Giải quyết rốt ráo những vướng mắc cho doanh nghiệp
(Baonghean) - 60 ý kiến của doanh nghiệp trao đổi tại Hội nghị về các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, vay vốn ngân hàng, thủ tục hành chính chậm, nợ đọng vốn ngân sách cơ bản... cho thấy, đối với tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, các sở, ban, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp.
(Baonghean) - 60 ý kiến của doanh nghiệp trao đổi tại Hội nghị về các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, vay vốn ngân hàng, thủ tục hành chính chậm, nợ đọng vốn ngân sách cơ bản... cho thấy, đối với tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, các sở, ban, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh ta có 8.243 doanh nghiệp đang hoạt động/12.150 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Như vậy, số DN kinh doanh thực sự không nhiều, phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh rất khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều DN đã “vượt lên chính mình” để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách cho tỉnh nhà. Tại hội nghị đối thoại, với tinh thần thẳng thắn, nhiều ý kiến vướng mắc, khó khăn của DN đã được nêu ra. Liên quan đến cơ chế, chính sách, một số doanh nghiệp phản ánh giá thuê đất quá cao, trong khi sản xuất kinh doanh khó khăn. Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam lo lắng, trong khi công ty vẫn còn lỗ lũy kế 51 tỷ đồng (năm 2013), thì giá thuê đất tăng 5,56 lần so với đơn giá cũ, đề nghị UBND tỉnh xem xét giảm tiền thuê đất cho công ty. Ông Nguyễn Thế Kinh – Giám đốc Công ty Phân bón, Khu công nghiệp Nghi Phú cũng phản ánh, giá thuê đất quá cao và chưa công bằng, công ty đã khiếu nại nhiều lần lên Sở Tài chính nhưng chưa được giải quyết.
Đại diện Công ty TNHH Lương thực miền Trung phát biểu. Ảnh: S.M |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Còn ông Nguyễn Thế Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư XD và Ứng dụng công nghệ mới Tecco nêu ý kiến: Hiện nay, Ngân sách tỉnh đang nợ công ty hơn 20 tỷ đồng từ đầu tư đường 18m Lê Lợi và giải phóng mặt bằng khu tái định cư đường 72m, trong khi đó, công ty đang nợ thuế 6 tỷ đồng, cộng với tiền phạt nộp chậm thành 12 tỷ đồng. Công ty cho rằng, tỉnh cần khấu trừ tiền nợ thuế của công ty vào khoản ngân sách nợ. Ông Hoàng Xuân Đường – Giám đốc Sở Tài chính tháo gỡ cho Tecco bằng giải pháp: Đề nghị công ty làm việc với TP. Vinh, làm phương án đầy đủ ghi thu; chi đối với các vấn đề công ty nêu và phối hợp với Cục Thuế, Sở Tài chính để giải quyết kịp thời.
Liên quan đến thủ tục hành chính, Công ty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung phản ánh, thủ tục hành chính trong làm hồ sơ thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất rườm rà, chính sách chưa nhất quán, minh bạch, gây phiền phức cho nhà đầu tư. Cơ chế "một cửa" vẫn còn hình thức, chưa hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư. Để làm được hồ sơ, DN phải bổ sung, đi lại nhiều lần. Riêng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở tại dự án cho tổ chức kinh tế không có cơ sở triển khai, hiện tại, chưa có giải pháp tháo gỡ. Công ty cũng cho rằng, thủ tục làm hồ sơ đánh giá tác động môi trường rất chậm, phiền hà.
Về thủ tục, hồ sơ liên quan đến đất đai, về giá đất ở tại Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở và chung cư cao cấp thuộc phường Đội Cung (Thành phố Vinh) hiện nay chưa có và thủ tục đánh giá tác động môi trường chậm. Theo giải trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ khi Công ty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung nộp hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ngày 30/8/2013) đến ngày 17/1/2014 mới được phê duyệt là quá chậm, nguyên nhân xuất phát từ việc chủ đầu tư triển khai, thực hiện dự án trước khi lập báo cáo. Điều này không đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, nên mất nhiều thời gian xin phép cơ quan có thẩm quyền trước lúc tiến hành thẩm định.
Lĩnh vực đầu tư cũng gặp nhiều vướng mắc. Công ty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung cho rằng, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chưa thiết thực: Các ưu đãi đầu tư được quy định trong các văn bản khác nhau, gây khó khăn cho DN trong việc nhận biết và tiếp cận. Một dự án nếu được ưu đãi đầu tư thì phải qua quy trình quá phức tạp. Dự án đã được UBND tỉnh ký chấp thuận đầu tư, nhưng thực tế, để làm được các thủ tục, nhà đầu tư phải mất thời gian đi các sở, ngành để giải quyết những vướng mắc, điều này làm nản lòng nhà đầu tư. Về ý kiến này, Sở Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận nội dung phản ánh của doanh nghiệp là đúng thực tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi Quyết định 44/2012/QĐ.UBND quy định về quy trình đầu tư vào tỉnh Nghệ An theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục.
Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Sông Lam nêu ý kiến: Từ tháng 5 đến nay, địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ thường xuyên lên đến 40, 41 độ C, đây cũng là thời gian cao điểm cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của công ty, nhưng mực nước sông Đào tại đầu nguồn vào của nhà máy xuống thấp, nhà máy không đủ nước để sản xuất. Do vậy, công ty đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ đầu tư đường ống cấp nước từ Xí nghiệp Cấp nước vùng phụ cận Thành phố Vinh thuộc Công ty TNHH 1TV Cấp nước Nghệ An đến khu xử lý cấp nước của nhà máy. Về vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Hiện nay, Dự án cấp nước vùng phụ cận Thành phố Vinh đang điều chỉnh các tuyến ống cấp nước, trong đó có tuyến ống cấp nước F90 dọc kênh sông Đào. Sau khi được điều chỉnh và đầu tư, tuyến ống này sẽ đi gần khu vực nhà máy, đề nghị Công ty CP Bia Sài Gòn - Sông Lam làm việc trực tiếp với Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An để được đấu nối vào đường ống.
Liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, Tập đoàn sữa TH nêu vướng mắc: Hiện nay, tổng đàn bò sữa của Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp” do Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH làm chủ đầu tư đã đạt 37.000 con và đang ngày càng tăng lên theo chương trình phát triển đàn bò, do đó, nhu cầu quỹ đất để sản xuất, tạo nguồn thức ăn chăn nuôi bò sữa ngày càng trở nên cấp bách. Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4385/QĐ.UBND-ĐT ngày 2/11/2012 về việc phê duyệt quy hoạch vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi bò sữa, nhưng việc thu hồi đất cho dự án triển khai quá chậm so với tiến độ đề ra.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã trả lời công ty cụ thể. Tuy nhiên, qua trả lời của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy công tác này còn nhiều khó khăn, vướng mắc và liên quan đến nhiều chủ thể, vì vậy chưa làm thỏa mãn doanh nghiệp. Tính đến ngày 30/6/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình UBND tỉnh thu hồi 7.954 ha đất (trong đó có 1.396 ha đất thu hồi của Công ty lâm nghiệp Yên Thành để thực hiện dự án trồng cao su, nay được UBND tỉnh cho phép chuyển sang thực hiện Dự án bò sữa) của các tổ chức trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH lập hồ sơ xin thuê đất thực hiện dự án theo quy định (tại Nghĩa Đàn 3.975,00 ha; Yên Thành 3.237,29 ha; TX Thái Hòa 607,04 ha; Quỳnh Lưu 111,09 ha và Quỳ Hợp 23,63 ha).
Toàn bộ diện tích đất mà UBND các huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị và Công ty CP Thực phẩm sữa TH có hồ sơ đề nghị thu hồi, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, trình UBND tỉnh thu hồi kịp thời. Tuy nhiên, đối chiếu với kết quả thu hồi đất, quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ trồng cây thức ăn trên địa bàn toàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, cũng như kế hoạch của UBND tỉnh và tình hình thực hiện tại một số địa phương cho thấy, diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án tại một số huyện đạt tỷ lệ thấp như: Thái Hòa, Quỳ Hợp, Tân Kỳ và Quỳnh Lưu...
Cùng vấn đề GPMB, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Miền Trung cũng cho rằng Công tác đền bù, GPMB cho một dự án phải mất 2 - 3 năm mới xong, nhà đầu tư sẽ mất các cơ hội đầu tư. Chi trả tiền đền bù GPMB lấy từ nguồn đầu tư của DN, nhưng khi làm thủ tục thanh toán với Nhà nước rất phiền hà và chậm. Những vấn đề này đang là thách thức đối và không phải một sớm, một chiều giải quyết xong.
Ngoài ra, một số vấn đề như: vay vốn ngân hàng không dễ dàng, tình hình buôn lậu xăng dầu, ưu tiên dùng hàng sản xuất tại Nghệ An (Công ty bia Sài Gòn - Nghệ An), hỗ trợ cho sản xuất giống lúa (Công ty Vĩnh Hòa), đầu tư khoa học công nghệ (ý kiến của bà Thanh Mai về sản xuất tảo xoắn) cũng được nêu ra và đề nghị có hướng tháo gỡ.
Có thể ghi nhận, hội nghị đối thoại doanh nghiệp đã thành công bởi nhiều ý kiến phản ánh được trả lời khá cụ thể. Nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ ngay, trong khi đó cũng còn nhiều vấn đề cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các huyện, thành, thị, các ban, ngành thì mới có hiệu quả. Ý kiến của một số doanh nghiệp cho thấy: hội nghị đối thoại năm nay chất lượng, các ban, ngành, huyện, thành thị đều có mặt. Các câu trả lời của các ngành cũng khá cụ thể. Tuy nhiên, DN cũng mong không chỉ “trả lời đẹp” trong văn bản, mà cần thực sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn, không để kéo dài từ năm này sang năm khác.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị, ghi nhận, năm nay các DN đến dự đối thoại đông hơn, nhiều ý kiến hơn, điều đó cho thấy doanh nghiệp đang đặt niềm tin vào bộ máy chính quyền. Với quan điểm sẵn sàng lắng nghe ý kiến của DN, mong các DN phản ánh tất cả để UBND tỉnh giải quyết, điều chỉnh, kiểm tra giám sát, DN phát triển thì tỉnh mới phát triển được, vì vậy UBND tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng DN, tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN. Khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhất là tồn tại trong điều hành của các cấp, các ngành; doanh nghiệp và tỉnh cùng hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Sau hội nghị, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành giải quyết rốt ráo những vướng mắc của DN và tiếp tục theo dõi tiến độ giải quyết của các sở, ban, ngành. UBND tỉnh sẽ có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh gửi cho các Hiệp hội DN, để các DN giám sát tiến độ trả lời của các cơ quan nhà nước.
Trân Châu