Giáo dục mầm non: "Cái khó bó… chất lượng"

06/11/2013 18:43

(Baonghean) - Theo thống kê của Sở giáo dục và đào tạo, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 45% phòng học mầm non kiên cố, còn lại là phòng học bán kiên cố, tạm, mượn. Khó khăn về cơ sở vật chất đang là trở ngại lớn để ngành giáo dục tiến đến mục tiêu phổ cập trẻ 5 tuổi trong năm 2014. Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ có 9 huyện hoàn thành phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi.

Thiếu cơ sở vật chất

Chúng tôi đến thăm điểm Trường Mầm non Xá Lượng đóng tại bản Xiêng Hương (xã Xá Lượng - huyện Tương Dương). Ngôi trường có 2 cổng, 2 biển tên khác nhau. Hỏi ra mới biết, điểm trường mầm non Xá Lượng (ngay bên cạnh đang bị bỏ hoang vì quá cũ), có thể đổ sập bất cứ lúc nào nên nhà trường đang phải mượn phòng học của Trường Tiểu học Xá Lượng 1 (đã gần 3 năm nay) để các cháu mầm non học tạm. Có phòng học nhưng cơ sở vật chất còn thiếu thốn: không nhà vệ sinh, không đồ chơi ngoài trời, sân chơi là khoảng đất trống, được bao quanh bởi tường rào dây thép gai.

Trong điều kiện đó, các cô giáo đã tự xoay xở bằng nhiều cách: tự làm đồ chơi, thiết bị để dạy học cho các cháu; vận động phụ huynh góp tiền mua ống dẫn nước từ nhà người dân lên cho các cháu dùng… Cô Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng cho biết: “Cũng bởi điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất nên nhà trường không thể ứng dụng dạy học theo phương pháp mới (sử dụng công nghệ thông tin); các giáo viên chủ yếu sử dụng tranh và đồ dùng dạy học tự làm để dạy trẻ. Sân chơi của trẻ rất đơn sơ, thiếu đồ chơi nên trẻ cũng ít có điều kiện phát triển thể chất”.

Điểm Trường Mầm non Xá Lượng (bản Xiêng Hương, Tương Dương) đang phải học nhờ trường tiểu học.
Điểm Trường Mầm non Xá Lượng (bản Xiêng Hương, Tương Dương) đang phải học nhờ trường tiểu học.

Hiện trên địa bàn huyện Tương Dương vẫn còn 22 phòng học bậc mầm non bán kiên cố, 8 phòng mượn nhà cộng đồng và tiểu học. Số phòng học tranh tre là 18, chủ yếu ở một số vùng khó khăn của huyện. Nhà bếp phục vụ trẻ bán trú mới chỉ có 13/150 bếp ăn đạt tiêu chuẩn, còn lại là tạm bợ. Ngoài ra, thiết bị dạy học theo Thông tư 02/TT Bộ Giáo dục và Đào tạo mới cũng mới chỉ đạt được 60%.

Toàn huyện Kỳ Sơn có 24 trường mầm non/21 xã, thị trấn, với 293 phòng học. Trong đó có 142 phòng học kiên cố, 39 phòng bán kiên cố và còn lại 112 phòng học tạm, mượn. Về danh mục đồ chơi, có 4 trường có đủ 126 danh mục theo quy định, 20 trường còn lại chỉ có từ 60 - 72 danh mục.

“Nguyên nhân là do các trường mầm non trên địa bàn huyện có nhiều điểm trường lẻ (toàn huyện có có 24 trường mầm non nhưng có đến 178 điểm trường), nên việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất còn dàn trải, manh mún, đường giao thông đến các điểm trường lẻ rất khó khăn, chi phí đầu tư tốn kém. Đời sống người dân còn nghèo nên khó thực hiện xã hội hóa để huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục”, ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ sơn cho biết.

Không chỉ ở miền núi, thực tế đáng quan ngại là ngay ở Thành phố Vinh vẫn xẩy ra tình trạng thiếu phòng học, dẫn đến quá tải các lớp học mầm non như: Trường Mầm non Việt Lào (phường Trung Đô), Hưng Dũng, Cửa Nam, Hà Huy Tập… Bà Lê Thị Phương – Phó phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Vinh cho biết: “Trong những năm qua, dân số thành phố biến động nhanh, trẻ mầm non tăng kéo theo sỹ số lớp học cũng tăng lên. Mặt khác, bất cập là trước đây theo quy định các trường mầm non chỉ được quy hoạch trên một diện tích đất nhất định. Do đó, để mở rộng diện tích, quỹ đất không còn và kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng là quá lớn”.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện toàn tỉnh có 5583 phòng học mầm non, trong đó mới chỉ có 45% phòng học kiên cố, 41,6% phòng học bán kiên cố và còn lại là phòng học tạm, mượn. Có gần 74% sân chơi cho trẻ có thiết bị đồ chơi và 43% sân chơi có 5 loại thiết bị đồ chơi trở lên (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Có 73% nhà bếp đúng quy cách trên tổng số các trường có bếp ăn cho trẻ. Tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất tập trung ở các huyện miền núi như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương…

Nỗ lực vượt khó

Xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) - xã duy nhất của huyện vẫn chưa có trường mầm non, do sau khi chia tách thị trấn, cơ sở vật chất cũ của Trường Mầm non Nghĩa Bình “nhường” lại cho Trường Mầm non thị trấn Nghĩa Đàn. Hiện 97 cháu của xã Nghĩa Bình đang được nhà trường bố trí học tại 3 điểm lẻ: Bình Thành, Bình Nghĩa và Bình Hải. Những điểm trường này hầu như đang thiếu thốn về cơ sở vật chất. Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Bình cho biết: “Các điểm Bình Nghĩa và Bình Hải, nhà trường đang phải mượn tạm hội quán để cho các cháu học.

Ở những điểm này, vào mùa mưa hay bị ngập. Nhà trường phải vận động phụ huynh gửi cháu sang các trường của các xã lân cận. Còn ở điểm Bình Thành thì huyện hỗ trợ cho thuê phòng học, nhưng phòng chật hẹp. Lớp học bán trú nhưng chưa có nhà bếp, chúng tôi đang nhờ nhà dân để nấu nướng, bảo quản thức ăn cho các cháu. Còn đồ chơi, đồ dùng học tập cho các cháu một phần cô giáo tự làm, ngoài ra vận động phụ huynh đóng góp thêm”.

Sân chơi đơn sơ của trẻ miền núi
Sân chơi đơn sơ của trẻ miền núi

Còn Tương Dương, trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất như vậy, phòng giáo dục huyện đã ưu tiên đầu tư cho trẻ 5 tuổi để thực hiện việc phổ cập giáo dục cho trẻ ở lứa tuổi này. Bởi vậy, năm 2013 -2014, phòng giáo dục tham mưu với huyện để xóa 14 phòng học tranh tre, tạm bợ và sửa chữa, nâng cấp 6 phòng học mượn của tiểu học và nhà cộng đồng xã ở một số xã khó khăn như: Lượng Minh, Mai Sơn, Yên Tĩnh, Nhôn Mai, Mai Sơn, Yên Hòa. Đồng thời huy động phụ huynh và các nguồn lực xã hội hóa để mua sắm thiết bị đồ chơi ngoài trời, đảm bảo 5 loại đồ chơi/sân; huy động phụ huynh hỗ trợ các nhà trường bằng ngày công lao động...

Ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Kỳ Sơn cho biết: “Bên cạnh việc tăng cường vận động nhân dân cùng tham gia xã hội hóa bằng những việc làm thiết thực góp phần giảm gánh nặng cho ngành giáo dục. Ngành giáo dục huyện tiếp tục tham mưu với các cấp, các ngành đầu tư xây dựng thêm các phòng học và mua sắm đồ dùng, đồ chơi cho các nhà trường. Năm nay huyện đã tiến hành xây mới được 2 trường mầm non: Chiêu Lưu 2 và Mỹ Lý 2. Tuy nhiên, thiếu thốn về cơ sở vật chất thì còn nhiều nhưng huyện còn nghèo nên để huy động đầu tư rất khó khăn”.

Ở Thành phố Vinh, trong năm học 2012 – 2013, thành phố đầu tư xây thêm 22 phòng học mới ở các trường mầm non: Lê Mao, Hưng Lộc, Nghi Đức, Nghi Kim… trong năm học này có 19 phòng học đang được xây mới. “Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất hiện có, thành phố ưu tiên huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, 85% trẻ mẫu giáo ra lớp ở tất cả các loại hình trường. Còn đối với trẻ nhà trẻ, do thiếu trường, lớp nên thành phố vẫn đang phấn đấu từ đạt 22 – 25% trẻ ra lớp. Số còn lại, các cháu phải đi học ở các lớp tư thục, hoặc gia đình trông” – bà Lê Thị Phương – Phó phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Vinh cho biết.

Nhằm chia sẻ gánh nặng cho các trường công lập, thành phố đã tạo điều kiện để các trường ngoài công lập phát triển. Hiện toàn thành phố có 19 trường ngoài công lập, với gần 5000 cháu đang theo học tại đây và 27 trường công lập. Trong 3 năm qua hệ thống trường ngoài công lập phát triển mạnh, theo nhận định, nếu cứ đà này chỉ vài năm nữa số trường ngoài công lập sẽ tương đương trường công lập. Đây được coi là giải pháp để giảm tải cho các trường công, tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là một số trường tư thục có diện tích, điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn thì học phí cao, không phải ai cũng có điều kiện gửi con. Ngoài ra, có một số lớp tư thục do người dân mở ra, cải tạo lại để trông trẻ, chi phí thấp hơn thì diện tích khuôn viên không đảm bảo.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh đã xây dựng thêm 5 trường mầm non ở các huyện Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên…, xóa được 107 phòng học tạm, mượn. Theo báo cáo của các trường, hiện toàn tỉnh còn 254 phòng học tạm, mượn. Bà Hồ Thị An – Phó Phòng Giáo dục mầm non – Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất hiện nay, ngành giáo dục của tỉnh chủ trương ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tuy nhiên vẫn phải quan tâm đến các độ tuổi khác. Bởi vậy, sở yêu cầu các trường ưu tiên những phòng học tốt nhất, đồ dùng thiết bị dạy học… cho các lớp học 5 tuổi để hoàn thành mục tiêu phổ cập. Còn đối với những huyện miền núi còn nhiều khó khăn, việc mua sắm thiết bị đồ dùng đồ chơi, sở vẫn luôn quan tâm những huyện này trước tiên”.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh cũng mới chỉ có 9 huyện hoàn thành phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi. Khó khăn về cơ sở vật chất vẫn đang là trở ngại lớn để ngành giáo dục tiến đến mục tiêu phổ cập trẻ 5 tuổi trong năm 2014 (theo đăng ký với Bộ). Còn với những trẻ ở độ tuổi khác, ở những vùng sâu, vùng xa, khó khăn, biết đến bao giờ các em có được trường, lớp khang trang để yên tâm học tập?

Minh Nguyệt

Mới nhất
x
Giáo dục mầm non: "Cái khó bó… chất lượng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO