Năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là một giải pháp lâu dài nhằm đưa giao thông đường thủy nội địa của Nghệ An trở thành một tuyến vận tải quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính đột phá để thực hiện.
Theo đánh giá, đường thủy nội địa trên địa bàn Nghệ An đang còn nhiều tồn tại, chủ yếu là phương tiện hoạt động giao thông đường thủy chưa có đăng ký đăng kiểm, người điều khiển chưa có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn. Hầu hết phương tiện lưu hành còn thiếu các thiết bị an toàn như phao cứu sinh, cứu đắm, chở quá mớn nước an toàn, chở quá số người quy định còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Về an toàn luồng, tuyến giao thông đường thủy nội địa nhiều năm nay không được nạo vét. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm luồng lạch, hành lang an toàn giao thông như khai thác cát, sỏi làm sai lệch dòng chảy, gây sạt lở bờ, bãi các công trình giao thông, gây ô nhiễm môi trường sinh thái còn diễn ra.
Trước tình hình đó, ngày 25/10/2016, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 5206/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sau đó đến ngày 4/5/2020 đã ban hành Quyết định số 1367/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu mà bản quy hoạch này đưa ra là nhằm đồng bộ với quy hoạch đường thủy nội địa quốc gia, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Nghệ An và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các ngành liên quan như quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Gắn hệ thống cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu và các công trình phụ trợ khác trên các tuyến đường thủy nội địa thuộc địa bàn tỉnh, đảm bảo tính kết nối liên hoàn trong khu vực; giữa các khu vực với các tỉnh và với các vùng kinh tế cả nước, đảm bảo vận tải thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Theo đó, tổng số km sông, kênh đưa vào quy hoạch là 436,3km/1159,6km, đạt tỷ lệ 37,6%. Quy hoạch phát triển hệ thống cảng thủy nội địa gồm 4 cảng, bao gồm: Cảng khách du lịch Bến Thủy, cảng tổng hợp Nam Đàn, cảng hàng hóa chợ Sỏi (Đô Lương), cảng hàng hóa Tràng Sơn (Đô Lương).
Các bến thủy nội địa đưa vào quy hoạch từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tổng cộng là 239 bến. Trong đó, bến hành khách là 35 bến (có 23 bến khách ngang sông và 12 bến khách dọc sông); 200 bến hàng hóa; 3 bến chuyên dùng sửa chữa, đóng mới tàu thuyền và 1 bến tổng hợp là bến vừa xếp dỡ hàng hóa, vừa đón trả khách và thực hiện các dịch vụ khác.
Đến năm 2020 theo Quyết định 1367 điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì đã điều chỉnh bổ sung thêm 1 bến khách nội địa dọc sông Giăng; đối với bến hàng hóa thì điều chỉnh 21 bến giai đoạn 2020-2030 sang giai đoạn 2016-2020; bổ sung 18 bến 2016-2020; đồng thời xóa bỏ 14 bến trong quy hoạch cũ gồm 4 bến hàng hóa trên sông Hoàng Mai, 9 bến hàng hóa trên kênh Nhà Lê và 1 bến hành khách trên sông Lam.
Theo ông Nguyễn Quế Sự – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An: Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hiện nay ngoài việc góp phần cải tạo các tuyến sông ngòi trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, phục vụ du lịch, giảm tải cho đường bộ, đường sắt, giảm chi phí vận tải và còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội giữa các khu vực từ thượng nguồn đến hạ lưu các con sông. Tuy nhiên, theo ông Sự, việc thực hiện quy hoạch này hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, vì thế đến nay cũng chỉ mới công bố hoạt động cho 74 bến hàng hóa và 14 bến hành khách.
Đối với việc đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại qua các bến đò ngang, nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài cần phải có chính sách đầu tư xây cầu để thay thế, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các bến đò ngang.
Một tin vui đối với người dân Đô Lương và Thanh Chương hai bên bến đò Cung là tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự án xây dựng cầu Đò Cung bắc qua sông Lam. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII cũng đã đưa dự án này vào danh mục đầu tư công với số vốn 150 tỷ đồng.
Để phòng ngừa tai nạn xảy ra trên các luồng, tuyến, vùng nước thủy nội địa, bảo đảm an toàn cho du khách cũng như người dân. Mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa. Kiểm tra đột xuất tại các địa bàn có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy, xử lý nghiêm các vi phạm.
UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các đơn vị quản lý, bảo trì công trình đường thủy, rà soát bổ sung đầy đủ các báo hiệu; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý các sự cố gây mất an toàn giao thông đường thủy. Đặc biệt, chỉ đạo cơ quan Công an các huyện, thị và các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Xử lý các hành vi vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện; quy định về thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện; chứng chỉ chuyên môn; quy định về vận chuyển người, hành khách.
Tuyên truyền, vận động, khuyến cáo du khách không sử dụng các dịch vụ vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí dưới nước không bảo đảm an toàn, không đủ các điều kiện theo quy định.
Ông Nguyễn Viết Hùng – Chánh Thanh tra giao thông, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho biết: Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với bến kinh doanh vận tải khách du lịch không phép, phương tiện không đủ điều kiện khai thác vận tải, không bảo đảm an toàn hoạt động trong phạm vi bến thủy; không cho xuất bến đối với các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định.
Yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách trên đường thủy kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện. Công bố số điện thoại đường dây nóng tại các bến thủy và trên các phương tiện vận tải đường thủy vận tải khách du lịch trên địa bàn tỉnh để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.
Cũng theo ông Hùng, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với UBND các huyện, thành, thị và các sở, ban, ngành có liên quan xử lý dứt điểm tình trạng nuôi trồng thủy, hải sản, đăng đáy,… vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan, địa phương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, biện pháp khai thác khoáng sản trên đường thủy nội địa không theo hồ sơ được duyệt.
“Thời gian qua, chúng tôi cũng đã kiên quyết đình chỉ hoạt động khai thác cát đối với những tác động xấu đến dòng chảy, luồng chạy tàu thuyền, gây xói lở công trình, kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy và các công trình khác có liên quan. Đã tiến hành rà soát, số lượng bến, phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn, kịp thời xử lý các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm tự ý thay đổi kích thước bến trái quy định làm thu hẹp dòng chảy” – ông Hùng nhấn mạnh.