Bài 2: Sạt lở dòng sông, bồi lắng luồng lạch

Hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn Nghệ An lâu nay chủ yếu đang là hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sạn trên sông. Các hoạt động này dù đã được quản lý, kiểm tra chặt chẽ, thế nhưng vẫn thường xuyên xuất hiện tình trạng khai thác trái phép gây sạt lở hai bên bờ sông.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, tính đến hết năm 2021 toàn tỉnh đã cấp 61 giấy phép khai thác cát, sỏi với trữ lượng 21.165.000 m3, với công suất khai thác là 1.140.361 m3/năm. Việc cấp phép khai thác cát, sỏi và mở bến cát, sỏi dọc các địa phương nơi có sông chảy qua đã góp phần tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc thiếu quản lý chặt chẽ để tiến hành khai thác cát, sỏi trái phép, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông đường thủy nội địa, gây sạt lở bờ sông.

Ngay từ đầu năm 2022 nhiều trường hợp khai thác cát trái phép đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý. Vào sáng 8/1/2022, Công an huyện Hưng Nguyên sau khi phát hiện trên địa bàn có 2 đối tượng sử dụng 1 tàu vỏ sắt khai thác cát trái phép trên sông Lam đoạn từ xã Hưng Lợi đến xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, đã tiến hành truy bắt. Các đối tượng này đã lợi dụng khu vực giáp ranh giữa huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) với huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), đây là vùng giáp ranh giữa khu vực đã được cấp phép và chưa được cấp phép để khai thác cát trái phép.

Một thiết bị hút cát nằm trên sông Lam đoạn qua địa phận huyện Hưng Nguyên; Đội Cảnh sát đường thủy kiểm tra tàu chở cát tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Tiến Đông - Văn Trường
Một thiết bị hút cát nằm trên sông Lam đoạn qua địa phận huyện Hưng Nguyên; Đội Cảnh sát đường thủy kiểm tra tàu chở cát tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Tiến Đông - Văn Trường

Chưa dừng lại ở đó, khoảng 21h30 ngày 22/3/2022, Đội Cảnh sát Đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Nghệ An phát hiện trên sông Lam đoạn qua xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên) có tàu vỏ sắt mang số hiệu NA-2475 do Nguyễn Văn Tú (trú tại xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên) điều khiển có hành vi khai thác cát trái phép nên đã tổ chức kiểm tra, bắt quả tang.

Cũng trong đêm 22/3, tại địa điểm nói trên, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện và bắt giữ tàu vỏ sắt mang số hiệu NA-2628 do Nguyễn Đình Duy (trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên) điều khiển đang có hành vi khai thác cát trái phép. Tại hiện trường, Cảnh sát thu giữ 37m3 cát hút lậu.

Việc khai thác cát trái phép ngoài việc gây thất thoát tài nguyên, còn làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông. Tại khu vực xã Long Xá (Hưng Nguyên), ngay dưới chân cầu Yên Xuân lâu nay đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng khiến cho nhiều hecta đất sản xuất của người dân bị trôi xuống sông.

Sạt lở bờ sông Lam dưới chân cầu Yên Xuân, đoạn qua xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Tiến Đông
Sạt lở bờ sông Lam dưới chân cầu Yên Xuân, đoạn qua xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Tiến Đông

Tình trạng sạt lở bờ sông còn diễn ra ở nhiều địa phương khác như tại xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương), các xã Tam Sơn, Cẩm Sơn (Anh Sơn), Nghĩa Dũng (Tân Kỳ)… Thậm chí nhiều tuyến kè dọc bờ các con sông lớn dù được xây dựng nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông nhưng cuối cùng cũng bị sạt lở, như đoạn kè tại xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương), kè Nhân Khánh (Hưng Nguyên), hay kè sông đoạn qua xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) giờ chỉ còn trơ cái khung bê tông, chân và mái đã bị sụt gần hết.

Điều đáng nói là khi cấp phép các mỏ cát, rất nhiều mỏ bao trùm cả lên phần đất ven bờ, nên khi các phương tiện khai thác thò vòi vào sát bờ để hút gây sạt lở. Chưa kể đến việc nhiều đối tượng hút cát trộm thường bất chấp hậu quả, hút cát bất cứ đâu, miễn sao cho nhanh đầy thuyền để bỏ chạy. Sau đó hậu quả làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông thì các địa phương phải gánh chịu.

Các phương tiện đang hút cát trên sông Lam đoạn qua địa phận huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Tiến Đông
Các phương tiện đang hút cát trên sông Lam đoạn qua địa phận huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Tiến Đông

Bên cạnh đó, vẫn còn phổ biến tình trạng mở bến, bãi không phép, khai thác cát trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa, sử dụng chất nổ, xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, gây sạt lở đất, hư hỏng đê, kè…

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương về bảo vệ kết cấu hạ tầng, chống lấn chiếm hành lang giao thông đường thủy chưa được quan tâm đúng mức nên vấn đề mất an toàn giao thông đường thủy nội địa vẫn xảy ra. Từ đầu năm 2022 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, và Thanh tra Sở Giao thông vận tải Nghệ An đã xử phạt vi phạm hành chính 101 trường hợp, trong đó bắt giữ 8 vụ khai thác cát trái phép, thu giữ 8 tàu vỏ sắt, tổng số tiền phạt 305 triệu đồng.

Ngành chức năng kiểm tra tàu cát trên sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường
Ngành chức năng kiểm tra tàu cát trên sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An hiện có 5 cửa lạch: Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Lạch Lò, là nơi các con sông lớn đổ ra biển, đây là lối ra để cho tàu, thuyền di chuyển, tạo sự liên kết, kết nối giữa các hệ thống đường thủy nội địa trong khu vực. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các cửa lạch đều đang gặp phải tình trạng bồi lắng, điều này khiến cho việc đi lại của tàu thuyền gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão, tàu thuyền sẽ rất khó ra vào để tránh trú bão.

Tại Lạch Vạn (Diễn Châu), những năm gần đây tình trạng bồi lắng đã diễn ra hết sức nghiêm trọng, rất nhiều tàu thuyền khi ra vào cửa lạch đã thường xuyên bị mắc cạn, nếu nặng thì bị lật thuyền, gãy chân vịt, còn không thì mất thời gian và phải thuê người ra kéo thuyền khỏi bãi cạn. Hiện tại huyện Diễn Châu có hơn 1.500 tàu thuyền, trong đó số lượng tàu từ 200 – 800CV ngày càng nhiều, việc lạch Vạn ngày càng bị bồi lắng khiến cho hoạt động ra vào của tàu thuyền ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Một tàu cá đã từng bị mắc cạn tại bãi biển Diễn Thành. Ảnh: Q.A
Một tàu cá đã từng bị mắc cạn tại bãi biển Diễn Thành. Ảnh: Q.A

Ông Hiếu cũng cho biết, đã có một số dự án nạo vét luồng lạch, tuy nhiên trên thực tế trước sự bồi lắng quá nhanh của luồng lạch, việc nạo vét cũng chỉ giải quyết được nhu cầu khơi thông dòng chảy trước mắt, chưa thể giải quyết được bài toán bồi lắng luồng lạch lâu dài.

Tại lạch Cờn (thị xã Hoàng Mai) và lạch Thơi (Quỳnh Lưu), tình trạng bồi lắng luồng lạch cũng không nằm ngoại lệ. Trước yêu cầu cấp bách phải khẩn trương nạo vét luồng lạch để phục vụ tàu thuyền vào ra, ngày 6/11/2019, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 4596-QĐ/UBND phê duyệt dự án khắc phục sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông ở lạch Cờn thuộc xã Quỳnh Lập và phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai). Dự án đã nạo vét hơn 2km từ cửa biển vào trong lạch Cờn với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng.

Theo đánh giá, trong số các cửa lạch, cửa sông hiện tại thì chỉ có Cửa Lò và Cửa Hội là đáp ứng được yêu cầu ra vào chủ động của tàu thuyền, còn các cửa lạch còn lại phải phụ thuộc vào con nước. Chính vì thế, cần phải có giải pháp đầu tư mở rộng, nạo vét các cửa lạch một cách thường xuyên để tàu thuyền ra vào dễ dàng.

Trước tình trạng bồi lắng của các luồng lạch, mới đây ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Nghệ An và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam quan tâm bổ sung kinh phí nạo vét luồng đoạn từ khu vực bến cá Nghi Tân đến luồng cảng Cửa Lò vào kế hoạch nạo vét duy tu hàng năm của Bộ Giao thông vận tải để hỗ trợ cho tàu cá công suất lớn ra vào, khắc phục tình trạng neo đậu tại cảng Cửa Lò gây mất an toàn giao thông như hiện nay.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh làm việc với các sở, ngành, thị xã Cửa Lò đề nghị xử lý dứt điểm việc neo đậu của tàu thuyền tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh làm việc với các sở, ngành, thị xã Cửa Lò đề nghị xử lý dứt điểm việc neo đậu của tàu thuyền tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu thị xã Cửa Lò thực hiện khảo sát, đánh giá sơ bộ công trình luồng lạch từ bến số 1 đến bến cá Nghi Tân, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Khảo sát để tham mưu UBND tỉnh phương án tận thu chất thải trong quá trình nạo vét luồng đúng quy định.

(Còn nữa)