Giảm khiếu nại, tố cáo thiếu căn cứ

15/12/2014 11:13

(Baonghean) - Khiếu nại và tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân. Bên cạnh những khiếu nại, tố cáo (KNTC) đúng, thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng, số vụ việc KNTC sai và không có cơ sở vẫn tăng. Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, mà còn gây tổn hại, phiền phức cho chính quyền các cấp.

Thực trạng “muôn màu”

hành phố Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội của Nghệ An, bình quân mỗi năm thụ lý trên dưới 2.500 vụ việc, chiếm 1/3 tổng số vụ việc đơn thư KNTC toàn tỉnh. Mấy năm lại đây, mặc dù công tác tuyên truyền Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo đã được cấp ủy, chính quyền thành phố quan tâm, các ngành chức năng của thành phố đã có nhiều cố gắng trong giải quyết KNTC cũng như tập trung rà soát và xử lý dứt điểm một số vụ việc phức tạp kéo dài. Tuy nhiên, số vụ việc KNTC vẫn nhiều, bên cạnh đó xuất hiện KNTC sai, không có cơ sở ngày càng gia tăng. Nguyên nhân trước hết là sau khi chính quyền, các cơ quan chức năng có một quyết định, kết luận hay chủ trương nào đó, thì người dân nếu thấy kết quả không như ý mình là KNTC.

Cán bộ Ban Tiếp dân Thành phố Vinh tư vấn về giải quyết đơn thư theo thẩm quyền.
Cán bộ Ban Tiếp dân Thành phố Vinh tư vấn về giải quyết đơn thư theo thẩm quyền.

Vụ việc ông Lê Văn M. ở khối Yên Toàn, phường Hà Huy Tập là một ví dụ. Nguyên là Phó trưởng Ban Quản lý chợ Ga Vinh, tháng 12/2013, ông M bị UBND Thành phố Vinh kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc. Nguyên nhân là trong quá trình kê khai hồ sơ cán bộ để chuyển công tác đến Ban Quản lý chợ Vinh, ông M đã kê khai thiếu trung thực. Bên cạnh đó, quá trình công tác ở Ban Quản lý chợ Ga Vinh ông đã để xảy ra nhiều sai phạm. Không đồng ý với quyết định xử lý của UBND Thành phố, ông M đã khiếu nại và đã được UBND Thành phố Vinh giải quyết (lần 1) tại Văn bản số 3511/QĐ.UB ngày 9/5/2014 trả lời khẳng định việc xử lý là đúng. Tuy nhiên, ông M tiếp tục khiếu nại lên cấp trên và UBND tỉnh đã có quyết định lập Tổ liên ngành để kiểm tra, xác minh. Qua xác minh kiểm tra, ngày 19/9/2014, Tổ công tác liên ngành do Sở Nội vụ làm Tổ trưởng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh trong đó tiếp tục khẳng định quyết định xử lý kỷ luật hành chính của UBND Thành phố Vinh là đúng quy định và phù hợp, bởi vậy hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với ông M là không thay đổi.

Vụ việc thứ hai khiến UBND tỉnh và nhiều ngành chức năng tốn công sức và đến nay vẫn chưa giải quyết xong, cũng là từ khiếu kiện thiếu căn cứ liên quan đến quyết định thu hồi đất của dự án Thành Thái Thịnh, phường Bến Thủy của các hộ dân nguyên là xã viên HTX bốc xếp vận chuyển Hưng Thủy (cũ). Xác minh ngày 8/11/2014 của đoàn công tác liên ngành theo Quyết định số 676/QĐ.UBND.KT của UBND tỉnh Nghệ An cho thấy “Đối với các công dân nguyên là xã viên HTX này đã nhận đầy đủ chế độ vào năm 1991 nhưng sau đó không góp cổ phần, góp vốn và không tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX Hưng Thủy (được đổi tên từ HTX bốc xếp vận chuyển Hưng Thủy) từ sau năm 1991 đến nay, thì theo quy định của Luật HTX năm 1996, Luật HTX năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các công dân này không còn là xã viên HTX Hưng Thủy (hiện nay) và các công dân này không có quyền khiếu nại đòi bồi thường về đất đối với diện tích đất nông nghiệp được UBND phường Bến Thủy giao cho HTX bốc xếp vận chuyển Hưng Thủy năm 1987.

Vụ việc nữa liên quan đến công dân Bùi Xuân Chính (phường Hưng Bình) khiếu nại đòi lại đất của bố mẹ mua từ năm 1946. Ông này đi làm ăn xa hàng chục năm sau về, khiếu nại đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác. Tuy nhiên, theo ông Trương Xuân Tý – Chánh Thanh tra Thành phố Vinh thì ông này không có giấy tờ gì chứng minh đất của gia đình mình. Theo Khoản 2, Điều 10 (Luật Đất đai 2003) thì Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất cũ do qua các thời kỳ trước năm 1980 mà chính quyền đã giao cho người khác. Thành phố sau khi giải thích nhiều lần, đã ra thông báo chấm dứt giải quyết vụ việc. Tỉnh cũng thông báo việc ông Chính đòi đất không có cơ sở và kết luận rõ thành phố giải quyết đúng nhưng ông vẫn khiếu nại…. Theo số liệu của Thanh tra TP. Vinh, chỉ riêng từ 2013 đến nay, ở TP. Vinh đã phải thông báo chấm dứt 36 vụ việc vì khiếu nại, tố cáo không có cơ sở. Còn ở huyện Tân Kỳ mới đây, khi một cơ quan chức năng ở Trung ương về tìm người tố cáo theo thư phản ánh, nhưng tìm không ra người có tên tố cáo cũng như người bị xâm phạm quyền lợi.

Đơn thư thiếu căn cứ có dấu hiệu gia tăng.
Đơn thư thiếu căn cứ có dấu hiệu gia tăng.

Thời gian qua, bên cạnh KNTC thiếu cơ sở chính danh, thì đơn thư nặc danh cũng khá nhiều với lối suy diễn, có cái bịa đặt, chủ yếu nhằm vào gây mất uy tín cán bộ và mất đoàn kết nội bộ cơ quan, đơn vị. Thực tế đơn thư KNTC không có cơ sở vẫn đồng hành cùng với đơn thư KNTC đúng, hoặc có đúng có sai. Nắm được tâm lý ngại, “sợ” đơn thư, sợ tố cáo nên nhiều người lợi dụng gửi đơn khắp nơi, gây phiền phức, tổn hại cho các đơn vị, địa phương.

Nguyên nhân?

Trước hết có thể thấy nguyên nhân khách quan dẫn đến những KNTC của người dân là do khâu tuyên truyền về pháp luật, về các luật mới còn yếu kém. Thực trạng đáng lo ngại là nhiều người dân không quan tâm hoặc không hiểu biết về luật. Chỉ đến khi “đụng sự” thì người dân mới “cuống cuồng” tìm đến luật, do vậy có nhiều lĩnh vực, khía cạnh, họ chưa hiểu hết vấn đề…. Bên cạnh đó, do yêu cầu đổi mới, hội nhập, nhiều bộ luật “chồng lên” bộ luật và có nhiều quy định liên quan giữa các bộ luật với nhau. Những khía cạnh nêu trên dẫn đến người đi KNTC có khi nghĩ mình đúng nhưng hóa ra soi vào quy định lại không phải thế. Chỉ riêng vấn đề hạn mức đất đai cũng đã có sự phức tạp, chồng chéo, rất dễ gây ra khiếu kiện. Một nguyên nhân nữa là do nhận thức của không ít người dân còn lệch lạc, thấy cái lợi trước mắt muốn nhận vào mình mặc dù không có cơ sở để chứng minh điều đó. Một số thì nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu, đâm đơn kiện bừa, kiện mãi đến mức độ các cơ quan đều “ngán”…

Tuy nhiên, cũng có thể thấy, chính quyền cơ sở, những người có trách nhiệm giải quyết đơn KNTC có khi chưa khách quan, toàn diện, thấu tình đạt lý khi giải quyết đơn thư KNTC, nên người dân cảm thấy không thuyết phục. Bên cạnh đó sự thiếu gương mẫu, biểu hiện quan liêu, hách dịch, vi phạm dân chủ, vi phạm quy định của người lãnh đạo, người quản lý một số cơ quan, đơn vị đã làm cho người dân đi KNTC “được lướt” và viết đơn tố cáo người có thẩm quyền đứng ra giải quyết khiếu nại cho mình để “một mũi tên trúng nhiều đích”.

Khi bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Nhâm, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: KNTC sai đã có từ lâu, nhưng khoảng 5 năm lại đây, nhờ hàng năm có phân tích, bóc tách ra từng cột mức (đúng, có đúng có sai và sai) nên nhận diện được rõ ràng hơn. Nguyên nhân KNTC sai một phần do thói quen của người dân hoặc bị xúi giục nhưng có một phần lý do từ pháp luật. Hiện nay, luật chưa quy định trách nhiệm xử lý khi công dân KNTC sai nên thắng hay thua, người dân cũng muốn kiện lên cấp trên. Mặt khác, có một thực tế, để giải quyết khiếu nại, nếu khởi kiện sang Tòa thì phải nạp phí, nhưng theo Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo việc khiếu kiện theo con đường hành chính không mất lệ phí nên không chỉ người thua và người thắng đều KNTC…

Xử lý ngay từ cơ sở

Trước hết phải nâng cao khả năng thẩm định và giải quyết đơn thư KNTC của các cơ quan chức năng. Hiểu, am tường lĩnh vực phụ trách, nắm rõ luật, nghị định, thông tư để biết và phân loại được KNTC. Khi đã điều tra, thẩm định thấy rõ KNTC cao thì phải giải thích trực tiếp và đầy đủ bằng văn bản cho dân hiểu. Nếu người dân vẫn khiếu kiện lên Trung ương, tỉnh, thì cơ quan có thẩm quyền cần trả lời và chịu trách nhiệm về trả lời của mình cho tỉnh, Trung ương nắm bắt nhanh, nắm bắt trước. Trên cơ sở trả lời của cấp huyện, cấp thành phố, thì tỉnh, Trung ương sau khi thẩm định nếu khẳng định là cấp cơ sở đúng sẽ thông báo là cấp cơ sở đã giải quyết đúng. Lúc này tỉnh, thành phố có thông báo chấm dứt không giải quyết vụ việc nữa. Mặt khác, phải tiếp tục phối hợp, tham vấn ý kiến giữa các phòng, ban chức năng để nhận biết thông tin đầy đủ hơn khi trả lời công dân. Qua thanh tra, vụ việc nào cần bổ sung, xem xét lại thì ngành liên quan cần thẳng thắn, nghiêm túc sửa sai để chấm dứt KNTC.

Giải pháp thứ hai là cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC cần bàn bạc, thảo luận, báo cáo cụ thể vụ việc với lãnh đạo quản lý cùng cấp. Khi lãnh đạo hiểu, nắm bắt được bản chất vụ việc là KNTC không có cơ sở sẽ có thông báo kịp thời chi tiết đầy đủ thuyết phục đến người KNTC. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của cấp ủy đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân giải quyết KNTC. Người đứng đầu cần giải quyết tốt, kịp thời các khiếu nại, tố cáo nói chung và có giải pháp giảm khiếu nại, tố cáo sai. Định kỳ tổ chức rà soát những vụ việc được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật và KNTC không có nội dung mới thì ra thông báo chấm dứt. Vai trò quan trọng của người lãnh đạo, quản lý cũng như cấp ủy hiểu lý lẽ và thuyết phục được người dân hiểu để không KNTC thiếu căn cứ nữa.

Theo ông Trương Văn Đức - Chánh Thanh tra huyện Diễn Châu: “Quan trọng là các cấp, ngành cần tập trung khâu phân loại xử lý KNTC ngay từ cơ sở nên số lượng đơn thư KNTC sai sẽ giảm. Ở Diễn Châu, nhờ làm tốt vấn đề đó nên bình quân mỗi năm chỉ có trên dưới 10 vụ KNTC sai. Nếu chúng tôi thẩm định thấy đơn thư không có cơ sở thì theo quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, cơ quan, cấp có thẩm quyền trả lời không đủ điều kiện thụ lý. Để giảm tình trạng KNTC sai, xuất phát từ thực tế địa phương, trước hết cần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tiếp nhận, xử lý đơn thư KNTC ngay từ cơ sở để phân loại, xử lý, trả lời ngay từ đầu; những vụ việc nào có cơ sở thì mới thụ lý. Mặt khác, quá trình giải quyết các KNTC sai, cán bộ phải kiên trì đối thoại để giải thích cho công dân; khi trả lời không tiếp nhận, thụ lý cần nắm chắc các quy định pháp luật và văn bản của cơ quan liên quan khác về không thụ lý”.

Giải pháp thứ 3 mang tính phòng ngừa đó là tăng cường tuyên truyền Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, tránh không để người dân bị kẻ xấu lợi dụng. Là người có thâm niên trong ngành Thanh tra, ông Trương Xuân Tý - Chánh Thanh tra Thành phố Vinh cho rằng: Mặc dù là các KNTC sai và không có cơ sở, nhưng để chấm dứt là điều không đơn giản vì người dân không dễ nhận sai về mình. Để giải quyết, các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ càng, khách quan các vụ việc; cùng đó, phải tranh thủ ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, từ Thanh tra Chính phủ đến Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy và các hội, đoàn thể để ra thông báo chấm dứt các khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đơn thư khiếu nại không có cơ sở có thể sẽ tăng trong những thời điểm “nhạy cảm” khác nhau, vì vậy, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần thường xuyên nắm bắt dư luận trong Đảng, trong nhân dân, chống bè phái, cục bộ để kịp thời báo cáo với các đồng chí trong Ban Thường vụ có giải pháp xử lý hợp lý. Ông Võ Viết Thanh, Bí thư Thành ủy Vinh cho rằng: Hiện nay thành phố đã thành lập Ban Tiếp dân làm tốt khâu phân loại và giải quyết trước một bước về đơn thư. Một trong những giải pháp đảm bảo hạn chế các đơn thư nặc danh, mạo danh, không có cơ sở là mỗi một đảng bộ, chi bộ cần phải làm tốt khâu bảo vệ chính trị nội bộ, gắn với nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ. Cùng đó, các cấp, ngành cần làm tốt công tác tuyển chọn, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, đảm bảo cán bộ được tuyển chọn đề bạt, bổ nhiệm đáp ứng tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, năng lực. Các cấp ủy đảng nắm bắt thông tin kịp thời, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, tồn đọng, chủ động phát hiện sớm những biểu hiện lệch lạc của cán bộ, đảng viên để kịp thời uốn nắn; đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, tiêu cực, đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân nhưng đấu tranh với các biểu hiện dân chủ quá trớn.

Điều 7 - Luật Tiếp công dân (có hiệu lực từ 1/7/2014)

2. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);

b) Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;

c) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại;

d) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;

đ) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Trân Châu- Nguyễn Hải

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Giảm khiếu nại, tố cáo thiếu căn cứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO