“Giáo dục một người thầy tốt, được cả một thế hệ”

12/08/2013 10:13

Tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với thực tiễn từ ngàn đời nay đã khẳng định, minh chứng về vai trò đặc biệt sâu sắc của người thầy đối với học sinh và trong xã hội. Bởi vậy, người thầy ngoài tri thức uyên thâm, tài năng sư phạm, còn phải có lòng vị tha, biết thương yêu và có lối sống lành mạnh để làm gương cho học sinh noi theo...

(Baonghean) - Tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với thực tiễn từ ngàn đời nay đã khẳng định, minh chứng về vai trò đặc biệt sâu sắc của người thầy đối với học sinh và trong xã hội. Bởi vậy, người thầy ngoài tri thức uyên thâm, tài năng sư phạm, còn phải có lòng vị tha, biết thương yêu và có lối sống lành mạnh để làm gương cho học sinh noi theo...

Đối với dân tộc Việt Nam, người thầy giáo luôn được xã hội tôn vinh, kính trọng. Sự tôn vinh và kính trọng đó được thể hiện bởi tư tưởng và quan điểm xuyên suốt qua nhiều thế hệ như: "Tôn sư trọng đạo"; "Không thầy đố mày làm nên"; "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" hay "Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"... Trong xã hội phong kiến, những ông đồ dạy học hay những người học hành đỗ đạt thành ông Nghè, ông Cống được xã hội rất mực kính trọng. Đồng thời, những người học chữ "thánh hiền" này cũng luôn có ý thức trau dồi tài năng và giữ gìn phẩm cách. Vì vậy, xã hội gửi gắm, tin tưởng vô điều kiện về nhân cách và tài năng. Họ chính là chuẩn mực, là hình mẫu để mọi người vươn tới.

Thực tế thì dù ở thời đại nào, người thầy cũng cần có đạo đức, vì đạo đức vừa là phương pháp vừa là phương tiện giáo dục của người thầy. Đồng thời, người thầy phải có tri thức, kỹ năng và năng lực thuyết phục thì mới có thể truyền đạt, hướng dẫn thế hệ trẻ tiếp cận và làm chủ nền tri thức của nhân loại. Về điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Giáo dục một người thầy tốt, được cả một thế hệ”. Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phát động nhiều phong trào nhằm nâng cao năng lực, tri thức, kỹ năng và đạo đức người thầy như “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; “Thi đua dạy tốt, học tốt” và gần đây nhất là cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cùng với đó là việc ban hành các qui định về chuẩn giáo viên, chuẩn nghề nghiệp.


Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP.Vinh)

Cô Lê Thị Hương Sen - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An cho biết: “Hơn 5 năm qua, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã được chuyển hóa vào mọi mặt hoạt động của từng trường học trên địa bàn tỉnh. Nổi bật nhất là việc bồi dưỡng giáo viên, thi giáo viên dạy giỏi, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, tham gia đổi mới chương trình, sách giáo khoa... Mỗi đơn vị đều tự chọn cho mình những điểm nhấn riêng, cách làm phù hợp.

Có trường tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn. Có trường quan tâm tới việc quản lý lao động để tạo dựng và giữ vững thương hiệu, kỷ cương. Trường thì chọn việc đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, xây dựng khung cảnh trường, lớp làm nền tảng thúc đẩy cuộc vận động...”. Nhờ đó đến nay, số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo ngày càng tăng (tỷ lệ trên chuẩn đào tạo ở mầm non chiếm 51,4%, tiểu học 78,3%, THCS 67,7%, THPT 14,1%); 93% cán bộ, giáo viên đạt gia đình văn hoá; hơn 5.000 giáo viên được phụ huynh và học sinh bình chọn yêu thích; có 25.470 ngàn sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) của giáo viên được công nhận bậc 3 ở cấp cơ sở và 1.625 SKKN được công nhận bậc 4, bậc 4 khuyến khích cấp tỉnh và nhiều SKKN, đề tài khoa học được Hội đồng khoa học tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp bằng lao động sáng tạo.

Nhằm xây dựng hình ảnh người giáo viên mẫu mực, ngành Giáo dục Nam Đàn đã triển khai phong trào “Xây dựng phong cách nhà giáo trên quê hương Bác”. Theo đó, có 5 chuẩn mực được ban hành: Làm việc khoa học, kỷ cương, hiệu quả, sáng tạo; Tác phong lối sống mẫu mực; Giao tiếp lịch sự; Trang phục mô phạm; Tự học, tự rèn luyện nâng cao trình độ. Sau hơn 10 năm triển khai, cuộc vận động đã tạo nên bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của từng giáo viên, đơn vị trong quá trình giảng dạy, học tập; xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu dạy học trong tình hình mới.

Đó là tấm gương cô Nguyễn Thị Vân (giáo viên Trường Tiểu học Nam Lộc) nhận dạy kèm học sinh nghèo, con gia đình chính sách tại nhà không thu tiền. Là cô Lê Thị Hòa (Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Long) cưu mang học sinh có hoàn cảnh éo le. Những cô giáo ở Trường Mầm non Hùng Tiến nhận đưa đón trẻ tới lớp thay phụ huynh trong ngày mùa. Đó là tấm lòng của những thầy, cô giáo Làng Sen, Vân Diên, Nam Thanh... mở các lớp học thân thiện, tủ sách thân thiện phục vụ học sinh, giúp các em vươn lên trong học tập. Là tập thể giáo viên các trường Tiểu học Nam Thái, Tiểu học Nam Nghĩa, Mầm non Làng Sen, Mầm non làng Hoàng Trù tự nguyện đóng góp ngày công, trích tiền lương xây dựng trường học đạt chuẩn...

Xác định chữ viết xấu hay đẹp của học sinh một phần do ảnh hưởng và sự uốn nắn từ giáo viên, một giáo viên có chữ viết đẹp, sẽ có nhiều học trò viết chữ đẹp và ngược lại. Do đó, năm học qua, ngành Giáo dục Anh Sơn phát động phong trào “Nét chữ, nết người” trong toàn ngành. Để nêu gương cho học sinh, toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong toàn ngành đều thi đua “rèn chữ”. Từ bảo vệ nhà trường, đến giáo viên, hiệu trưởng và trưởng phòng Giáo dục đều có một cuốn vở luyện viết lớp 4. Mỗi ngày đều tự mình viết 1 trang và có chấm điểm, có trao thưởng vào cuối kỳ, tổ chức thi hồ sơ đẹp.

Kế hoạch là cuối học kỳ 1 năm học này, các trường sẽ chấm “vở sạch, chữ đẹp” cho học sinh; Hiệu trưởng chấm “hồ sơ đẹp” và “vở luyện viết” của giáo viên và phòng Giáo dục chấm vở sạch, chữ đẹp của các hiệu trưởng. Đây sẽ là một tiêu chí thi đua của ngành trong năm học 2012-2013. “Luyện viết cho các em, không chỉ được chữ viết đẹp. Quan trọng hơn là rèn cho các em ý thức, sự chỉn chu, cẩn thận, tính kiên trì, chịu khó. Muốn thế, mỗi thầy, cô giáo phải nêu gương sáng để học sinh noi theo”, ông Nguyễn Đức Vĩnh - Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết.

Trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay, tỉnh ta có nhiều thủ khoa, á khoa các trường đại học danh tiếng của cả nước. Và lần đầu tiên, Trường THPT Cờ Đỏ (Nghĩa Đàn) có thủ khoa đại học là Nguyễn Thanh Thông với điểm số 29,5 (khối B), 25,5 điểm (Khối A). Điều làm nên “kỳ tích” này ở một trường miền núi có đầu vào thấp, ngoài sự nỗ lực của bản thân em, thì sự dày công, nỗ lực của những người thầy đã đóng góp một phần không nhỏ.

Em thừa nhận “Bản thân em học khối A, chính thầy giáo dạy môn Sinh học Võ Văn Quý đã thổi vào em niềm đam mê, động lực học tập và nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả tốt nhất”. Theo học khối A, lên đến lớp 12, khi được thầy Quý trực tiếp dạy môn Sinh học, sự tâm huyết, niềm say mê của thầy cùng với phương pháp giảng dạy khoa học, dễ hiểu đã cuốn hút Thông, tác động mạnh mẽ đến quyết định “rẽ ngang” táo bạo của em. Một năm theo học thầy Quý, học trò Thông chuyển hướng sang học khối B và thi vào ĐH Y Hà Nội, trở thành thủ khoa của trường với điểm số 29,5 (môn Sinh học 9,75 điểm).

Ở vùng nông thôn, môn học Mỹ thuật chưa được quan tâm. Nhưng nhận thấy đây là môn được học sinh rất yêu thích và giúp ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Mai (Trường Tiểu học Văn Sơn, Đô Lương) đã tìm mọi cách truyền lửa đam mê cho học sinh. Nhằm tạo sân chơi cho các em, cô tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức các cuộc thi vẽ theo chủ đề từng năm học. Qua cuộc thi cấp trường cô phát hiện ra những em có năng khiếu, tập hợp thành một lớp riêng và bồi dưỡng miễn phí cho các em.

Cô còn thuyết phục các phụ huynh tạo điều kiện cho những em thật sự có năng khiếu theo học môn Mỹ thuật. Cô tranh thủ dạy các em vẽ vào ngày nghỉ, vào giờ giải lao; tự nguyện bỏ tiền túi mua chì, bút màu, giấy vẽ cho các em. Cô dày công tìm kiếm thông tin về các cuộc thi vẽ tranh dành cho học sinh tiểu học trên báo, trên mạng, tivi, đài... khuyến khích các em tham gia. Trăn trở tìm phương thức bồi dưỡng hiệu quả để các em đạt giải cao. Từ năm học 2003 – 2004 đến nay, cô bồi dưỡng gần 70 học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi cấp quốc gia và khu vực.

Với những đóng góp của mình, 10 năm liên tiếp cô Nguyễn Thị Mai được Sở Giáo dục & Đào tạo tặng Bằng Lao động sáng tạo; danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu được học sinh yêu quý nhất” năm học 2009- 2010; giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng danh hiệu “Tài năng sáng tạo nữ”. Cô tâm sự: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được truyền lửa đam mê cho học sinh, bồi dưỡng thành công các tài năng hội họa. Đặc biệt, làm cho phụ huynh nhận thức được, không có môn học nào là môn phụ, các em có đam mê, có năng khiếu thì sẽ thành công. Hội họa vừa là môn học, vừa là sân chơi lành mạnh thỏa mãn niềm đam mê của trẻ nhỏ, nhất là với các em có tài năng...”.

Thật đáng buồn, bên cạnh những nhà giáo mẫu mực, là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo thì vẫn còn không ít người thầy, người cô đánh mất phẩm chất, tư cách của mình, làm hoen ố môi trường sư phạm. Đó là vụ việc thầy giáo đánh bạc, buôn bán ma túy vừa mới bị xét xử trong thời gian gần đây. Đó là hành động đánh đập học sinh đến bầm dập của giáo viên mầm non. Hay là thái độ bỉ ổi “gạ tình” học sinh, sinh viên của những ông giáo biến chất. Phổ biến hơn cả là việc cắt xén giờ dạy trên lớp để dạy thêm ở nhà và ép học sinh phải đi học thêm. Đâu đó để xảy ra tình trạng thầy, cô giáo đang tự biến mình thành những người bán hàng, biến môi trường giáo dục thành quầy hàng... Và đôi khi, sự đánh giá đạo đức và năng lực của mỗi thầy, cô được đo bằng việc ai dạy thêm được nhiều hơn, ai kiếm tiền bằng nghề dạy học được nhiều hơn, chứ không phải ai đào tạo được những học trò thành đạt nhiều hơn, ai được học trò kính trọng hơn.

Trong bất cứ thời đại nào, xã hội luôn đòi hỏi người thầy ở 2 phẩm chất: Tâm và Tài. Muốn làm được điều đó bản thân mỗi thầy cô phải tự rèn luyện mình cho xứng đáng với vị trí, vai trò của người thầy. Người thầy phải luôn là tấm gương cho học trò noi theo, phải có lối sống giản dị, lành mạnh, trong sáng, luôn giữ mối quan hệ tốt với cộng đồng, xã hội, được mọi người tôn trọng và kính nể. Để đứng được trên bục giảng, người thầy phải có một trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhất định, trình độ ấy không dừng lại ở một điểm nào mà phải luôn được trau dồi, bổ sung. Người học luôn muốn tiếp thu được những điều hay, mới và bổ ích. Nếu người thầy không đáp ứng được những điều này sẽ làm cho người học cảm thấy nhàm chán, vô vị. Khi đó, uy tín của thầy sẽ giảm sút. Người thầy phải luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy. Người thầy có trình độ chuyên môn giỏi, nhưng nếu không biết kết hợp với phương pháp tốt thì hiệu quả bài giảng sẽ không cao hoặc không có.

Một điều không thể không nhắc đến là một người thầy thật sự không thể thiếu niềm đam mê, tâm huyết với nghề. Tôi thường theo dõi chương trình “Thay lời muốn nói”, với chuyên đề “Tìm nhau” trên HTV9. Qua chương trình, có người đi tìm người thân đã thất lạc, có người đi tìm người yêu cũ hoặc có người đi tìm bạn cũ. Và trong chương trình đó tôi đã nghe câu chuyện về một học trò đi tìm cô giáo cũ rất cảm động. Chuyện kể về cậu bé nhà nghèo phải nhịn đói đi học, không có tiền nên nộp học phí muộn và do mặc cảm bản thân thường thui thủi một mình…

Hai năm đầu bậc tiểu học, cậu thuộc thành phần “đội sổ”. Lên lớp 3, lớp cậu có cô giáo chủ nhiệm mới. Buổi học đầu tiên, cô gọi cậu lên bảng trả lời câu hỏi. Cậu ấp úng. Cô giáo thoáng chút thất vọng. Nhưng khi nhìn xuống đôi dép cũ, đen đúa và mòn vẹt đang đi, tấm áo sờn cũ cậu đang mặc, mắt cô thoáng ướt. Giờ ra chơi, cô gọi cậu bé lên và đo chân của cậu, lấy tay gang vai cậu… Hôm sau, khi đến lớp, cậu rất ngỡ ngàng khi cô giáo tặng cho cậu một đôi dép mới cùng chiếc áo trắng tinh tươm.

Thêm một dấu ấn tốt đẹp về cô giáo được ghi vào lòng cậu trò nhỏ. Kể từ đó, nghĩa cử của cô giáo đã ghi sâu vào tâm khảm cậu, là động lực để cậu phấn đấu vượt lên hoàn cảnh. Để rồi, sau bao nhiêu năm xuôi ngược, bôn ba và trở thành một người thành đạt trong xã hội. Cậu trò nhỏ ngày xưa tìm lại cô giáo cũ, để nói với cô rằng cô đã dạy cho trò biết đọc, biết viết nhưng điều quan trọng hơn hết là cô đã dạy cho trò nhân cách làm người, sống trên đời phải có cái tâm. Câu chuyện xúc động đó, với hình ảnh đẹp về cô giáo “mẹ hiền” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người…

Nhà giáo dục học K.Dushinsk nói: “Không còn nghi ngờ gì, kỷ cương trong nhà trường có vai trò to lớn, nhưng điều chủ yếu vẫn là ở nhân cách của người giáo viên trực tiếp truyền dạy học sinh. Nhân cách của nhà giáo dục có sức mạnh to lớn đối với học sinh đến mức không thể thay thế bằng sách giáo khoa, những lời khuyên bảo về đạo đức, hệ thống khen thưởng và kỷ luật nào cả”. Vậy nên, mỗi người thầy, với trách nhiệm của mình, phải luôn trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng; phải thực sự là những người mẫu mực về phẩm chất, nhân cách, trở thành những tấm gương “đạo đức, tự học, sáng tạo” để học sinh noi theo...


Bài, ảnh: DUY NAM

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
“Giáo dục một người thầy tốt, được cả một thế hệ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO