Giải pháp nào cho tình trạng quá tải ở các bệnh viện?
(Baonghean) - Một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay của ngành Y tế là tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên, kéo theo nhiều hệ lụy khiến người dân bức xúc. Đây cũng là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị lên Hội đồng nhân dân tỉnh.
(Baonghean) - Một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay của ngành Y tế là tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên, kéo theo nhiều hệ lụy khiến người dân bức xúc. Đây cũng là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị lên Hội đồng nhân dân tỉnh.
Có mặt tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, đập vào mắt chúng tôi là cảnh hàng trăm bệnh nhân và người nhà đang chen nhau chờ đến lượt khám. Ngay cả hành lang bệnh viện cũng biến thành phòng bệnh với hàng chục giường kê sát nhau, bệnh nhân nằm ngồi la liệt, người đi bộ chỉ còn cách lách qua các giường mới có thể đi qua. Bệnh nhân Hoàng Thị Thương ở Nam Thái (Nam Đàn) đã mổ u trực tràng cách đây 5 tháng, hiện nay tháng 2 lần, bà phải chuyền xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu, mỗi lần khoảng 10 ngày, nhưng chưa lần nào được nằm trong phòng bệnh đúng nghĩa mà phải nằm ở giường bệnh được kê thêm ở sân, ở hành lang, ở khu nhà xe mới cải tạo của bệnh viện. Theo bà Thương “được nằm một mình một giường đã là may, có khi đông phải 2 - 3 bệnh nhân một giường”. Tình trạng này xảy ra thường ngày ở Bệnh viện Ung bướu, khi mà tình trạng quá tải ở đây đã lên trên 300%. Bác sỹ Nguyễn Quang Trung - Giám đốc bệnh viện cho biết: “Ngay từ khi đi vào hoạt động (8/2011) với qui mô 50 giường bệnh, bệnh viện luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải. Trước tình hình đó, đầu năm 2012, UBND tỉnh đã có quyết định cho bệnh viện tăng thêm 60 giường với việc xây dựng hệ thống nhà kỹ thuật nghiệp vụ 3 tầng. Thế nhưng, tình trạng quá tải vẫn không giảm mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Quy mô 110 giường nhưng hiện nay luôn có ít nhất 350 bệnh nhân nội trú”.
Bệnh viện Ung bướu dùng cả nhà xe để làm nơi điều trị nội trú.
Còn ở Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, việc bệnh nhân đứng xếp hàng từ 4h sáng để chờ khám cũng không phải là chuyện lạ. Theo bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn - Giám đốc bệnh viện thì bình quân 1 tháng có 1.000 bệnh nhân khám chữa bệnh nội tiết. Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải: 250 bệnh nhân nội trú trên chỉ tiêu 120-150 giường bệnh… “Chúng tôi cũng đã cố cơi nới hết sức nhưng vẫn không đáp ứng đủ so với nhu cầu bệnh nhân. Cách duy nhất là chờ Bệnh viện Mắt chuyển đến cơ sở mới, lấy cơ sở hiện tại của Bệnh viện Mắt để nâng cấp, mở rộng”. Còn lãnh đạo Bệnh viện Nhi Nghệ An cho hay: Thời điểm năm 2006, mỗi ngày bệnh viện chỉ khám 200 bệnh nhân nhưng đến năm 2012 số lượng bệnh nhân đến khám lên đến con số 700. Số lượng bệnh nhân nội trú năm 2006 là 200 bệnh nhân nay thường xuyên dao động từ 450-500, trong khi Nhà nước giao chỉ tiêu 300 giường bệnh (thực kê 460 giường) nên cũng có những thời điểm quá tải. Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Việc quá tải kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) và bức xúc trong dư luận nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đăng Hảo - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc quá tải hiện nay là có thực và không chỉ ở các bệnh viện tuyến tỉnh mà diễn ra ở cả một số bệnh viện tuyến huyện. Theo số liệu thống kê, những năm gần đây, nhiều đơn vị y tế công suất sử dụng giường bệnh từ 100-150% thậm chí 200% như Bệnh viện Ung bướu (trong khi theo quy định của ngành Y tế công suất sử dụng giường bệnh từ 90-95%). Nguyên nhân do hiện tượng bệnh tật diễn biến phức tạp, mô hình bệnh tật đã có nhiều thay đổi với đặc trưng các bệnh mãn tính chi phí điều trị cao, điều trị kéo dài làm tăng số lượt KCB của nhân dân gây quá tải cho bệnh viện. Điển hình như bệnh liên quan đến ung thư, trung bình mỗi năm Nghệ An xuất hiện mới từ 4.500-5.000 bệnh nhân, còn các bệnh liên quan đến nội tiết thì cứ 1 năm toàn tỉnh tăng mới khoảng 12 nghìn bệnh nhân… Thêm vào đó, đời sống của người dân được nâng cao nên nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe đã nâng lên; điều kiện giao thông cũng như thông tin thuận lợi hơn nên người dân dễ dàng đến được nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vừa thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn, kỹ thuật nên không tạo được sự tin tưởng đối với người bệnh. Mặt khác, những năm gần đây, một số bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu đã quan tâm đầu tư trang thiết bị cũng như đào tạo nhân lực, xử lý được nhiều ca đòi hỏi kỹ thuật cao, tâm lý của người bệnh lại luôn coi trọng uy tín, chuyên môn, kỹ thuật của tuyến trên. Thêm vào đó, chế độ bảo hiểm y tế của nước ta hiện nay cho phép người dân khám chữa bệnh ban đầu trái tuyến vẫn được thanh toán một phần viện phí. Do đó, người dân dễ dàng tự ý chuyển tuyến điều trị, dẫn đến tỷ lệ vượt tuyến ngày càng cao. Tại Bệnh viện Ung bướu, số bệnh nhân vượt tuyến chiếm gần một nửa, còn tại Bệnh viện Nội tiết thì số bệnh nhân vượt tuyến chiếm 30%. Tuy nhiên, ông Hoàng Đăng Hảo cũng thừa nhận: “Thực tế vẫn có tình trạng một số bệnh viện cố tình giữ bệnh nhân lại không cho chuyển tuyến để tăng thêm nguồn thu từ viện phí…”.
Để khắc phục tình trạng quá tải, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án tăng quy mô 18,5 giường bệnh/1 vạn dân lên 25 giường bệnh/1 vạn dân năm 2015 (mỗi năm tăng trên dưới 400 giường bệnh). Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư tăng thêm số bệnh viện cần thiết để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân như thành lập Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Mắt… xây bệnh viện 700 giường bệnh, phê duyệt đề án Bệnh viện Ung bướu 500 giường bệnh ở Nghi Kim (Tp Vinh), đề án xây dựng Bệnh viện Mắt ở Nghi Phú (TP. Vinh) và Bệnh viện Quốc tế Phụ sản quy mô 500 giường bệnh. Bên cạnh mở rộng cơ sở điều trị cho tuyến trên, các bệnh viện tuyến dưới cũng cần đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ để tạo niềm tin trong nhân dân, hạn chế tình trạng bệnh nhân đổ dồn lên tuyến trên…
Gia Huy