Giảm nhiều loại phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp
Việc Bộ Tài chính đang dự kiến sửa đổi một loạt thông tư, theo đó nhiều loại phí và lệ phí được điều chỉnh giảm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là một xu hướng tích cực.
Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh giảm từ 10% đến 83% đối với các mức thu phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm; phí thẩm định nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế.
Trao đổi về đề xuất giảm hàng loạt các loại phí, lệ phí của Bộ Tài chính, ông Vũ Văn Sang - Giám đốc Công ty TNHH Quản trị doanh nghiệp BCM Việt Nam cho rằng, đây là động thái rất tích cực của Bộ Tài chính trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
“Qua nghiên cứu các dự thảo thông tư, tôi thấy rằng mức giảm dù không lớn, nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập từ hộ kinh doanh lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Với các doanh nghiệp này, thì dù một đồng cũng quý. Để có niềm tin, cũng như tạo động lực gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, thì sự hỗ trợ từ phía Nhà nước là rất quan trọng”, ông Sang nói.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Biển Đông. |
Đại diện Công ty TNHH Quản trị doanh nghiệp BCM Việt Nam cho rằng: Với chủ trương xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công, thì mức thu phí, lệ phí cũng phải dần tiến tới cơ chế thị trường. Do đó, việc giảm phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng tích cực đến mức thu phí, lệ phí đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ công của doanh nghiệp. Điều này không chỉ mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp đối với các dịch vụ công do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện, mà còn tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, theo hướng có lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn thu từ phí, lệ phí chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 3 - 5%) trong tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Chính vì thế, việc giảm một số khoản phí, lệ phí hầu như không ảnh hưởng đến cân đối NSNN nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Rõ ràng, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bằng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, việc giảm thuế, phí và lệ phí cho doanh nghiệp là một động thái rất thiết thực của Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Bộ Tài chính là bộ đầu tiên có những sáng kiến chính sách giảm chi phí rất cụ thể, đúng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ chọn năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Một số đề xuất giảm rất quan trọng, như giảm lệ phí thành lập doanh nghiệp, mức giảm dù từ 200.000 xuống 100.000 đồng như dự kiến, nhưng lưu ý rằng giảm đến 50% và đến 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới hàng năm hưởng lợi. Quan trọng hơn, đa số trong đó là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ bắt đầu bước vào thị trường. “Hy vọng chính sách này góp thêm một động lực để nhiều hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp hơn nữa”, ông Tuấn nói.
Đại diện VCCI cũng kỳ vọng: Từ những hoạt động tích cực này, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra các đề xuất cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Và nhiều bộ, ngành khác nhau sẽ có những hành động cụ thể theo định hướng này. Chi phí giảm, doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi thì tuy về ngắn hạn có thể giảm nguồn thu, nhưng về dài hạn sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Bộ đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Y tế thống nhất mức giảm phí liên quan đến chi phí của doanh nghiệp về dược, mỹ phẩm, kiểm dịch động vật, sản phẩm.
Cụ thể: Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thu phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1,8 triệu đồng xuống 1,6 triệu đồng/hồ sơ; đồng thời, cũng tính toán giảm mức thu phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền từ 200.000 đồng xuống 150.000 đồng/mặt hàng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ phí thẩm định hồ sơ cấp thẻ người giới thiệu thuốc 200.000 đồng/hồ sơ. Một loại phí khác được đề nghị giảm là phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Mức phí hiện tại là 120 triệu đồng được đề nghị hạ xuống 105 triệu đồng/lần thẩm định.
Phía Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế cung cấp số thu phí, lệ phí bị giảm khi bãi bỏ lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu quy định tại Thông tư số 285/2016/TT-BTC.
Đồng thời, giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu, phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản quy định; khi giảm phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định.
Theo Báo Tin tức
TIN LIÊN QUAN |
---|