ai thích hoặc tôn trọng.

Theo Theo Fox News, THX
Copy Link
Giải mã “lòng tốt chiến lược” của Trump với Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO