Giáo sư - bác sỹ Nguyễn Huy Dung: 'Cao niên tự vấn lòng mình bằng thơ'
(Baonghean) - Nghe danh Giáo sư - Bác sỹ Nguyễn Huy Dung từ rất lâu, nhưng gần đây tôi mới có dịp diện kiến ông. Đẹp lão với mái tóc trắng, râu bạc, nụ cười đôn hậu, tươi lành, ở tuổi 86, ông vừa ra tập thơ thứ 14. Bạn bè văn nghệ vẫn hóm hỉnh nói với nhau, mấy tập gần đây, tập nào ông cũng nghĩ là “tập thơ cuối cùng”.
Ngoài 80, vẫn viết thơ tình trên Facebook
“Cốt lõi nỗi niềm” (NXB Văn học) là “tập thơ cuối cùng” - theo cách nói của bác - mà bác Dung vừa in. Ông nghĩ và nhắc tới “tập thơ cuối cùng” bằng thái độ trân trọng, yêu thương, đầy nhẹ nhõm. Điều này dễ hiểu, khi đã thật xa tuổi “tri thiên mệnh” ông vẫn có thể làm thơ, in thơ, thậm chí là thơ tình hẳn hoi thì đừng nói hẳn một tập thơ, chỉ vài bài thơ thôi cũng đã đáng mừng.
“Rượu ngon nhiều ít - chẳng say
Nụ hôn dài ngắn cũng bay mất hồn”.
Thơ của bác sỹ Nguyễn Huy Dung đấy. Giản dị, thân tình như chính cốt cách của ông. Quê ông ở làng Mọc Thượng Đình (nay thuộc Thanh Xuân, TP. Hà Nội), quê mẹ Nghệ Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên ở Vinh, Nghệ An. Ông có nhiều năm đi dạy ở huyện Đô Lương sau khi ra trường. Căn nhà bố mẹ ông nằm ở 132 đường Quang Trung. Tuổi thơ và thời thanh niên sôi nổi gắn bó với thành Vinh nên GS - bác sỹ Huy Dung mang nhiều tính cách của người xứ Nghệ: ham học hỏi, nhiệt tình, cởi mở, nặng nghĩa tình. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng nổi tiếng, có các liệt sĩ là chị ruột Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái - người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh ruột Nguyễn Huy Tú, em ruột Nguyễn Huy Dương.
Giáo sư - Bác sỹ Nguyễn Huy Dung giới thiệu một số tác phẩm với độc giả. Ảnh: Nguyên Thảo |
Giáo sư Huy Dung 86 tuổi nhưng hàng ngày vẫn dành thời gian hòa đồng với xã hội qua mạng Internet. Ông cập nhật, đón nhận những kiến thức mới, vẫn tham gia nhiều hoạt động ở Hội Nhà văn TP.HCM, vẫn sáng tác thơ. Những câu thơ, bài thơ ngắn được ông chia sẻ với bạn bè facebook. Ông đón nhận những khen chê bình thản, lịch thiệp và nồng nhiệt với những sẻ chia bè bạn thật, ảo.
Ở khu vực phía Nam, nhắc đến Giáo sư - bác sỹ Nguyễn Huy Dung, các bác sỹ Nội khoa đều biết. Trong mắt đồng nghiệp, bạn bè, bác sỹ - nhà thơ Huy Dung là một trí thức cách mạng, một Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ nổi tiếng trong ngành Tim mạch nhưng ông cũng là người có trái tim dạt dào tình yêu thương, đầy ắp lòng nhân ái. Những tố chất ấy khiến ông vừa làm khoa học vừa làm thơ về những điều thôi thúc từ đáy tim, những khát khao cháy bỏng của cõi lòng. Từ tập thơ đầu “Thiên nhiên giữa hồn tôi” - 2001, đến nay, tập “Cốt lõi nỗi niềm” - 2017; trong vòng 16 năm, ông đã xuất bản 14 tập thơ. Về mảng sách khoa học, y khoa, ông đã xuất bản hơn 50 đầu sách. Chỉ nhìn vào sức viết của ông cũng khiến nhiều đồng nghiệp ngưỡng mộ.
Là nguyên Ủy viên Hội đồng Sức khỏe Nhà nước, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, với danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhì, nhưng, ấn tượng nhất về bác sỹ Huy Dung trong mắt mọi người là đức tính khiêm nhu. Ông rất hiếm khi tự nói về mình. Tự trào về mình, bác sỹ Huy Dung viết: “Lúc trẻ nom ngô ngố - Về già nom ngồ ngộ”. Có cảm giác như con người ngồ ngộ ấy viết cái gì cũng vi vút điệu thơ. Bác sỹ Dung vẫn đến sinh hoạt thường xuyên ở Hội Nhà văn TP.HCM. Ông tươi cười, dí dỏm trò chuyện với cả những bạn trẻ tuổi con, cháu.
Ngọt ngào thơ viết về mẹ
Tôi ấn tượng hơn cả trong thơ bác sỹ Huy Dung là những vần thơ viết về mẹ. Một bà mẹ xứ Nghệ sinh thành những đứa con biết thủy chung, sẵn sàng hiến thân cho Tổ quốc. Bà mẹ của Huy Dung cũng giống như bao bà mẹ trên đất nước ta. Giấu nước mắt sâu tận ruột gan mình, dành những dịu dàng cho đời. Trong những câu thơ thật mộc mạc về mẹ, ông viết: “Trăng hồn Mẹ/ nay nương gió núi về”, “Gương Mẹ sáng hơn vằng vặc ánh trăng/ Trăng không ngừng thao thức, cả khi lên lúc lặn/ Trăng mãi trăng. Dù tát cạn dòng Lam/ Nhưng tát mấy cho vừa, không thể cạn/ nỗi đau đời Mẹ”.
“Phải sống, phải yêu hết mình với đời, với người. Phải đối diện nỗi đau, buồn vui, cay đắng, thầy thuốc - nhà thơ Huy Dung mới có những câu thơ xé lòng ấy” - nhà văn Triệu Xuân đánh giá.
Tác phẩm “Cốt lõi nỗi niềm”. Ảnh: Khôi Nguyên Thảo |
Hỏi ông, một đời theo y khoa nhưng nặng tình với thơ, vì sao lại “kết duyên” với hai lĩnh vực có vẻ xa nhau như thế? Ông Dung cười tươi nói, y khoa và thơ gần nhau chứ, một bên cứu người bằng thuốc thang, bằng tay nghề bác sỹ, một bên cứu tâm hồn người bằng những lãng mạn, sẻ chia, hướng tới cái Đẹp. Trong thơ ông Dung, nhiều lần ông cũng chia sẻ về điều này:
“Thơ thức lương tâm cứu rỗi người/ Xua sầu, sưởi ấm trái tim côi/ Chắt chiu huyền diệu, làm sao thiếu/ Ôm cả lứa đôi, cả cõi đời”.
“Tuổi xanh tìm động thơ tình/ Cao niên tự vấn lòng mình bằng thơ”.
Người giữ nhiều tư liệu quý
Bác sỹ Nguyễn Huy Dung là em ruột của liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái - vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng là người chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ giai đoạn cuối cuộc đời. Bởi thế, trong ông là cả “kho” tư liệu quý đầy tình cảm.
Một trong những kỷ niệm thiêng liêng với ông Dung là những ngày cuối cùng của Bác Hồ tôn kính. Người mà ông được chăm sóc sức khỏe trong thời gian cuối. Lần đầu gặp Bác Hồ là ấn tượng không thể quên của bác sỹ Huy Dung. Khi nhìn mặt người bác sỹ, Bác Hồ cười tươi, nói: “Giống y đúc”. Bác nhận ra ngay những nét giống nhau của cậu em trai và chị Nguyễn Thị Minh Khai. Cũng như có lần Lê Nguyễn Hồng Minh (con gái của chị Minh Khai và anh Lê Hồng Phong) ra Bắc công tác nhưng không đưa đầy đủ giấy tờ, cảnh vệ đưa đến gặp Bác Hồ, Bác cũng nói: “Giống y đúc”. Trí nhớ của Bác Hồ khiến bất kỳ ai biết tới đều ngưỡng mộ.
Giáo sư Huy Dung vẫn thường nhắc con cháu trong nhà: “Các con nhớ nhắc bố ngày giỗ của bác Thái (bà Quang Thái - vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nhé. Bác Văn (tên ở nhà của Đại tướng) đã mất, Hồng Anh (con gái bà Quang Thái) cũng đã mất, sợ sẽ chẳng có ai làm giỗ cho bác Thái”.
Bố của ông Dung đã vào miền Nam tận nơi chứng kiến giặc xử bắn con gái trưởng Minh Khai. Ông đau buồn đến đổ bệnh mất 9 tháng sau đó. Chị Quang Thái chịu tang cha đúng ba ngày thì bị bắt đưa ra Hà Nội tra tấn và giam vào nhà giam Hỏa Lò. Trong Hỏa Lò, chị vẫn coi thường cái chết, ngẩng cao đầu làm thơ. Xà lim giam chị vẫn còn dấu tích với những câu thơ của người phụ nữ gan dạ: “Quyết chí hy sinh thây kệ chết/ Dốc lòng phấn đấu mặc đầu rơi…”. Lúc hấp hối trong xà lim, nỗi đau của chị còn nhân lên gấp bội, khi chị hỏi mẹ: “Huy Dương đâu rồi?”, thì được biết rằng người em trai mà chị đã dẫn dắt hoạt động cũng đã sớm hy sinh.
Giáo sư - Bác sỹ Nguyễn Huy Dung vẫn miệt mài say mê nghiên cứu. Ảnh: Khôi Nguyên Thảo |
“Khi còn khỏe, năm nào đến ngày giỗ của chị Quang Thái, anh Văn cũng cùng tôi ra viếng mộ chị. Anh Văn đã dành cho tôi một tình cảm anh em rất đặc biệt. Hồi tôi đang làm nghiên cứu sinh ở bên Nga, có lần anh sang công tác. Khi anh về, tôi đưa anh ra sân bay trong trời mưa giá lạnh. Anh bảo tôi: “Cậu Dung về đi. Đừng đưa anh ra sân bay mà lạnh.” Tôi đã thưa với anh một câu mà chính tôi cũng nghẹn ngào: “Em đưa anh ra sân bay vì, như em thường vẫn nghĩ, nếu chị Thái còn sống, chị cũng sẽ đưa anh ra sân bay!” - ông Dung kể lại kỷ niệm ân tình của mình với anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tôi vẫn thích nhìn nụ cười hiền thật hiền, tươi thật tươi của ông Dung và tự hỏi lòng mình rằng, làm sao để giữ nét cười tươi tắn ấy sau bao năm phải trải qua quá nhiều nỗi đau như thế. Nỗi đau của một người anh, em trong gia đình có tới 4 liệt sĩ, có bố mất vì quá đau buồn trước cái chết đầy thương tâm của con gái trưởng Minh Khai. Và không chỉ vượt qua, ông lại sống với nghề cứu người và dành những năm tám mươi của cuộc đời mình viết những vần thơ ân tình thật ngọt.
Nhà văn Triệu Xuân: “Trong đời thường, phẩm cách của Huy Dung như thế nào thì trong thơ, y hệt vậy! Ông sống thẳng thắn, hết lòng với đời, với người, tận tụy với lý tưởng và sự nghiệp. Ông là người con hiếu thảo, là người em luôn xứng đáng với các chị, các anh, với truyền thống gia đình. Những tấm gương lớn mà ông noi theo là Cụ Hồ và người anh rể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Niềm tự hào lớn nhất của ông là Tổ quốc Việt Nam, Dân tộc Việt Nam anh hùng bất khuất, đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh mấy thế hệ để giành bằng được độc lập, tự do, thống nhất… Trong nghề thầy thuốc và Giáo sư ngành Y, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Thầy thuốc Nhân dân. Huân chương Độc lập hạng Nhì… Cả đời ông, ông đã tận tâm chữa bệnh cứu người, góp phần đào tạo hàng ngàn thầy thuốc kế tục sự nghiệp. 86 tuổi mà giọng ông luôn sang sảng, khi tranh luận vẫn bùng cháy lửa nhiệt tình như thời trai trẻ. Hàng ngày, ông vẫn dành hai, ba tiếng đồng hồ ngồi trước computer sáng tác - gõ trực tiếp trên bàn phím, thành thạo sử dụng Internet, thành thạo tiếng Pháp, đọc báo, đọc các tác phẩm văn chương nghệ thuật trong nước và thế giới. Tôi nghĩ, ngay cả phương diện này, ông cũng thật là người hiếm có!”. |
Khôi Nguyên Thảo
TIN LIÊN QUAN