(Baonghean) - Theo kế hoạch, trong vụ thu năm nay, toàn tỉnh sẽ tập trung hoàn thành chỉ tiêu tiêm 486 ngàn liều vắc-xin tụ huyết trùng (THT), trên 400 ngàn liều lở mồm long móng (LMLM) đối với đàn trâu bò, trên 532 ngàn liều dịch tả, 23 ngàn liều Lép tô và 29 ngàn liều LMLM đối với đàn lợn, 6 triệu liều vắc-xin dịch cúm gia cầm cho gà, vịt, và 269 ngàn liều vắc-xin dại trên đàn chó, mèo. Nhưng, giải pháp nào để hoàn thành kế hoạch này đang là bài toán khó.
Nhiều năm trở lại đây, dịch bệnh xẩy ra liên tiếp trên các đàn vật nuôi. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh xẩy ra 11 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 làm tiêu hủy trên 5 ngàn con gia cầm các loại, 8 ổ dịch LMLM với trên 160 con trâu, bò, lợn mắc bệnh, 26 ổ dịch tai xanh ở 5 huyện buộc phải tiêu hủy trên 1.500 con lợn. Bên cạnh đó, bệnh tụ huyết trùng (THT) trâu bò ghép với bệnh LMLM xẩy ra nhỏ lẻ làm chết một số con trâu bò tại các huyện đồng bằng. Đa số các ổ dịch bùng phát quy mô nhỏ lẻ, trên các ổ dịch cũ, các vùng trọng điểm chăn nuôi các huyện đồng bằng như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thành phố Vinh...
Trước thực trạng đó, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo trạm thú y các huyện, thành, thị tổ chức tiêm phòng trên 336 ngàn liều vắc-xin THT trâu bò, đạt 81% KH, trên 168 ngàn liều vắc-xin THT lợn, đạt 46% KH, tiêm 214 ngàn liều vác xin dịch tả lợn, đạt trên 53% KH. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi cao như Nghi Lộc đạt gần 100% chỉ tiêu, Thị xã Cửa Lò đạt trên 80%, Hưng Nguyên, Đô Lương, đạt trên 70- 80% chỉ tiêu.
![]() |
Anh Lê Văn Cường - xóm Tân Tiến - Giang Sơn Đông (Đô Lương)
chuẩn bị tiêm phòng cho đàn lợn.
Tuy nhiên, theo như ông Đặng Văn Minh - Chi Cục phó Chi cục Thú y tỉnh thì nhìn chung, tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc-xin trên đàn vật nuôi còn thấp. Hàng năm, tỷ lệ tiêm phòng bình quân chung đối với các loại vắc-xin đạt từ 50 - 60% KH. Trong vụ xuân vừa qua, nhiều huyện có tỷ lệ tiêm vắc-xin THT lợn và dịch tả lợn thấp như Thái Hòa đạt 7,3% KH, Thanh Chương đạt 29% KH, Yên Thành 25% KH, Tân Kỳ đạt 38% KH, Anh Sơn đạt 33% KH... Các huyện miền núi cao, tỷ lệ tiêm phòng đối với 2 loại vắc-xin này chỉ đạt từ 3,4% - 15% KH.
Riêng tổng đàn chó, mèo tại các huyện miền núi chưa được triển khai tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại do thống kê chưa có. Hiện nay, công tác phục hồi và tái đàn chăn nuôi trên đàn lợn nái ở Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu khá tốt. Bệnh tai xanh đợt 1 xuất hiện sớm hơn mọi năm và nguy cơ xuất hiện cao vào khoảng tháng 8, tháng 9, nhất là đối với các đàn vịt gốc chưa được tiêm phòng trong vụ xuân tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Hưng Hòa (Thành phố Vinh). Bên cạnh đó, thời tiết mưa rét nhiều như tháng 10, tháng 11 khả năng miễn dịch trên các đàn gia súc vùng đồng bằng (chưa được tiêm phòng trong vụ xuân) rất dễ dẫn đến nguy cơ mầm bệnh LMLM, ngay cả bệnh THT trâu bò.
Ông Nguyễn Hữu Quốc- Trạm trưởng Trạm thú y Nam Đàn, cho biết: Toàn huyện có 450 gia trại, trang trại vừa và nhỏ, 4 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Để hoàn thành tốt kế hoạch, 100% chỉ tiêu tiêm phòng vụ thu trước mùa mưa bão, Trạm đang rà soát lại tổng đàn, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân và nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ thú y cơ sở.
Tuy nhiên, một thực tế dễ nhận thấy đó là tâm lý người chăn nuôi chưa coi trọng công tác tiêm phòng. Anh Nguyễn Văn Châu - xóm 3 xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn), cho biết: Nhà tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, gà, vịt, lợn. Gia cầm nuôi đến gần 1kg là bán thịt, còn lợn nuôi khoảng 2 - 3 tháng là bán nên không nhất thiết phải tiêm phòng. Anh Ngô Xuân Nam xóm 3 xã Hưng Xá (Hưng Nguyên) hiện có 2 con bò nái, 50 con gà, vịt, ngan, cho biết: Thường cứ đến tháng 7 hàng năm, đàn trâu bò của bà con nơi đây hay bị LMLM, tuy nhiên, con bị nặng mới báo thú y đến tiêm, con có triệu chứng nhiễm bệnh nhẹ, đặc biệt trâu bò chửa thì chúng tôi tự xử lý. Đối với đàn gia cầm thì chỉ tiêm cho những con nhỏ, những con có ý định bán thịt thì không cần tiêm.
Vùng miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, điều kiện bảo quản vác xin khó, giao thông cách trở, nguồn kinh phí hạn hẹp nên tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi càng thấp. Cộng với giá mua vắc-xin tai xanh đắt (30 ngàn đồng/mũi), vác xin LMLM trên 10 ngàn đồng/mũi nên nhiều hộ chăn nuôi chưa tự giác mua vắc-xin tiêm phòng.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, quản lý, thống kê và kiểm soát đàn vật nuôi tại nhiều địa phương chưa được chú trọng, làm ảnh hưởng đến công tác tiêm phòng. Vụ xuân 2013, trên địa bàn xã Nam Thanh (Nam Đàn) xẩy ra ổ dịch LMLM buộc tiêu hủy 10 con trâu, bò bị nhiễm nặng (chiếm 58% tỷ lệ gia súc bị bệnh chết). Lãnh đạo UBND xã Nam Thanh (Nam Đàn), thừa nhận đây là ổ dịch bùng phát trên nền ổ dịch cũ có thể do thời tiết, mầm bệnh hoặc lây lan qua nhập đàn không được theo dõi, triển khai tiêm phòng chưa kịp thời nên lây lan dịch lúc nào không biết.
Một số huyện đồng bằng như Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu do việc phát triển trang trại chăn nuôi lớn, giết mổ gia súc, gia cầm cũng như vận chuyển lợn con tấp nập nên khó kiểm soát công tác tiêm phòng tại các trang trại, gia trại. Anh Sơn hiện có trên 33 ngàn con trâu bò, trên 51 ngàn con lợn và 789 ngàn con gia cầm chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, hình thức thả bãi, thả rông, nuôi nhốt. Nhiều xã không quản lý tổng đàn và dịch bệnh kịp thời, dẫn đến thực trạng coi tiêm phòng là việc làm "được chăng hay chớ".
Một khó khăn nữa là chế độ cho cán bộ thú y cơ sở chưa được quan tâm. Đơn cử như tại Nam Đàn, chế độ cho Trưởng trạm thú y được hưởng là 800 ngàn đồng/tháng, thú y viên mỗi tháng xã trợ cấp 100 - 200 ngàn đồng. Ngoài ra, chế độ hỗ trợ ăn trưa, xăng xe cho thú y trong các chiến dịch dập dịch không có. Trưởng thú y các xã Xuân Lâm, Nam Phúc, Nam Thượng đã xin thôi việc. Các huyện miền núi cao không có cán bộ thú y hoặc lực lượng thú y thôn, bản, xóm chưa có chế độ. Đây cũng là một thực trạng chung làm ảnh hưởng đến công tác triển khai, thực hiện các chỉ tiêu tiêm phòng cho đàn vật nuôi tại các địa phương.
Bên cạnh một số bất cập trên thì chế tài xử lý, xử phạt theo Quyết định 40/CP của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo tiêm phòng chưa có. Thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, việc quán triệt chỉ tiêu tiêm phòng, xử phạt những địa phương chưa tiêm, vứt xác, giết mổ gia súc, gia cầm bừa bãi chưa được triển khai. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn tại các vùng chăn nuôi trong thời gian qua, nhất là vụ xuân 2013.
Được biết, Chi cục Thú y tỉnh đã có Công văn số 437/T.Y ngày 23/7/2013 tham mưu UBND các huyện, tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương có thể triển khai công tác tiêm phòng vụ thu sớm hơn kế hoạch của tỉnh, phối hợp với UBND các xã thống kê tổng đàn để đăng ký số lượng vắc-xin tiêm phòng sát thực tế. Đối với các huyện miền núi, ngoài vắc-xin từ các chương trình do Nhà nước hỗ trợ, các đơn vị rà soát tổng đàn chưa có vắc-xin để tiêm phòng, các xã chủ động đăng ký mua số lượng, chủng loại vắc-xin còn thiếu để đảm bảo tiêm phòng đạt chỉ tiêu 100% gia súc, gia cầm diện cần tiêm.
Đặc biệt, các huyện, thành phải chỉ đạo các xã, địa phương tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu biết, nâng cao trách nhiệm, quyền lợi người chăn nuôi trong tiêm phòng. Đối với những chủ trang trại, gia trại, người chăn nuôi không chấp hành nghiêm túc các quy định trong tiêm phòng cũng như trong phòng chống dịch bệnh... khi dịch bệnh xẩy ra buộc phải tiêu hủy thì không được sự hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, để công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả tốt, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là cần nâng nhận thức cho người chăn nuôi cũng như trách nhiệm của những người làm công tác thú y.