Giáo dục Nghệ An và yêu cầu đánh giá đúng mô hình trường, lớp tiên tiến để nâng cao hiệu quả triển khai

Mỹ Hà 13/06/2023 15:48

(Baonghean.vn) -  Mô hình trường tiên tiến được xem là một chủ trương đột phá của ngành giáo dục Nghệ An nhằm xây dựng trường học theo xu thế hội nhập quốc tế.

Sau năm đầu triển khai, dù mô hình đang tiếp tục được nhân rộng nhưng vẫn còn những băn khoăn về chương trình, về công tác tổ chức dạy và học và cả chất lượng.

“Nặng” về các môn tăng cường

Có 2 đối tượng học sinh đang học theo mô hình tiên tiến ở Trường THCS Đặng Thai Mai. Ở lớp có tuyển sinh đầu vào học sinh đều có học lực giỏi được tuyển chọn kỹ càng từ khi thi kiểm tra đánh giá năng lực nên chất lượng giáo dục được đảm bảo và là nguồn để nhà trường phát triển chất lượng mũi nhọn.

Ở các lớp xét tuyển, do đối tượng là học sinh phổ cập nên có những em sau một năm học đã bắt đầu “đuối” khi không theo kịp chương trình. Như dịp cuối năm, nhà trường có tổ chức thi lấy chứng chỉ Tin học IC3 – một chương trình tin học theo chương trình tăng cường. Tuy nhiên, trong số hơn 90 học sinh thuộc diện phổ cập, có khoảng 40 học sinh không đạt yêu cầu đề ra, thậm chí có những học sinh thi từ 3 - 4 lần đều không đạt.

Học sinh lớp 6 theo mô hình trường tiên tiến ở Trường THCS Đặng Thai Mai biểu diễn môn học năng khiếu tại lễ tổng kết năm học. Ảnh: Trường THCS ĐTM

Chị H - phụ huynh Trường THCS Đặng Thai Mai cho hay: Quá trình cho con học ở lớp tiên tiến, chị yên tâm về đội ngũ giáo viên, môi trường giáo dục vì những môn quan trọng nhà trường đều bố trí giáo viên vừa tham gia dạy lớp chuyên, vừa tham gia dạy lớp thường nên các con đều được học những giáo viên có năng lực.

Nhưng ở một môi trường tiên tiến, đòi hỏi khá cao về chuyên môn thì các lớp còn lại khá “đuối” và phải thực sự có năng lực tương đối mới theo kịp. Bên cạnh đó, chương trình tiên tiến với nhiều môn như Tin học, Stem, năng khiếu, tiếng Anh... chiếm khá nhiều thời gian vào buổi chiều và các cháu đều phải học tất cả các buổi chiều.

Trong khi đó, ngoài học cả ngày ở trường, hầu hết phụ huynh đều phải cho con học thêm ở ngoài nên lịch học của các cháu rất căng. “Mới đây buổi họp phụ huynh cuối năm, các phụ huynh ở lớp chúng tôi cũng đã đề nghị nhà trường giảm bớt các tiết tăng cường để các con buổi chiều được về sớm và dành thời gian cho các môn văn hóa” – chị H nói thêm.

Nói về kết quả sau một năm thực hiện mô hình trường tiên tiến, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai cũng thừa nhận có một khoảng cách về chất lượng giữa 2 đối tượng học sinh lớp 6 trong năm học vừa qua. Điều này, ít nhiều khiến nhà trường băn khoăn bởi theo quan điểm của nhà trường, mô hình tiên tiến phải gắn với chất lượng, gắn với cam kết đầu ra.

Khóa học sinh lớp 6 đầu tiên của Trường THCS Đặng Thai Mai học theo chương trình tiên tiến. Ảnh: Trường THCS ĐTM

Ngoài những khó khăn trên, lãnh đạo Trường THCS Đặng Thai Mai cũng mong muốn thành phố quan tâm hỗ trợ nhà trường trong việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thêm các công trình phụ trợ như nhà bếp, nơi học sinh sinh hoạt...

Trong khi đó hiện nay, dù nhà trường đang có 189 học sinh đăng ký bán trú (và dự kiến năm học tới có thể tăng gấp đôi) nhưng vẫn chưa tổ chức nấu ăn được cho học sinh. Thay vào đó, đang phải ký kết một đơn vị cung ứng thức ăn nấu sẵn từ bên ngoài nên nhiều phụ huynh vẫn chưa hài lòng. Học sinh ở độ tuổi THCS nhưng các cháu vẫn đang phải ngủ tại lớp (ngay tại bàn học) nên không đảm bảo.


Thực hiện theo Quyết định số 147/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2030”, năm học 2022 – 2023, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là trường đầu tiên của khối THPT của trên địa bàn tỉnh được giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm đề án này với 5 lớp 10.

Sau 1 năm triển khai, nhà trường vừa tổ chức sơ kết với học sinh, phụ huynh và đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy. Trước đó, để trúng tuyển vào lớp tiên tiến, học sinh cần ít nhất phải đậu một trường ngoài công lập trên địa bàn, nên chất lượng đầu vào được xem là đúng với tiêu chí đã đề ra. Tuy nhiên, khoảng cách đầu vào giữa các lớp vẫn có sự chênh lệch khi có những lớp số học sinh trúng tuyển đều đạt từ 22 – 23 điểm. Nhưng cũng có những lớp dù đã đậu trường công lập nhưng điểm trúng tuyển khá thấp, và điều đó dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học.

Một hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: NTCC

“Ban đầu khi cho con học lớp tiên tiến tôi khá lo lắng về đầu vào của lớp. Nhưng sau 1 năm, cháu đã bắt nhịp với chương trình học và học nhập cuộc với bạn bè, thầy cô và nhà trường. Chất lượng của lớp cũng khá ổn, tỷ lệ học sinh giỏi khá cao (24/37 cháu).

Điều mà phụ huynh quan tâm hiện nay là bố trí chương trình học bởi các cháu học cả ngày, có nhiều môn tăng cường như Tin học, Ngoại ngữ, năng khiếu và cả các môn văn hóa. Vì vậy, chiếm khá nhiều thời gian. Trong khi đó, chương trình lớp 11, 12 sẽ rất nặng và các cháu đang có mục tiêu phải thi đậu đại học nên chúng tôi mong muốn được giảm tải chương trình buổi chiều”.

Anh Nguyễn Văn T (phường Vinh Tân, TP. Vinh) có con đang học theo mô hình lớp tiên tiến ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết:

Qua hội nghị sơ kết năm học, thầy giáo Phan Xuân Phàn – Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng cho hay: Chúng tôi đã lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và các em học sinh với tinh thần cầu thị. Để trong năm học tới, vừa có thể phát huy được những thế mạnh nhưng cũng khắc phục hạn chế để điều chỉnh phù hợp.

Tiên tiến phải gắn với chất lượng

Thành phố Vinh là địa phương tiên phong trong triển khai Đề án thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2030”, và trong năm đầu tiên đã được triển khai đồng bộ ở cả 4 cấp học từ mầm non đến THPT.

Qua 1 năm thực hiện, bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Vinh đánh giá chương trình tiên tiến dù bước đầu có những khó khăn nhưng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. “Tôi nghĩ rằng, thời điểm này các trường đang đi đúng hướng và đúng với lộ trình của đề án đề ra và đã làm tốt công tác tuyển sinh tổ chức dạy học, triển khai được nhiều chương trình tăng cường ở các nhà trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn đang có những khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động (nhất là về tài chính)...” – bà Thảo nói.

Phụ huynh đến đăng ký vào mô hình trường tiên tiến ở Trường THCS Trường Thi. Ảnh: Mỹ Hà

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cũng nói về những khó khăn khi thành phố vừa phải làm công tác phổ cập, vừa phải xây dựng mô hình trường tiên tiến, chất lượng cao nên có những thời điểm việc triển khai mô hình trường tiên tiến chưa nhận được sự đồng thuận của một số người dân. Vì vậy, từ năm học tới 2023 - 2024, khi thành phố tiếp tục xây dựng mô hình trường tiên tiến tại Trường Mầm non Hưng Dũng 2 và Trường THCS Trường Thi, thành phố xác định phải nâng cao chất lượng dạy học để từ đó tạo được niềm tin, đồng thuận của phụ huynh.

“Mục tiêu cuối cùng của mô hình trường tiên tiến mà chúng tôi hướng tới đó là đào tạo học sinh có song bằng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, điều đó phải được thực hiện từng bước. Riêng năm học tới, để đảm bảo chất lượng chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh. Trong đó Trường THCS Đặng Thai Mai không ưu tiên học sinh phổ cập ở phường Hưng Phúc (địa bàn trường đứng chân) mà chỉ ưu tiên được thi tuyển.

Ở Trường THCS Trường Thi, chúng tôi chỉ tuyển sinh mỗi lớp 35 em, tập trung về chất lượng với cam kết đầu ra 100% học sinh phải đậu trường công lập. Ngoài ra, sẽ tăng cường giáo viên ở Trường THCS Đặng Thai Mai về hỗ trợ chuyên môn và đứng lớp một số bộ môn giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu.

Bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh.

Ở bậc THPT, năm nay, việc tuyển sinh lớp tiên tiến cũng sẽ được mở rộng thêm 4 lớp ở Trường THPT Hà Huy Tập và Trường THPT Lê Viết Thuật với 2 phương thức tuyển sinh: tuyển thẳng với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và theo điểm thi tuyển sinh vào lớp 10. Học sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp tiên tiến, tối thiểu phải có học lực khá.

Học sinh thành phố Vinh tham gia đăng ký tuyển sinh vào lớp 6 theo mô hình trường tiên tiến ở Trường THCS Đặng Thai Mai. Ảnh: Mỹ Hà

Bước đầu triển khai, trao đổi của thầy giáo Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cũng cho biết: Hiện đã có 9 học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp tiên tiến và đây là một tín hiệu mừng. Mục tiêu của nhà trường là phải xây dựng lớp tiên tiến giúp học sinh được phát triển tất cả kỹ năng, đào tạo chất lượng mũi nhọn. Ngoài ra, học sinh tham gia các lớp này được tăng cường thêm các chương trình văn hóa để các em có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học tốp đầu trong nước và trường đại học nước ngoài...

Sau 1 năm thực hiện mô hình trường tiên tiến, dự kiến tháng 7 này, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Trao đổi thêm về việc triển khai mô hình này, ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Trong khi mô hình trường tiên tiến đã được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước, thì Nghệ An mới thực hiện thí điểm, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn. Đó là về quá trình triển khai chương trình và tổ chức dạy học, bố trí đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, các cơ chế chính sách để thực hiện mô hình còn chưa rõ ràng gây lúng túng cho một số nhà trường. Về phía phụ huynh, khi cho con vào học trường tiên tiến với mức học phí cao cũng đang đặt nhiều kỳ vọng…

Thế nên cần phải đánh giá mô hình một cách khách quan và từng bước điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo phụ huynh, học sinh.

Mới nhất

x
Giáo dục Nghệ An và yêu cầu đánh giá đúng mô hình trường, lớp tiên tiến để nâng cao hiệu quả triển khai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO