Giáo dục giới tính cho học trò và quan niệm 'vẽ đường cho hươu chạy'

Mỹ Hà 24/02/2023 09:10

(Baonghean.vn)- Giáo dục giới tính là một việc làm cần thiết nhằm tránh những hệ lụy lâu dài về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Việc định hướng cũng cần có nhiều thay đổi, thay vì chỉ suy nghĩ đơn giản như trước đây là để “vẽ đường cho hươu chạy”.

Những câu chuyện buồn

Đến giờ, chị Nguyễn Thị Hồng - Phòng Truyền thông dân số - Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh vẫn còn nhớ mãi về một cuộc điện thoại đề nghị tư vấn từ một trường học cách đây 2 năm. Lúc đó, trường vừa phát hiện 1 học sinh lớp 7 mang thai và phải nghỉ học. Nhà trường mong muốn tổ chức một cuộc tư vấn với học sinh về việc quan hệ trước hôn nhân, về mang thai ở trẻ tuổi vị thành niên và cung cấp cho các em các kiến thức tối thiểu về SKSS.

Chị Nguyễn Thị Hồng cũng nhớ lại: Tôi là một người mẹ và các con của mình cũng đang ở độ tuổi dậy thì nên nghe những thông tin này tôi thực sự buồn. Chính vì vậy, khi nói chuyện với các em ở trường, tôi đã đưa câu chuyện về yêu sớm với các em để phân tích, chia sẻ và hy vọng qua đó các em thấy được những tác động tiêu cực và cả những hệ lụy sau này nếu chẳng may các em đi quá giới hạn. Bản thân tôi cũng mong rằng, từ những câu chuyện “người thật, việc thật” này, các em sẽ tự rút ra được kinh nghiệm cho bản thân mình và phải có ý thức giữ gìn để tránh những hối hận, tiếc nuối.

Trong những năm qua, ngành Dân số đã tổ chức nhiều buổi tư vấn về Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên cho nhiều trường học trên toàn tỉnh. Ảnh: DSNA

Gần 10 năm làm công tác tư vấn về sức khỏe sinh sản và đến với hàng nghìn học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn toàn tỉnh, chị Nguyễn Thị Hồng dường như đã không còn ngạc nhiên khi nghe các thầy giáo, cô giáo chia sẻ về chuyện “yêu sớm”, “quan hệ tình dục sớm” ở tuổi học trò.

Gần đây nhất, khi trò chuyện với những học sinh ở một trường THPT trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, một học sinh lớp 11 còn không ngại thú nhận “lỡ quan hệ tình dục với một bạn học từ năm cấp II và nay bạn ấy đã sinh con và phải nghỉ học”. Lời chia sẻ muộn màng ấy khiến chị không khỏi lo lắng, bởi đây không còn là vấn đề sức khỏe sinh sản mà còn là vi phạm pháp luật. Rất nhiều học sinh chưa ý thức được việc vi phạm pháp luật khi quan hệ với trẻ dưới 16 tuổi. Trong tình huống này, chị vừa phải nhắc nhở, vừa phải răn đe nhưng cũng phải định hướng cho các học sinh khác để không mắc phải những sai lầm tương tự.

Tuyên truyền cho học sinh huyện Nghĩa Đàn về giáo dục giới tính ở tuổi mới lớn. Ảnh: Mỹ Hà

Một lần khác, đến tư vấn cho học sinh tại một trường THCS ở huyện miền núi cao Kỳ Sơn, chị khá ngỡ ngàng khi nội dung tư vấn mà chị đề cập liên quan đến việc dậy thì ở nam và nữ, về tình yêu ở tuổi học trò, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lại không nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường, vì cho rằng đó là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Trong khi đó, với học sinh ở các huyện miền núi cao, nhận thức của các em về vấn đề sức khỏe sinh sản còn rất nhiều hạn chế, thiếu hiểu biết và các em cũng không có nhiều cơ hội để tiếp cận với các thông tin hữu ích. Điều này giải thích cho việc, ở những huyện miền núi, nơi có đông học sinh là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh lấy chồng, lấy vợ sớm lại cao hơn các vùng khác.

Từ câu chuyện này, chị Nguyễn Thị Hồng cũng nói rằng: Vấn đề sức khỏe sinh sản luôn là vấn đề “tế nhị” ở các nhà trường và chính các giáo viên cũng e ngại khi đề cập đến câu chuyện này. Do đó, học sinh thiếu các thông tin cần thiết để tự trang bị và bảo vệ mình dù trên thực tế, từ năm lớp 5 các nội dung này đã được đưa vào môn khoa học. Ở nước ngoài, học sinh cũng được học về giới tính từ rất sớm chứ không né tránh như nhiều trường học ở Việt Nam.

Trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình

Trường PTDTNT THPT số 2 có 100% học sinh nội trú. Học sinh trong trường là con em đồng bào các dân tộc, sống xa nhà và đều đang ở độ tuổi dậy thì. Đây cũng là độ tuổi dễ nảy sinh những tình cảm khác giới và nếu không có sự giám sát, tư vấn, định hướng rất dễ xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản - phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh của huyện Quỳ Hợp. Ảnh: DSNA

Để đảm bảo an toàn cho môi trường học đường và môi trường nội trú, thầy giáo Nguyễn Đậu Trương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc giáo dục giới tính được nhà trường tổ chức thường xuyên và lồng ghép trong nhiều tiết dạy, trong tất cả các hoạt động ngoại khóa của nhà trường và cũng được giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở thường xuyên trong các giờ sinh hoạt lớp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải thực hiện nghiêm các quy định về nội quy lớp học, nội quy ký túc xá và yêu cầu học sinh thực hiện nghiêm túc hạn chế ít nhất tình trạng yêu sớm trong học đường và giúp các em có những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình.

Tại Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn), thầy giáo Nguyễn Vương Linh - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng: Hiện nay, sự phát triển của mạng xã hội khiến học sinh được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin, trong đó có cả những thông tin trái chiều và ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của lứa tuổi học trò. Chính vì thế, không chỉ học sinh THPT mà học sinh THCS cũng nảy sinh tình cảm khác giới rất sớm và nhiều em khá cởi mở về vấn đề này nếu không được gia đình định hướng, nhắc nhở. Về phía nhà trường, từ nhiều năm nay, đã rất coi trọng việc giáo dục giới tính và lồng ghép trong nhiều hoạt động, trong các buổi chào cờ. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu thì vẫn còn nhiều hạn chế vì việc giáo dục giới tính không phải là chuyên môn chính của các thầy, cô giáo.

Cá nhân tôi cho rằng, để tuyên truyền hiệu quả thì cần phải đổi mới hình thức tuyên truyền, đa dạng các hình thức tư vấn để tạo sự hấp dẫn cho học sinh.


Năm 2023, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đang dự kiến tổ chức 23 buổi tuyên truyền tư vấn về sức khỏe sinh sản cho học sinh bậc THCS và bậc THPT trên toàn tỉnh. Những buổi tuyên truyền tương tự cũng đã được ngành Dân số và nhiều ban, ngành khác cùng phối hợp để kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với con số và kinh phí chỉ đủ tổ chức được vài chục buổi/năm so với nhu cầu thực tế còn quá ít ỏi. Thậm chí theo tính toán của Phòng Truyền thông dân số, nếu không tăng số buổi truyền thông thì trong vòng 10 năm, công tác tuyên truyền vẫn chưa thể phủ kín gần 600 trường THCS và THPT trên toàn tỉnh.

Để làm mới các hoạt động tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, trong những năm vừa qua, ngành Dân số cũng đã có nhiều hình thức đổi mới trong tuyên truyền, vận động thông qua nhiều cuộc thi, nhiều sân chơi ý nghĩa như cuộc thi Rung chuông vàng, cuộc thi Là con gái thật tuyệt, tuyên truyền nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái...

Buổi tuyên truyền về bạo lực, xâm hại trẻ em ở Trường Tiểu học Nghi Kiều (Nghi Lộc). Ảnh: DSNA

Thông qua các chương trình này cũng đã góp phần nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, kịp thời trao đổi những băn khoăn, thắc mắc của các em học sinh về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thu hút sự tham gia của hàng chục ngàn học sinh. Ngoài tuyên truyền, tư vấn, học sinh còn được tham gia trả lời các câu hỏi, khám sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.

Ngành Dân số cũng đã nhiều năm phối hợp với ngành Giáo dục để tập huấn cho nhân viên y tế, những người làm công tác tư vấn ở các nhà trường nhằm tăng cường các kỹ năng tuyên truyền tư vấn, tổ chức các hoạt động...

Mới nhất

x
Giáo dục giới tính cho học trò và quan niệm 'vẽ đường cho hươu chạy'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO