Giao thông vùng nguyên liệu khó khăn: Sản phẩm bị ép giá

14/10/2013 17:55

(Baonghean) - Do khó khăn về đường giao thông nên cây nguyên liệu đến tuổi thu hoạch thường bị ép giá, dẫn đến tình trạng người trồng bị thua lỗ.

Về xã Châu Lý (Quỳ Hợp), từ xa đã thấy bát ngát một màu xanh của cây keo lai, dọc tuyến QL48C thỉnh thoảng bắt gặp những người dân vác keo ra tấp ở bên đường để chờ xe đến chở. Anh Lương Văn Tiến ở bản Thắm, xã Châu Lý chia sẻ: “Nhà tôi vừa bán 1ha keo nhưng với giá rẻ mạt, trên 15 triệu đồng/ha. Sở dĩ giá thấp như vậy do đường giao thông quá kém. Từ QL48C vào đến nơi thu hoạch keo khoảng 6 km là con đường lầy lội, chúng tôi phải thuê xe “tăng bo” ra đường nhựa mất hơn 4 triệu đồng/ha”.

Được biết, bản Thắm có trên 12ha mía và trên 100ha keo lai, đến mùa thu hoạch keo, mía, người dân rất khốn đốn vì vận chuyển. Hiện nay, do đường giao thông vào nơi thu hoạch khó khăn nên bản Thắm còn trên 60 ha keo đã đến tuổi vẫn chưa thu hoạch được. Bên cạnh đó, nhiều hộ khác cũng nằm trong hoàn cảnh “khóc dở mếu dở” vì không bán được keo do một số vùng trồng rừng nhưng lại không có đường vào. Như hộ anh Nguyễn Văn Bình có trên 10ha keo, anh Vi Văn Hương ở bản Cồn có 7ha keo chưa bán được… Nhiều hộ trồng keo, trồng mía ở Châu Lý cho biết, họ đã đóng góp tiền, đổ công sức để mở đường vào vùng keo nguyên liệu, nhưng chỉ làm được những con đường tạm bợ, xe ô tô cỡ lớn chưa thể vào tận nơi để chở keo.

Ông Vi Văn Quành - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Lý cho biết: Châu Lý là xã có diện tích cây keo lai nhiều nhất huyện, với trên 1.600ha. Trong đó khoảng trên 1.000 ha keo đến tuổi thu hoạch, song do khó khăn về giao thông nên hiện tại Châu Lý mới chỉ thu hoạch được trên 40% diện tích, số còn lại chưa bán được. Xã được hưởng lợi từ QL48C đi qua địa bàn dài trên 2,3 km, nhưng hệ thống đường giao thông phục vụ cho cây nguyên liệu chủ yếu do người dân tự mở tạm bợ. Chủ yếu là những tuyến đường “không cấp” để sử dụng cho xe bò và xe công nông loại nhỏ vào chở “tăng bo” ra đường nhựa. Nhiều bản trọng điểm cây keo lai chưa thu hoạch được như tuyến bản Chọng đi bản Dền nối QL48C trên 7 km còn hơn 90ha keo. Tuyến bản Bồn nối QL48C dài 6km còn trên 100ha keo chưa thu hoạch. Chưa kể tuyến đường vào bản Xáo, bản Bùng, bản Cồn, hầu hết những con đường mòn do dân tự mở vào mùa mưa lầy thụt ngập bùn đất, kể cả xe loại nhỏ cũng không thể vào được.

Ông Quành chia sẻ thêm: Do khó khăn về đường nguyên liệu nên bà con bị tư thương ép giá, bởi mỗi ha keo thường mất chi phí vận chuyển từ 3 - 4 triệu đồng, có nơi khó khăn hơn mất từ 6 - 7 triệu đồng/ha. Toàn xã Châu Lý rất cần được nhà nước lồng ghép các chương trình dự án để đầu tư đường vận chuyển nguyên liệu trên 17km để khai thác được tiềm năng rừng trồng, tránh tình trạng tư thương ép giá. Trong năm 2013, toàn xã đã trồng mới thêm trên 350ha keo, chủ yếu trồng ở địa điểm xa chưa có đường giao thông vào tới nơi, đến khi thu hoạch đây cũng là bài toán nan giải về đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Châu Thái cho hay: Châu Thái có trên 2.000ha keo, đến thời điểm này mới thu hoạch được gần 500ha, còn lại trên 1000 ha keo đã đến tuổi thu hoạch chưa bán được do đường giao thông quá khó khăn. Nhiều vùng tư thương trả giá quá rẻ nên bà con chưa bán, đang chờ được giá. Hiện tại, bà con ở một số bản đã tự chung nhau đóng góp để mở đường, như tuyến đường vào bản Thái Học có 3-4 nhóm người, mỗi nhóm từ 4-6 người cùng góp sức mở đường, mỗi hộ đóng góp từ 2-3 triệu đồng. Tính đến thời điểm này bà con nhân dân toàn xã đã đóng góp trên 600 triệu đồng để mở đường phục vụ cho cây nguyên liệu.

Đường vào vùng nguyên liệu xã Đôn Phục (Con Cuông) lầy lội.
Đường vào vùng nguyên liệu xã Đôn Phục (Con Cuông) lầy lội.

Toàn huyện Quỳ Hợp có trên 16.000 ha keo lai (diện tích nhiều nhất tỉnh). Trong đó, hiện Lâm trường Đồng Hợp và và Lâm trường Quỳ Hợp đã quy hoạch và mở được các tuyến giao thông nguyên liệu, nhưng cũng chủ yếu là đường “không cấp” chỉ đi được vào mùa khô. Đối với các xã trên địa bàn huyện Quỳ Hợp hầu hết chưa có đường giao thông phục vụ nguyên liệu, chủ yếu một số tuyến đường lồng ghép từ các con đường phục vụ dân sinh như tuyến Châu Quang đi Châu Thái, Nam Sơn, Bắc Sơn, tuyến Thị trấn Quỳ Hợp đi Châu Cường, Châu Hồng, Châu Tiến… Còn lại các tuyến đường nhánh vào vùng cây nguyên liệu nối với các con đường liên xã, do dân tự mở song rất tạm bợ, mùa mưa nhiều tuyến đường dân tự mở lầy lội, xe không thể vào được.

Hiện, Quỳ Hợp đã có 3 tuyến đường đầu tư cho dân sinh kết hợp với đường nguyên liệu nhưng đang thi công dang dở do thiếu vốn, chỉ mới đạt được trên 40% khối lượng. Như tuyến Châu Lộc, Châu Tiến dài 16km trị giá 69 tỷ đồng; tuyến Nghĩa Xuân đi Hạ Sơn dài 13km trị giá 35 tỷ đồng (đường dân sinh kết hợp vận chuyển mía); đường Châu Quang, Châu Thái, Châu Cường dài 10 km trị giá 57 tỷ đồng. Do khó khăn về đường nguyên liệu nên việc tiêu thụ keo hạn chế, trên 16.000ha keo toàn huyện có khoảng 10.000ha đến tuổi thu hoạch nhưng chỉ mới bán được hơn 4.000ha.

Bên cạnh đó, huyện Quỳ Châu có trên 12.000ha keo, các xã trồng nhiều gồm Châu Bình 700ha, Châu Hạnh 500ha, Châu Thuận 400ha… có trên 7.000ha cho thu hoạch nhưng cũng chỉ mới bán được khoảng trên 3.000ha, còn lại chưa tiêu thụ được do đường giao thông khó khăn.

Để khắc phục giao thông đường nguyên liệu, ngoài những tuyến người dân tự làm, các công ty lâm nghiệp cũng tự bỏ vốn để làm đường nguyên liệu. Ông Hồ Đình Thế - Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Lâm nông nghiệp sông Hiếu cho biết: Từ năm 2008 đến nay Công ty đã tự đầu tư kinh phí mở mới được trên 200km đường nguyên liệu với chiều rộng 4 - 5 mét, trị giá 7,5 triệu đồng/km. Riêng trong năm 2013, Công ty mở mới được trên 19km. Nhờ đó, Công ty ổn định khai thác hàng năm đạt trên 1.000ha keo, song đường không có công trình cầu cống trên tuyến nên chỉ vận chuyển được vào mùa khô, mùa mưa không thể lưu thông, do vậy nhiều diện tích keo chưa thể thu hoạch được. Bên cạnh đó, Công ty Lâm nghiệp Tương Dương đến thời điểm này cũng đầu tư kinh phí mở được trên 20km đường nguyên liệu, Công ty Lâm nghiệp Con Cuông đầu tư mở mới được trên 12km…

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 100.000 ha cây nguyên liệu, trong đó độ tuổi cho thu hoạch chiếm trên 60%. Nhiều diện tích chưa thu hoạch được do giao thông khó khăn. Để khắc phục khó khăn trên, Sở NN & PTNT đã trình UBND tỉnh cho lập Dự án hệ thống đường giao thông nguyên liệu nội vùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2015, tập trung các huyện: Thanh Chương, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Nam Đàn, Yên Thành, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Con Cuông, Đô Lương, Nghĩa Đàn... với hệ thống trục chính và đường nhánh, chiều dài tổng cộng 361.70km. Tuy nhiên, đến thời điểm này một số dự án xây dựng đường giao thông đã khởi công, song do khó khăn về vốn nên đã phải dừng thi công.

Văn Trường

Mới nhất
x
Giao thông vùng nguyên liệu khó khăn: Sản phẩm bị ép giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO