Giải pháp nào cho doanh nghiệp vận tải biển?

05/08/2014 09:14

(Baonghean) - Những năm qua, do kinh tế thế giới suy thoái, vận chuyển hàng hoá suy giảm mạnh, khiến ngành vận tải biển gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển Nghệ An làm ăn thua lỗ phải bán phương tiện do thu không đủ bù chi, không ít doanh nghiệp đã tìm giải pháp xoay trở sang ngành nghề khác để tồn tại.

Công ty CP Vận tải công nghiệp tàu thuỷ Nghệ An Vinashin là một ví dụ. Tiền thân là Công ty sông biển Nghệ Tĩnh với năng lực hoạt động khá mạnh, giai đoạn từ năm 1990 trở về trước, công ty có gần 100 tàu vận tải sông biển các loại, công suất từ 50 - 4.100 tấn. Tàu công suất lớn thường xuyên chạy Viễn Dương, còn lại những tàu nhỏ chạy nội địa và Trung Quốc. Đến năm 1991 chia tách tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đồng thời chia phương tiện cho Công ty sông biển Hà Tĩnh. Từ năm 2008 trở về trước, nền kinh tế thế giới phát triển nóng, hàng xuất nhập khẩu nhiều, hàng lưu thông mạnh, các địa phương thi nhau đóng tàu phục vụ vận tải đường sông biển. Đến cuối năm 2008, nền kinh tế thế giới suy thoái, lượng hàng hoá luân chuyển giữa các vùng, các nước giảm mạnh. Giá nhiên liệu luôn biến động tăng, chi phí về nhân công cao, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện lớn, giá cước vận tải lại giảm, dẫn đến doanh nghiệp vận tải đường biển thua lỗ. Công ty sông biển Nghệ An cùng chung hoàn cảnh đó, phương tiện xuống cấp phải thanh lý. Cùng với đó là nhu cầu vận tải biển ngày càng ít dần, Công ty dần co hẹp mảng vận tải sông biển, đến nay chỉ còn duy nhất 1 tàu trọng tải gần 5.500 tấn, vừa tự khai thác vừa cho thuê. Theo lãnh đạo công ty này cho biết, tuy chỉ còn 1 tàu nhưng hoạt động vẫn thua lỗ, do vận tải sông biển là ngành chính của đơn vị nên phải duy trì. Doanh nghiệp nguồn tài chính ít, chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng để hoạt động, trong khi lãi suất cao, dẫn đến tổng lợi nhuận thu lại hầu như không có, thậm chí “âm” nhiều năm nay, lỗ từ năm 2009 đến nay. Để tồn tại, công ty phát triển đa ngành nghề, trong đó có đào tạo lái xe và các nghề khác.

Tàu vận tải biển bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cửa Lò.
Tàu vận tải biển bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cửa Lò.

Công ty CP Vận tải biển và thương mại Trường Thành là một trong số ít doanh nghiệp vận tải sông biển hiện có nhiều phương tiện hoạt động khá sôi nổi trên địa bàn tỉnh, nhưng riêng tàu vận tải biển cũng nằm trong tình trạng chung là hoạt động không hiệu quả. Chị Hoàng Thị Quỳnh – kế toán công ty chia sẻ: Doanh nghiệp hiện có khoảng 50 phương tiện, gồm tàu vận tải trong nước, xà lan, tàu kéo. Trong đó, 1 tàu vận tải trong nước có trọng tải 1.000 tấn, hiện vận tải duy trì bởi hoạt động không có hiệu quả do cước vận tải thấp, hàng hoá ít, hơn nữa cũng khó cạnh tranh với nhiều đơn vị vận tải biển khác trong nước. Riêng tàu này hoạt động thua lỗ, trước đây đơn vị có 3 tàu chuyên vận tải sông biển Bắc - Nam, nhưng hoạt động không hiệu quả, phải bán 2 tàu, nay chỉ còn 1 tàu chủ yếu chở xi măng, sắt thép, phân bón, gạo vận chuyển trong nước. Còn lại hàng chục xà lan, tàu kéo cho thuê phục vụ thi công công trình khắp cả nước, hoạt động này là nguồn thu chính cho doanh nghiệp và bù đắp lỗ cho tàu vận tải biển. Song hiện cũng khó lấy được tiền, nhiều đơn vị nợ tiền thuê phương tiện kéo dài, doanh nghiệp rất khó thanh toán nợ do các đơn vị ngành xây dựng gặp khó khăn không thanh toán được tiền công trình, kéo theo khó khăn cho doanh nghiệp cho thuê phương tiện. Thực tế hiện nay nhu cầu khách thuê phương tiện nhiều, song khó nhất là khả năng thanh toán nợ của các đơn vị có nhu cầu thuê rất yếu, nên doanh nghiệp có phương tiện cho thuê cũng không mấy mặn mà.

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp vận tải biển trong tỉnh hiện nay. Sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới, khiến nhiều doanh nghiệp vận tải biển đối mặt với tình trạng phá sản. Do tác động chung của hoạt động hàng hải- thương mại thế giới, và những khó khăn như giá cước vận tải giảm, giá nhiên liệu tăng,... do đó phần lớn các doanh nghiệp vận tải biển đều có lợi nhuận thấp và gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Nổi cộm nhất là tình trạng khan hiếm nguồn hàng, không ít phương tiện chỉ vận tải hàng một chiều hoặc chạy “rỗng”, nhiều tuyến phải đỗ dài ngày do thiếu hàng chuyên chở. Dẫn đến thu không đủ bù chi phí, riêng chi phí trả lãi vốn vay ngân hàng có thời điểm lãi suất vay lên tới trên 20%/năm. Nhiều doanh nghiệp bị nợ quá hạn kéo dài, nguy cơ dẫn đến phá sản…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nhất Thành – Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải biển và thương mại Trường Thành cho rằng, chúng ta có lợi thế về biển nhưng lại không khai thác được hiệu quả, nhiều năm qua lực lượng tàu thuyền vận tải biển từ Bắc vào Nam đều thua lỗ do nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của suy thoái kinh tế chung, nhu cầu vận tải biển suy giảm, năng lực tàu và hạ tầng cảng biển còn hạn chế; thủ tục ra – vào cảng mất nhiều thời gian; thiếu đội ngũ thuyền viên lành nghề nên doanh nghiệp rất khó tìm được lao động giỏi. Hơn nữa, vùng miền ta tuyến sông không có, theo tôi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải biển hiện nay là cần cho thông tuyến biển, đối với tàu S1, S2 (theo quy định chỉ được chạy sông) nên cho chuyển thành tàu SB cho chạy ra biển, như vậy sẽ giảm được nhiều chi phí cho vận tải biển bởi giá thấp hơn. Mới đây, do vận tải đường bộ căng thẳng, quá tải, Bộ Giao thông Vận tải quyết định cho thông tuyến sông – biển từ Quảng Ninh – Quảng Bình. Như vậy sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp vận tải biển khôi phục lại năng lực hoạt động hiệu quả hơn.

Tháng 7/2014, Cảng vụ hàng hải Nghệ An đã tổ chức buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải trong khu vực Nghệ An để trao đổi và tổng hợp những ý kiến mà các doanh nghiệp đề xuất đang gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp đề nghị thực hiện nạo vét tuyến Cửa Hội - Bến Thủy đạt độ sâu thiết kế phục vụ cho các tàu ra vào khu vực cảng Xuân Hải (Hà Tĩnh), cảng dầu Hưng Hòa và cảng Bến Thủy (Nghệ An) thuận tiện. Hiện nay, tại cảng Cửa Lò do sự hạn chế về cốt luồng (chỉ đạt âm 5,5m) nên các tàu lớn ra, vào cảng phải phụ thuộc vào thủy triều gây khó khăn lớn cho các chủ tàu và đại lý, đề nghị nạo vét luồng Cửa Lò đạt độ sâu ít nhất là -7,5m để đảm bảo cho tàu ra, vào. Trên thực tế, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Cửa Lò hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, xu thế các chủ hàng thuê tàu vận tải có trọng tải lớn trên 10.000 DWT. Do vậy Cục Hàng hải Việt Nam cần quan tâm sớm triển khai nạo vét tuyến luồng tàu vào cảng Cửa Lò. Đồng thời, khẩn trương xây dựng bến cá cho các thuyền cá ngư dân tại khu vực Cửa Lò neo đậu để tránh tình trạng tàu cá neo đậu, cập cầu, cập mạn chiếm cầu cảng Cửa Lò gây mất an toàn, an ninh hàng hải.; hệ thống khai báo và cấp phép qua mạng điện tử chưa đồng bộ trên tất cả các cảng biển toàn quốc nên không thống nhất trong vấn đề tiếp nhận thủ tục tại các cảng khác nhau. hệ thống khai báo và cấp phép qua mạng chưa có hiệu quả cao trong thực tế và các đại lý vẫn phải thực hiện theo phương thức truyền thống. Các cảng biển cần nâng cao hiệu quả xếp, dỡ hàng hóa để rút ngắn thời gian làm hàng.

Đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, các doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh ở thị trường lớn hơn. Các chủ hàng sẽ có được nhiều lựa chọn với chi phí thấp, chất lượng tốt từ các công ty nước ngoài. Thế nhưng, đa số doanh nghiệp vận tải biển tỉnh ta đều có quy mô nhỏ, dịch vụ kém sẽ rất khó cạnh tranh thị trường. Vì thế, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng năng lực nội tại của mình để đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hơn nữa, các ngành, cơ quan chức năng liên quan cần có cơ chế thông thoáng, rút ngắn thời gian làm thủ tục ra - vào cảng, nâng năng lực hạ tầng cảng biển, phát triển đồng bộ ngành hàng hải, có như vậy ngành vận tải biển mới phát huy tốt lợi thế của mình.

Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Giải pháp nào cho doanh nghiệp vận tải biển?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO