Gian nan cuộc chiến chống pháo lậu
(Baonghean) - Thời điểm gần Tết cũng là lúc tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo lậu vào địa bàn tỉnh ta lại "nóng" lên. Mặc dù các lực lượng chức năng tuần tra, chốt chặn, kiểm soát gắt gao ngày đêm nhằm siết chặt vòng vây, nhưng pháo lậu vẫn không ngừng tuồn vào.
Muôn nẻo buôn pháo lậu
Trong vòng vài tháng trở lại đây, các lực lượng chức năng tỉnh ta liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán pháo lậu vào Nghệ An với số lượng lớn. Vào hồi 4 h, ngày 20/10/2011, trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu), Đội Phòng chống buôn lậu Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Nghệ An (PC46) đã phát hiện và bắt giữ 2 xe ô tô mang biển kiểm soát 16N-5575 và 15A-01072, vận chuyển 572 kg pháo lậu (3 bảo tải pháo "lựu đạn" và 16 thùng pháo bánh) do Trung Quốc sản xuất. Số pháo này do các đối tượng Dương Ngô Quy, Vũ Đình Tuấn, thường trú tại Hải An- TP.Hải Phòng và Nguyễn Văn Tường thường trú tại Bỉm Sơn-Thanh Hóa vận chuyển từ Hải Phòng vào.
Sáng 11/11, Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An) phối hợp với Công an huyện Quỳnh Lưu khám xét xe khách biển kiểm soát 36L - 5925, do Trần Xuân Hiệp trú quán tại Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, điều khiển chạy theo hướng Bắc - Nam trên Quốc lộ 1A. Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện gần 11 kg pháo nổ, 54 kg pháo điện lễ hội do nước ngoài sản xuất.
Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2011, Công an huyện Quỳnh Lưu đã phát hiện và bắt giữ 16 vụ vận chuyển pháo lậu qua địa bàn, thu giữ gần 150 kg pháo các loại. Công an TP Vinh bắt giữ 4 vụ, thu giữ gần 200 kg pháo các loại.
Qua các vụ bắt giữ cho thấy, đối tượng vận chuyển, buôn bán pháo lậu rất đa dạng, từ tiểu thương, ngư dân cho đến sinh viên, phụ nữ đều tham gia, không chỉ lén lút vận chuyển bằng đường bộ mà cả bằng đường biển với nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Đối tượng vận chuyển, buôn bán có cả người địa phương và ngoại tỉnh. Các loại pháo được vận chuyển lậu vào Nghệ An đa dạng về chủng loại, có cả pháo giống hình lựu đạn, pháo bánh, pháo dạng cây, pháo diêm...
Trung tá Nguyễn Cảnh Toàn - đội Trưởng Đội chống buôn lậu (Phòng PC46), cho biết: Tình trạng mua bán, vận chuyển pháo lậu diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Các vụ buôn bán pháo lậu bị bắt giữ hiện nay cho thấy, hầu hết các đối tượng bị bắt giữ là người vận chuyển thuê cho chủ hàng. Sau khi có đơn "đặt hàng", đối tượng chủ mưu, cầm đầu liên lạc với đối tượng cung cấp pháo qua điện thoại, hẹn địa điểm, thời gian và phương thức giao hàng. Chúng liên tục thay đổi địa điểm, phương tiện vận chuyển và thời gian giao hàng hòng "qua mặt" các lực lượng chức năng. Để phát hiện, bắt giữ các đối tượng này, các lực lượng chức năng phải huy động sự vào cuộc của tất cả các lực lượng để "giăng bẫy" với nhiều biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, nhưng đôi khi vẫn "vồ hụt" chủ hàng. Theo trung tá Toàn thì một số bộ phận quần chúng còn xem nhẹ việc tố giác, đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo lậu, do đó "phá án" pháo lậu vẫn thuộc loại khó nhất trong "đánh án" hình sự.
Các chiến sỹ Phòng PC 46 kiểm tra pháo lậu bị bắt giữ.
Cần xử lý quyết liệt
Trước Tết Tân Mão 2011, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 70 vụ vận chuyển, buôn bán pháo lậu với gần 800 kg pháo các loại, khởi tố điều tra 9 vụ với 12 bị can. Để đối phó với tình trạng pháo lậu trọng dịp Tết Nhâm Thìn 2012 sắp tới, ngay từ đầu tháng 4/2011, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 13 về việc mở cuộc vận động nhân dân giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An phân công Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 64) xây dựng, triển khai các kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán, từng trữ sử dụng trái phép các loại pháo; lên kế hoạch tuyên truyền trong toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng những địa bàn trọng điểm như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TP. Vinh, TX. Thái Hoà. Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), mỗi dịp gần Tết lại phải tung hết lực lượng, huy động tất cả các loại phương tiện để tập trung "phá án" pháo lậu.
Tại TP. Vinh, ngay từ tháng 8, UBND thành phố đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban, ngành của thành phố theo dõi từng phường, xã. Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.Vinh tham mưu và chuẩn bị nội dung để in 60.000 tờ rơi, 420 đĩa CD, 60 câu khẩu hiệu tuyên truyền phòng chống pháo lậu. Bắt đầu từ 17/11, hệ thống loa phát thanh của các phường, xã dành 15 phút mỗi buổi sáng và buổi chiều phát nội dung tuyên truyền phòng chống pháo lậu. Công an TP.Vinh còn lập danh sách và gọi hỏi, răn đe những đối tượng từng sử dụng và tàng trữ pháo; ký cam kết trực tiếp từng hộ dân và doanh nghiệp đóng trên địa bàn không sử dụng, tàng trữ, buôn bán pháo lậu. Một số phường, xã như Nghi Phú, Trường Thi, Cửa Nam còn lồng ghép với các chiến dịch khác tổ chức ra quân mít tinh, diễu hành...
Tại "điểm nóng" Quỳnh Lưu, ngay từ đầu tháng 11/2011, Công an huyện Quỳnh Lưu đã xác định những địa bàn phức tạp và thành lập các tổ công tác đóng tại các địa bàn Sơn Hải, Cầu Giát và Quỳnh Phương, vùng ven biển bãi ngang, vùng miền núi phía Tây Quỳnh Lưu hay vùng Hoàng Mai giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa. Ngoài việc tuyên truyền vận động, các tổ công tác còn phối hợp với công an viên cho nhân dân ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các loại pháo lậu, nếu vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật.
Đại tá Bùi Văn Ngân-Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Ngay từ đầu tháng 9, chúng tôi đã tham mưu và lập các kế hoạch phòng chống pháo lậu với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các cấp, các ngành. Nhưng, ở Quỳnh Lưu còn có nhiều đối tượng là thanh, thiếu niên đi làm ăn xa, ngư dân đi biển dài ngày nên công tác tuyên truyền vận động còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, một số thanh niên không có việc làm ở một số xã còn móc nối với các đối tượng là ngư dân đi biển và người ở địa phương khác vận chuyển, buôn bán pháo lậu để kiếm lời. Bên cạnh đó, một số ngư dân ven biển vẫn còn "thói quen" đốt pháo trước và sau giao thừa với quan niệm xua đuổi tà ma và lấy may đầu năm mới, nên công tác phòng chống pháo lậu trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đại tá Đào Hồng Lập-Trưởng phòng PC46, cho biết: Chính vì "thói quen" của một số bộ phận người dân ở các địa phương vẫn còn "thích nghe" tiếng pháo nổ, và một số đại gia muốn chơi trội bằng tiếng pháo trong những ngày Tết nên việc phòng chống pháo lậu là điều rất khó khăn.
Còn Đại uý Phạm Thế Kỷ-Phòng PC64 thì cho rằng do lợi nhuận cao (một bánh pháo ở Trung Quốc chỉ khoảng 100 ngàn nhưng về đến Nghệ An có giá khoảng 600 ngàn), nên nhiều người biết rằng vận chuyển, buôn bán pháo lậu là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi nên vẫn lao vào, và có "cầu" thì ắt sẽ có "cung"!
Để hạn chế tối thiểu tình trạng pháo lậu, theo Trung tá Nguyễn Cảnh Toàn - Đội trưởng Đội chống buôn lậu phòng PC46, ở những địa bàn nhạy cảm, ngoài sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, còn cần sự chung tay của các tổ chức như Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, nhà trường tại các địa phương... trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân. Mặt khác, lực lượng công an xã, phường, các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý những đối tượng đốt pháo lậu trong dịp Tết để răn đe các đối tượng khác, làm cho mỗi người dân tự giác chấm dứt "thói quen" mua và sử dụng pháo, nhằm ngăn chặn từ xa hiện tượng vận chuyển, buôn lậu, bán và đốt pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán, để không còn tình trạng gần Tết lại lo... pháo lậu.
Đức Chuyên