Giải pháp bền vững cho khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại Thanh Chương
Vấn đề thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói mùa giáp hạt, cùng những khác biệt về văn hóa tại khu tái định cư (TĐC) thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương đã trở thành một vấn đề nóng. Tình trạng người dân chuyển về ở chưa lâu đã trở lại quê cũ làm ăn diễn ra ngày một nhiều. Vì thế một giải pháp bền vững là điều hết sức cần thiết, góp phần ổn định tình hình trên địa bàn khu vực TĐC hiện nay.
(Baonghean) - Vấn đề thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói mùa giáp hạt, cùng những khác biệt về văn hóa tại khu tái định cư (TĐC) thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương đã trở thành một vấn đề nóng. Tình trạng người dân chuyển về ở chưa lâu đã trở lại quê cũ làm ăn diễn ra ngày một nhiều. Vì thế một giải pháp bền vững là điều hết sức cần thiết, góp phần ổn định tình hình trên địa bàn khu vực TĐC hiện nay.
Những vấn đề nảy sinh nơi ở mới
Khu TĐC thủy điện Bản Vẽ được xây dựng từ cuối năm 2005 tại 14 điểm thuộc 4 xã Hạnh Liên, Thanh Mỹ, Thanh Hương và Thanh Thịnh của huyện Thanh Chương, trên diện tích 8.641 ha nhằm phục vụ cho cho 2.282 gia đình nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương. Tại đây, sau khi hầu hết các hộ đã chuyển đến nơi ở mới và được tập trung phần lớn tại 2 xã mới thành lập là Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Tuy nhiên, dù là nơi ở mới được xây dựng khang trang, nhưng những khác biệt về văn hóa truyền thống của các nhóm cư dân mới cùng những khó khăn về việc sản xuất, nguồn nước sạch... đã khiến cho việc "an cư, lạc nghiệp" của bà con nơi đây gặp không ít khó khăn.
Có mặt tại xã mới Ngọc Lâm thuộc khu TĐC thủy điện Bản Vẽ vào trung tuần tháng sáu, khi cái nắng hè miền Trung bước vào độ gay gắt nhất, chúng tôi càng thấu hiểu hơn những khó khăn mà bà con nơi đây đang phải đối mặt. Đó là nguồn nước thiếu, lương thực thiếu và xa hơn là cả những định hướng phát triển giúp người dân có thể ổn định lâu dài trên mảnh đất mới cũng đang rất mờ nhạt.
Bể đựng nước sinh hoạt bị bỏ hoang...
Khiến người dân phải xuống vùng trũng đào giếng tạm lấy nước.
Ông Trương Xuân Tờn, trưởng bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm cho biết: Bản được di dời về đây từ năm 2009 trên cơ sở toàn bộ dân cư của bản Kim Hồng, xã Kim Tiến, huyện Tương Dương. Do thiếu đất sản xuất nên hiện nay cả bản có 103 hộ/438 nhân khẩu (dân tộc Thái) thì đã có đến 101 hộ thuộc diện đói nghèo, thiếu ăn. Chính vì thế mà đã có 5 hộ bán nhà trở lại hẳn quê cũ làm ăn, và 176 người/65 hộ cũng đã đã đóng cửa nhà lên đường về quê cũ phát nương, làm rẫy để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
Được biết, theo tiêu chuẩn của dự án thủy điện Bản Vẽ, khi về ở tại khu TĐC mỗi gia đình được chia 1.000m2 đất vườn cùng đất ở và từ 1-1,5ha đất sản xuất, nhưng mấy năm nay, do việc chuyển xuống khu TĐC không phải được tiến hành cùng một lúc mà rải rác nhiều đợt. Trong khi việc phân chia ranh giới không được thực hiện một cách dứt khoát nên xuất hiện tình trạng những hộ về trước lấn chiếm đất của hộ về sau, người dân địa phương lấn chiếm đất của người tái định cư, thành thử những người về trước có nhiều đất người về sau thiếu đất để sản xuất. Vì thế mà dù đã ăn hết số gạo trợ cấp của dự án chia cho mỗi người 30kg/tháng trong vòng 3 năm (mỗi năm trợ cấp 4 tháng), mà người dân vẫn chưa biết phải làm gì để sống tiếp.
Dẫn chúng tôi đến thăm nhà 2 anh em Vi Văn Kèo (24 tuổi) và Vi Thị Lợi (18 tuổi), tại bản Kim Hồng, trưởng bản Trương Xuân Tờn đã không khỏi lo lắng thay cho hai anh em Kèo, khi bố mẹ thì đã mất, căn nhà được cấp thì có vẻ khang trang nhưng chẳng có gì đáng giá. Cũng như nhiều hộ khác trong bản, vì xuống sau nên phải chấp nhận cảnh không ruộng, hàng ngày 2 anh em đang phải đi làm thuê cho các gia đình ở bản khác để kiếm sống.
Không có việc làm đa số đàn ông ra đường .... ngắm người qua lại.
Nếu như thiếu gạo ăn, người dân có thể rau cháo qua ngày, thế nhưng tại khu TĐC này, một vấn đề nghiêm trọng không kém đó là nước sạch cho bà con nhân dân. Như tại bản Kim Hồng, dù có tới 6 bể nước tự chảy, dự tính có thể cung cấp nước sạch quanh năm cho người dân, nhưng đến nay, khi nguồn nước ở các khe suối đều cạn kiệt thì các bể nước cũng bỏ không. Người dân đành phải xuống các vùng trũng đào hố lấy nước về dùng tạm.
Ông Lô Hoài Dung, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho rằng: Thiếu đất sản xuất và không có nước sạch để dùng đang là tình trạng chung của xã hiện nay. Với 14 bản/1.343 hộ và 5.638 nhân khẩu, nhưng hiện nay chỉ mới có 6 bản được chia đất sản xuất. Chúng tôi đã kiến nghị với huyện, tỉnh, và Ban quản lý Dự án thuỷ điện 2 rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chính việc thiếu đất sản xuất đã dẫn đến việc thiếu công ăn việc làm khiến cho tệ nạn xã hội nảy sinh, mà rõ nhất là tệ nạn ma tuý. Hiện nay, toàn xã có 92 con nghiện, và tính từ năm 2006 đã có gần 40 người chết vì HIV.
Nhiều gia đình đã dỡ nhà trở về quê cũ.
Cần một giải pháp bền vững, lâu dài
Có thể thấy rằng, việc thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, có thể được giải quyết bằng việc quy hoạch đất đai, khoan giếng lấy nước. Nhưng điều quan trọng nhất đối với đồng bào dân tộc, vốn đã quá quen thuộc với cuộc sống nương rẫy, nay xuống ở vùng thấp, đó chính là một định hướng nghề nghiệp giúp họ phát triển lâu dài.
Theo chúng tôi, dù việc canh tác nông nghiệp của người dân có phần khó khăn khi diện tích đất sản xuất hạn hẹp, thì các ngành chức năng có thể tìm một hướng đi mới bằng các loại cây trồng khác đem lại thu nhập cho người dân, trong đó có một số loại cây phù hợp thổ nhưỡng ở Thanh Chương, như một số loại cây công nghiệp, cây ăn quả: chè, sắn, cam, chanh; chăn nuôi một số loại gia súc, gia cầm...
Đối với bà con dân tộc, mới chuyển xuống nơi ở mới, việc yêu cầu họ từ bỏ những thói quen sinh hoạt, thói quen canh tác từ lâu đời vốn đã thành những kỹ năng, để hoà nhập với cuộc sống không nhà sàn, không nương rẫy là điều không thể. Chính vì vậy, cần phải giúp bà con từng bước hoà nhập với môi trường sống mới, giúp đỡ bà con phát triển các nghề thủ công, ngoài các nghề truyền thống của dân tộc họ, có thể đem một số nghề mới truyền dạy, để họ nâng cao thu nhập vào kỳ nông nhàn, nâng cao đời sống cho bà con.
Quảng An