Giáo hoàng Francis - tròn trách nhiệm "người đi xây những cây cầu"

26/09/2015 09:19

(Baonghean) - Ngày 19/9, Giáo hoàng Francis đã khởi hành từ Rome để bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Cuba và Mỹ. Đây là chuyến đi dài nhất của Giáo hoàng kể từ ngày trở thành người lãnh đạo Giáo hội Công giáo thế giới, là chuyến thăm lịch sử của người đứng đầu Tòa thánh Vatican thứ 3 tới Cuba trong vòng 17 năm qua. Trong khuôn khổ chuyến đi, Giáo hoàng có các bài phát biểu quan trọng và các hoạt động giàu ý nghĩa, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo dân chúng trên khắp thế giới.

Giáo hoàng Francis tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17/12/1936 tại Flores, nằm ở khu vực ngoại ô Buenos Aires, Argentina. Ông từng học trung cấp kỹ thuật, tốt nghiệp chuyên ngành hóa học. Sau đó, ông có quãng thời gian làm việc tại một phòng thí nghiệm thực phẩm trong vai trò một chuyên viên hóa học.

Giáo hoàng Francis cùng Tổng thống và Đệ nhất phu nhân Mỹ
Giáo hoàng Francis cùng Tổng thống và Đệ nhất phu nhân Mỹ

Năm 1955, khi mới 19 tuổi, chàng thanh niên Jorge Mario Bergoglio đã bắt đầu theo học tại một trường dòng của địa phương ở Buenos Aires. Ngày 11/3/1957, ông gia nhập Dòng chúa Jesus. Sau đó, ông cũng có thời gian tới Santiago, Chile để nghiên cứu các vấn đề nhân đạo. Ngày 12/3/1960, Jorge Mario Bergoglio có những lời tuyên thệ đầu tiên và chính thức trở thành một thầy tu. Trong thập niên 60 của thế kỷ 20, ông giữ vai trò giảng viên giảng dạy bộ môn văn học và triết học tại Sante Fe và Buenos Aires, Argentina.

Ngày 13/12/1969, sau khi hoàn tất các nghiên cứu thần học, Jorge Mario Bergoglio được tấn phong linh mục và trở thành giáo sư thần học tại trường dòng San Miguel. Linh mục Bergolio sau đó được bổ nhiệm chức Giám Tỉnh Dòng chúa Jesus tại Argentina từ năm 1973 đến năm 1979.

Năm 1992, ông trở thành Phó Tổng giám mục Buenos Aires, và năm 1998 nhậm chức Tổng giám mục. Trên cương vị này, ông đã tăng gấp đôi số linh mục làm việc tại những khu ổ chuột ở Buenos Aires. Đến năm 2001, Giáo hoàng đương nhiệm khi đó là John Paul II đã phong cho ông chức Hồng y. Ông nắm giữ cương vị Tổng giám mục Buenos Aires đến năm 2011 thì từ chức ở tuổi 75, theo quy định của giáo hội.

Sau khi Đức Giáo hoàng John Paul II qua đời, ông Bergoglio được đánh giá là một ứng viên triển vọng để trở thành giáo hoàng kế nhiệm. Tuy nhiên, khi ấy Hồng y Ratzinger đã được lựa chọn và trở thành Giáo hoàng Benedict XVI. Đến năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI đột nhiên tuyên bố rời bỏ cương vị cao quý này. Ông Bergoglio đã giành được số phiếu bầu cao nhất trong cuộc họp kín bầu chọn Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo diễn ra vào ngày 13/3/2013. Ông lấy tông hiệu là Francis, đặt theo tên của Thánh Francis thành Assisi, người được biết đến rộng rãi nhờ lối sống giản dị, khiêm nhường và cần kiệm. Khi giải thích về sự lựa chọn tông hiệu của mình, Giáo hoàng Francis nói về vị thánh bảo trợ cho ông: “Người mang đến cho chúng ta tinh thần hòa bình, người cần kiệm,… Tôi mong muốn biết bao một giáo Hội cần kiệm, và hướng tới người nghèo”.

Từ lúc đắc cử, Đức Giáo Hoàng Francis đã ghi dấu thẩm quyền riêng của mình đối với Giáo hội. Đáng chú ý, ông đã tìm cách nhấn mạnh các nguyên tắc truyền thống trong các sách Tin Lành đề cập đến những đức tính như khiêm nhường, bác ái và khiêm tốn. Ông đã tìm cách khuyến khích các nhà thờ dành sự chú trọng nhiều hơn vào việc hành lễ tôn giáo của các cá nhân và quan tâm đến người nghèo, chứ không phải là các vấn đề liên quan đến nạo phá thai, ngừa thai và hôn nhân đồng tính. Quả thực, Giáo hoàng Francis đã gây dựng được danh tiếng về lòng nhân ái và đức tính giản dị. Ông thường chọn lựa sống trong những ngôi nhà đơn sơ, và đích thân từ chối những chỗ ở sang trọng, lộng lẫy dành cho giám mục. Khi được bầu làm Giáo hoàng, ông vẫn thích ở lại chỗ ở cũ và không chuyển tới phòng ốc tại Vatican. Ngay cả trên cương vị Tổng giám mục, ông cũng chỉ đi lại bằng phương tiện công cộng và tham dự lễ Thứ năm Tuần thánh để rửa chân cho người nghèo, dù họ đang thi hành án trong tù hay đang điều trị tại bệnh viện. Không những thế, những bộ trang phục mà ông vận lên người cũng hết sức giản dị, khác với trang phục của các giáo hoàng tiền nhiệm.

Ông đã thể hiện sự gắn kết chặt chẽ với công lý xã hội, lập luận rằng những chân lý, đức tin biểu hiện một thái độ cam kết quan trọng đối với việc chạm tới bộ phận chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội và nỗ lực cải thiện các điều kiện sống của người nghèo. Về nguyên tắc, ông được xem là người theo trường phái bảo thủ. Khi làm tổng giám mục, ông ủng hộ việc ngăn ngừa nạn phá thai. Năm 2007, ông từng chỉ trích Chính phủ Argentina khi họ can thiệp và cho phép phá thai trong trường hợp người phụ nữ khiếm khuyết về tâm thần bị cưỡng hiếp. Song, khi trở thành Giáo hoàng, ông đã diễn thuyết về việc Giáo hội cần chuyển hướng chú ý vốn dành cho các vấn đề về giới tính. Giáo hoàng Francis cho rằng công tác xã hội và cống hiến cho tôn giáo giữ vai trò quan trọng hơn nhiều, và nếu giáo hội dính líu vào các vấn đề giới tính, cơ quan này có thể suy yếu.

Giáo hoàng Francis xem cải thiện đối thoại giữa các đức tin và tôn giáo khác nhau là công việc quan trọng của Giáo hội Công giáo. Ông từng đề cập rằng danh hiệu “giáo hoàng” mà ông gánh vác nghĩa là “người đi xây những cây cầu” và ông đã tìm cách vươn tới cả những người không theo đạo lẫn các nhà lãnh đạo tôn giáo khác. Dân chúng đánh giá ông là người chân thành và có năng lực kiến tạo các cuộc đối thoại mang lại ý nghĩa lớn. Sau khi ông trở thành Giáo hoàng, những người đứng đầu cộng đồng Hồi giáo tại Buenos Aires đã hoan nghênh tin tức này, cho rằng ông “luôn thể hiện bản thân là một người bạn của cộng đồng Hồi giáo”, và một con người có lập trường “ủng hộ đối thoại”.

Trên cương vị Giáo hoàng, ông đã đặt ra vấn đề về tham nhũng trong giáo hội và đã cảnh báo rằng ông sẽ không dung thứ cho nạn tham nhũng tiếp diễn. Ông còn công bố những thay đổi đối với ngân hàng Vatican để khiến hệ thống này trở nên minh bạch hơn, khi có những đồn đoán cho rằng các thế lực xã hội đen lợi dụng ngân hàng để tiến hành hoạt động rửa tiền. Đối với các vấn đề xã hội, ông đã tỏ thái độ cởi mở và tự do hơn với các cuộc hôn nhân đồng giới. Trong một cuộc họp báo phi chính thức, ông từng khẳng định cá nhân mình không đánh giá con người thông qua xu hướng giới tính của họ. Ông còn chỉ trích sự bất bình đẳng đang không ngừng gia tăng trong nhiều cộng đồng, nhiều xã hội.

Trong chuyến thăm lịch sử tới Cuba trong 8 ngày và Mỹ trong 18 ngày của Giáo hoàng Francis đang diễn ra, ông có những hoạt động được dư luận quốc tế quan tâm sát sao, chẳng hạn như bài phát biểu tại La Habana, hối thúc Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tiếp tục xây dựng con đường hòa giải mới được hình thành giữa hai quốc gia; bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Mỹ, kêu gọi các nhà lập pháp nước này vượt qua sự chia rẽ để giải quyết các thách thức như sự bất công về kinh tế, biến đổi khí hậu, người nhập cư, người tị nạn, người nghèo,... Giáo hoàng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc xóa bỏ hình phạt tử hình, phản đối việc phá thai, cho rằng "cuộc sống con người" cần được bảo vệ ở "mọi giai đoạn của sự phát triển”, kêu gọi Quốc hội Mỹ cần một "nỗ lực dũng cảm và có trách nhiệm" trong vấn đề biến đổi khí hậu nhằm xử lý hậu quả nghiêm trọng nhất của sự suy thoái môi trường do con người gây ra. Và ngày 25/9, Giáo hoàng Francis tới New York, dự và diễn thuyết tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc.

Chuyến công du lần này cũng gợi nhớ về vai trò cầu nối hết sức đặc biệt của Giáo hoàng Francis trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Washington-La Habana cách đây không lâu. Giáo hoàng Francis là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ châu Mỹ, và cũng là giáo hoàng đầu tiên Dòng chúa Jesus. Gánh trên vai trọng trách với giáo hội trên toàn thế giới, Giáo hoàng Francis đã có nhiều lời nói và hành động thiết thực, ấn tượng, góp phần làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Thu Giang

Mới nhất
x
Giáo hoàng Francis - tròn trách nhiệm "người đi xây những cây cầu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO