Giải pháp "trị" nạn tránh cung cấp thông tin cho báo chí

26/02/2016 06:33

"Nhà báo, cơ quan báo chí cần sử dụng ngay công cụ báo chí để đấu tranh với những biểu hiện hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí", Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Pháp luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Hiện trạng và giải pháp khắc phục chuyện né tránh cung cấp thông tin cho báo chí là một trong những chủ đề "nóng" nhất tại Hội thảo khoa học "Quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do báo chí của công dân" do Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng MEC phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình tổ chức sáng ngày, 25/2 ở Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: B.M
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: B.M

Lợi dụng quy chế người phát ngôn để né

Theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Pháp luật TP.HCM, tình trạng nhà báo bị cơ quan nhà nước từ chối tiếp cận thông tin vẫn là chuyện thường thấy. Một trong những lý do chính là quy chế người phát ngôn bị lợi dụng để né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin.

"Quy chế người phát ngôn vốn nhằm mục tiêu thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với báo chí, nhưng đã vô tình bị nhiều đơn bị biến thành rào cản để từ chối cung cấp thông tin. Nếu trước đây nhà báo có thể tìm thông tin từ nhiều bộ phận, phòng, ban trong một cơ quan, thì nay chỉ còn một đầu mối là người phát ngôn hoặc/và lãnh đạo cơ quan. Vì vậy, thông tin thường xuyên bị cung cấp trễ, bởi người phát ngôn luôn phải xin chủ trương trước khi cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều trường hợp né tránh bằng cách viện cớ người phát ngôn đi công tác, ốm đau", nhà báo Đức Hiển phân tích.

Chia sẻ thêm thông tin hiện trạng "né" cung cấp thông tin, nhà báo Hà Đức Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình dẫn kết quả nghiên cứu của Trung tâm Truyền thông và phát triển RED, trong đó cho thấy có trên 80% số nhà báo trong tổng số 384 nhà báo trả lời khảo sát cho biết từng gặp cản trở với các mức độ từ thấp đến cao, từ né tránh cung cấp thông tin đến đe dọa, trả thù...

Tình trạng né cung cấp thông tin cho báo chí dẫn đến nhiều hệ lụy. Đáng chú ý nhất là việc giải thích thông tin chậm trễ đã "nhường sân" cho những thông tin thiếu thiện chí, thông tin ngoài luồng thiếu chính xác và những đồn đoán bất lợi.

"Nếu các cơ quan nhà nước "chậm chân", không thật sự thấy hết ý nghĩa của câu "chủ động cung cấp thông tin", trong một số trường hợp cụ thể, nếu không chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí – truyền thông có thể dẫn đến khủng hoảng thông tin, hệ lụy khó lường hết", ông Nguyễn Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Nếu không chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí – truyền thông có thể dẫn đến khủng hoảng thông tin, hệ lụy khó lường. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nếu không chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí – truyền thông có thể dẫn đến khủng hoảng thông tin, hệ lụy khó lường. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Vụ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý rằng thông tin trên mạng xã hội trong một số trường hợp đã lấn át những thông tin của các cơ quan báo chí chính thống, đôi khi vẫn có sự tin cậy nhất định. Có thể kể ra những thông tin được xã hội quan tâm thời gian qua như: Cái chết của Cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm; Kết quả nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII... Những sự việc này thêm một lần nữa cho thấy việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí phải trở thành nguyên tắc bắt buộc đối với mọi cơ quan nhà nước.

Giải pháp nào để giảm né tránh cung cấp thông tin?

Một giải pháp nhằm khắc phục hiện trạng né tránh cung cấp thông tin cho báo chí đã được nhà báo Nguyễn Đức Hiển đánh giá rất cao. Đó là nhà báo, cơ quan báo chí cần sử dụng ngay công cụ báo chí để đấu tranh với những biểu hiện hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí.

Nhận định rằng trên thực tế, báo chí còn chưa quyết liệt đấu tranh đòi hỏi quyền tiếp cận thông tin của mình, nhà báo Nguyễn Đức Hiển viện dẫn một trường hợp điển hình tích cực nhưng còn mang tính cá biệt, đó là trường hợp của nhà báo Trần Vũ, Báo Pháp luật TP.HCM.

Ngày 17/12/2015, Sở TT&TT Cà Mau nhận đơn của nhà báo Trần Vũ yêu cầu xử lý người có chức năng, quyền hạn cung cấp thông tin nhưng không cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đơn của Trần Vũ, anh đã nhận được đơn tố cáo của người dân liên quan đến dự án giao thông tại huyện Đầm Dơi (một số nhà thầu đã gửi đơn tố cáo Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi có dấu hiệu vi phạm Luật Đấu thầu, sắp xếp thầu). Mục đích liên hệ với lãnh đạo huyện của Trần Vũ là nhằm tìm hiểu rõ đơn tố cáo của các nhà thầu, nhưng không được Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi hợp tác. Từ ngày 5/12, Trần Vũ đã liên hệ với Văn phòng UBND huyện Đầm Dơi và được hứa sẽ bố trí lịch để cung cấp thông tin và trả lời phỏng vấn. Sau 3 lần nhắc nhở, với 12 ngày chờ đợi, nhà báo Trần Vũ vẫn chưa nhận được phản hồi. Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đầm Dơi Lê Tấn Phát cho biết lý do là lãnh đạo bận họp, chưa có thời gian. Và nhà báo Trần Vũ đã làm đơn yêu cầu xử lý người có chức năng, quyền hạn cung cấp thông tin của UBND huyện Đầm Dơi.

Sau khi có lá đơn nêu trên, nhà báo Trần Vũ đã được Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi tiếp và nhiệt tình cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, trường hợp như nhà báo Trần Vũ hiện vẫn còn rất ít trong thực tế. Một phần bởi "không phải nhà báo nào cũng có thời gian và có thể thực hiện việc khiếu nại, kiện tụng vì bị cung cấp thông tin chậm trễ hoặc từ chối cung cấp thông tin", nhà báo Nguyễn Đức Hiển lý giải.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

Giải pháp "trị" nạn tránh cung cấp thông tin cho báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO