Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An: Trong dịch, ưu tiên hàng đầu là sức khỏe học sinh
(Baonghean) - Dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến ngành Giáo dục và Đào tạo với việc gần 800.000 học sinh toàn tỉnh đã phải nghỉ học trong nhiều tuần. Trước nguy cơ việc nghỉ học còn có thể kéo dài, Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT về những giải pháp của ngành trong thời gian tới.
PV: Thưa Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành, vì sao trong những ngày vừa qua, Nghệ An liên tục có sự thay đổi lịch học?
Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành: Trong thời gian vừa qua diễn biến dịch Covid-19 diễn ra trên thế giới hết sức phức tạp và trong thời kỳ hội nhập quốc tế có những đối tượng chúng ta không thể kiểm soát hết được khi một ngày có hàng nghìn người từ nước ngoài về Việt Nam. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn cân nhắc kỹ càng và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để có lịch học phù hợp. Quan điểm của chúng ta là an toàn cho học sinh, sức khỏe của học sinh là trên hết.
Thời điểm này, ngoài học sinh THPT thì học sinh các bậc học từ mầm non đến THCS vẫn đang nghỉ học vì ở độ tuổi này, các em đang cần phải phụ huynh đưa đón và chưa chủ động trong kỹ năng phòng vệ và bảo vệ bản thân.
PV: Ngày 13/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã điều chỉnh kế hoạch năm học từ 30/6 đến đến 15/7/2020. Vậy, nếu áp dụng kế hoạch này vào Nghệ An thì thời gian tới, việc dạy và học trên địa bàn tỉnh ta sẽ triển khai như thế nào?
Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành: Chúng tôi cho rằng văn bản hướng dẫn của Bộ về dạy trực tuyến bằng online và tổ chức ôn tập kiểm tra công nhận kết quả học tập khi học sinh đi học trở lại rất kịp thời. Bên cạnh đó, cũng đã trao quyền chủ động cho các địa phương và chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà trường, các tổ chuyên môn cấu trúc rà soát lại chương trình để những phần nào trọng tâm và cốt lõi thì chúng ta dạy học trực tiếp cho học sinh. Những phần kiến thức khác học sinh tự học được thì tổ chức, thiết kế các bài dạy trực tuyến, hướng dẫn các em ôn tập và làm bài kiểm tra để thay thế các bài kiểm tra thường xuyên.
Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thực hiện dạy học online. Ảnh: Thành Cường |
Hiện Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các nhà trường rà soát lại việc dạy học trực tuyến trên Internet hoặc các kênh thông tin khác để triển khai việc hướng dẫn ôn tập, luyện tập và tổ chức, cấu trúc lại những bài dạy mà các em có thể tự học được.
Song song với đó, Sở cũng đã triển khai chương trình dạy học trực tuyến trên sóng truyền hình dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12 để trong thời gian tới, học sinh Nghệ An vẫn tham gia tốt các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi THPT Quốc gia.
Việc dạy trực tuyến sẽ tập trung ôn tập cho học sinh với 3 môn Toán – Ngữ văn – Ngoại ngữ cho học sinh lớp 9 với thời lượng mỗi môn 15 buổi. Với lớp 12, chúng tôi sẽ tổ chức dạy 9 môn là Toán – Ngữ văn – tiếng Anh – Lịch sử - Địa lý – Giáo dục công dân – Hóa học – Sinh học – Vật lý với thời lượng mỗi môn 8 buổi.
Sở cũng đã lựa chọn những giáo viên giỏi, cốt cán, có năng lực chuyên môn, có nghiệp vụ sư phạm và chỉ đạo phòng giáo dục phổ thông tích hợp chương trình sao cho gọn với những kiến thức cơ bản, cốt lõi dành cho đối tượng học sinh đại trà. Đồng thời sẽ có những tương tác trực tiếp trong từng buổi dạy để hướng dẫn, gợi mở cho những học sinh có học lực khá, giỏi để đáp ứng được nhu cầu và năng lực học tập của từng đối tượng học sinh.
Việc dạy trực tuyến sẽ tập trung ôn tập cho học sinh với 3 môn Toán – Ngữ văn – Ngoại ngữ cho học sinh lớp 9 với thời lượng mỗi môn 15 buổi. Ảnh: Thành Cường |
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lùi thời gian của năm học sau hơn nửa tháng cũng sẽ thuận lợi hơn cho học sinh Nghệ An, vì hiện nay Nghệ An chúng ta nghỉ sau cả nước 1 tuần. Và điều đó, cũng giúp chúng ta chủ động hơn trong thời gian dạy học và không gây áp lực cho giáo viên và học sinh, không phải học bù, dạy bù khi quay trở lại trường.
Từ 13/3, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang lấy ý kiến của phụ huynh và học sinh về lịch quay trở lại trường với ba mốc thời gian khác nhau là 20/3, 30/3 và 6/4 và khi có lịch chốt chính thức thì Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một kế hoạch điều chỉnh năm học để đảm bảo chúng ta có thể thực hiện đúng lộ trình năm học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, phù hợp với thực tiễn của Nghệ An và phù hợp với việc học tập của học sinh và quan trọng hơn là không tạo ra áp lực cho học sinh khi đi học trở lại.
PV: Nhiều phụ huynh lo ngại, nếu nghỉ học dài ngày sẽ ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Với vai trò là người đứng đầu của ngành Giáo dục, ông muốn chia sẻ điều gì với phụ huynh, học sinh và các nhà trường?
Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành: Theo tôi, thời điểm này phụ huynh tỉnh nhà không cần quá lo lắng bởi Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã biết được quy luật, tâm lý của học sinh và cũng đã chủ động trong tình huống này. Lâu này, dù học sinh nghỉ học nhưng các giáo viên không được nghỉ mà các nhà trường vẫn thường xuyên sinh hoạt chuyên môn, phân tích chương trình, thiết kế các chương trình, bài dạy thông qua các hình thức để chuyển tải cho học sinh và giao nhiệm vụ cho học sinh và học sinh có trả bài, đánh giá để làm sao tạo được ý thức học tập của học sinh, tránh tình trạng học sinh ở nhà làm việc riêng và không luyện tập, ôn tập và sẽ xao nhãng việc học.
Thực tế, thời gian qua, tuy học sinh không đến trường nhưng công việc của giáo viên lại vất vả hơn bởi hình thức dạy học trực tuyến là một hình thức khá mới và để làm tốt nhiệm vụ của mình thì giáo viên phải tìm hiểu, nghiên cứu khá vất vả.
Giáo viên ở huyện Yên Thành đến phụ đạo cho học sinh ở các gia đình. Ảnh: PV |
Qua đây, thay mặt lãnh đạo ngành chúng tôi cũng đánh giá cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của các cán bộ quản lý, hiệu trưởng nhà trường và đội ngũ giáo viên Nghệ An trong thời gian vừa rồi. Và hơn bao giờ hết, đội ngũ giáo viên phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm, tân lực, tận tụy và yêu thương của người thầy. Đó cũng là truyền thống quý báu của ông Đồ xứ Nghệ.
PV: Thời gian qua, ngoài các trường học thì các Trung tâm Anh ngữ, kỹ năng sống cũng đang áp dụng lịch nghỉ học theo các trường phổ thông. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn cho các đơn vị và nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng đại trà không hợp lý vì ngoài học sinh thì các trung tâm có nhiều đối tượng khác. Vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án nào để hợp lý hơn hay không và để từng bước tháo gõ khó khăn cho các đơn vị?
Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành: Chúng tôi rất chia sẻ với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống và quả thực trong thời gian qua các đơn vị đã phải rất vất vả khi phải vừa chống dịch, vừa phải đối diện với những khó khăn khi học viên nghỉ học.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, chúng tôi mong muốn các trung tâm ủng hộ cho ngành giáo dục cũng như ủng hộ cho tỉnh nhà bởi dịch Covid – 19 ảnh hưởng không chỉ một cá nhân, một cộng đồng, một trung tâm mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ quốc gia, toàn thế giới. Việc học sinh hay người lớn tuổi đến học cũng xem như là tập trung đông người và có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhất là khi chúng ta chưa kiểm soát được dịch.
Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống... phải tạm dừng hoạt động để chống dịch Covid-19. Ảnh: Thành Cường |
Dự kiến đến đầu tháng 4 khi học sinh quay trở lại trường chúng ta sẽ nghiên cứu và phân loại đối tượng người lớn hay học sinh để có giải pháp tốt hơn và tháo gỡ những khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!