Giải pháp ổn định vùng nguyên liệu cho ngành mía đường

19/03/2015 18:21

(Baonghean) - Hiện nay ngành mía đường đang đứng trước những khó khăn, cây mía lao đao trong bài toán chọn lựa cây trồng hiệu quả của nông dân. Các cơ quan liên quan cần phải vào cuộc để đưa ra giải pháp khả thi...

>>>"Bài toán" nguyên liệu chế biến mía đường: "Lời giải" ở năng suất, giá thành

Giải pháp lâu dài

Từ thực tế và khẳng định của ngành Nông nghiệp Nghệ An, thì mía vẫn là cây trồng quan trọng và quy hoạch theo hướng ưu tiên phù hợp. Ngành Nông nghiệp và các địa phương cần quan tâm xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đến thu hoạch. Đồng thời, trong xây dựng nông thôn mới, phải chú ý lồng ghép việc xây dựng giao thông đến vùng mía tập trung nhằm giúp nông dân hạ giá thành vận chuyển mía nguyên liệu.

Thu hoạch đến đâu, người dân cày bừa đất đến đó để chuẩn bị trồng mới
Thu hoạch đến đâu, người dân cày bừa đất đến đó để chuẩn bị trồng mới

Nhìn rộng ra, trên địa bàn toàn tỉnh, diện tích trồng mía của bà con nông dân chủ yếu còn nhỏ lẻ, phân tán, việc đưa cơ giới vào toàn bộ các khâu sản xuất đang gặp khó khăn. Để khắc phục vấn đề này, bên cạnh nỗ lực của các địa phương nhằm tạo những vùng chuyên canh mía rộng lớn, tập trung, thì các nhà máy đường cần có sự phối hợp, hợp tác đầu tư vào các cơ sở sản xuất mía trên quy mô lớn bằng các loại máy móc cơ giới loại nhỏ, loại vừa vào thực hiện các khâu như cày, bừa, làm đất, phun thuốc trừ sâu, vận chuyển… để hạ giá thành sản xuất, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân nhằm giữ vững và ổn định vùng mía nguyên liệu. Đồng thời, xem xét lại công nghệ sản xuất và chất lượng đường để tăng khả năng cạnh tranh cả về chất lượng lẫn giá cả. Bên cạnh đó, cần hợp tác nghiên cứu, đặt hàng với các viện khoa học nông nghiệp, các trường đại học để chọn tạo, lai tạo ra các giống mía vừa có năng suất cao, vừa có trữ đường trên 10 CCS để đưa vào sản xuất.

Mía là cây trồng rất cần nước, nhưng hầu hết diện tích mía bà con nông dân tỉnh Nghệ An đang trồng hiện nay thuộc loại đất khô hạn, đất dưới chân đồi vệ, đất dốc, đất cao cưỡng. Vì vậy gặp năm nào có nhiều mưa thì đạt được năng suất cao, năm nào trời ít mưa thì mía cằn cỗi, năng suất thấp và rất thấp, đó là chuyện tất yếu. Để khắc phục vấn đề này, trước mắt phải chuyển đổi ngay cây mía xuống trồng ở những vùng trồng lúa kém hiệu quả, vùng trồng lúa không hoàn toàn chủ động nước tưới, năng suất lúa thấp, gắn với đầu tư thâm canh cao để đưa năng suất mía lên từ 80 tấn/ha trở lên thì cả nông dân và nhà máy đều có lãi, ngay cả khi diện tích trồng mía giảm thì sản lượng mía vẫn đảm bảo.

Vận chuyển mía lên xe
Vận chuyển mía lên xe về nhà máy.

Theo ông Nguyễn Văn Lập, để nông dân gắn bó với nhà máy, các nhà máy đường cũng cần có chính sách khuyến nông đặc biệt như: đầu tư cho ứng trước giống mía, phân bón, mua mới với giá cao hơn 5, 7, 10% so với giá chuẩn đối với những cơ sở sản xuất chuyển đổi trồng mía từ vùng đất khô hạn xuống trồng ở vùng lúa không chủ động nước, vùng trồng lúa kém hiệu quả đã đưa năng suất mía lên được từ 80 tấn/ha trở lên. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, cần có giải pháp tận dụng các sản phẩm khác như: Mật rỉ thành cồn, rượu, bia, bã bùn mía chế biến thành phân hữu cơ vi sinh phục vụ lại cho cây mía, vừa làm sạch môi trường, vừa đầu tư thâm canh lại cây mía, vừa cải tạo đất rất tốt; bã cây mía cho vào công đoạn sản xuất ra các loại giấy, từ giấy viết, giấy bao bì các loại, ván ép, bàn ghế…

Thu Huyền - Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Giải pháp ổn định vùng nguyên liệu cho ngành mía đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO