Giải quyết "việc làm" cho cán bộ đoàn cơ sở

14/09/2015 17:09

(Baonghean) - Ngày 8/2/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 289-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Qua 4 năm thực hiện, Nghệ An đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó nổi bật là việc tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho cán bộ đoàn cơ sở, trẻ hóa đội ngũ cán bộ các cấp.

Trẻ hóa đội ngũ, gỡ “bí” đầu ra

Quyết định số 289-QĐ/T.Ư ngày 8/2/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định tiêu chuẩn cán bộ Đoàn cấp huyện, xã, thị trấn giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Kể từ khi quy chế được triển khai thực hiện, với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp bộ đoàn, cấp ủy, chính quyền thể hiện trong việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng; nhận xét đánh giá, luân chuyển, điều động đến việc thực hiện chế độ, chính sách... Cán bộ Đoàn chủ chốt ở huyện và cơ sở đã được trẻ hóa, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ không ngừng được nâng lên, từng bước hình thành một lớp cán bộ Đoàn trẻ, năng động, nhiệt tình, bước đầu góp phần nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở cơ sở. Đặc biệt, trong Đại hội Đảng cấp cơ sở, cán bộ Đoàn được coi là nguồn bổ sung quan trọng cho hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Nhiều cán bộ Đoàn được tạo điều kiện trưởng thành, được giao các vị trí chủ chốt ở các xã, phường, thị trấn.

Anh Nguyễn Văn Học, Bí thư Đoàn xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) trò chuyện với phóng viên.
Anh Nguyễn Văn Học, Bí thư Đoàn xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) trò chuyện với phóng viên.

Hưng Nguyên từng là một trong những huyện có đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở quá tuổi chiếm tỷ lệ cao. Đến trước Đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2010 - 2015, toàn huyện có 13/23 bí thư đoàn xã có tuổi đời từ 35 - 43 tuổi. Thế nhưng đến nay, chỉ còn hai bí thư đoàn ở độ tuổi 38 - 40 chưa được chuyển công tác do chưa có chỗ trống để sắp xếp, bố trí. Anh Cao Anh Đức, Bí thư Huyện đoàn Hưng Nguyên cho hay: Thời gian qua, tổ chức Đoàn đã tích cực tham mưu đề xuất với cấp ủy giải quyết đầu ra cho cán bộ Đoàn quá tuổi, Huyện ủy cũng đã ban hành công văn số về công tác cán bộ Đoàn cơ sở chỉ đạo, giao trách nhiệm cho phòng nội vụ và các địa phương quan tâm đến việc chuyển công tác cho bí thư đoàn các xã, thị. Một số cán bộ Đoàn được chuyển sang các chức danh công chức phù hợp với bằng cấp chuyên môn và một số vị trí khác như: Chỉ huy trưởng quân sự xã, phó chủ tịch hội nông dân, chủ tịch Mặt trận… nhờ vậy góp phần giải quyết bài toán “bí” đầu ra cho cán bộ Đoàn quá tuổi, đáp ứng nhu cầu trẻ hóa và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Đoàn.

Tại Thanh Chương cũng có nhiều bước chuẩn bị để bố trí vị trí cho cán bộ Đoàn. Từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy nhiều địa phương đã có những bước kiện toàn sắp xếp nhân sự với phương châm “cấp ủy ở đâu lo nhân sự ở đó”. Xã Thanh Giang là một trong những đơn vị đã có sự chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực cũng như “nhắm chỗ” cho cán bộ Đoàn đến tuổi trưởng thành. Bí thư Đoàn xã Thanh Giang - Nguyễn Thị Viết (SN 1979) đã có 15 năm làm cán bộ Đoàn xã, trong lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, chị được cấp ủy cũng cử tham gia trung cấp chính trị và hoàn thành lớp Đại học Luật. Vì vậy, đến sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015, chị đã được chuyển sang UBND làm cán bộ văn phòng. Ông Nguyễn Bảo Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Giang cho biết: “Ngay từ khi bổ nhiệm các đồng chí vào BCH Đoàn xã thì chúng tôi đã có hướng cho cán bộ Đoàn đi học bằng cấp phù hợp với năng lực và sở trường của mình để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trình độ chính trị, và sau đó có phương án ưu tiên bố trí những vị trí phù hợp đối cán bộ Đoàn đã quá tuổi”.

Sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiều huyện đã có bước đột phá trong sử dụng, cán bộ trẻ, trong đó có cán bộ Đoàn như ở huyện Tân Kỳ có 3 cán bộ Huyện đoàn được bổ sung vào BCH Đảng bộ huyện, 2 đồng chí được tạo điều kiện trưởng thành. Ở cấp xã, đội ngũ cán bộ Đoàn quá tuổi đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết cơ bản. Một số huyện chỉ còn 1,2 cán bộ Đoàn quá tuổi đang chờ sắp xếp, bố trí do chưa có chỗ trống như Nam Đàn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Thanh Chương, Anh Sơn, TX. Hoàng Mai...

Anh Chu Đức Thái, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh đoàn cho biết: Để phát huy hiệu quả trong công tác tham mưu và tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chủ động làm việc và có văn bản gửi cấp ủy, lãnh đạo các huyện, thành thị và đảng ủy các đơn vị có tổ chức Đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn đề nghị quan tâm rà soát, bố trí công tác cho đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ Đoàn quá tuổi. Đối với các đơn vị gặp khó khăn trong việc bố trí cán bộ tham gia cấp ủy, đơn vị có nhiều cán bộ Đoàn quá tuổi, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tiến hành làm việc với cấp ủy tại đơn vị đó, đề xuất quan tâm, xem xét bố trí công tác phù hợp. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn đã chủ động tham mưu cho cấp ủy và lãnh đạo UBND tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ, đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh. Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng đã trực tiếp làm việc với BTV Tỉnh đoàn để rà soát toàn bộ, trong đó có cán bộ Đoàn quá tuổi, từ đó, nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách, công tác cán bộ Đoàn đã được quan tâm thực hiện và tháo gỡ.

Tính từ thời điểm Quy chế cán bộ Đoàn được triển khai thực hiện đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã có những thay đổi tích cực. Cán bộ Đoàn từ cấp tỉnh đến cơ sở nhìn chung đảm bảo các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, độ tuổi theo quy định tại quy chế, đáp ứng yêu cầu của vị trí công tác. Nhiều cán bộ Đoàn đã tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ; đổi mới, sáng tạo trong công tác; có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong việc chỉ đạo và tổ chức hoạt động. Từ năm 2010 đến nay có 18 cán bộ tại cơ quan Tỉnh đoàn, 45 bí thư, phó bí thư Đoàn cấp huyện và hơn 200 cán bộ chuyên trách cấp xã được trưởng thành, chuyển công tác. Đội ngũ cán bộ Đoàn quá tuổi được quan tâm xem xét, bố trí công tác khác, phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn, từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh có 178 cán bộ Đoàn quá tuổi được bố trí nhiệm vụ mới, hiện nay toàn tỉnh còn 35 cán bộ Đoàn cơ sở quá tuổi chưa được bố trí công tác.

Nhận diện những khó khăn, vướng mắc

Mặc dù các cấp bộ Đoàn và cấp ủy, chính quyền đã có nhiều nỗ lực nhưng tại nhiều địa phương vẫn có hiện tượng “dồn toa”. Nhiều cán bộ Đoàn cấp cơ sở đã quá tuổi đoàn (quá 35 tuổi) nhưng chưa được luân chuyển công tác. Phần lớn trong số họ đã có thâm niên hàng chục năm tham gia công tác. Các địa phương có số cán bộ là bí thư đoàn cấp xã quá tuổi chưa hoặc đang chờ bố trí, sắp xếp như Đô Lương 5 người, độ tuổi từ 36 - 39, Yên Thành 5 người, độ tuổi từ 36 - 40, Kỳ Sơn 6 người, trong đó người lớn tuổi nhất là anh Lương Văn Chắn, 42 tuổi, Bí thư Đoàn xã Nậm Cắn.

Nguyên nhân của tình trạng này là do một số cấp ủy chưa thực sự chú trọng tới việc bố trí, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch nguồn cán bộ, do đó không có nhiều vị trí để bố trí công tác đối với cán bộ Đoàn, đặc biệt là những người đã quá tuổi theo quy định tại quy chế. Mặt khác, số lượng biên chế của cấp xã có hạn, trong khi đó các chức danh trong bộ máy hoạt động của xã đã đủ, muốn bố trí phải chờ có người về hưu, chờ vị trí trống để “thế chỗ”. Một số trường hợp là do chất lượng “đầu vào” của cán bộ Đoàn cơ sở nhiều nơi còn thấp, trong quá trình công tác lại chưa sắp xếp được thời gian đi học, nâng cao trình độ để đáp ứng các tiêu chí về chức danh công chức xã, phường, thị trấn nên đánh mất cơ hội được luân chuyển, bố trí sang vị trí khác hoặc xét tuyển, thi tuyển công chức.

Sau nhiều năm cống hiến, hầu hết cán bộ Đoàn quá tuổi đều mong muốn được trưởng thành đoàn và luân chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp. Nhiều người trong số họ đều rất tâm tư bởi “đã quá tuổi mà vẫn "đứng" tại Đoàn thì không phù hợp, dễ đi theo lối mòn, thiếu sáng tạo trong hoạt động, tinh thần, nhiệt huyết cũng giảm...”. Có người con đã học cấp ba, đã được kết nạp vào Đoàn mà bố vẫn còn là bí thư đoàn xã, vậy nên mới có tình huống hai bố con cùng tham gia sinh hoạt Đoàn...

Đơn cử như anh Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đoàn xã Thanh Nho (Thanh Chương) là cán bộ Đoàn từ năm 1999, giữ chức vụ Bí thư đoàn xã từ năm 2006, bản thân anh từng là cán bộ Đoàn giỏi được nhận nhiều Bằng khen của Tỉnh đoàn và Trung ương Đoàn; Đoàn xã nhiều năm đứng vào tốp đầu của huyện vì bí thư đoàn năng nổ sáng tạo trong cách chỉ đạo, thu hút thanh niên địa bàn. Thế nhưng, cũng vì sự quá tuổi mà nhiệt huyết, sự sáng tạo trong anh cũng giảm theo năm tháng. Hiện anh đã bước sang tuổi 39 nhưng vẫn không được điều chuyển, vì ở những vị trí phù hợp thì đội ngũ đang ổn định, trẻ, nên rất khó có vị trí cho anh. Theo anh Trung thì chính vì mình chưa trưởng thành được nên cán bộ Đoàn là phó bí thư kế cận cũng vì thế mà “dẫm chân tại chỗ” dù đã hội đủ năng lực và kinh nghiệm. Còn anh Nguyễn Văn Học, Bí thư Đoàn xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên), sinh năm 1975, trưởng thành từ phong trào Đoàn cơ sở và chính thức đảm nhận vị trí Bí thư Đoàn xã từ năm 2009. Đến nay đã 40 tuổi mặc dù đã phổ cập Trung cấp quản lý văn hóa và Trung cấp chính trị nhưng anh vẫn chưa trưởng thành Đoàn. Anh tâm sự: “Mặc dù công tác Đoàn tại địa phương những năm qua vẫn đạt kết quả tốt. Nhưng nói thật ở độ tuổi mình giờ hòa nhập với thế hệ 9x cũng khó, bởi khoảng cách tuổi tác sẽ kéo theo sự khác biệt về quan điểm sống, suy nghĩ...”.

Tìm hiểu nguyên nhân được biết là do cán bộ ở xã đều trẻ, chưa có vị trí trống để bố trí cho cán bộ Đoàn. Đồng chí Trần Văn Phi, trực đảng của Đảng ủy xã Hưng Phúc, cũng là một cựu cán bộ Đoàn cho biết: Trường hợp của anh Học cấp ủy cũng đã có định hướng vào vị trí phó chủ tịch HĐND xã nhưng phải đợi đến năm 2018 khi người đang giữ chức vụ này nghỉ hưu thì mới “lắp” được vào. Đại hội Đảng bộ xã vừa rồi vẫn cơ cấu anh Học cùng với Phó Bí thư Đoàn xã vào BCH Đảng bộ và có hướng bố trí anh Học vào “làm tạm” vị trí văn phòng Đảng ủy nhưng cũng khó xử vì anh Học đang là trưởng đoàn thể, thuộc cán bộ chuyên trách giờ chuyển sang bán chuyên trách thì sẽ thiệt thòi về quyền lợi, không những chế độ thấp mà còn không được đóng bảo hiểm xã hội. Còn nếu để anh Học lại chờ đến 2018 mới bố trí thì Phó Bí thư Đoàn xã, sinh năm 1982 cũng sẽ đứng trước nguy cơ quá tuổi...”.

Thực tế ngoài khó khăn do định biên ở cấp xã thì còn có nguyên nhân từ năng lực hạn chế của cán bộ Đoàn, điều này đặt cấp ủy vào tình trạng “khó xử”. Nhiều cán bộ đoàn thể làm phong trào tốt nhưng để sang làm chuyên một mảng thì ngay cả bản thân cán bộ Đoàn cũng e ngại, sợ không đảm đương được. Như ở huyện Hưng Nguyên có 2 bí thư đoàn xã quá tuổi, có thâm niên hàng chục năm làm công tác Đoàn nhưng đến thời điểm này vẫn phải nghỉ công tác vì không có chuyên môn, bằng cấp, vì vậy chưa biết bố trí vào vị trí nào.

Theo ông Lê Quốc Khánh, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy thì: “Thực tế cho thấy ở đâu cấp ủy quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ thì ở đó đầu ra cho cán bộ Đoàn cũng sẽ thuận lợi hơn. Vì vậy, để công tác luân chuyển cán bộ Đoàn kịp thời, đảm bảo độ tuổi trưởng thành đúng như Quy chế 289 tránh hiện tượng “dồn toa” thì các cấp ủy đảng cần phối hợp với các cấp bộ Đoàn chủ động xây dựng lộ trình cụ thể, dài hơi từ công tác tuyển dụng đầu vào đến khâu đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch cán bộ... Tuy nhiên, quan trọng nhất là bản thân người cán bộ Đoàn phải “tự khẳng định mình”, có ý thức “tự chuẩn hóa” bằng cách tự học, tự trau dồi, chủ động tham gia các lớp đào tạo phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tế tại địa phương, tránh tình trạng làm cán bộ phong trào thì giỏi nhưng đến tuổi trưởng thành lại chẳng biết bố trí vào đâu vì thiếu bằng cấp và trình độ chuyên môn không phù hợp với vị trí được sắp xếp”. Một vấn đề nữa cần quan tâm đó là công tác tạo nguồn, gây dựng các nhân tố tích cực, nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn từ "đầu vào" nhằm giảm khó cho "đầu ra".

Khánh Ly - Thanh Nga

Mới nhất
x
Giải quyết "việc làm" cho cán bộ đoàn cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO