PV: Thưa ông, Nghệ An là một tỉnh rộng và có 11 huyện miền núi, tỷ lệ học sinh tại các địa phương này khá cao. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, trong những năm qua rất nhiều giáo viên miền xuôi đã tình nguyện lên vùng cao dạy học. Ông có thể đánh giá về vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục miền núi Nghệ An?
GS.TS Thái Văn Thành: Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (16.490 km2), với ba vùng sinh thái rõ rệt: Miền núi, trung du và đồng bằng ven biển. Trong đó, miền núi chiếm tới 83% diện tích lãnh thổ, địa hình đa dạng, phức tạp và bị chia cắt bởi các hệ thống đồi núi, sông, suối. Trong 217 xã, thị trấn miền núi vùng cao có 55 xã khu vực I (xã bước đầu phát triển), 76 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân các dân tộc miền núi còn gặp nhiều khó khăn.
Với những đặc trưng này, so với các địa phương khác, giáo dục miền núi Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn và điều đó phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở các trường. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền, các cấp ủy đảng, nhân dân nên sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh đi học, phổ cập giáo dục, cơ sở vật chất trường, lớp học đạt mức trung bình cả tỉnh. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, cùng với toàn ngành, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An đã hoàn thành kế hoạch phát triển giáo dục, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoàn thành cơ bản các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.
Đóng góp vào sự thành công đó, còn có vai trò to lớn của các thầy giáo, cô giáo bởi lẽ chúng ta biết rằng đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng giáo dục. Chúng ta ghi nhận và tri ân, đặc biệt là những người miền xuôi lên cống hiến, đóng góp cho giáo dục miền núi. Đã có hàng nghìn giáo viên với tình yêu thương các học trò miền núi, lòng yêu nghề, họ xác định quyết tâm ở lại, định cư và thành lập gia đình, ở lại gắn bó với miền núi. Chúng ta nên biết ơn, tri ân và có sự quan tâm hơn đối với đội ngũ này.
PV: Thưa ông, trong những năm qua, một thực tế xảy ra ở nhiều huyện miền núi là có không ít giáo viên xin về xuôi với nhiều lý do khác nhau, trong đó một phần là để ổn định cuộc sống. Là người đứng đầu ngành Giáo dục, ông suy nghĩ như thế nào?
GS.TS Thái Văn Thành: Việc giáo viên chuyển từ huyện này sang huyện kia là do thẩm quyền của Chủ tịch UBND các huyện.
Trong những giáo viên xin thuyên chuyển, chúng ta chia sẻ với những giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt, ví dụ như ốm đau, bệnh tật, việc lập gia đình khó khăn, bố mẹ già yếu, neo đơn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khác, buộc họ phải về. Tôi nghĩ rằng, khi giáo viên đã quyết định xin chuyển công tác, họ cũng đau đáu lắm bởi vì dứt đi tình cảm với các cháu, với những vùng đất đã gắn bó một thời gian dài.
Những năm qua, Nghệ An có hiện tượng giáo viên xin về xuôi. Chúng ta thông cảm với những hoàn cảnh đặc biệt và do thẩm quyền các huyện quyết định. Tuy nhiên, có những giáo viên cống hiến chưa nhiều mà xin về thì cũng cần suy nghĩ. Ví dụ, có những giáo viên lên miền núi một vài năm rồi xin về là không được, ít nhất người giáo viên đó cũng cống hiến trên 5 năm chẳng hạn. Việc tuyển dụng là do từng huyện, Chủ tịch UBND huyện đặt ra quy chế. Vì vậy, khi đã chấp nhận lên miền núi công tác thì các giáo viên phải chấp nhận quy chế đó của huyện.
PV: Rõ ràng việc giáo viên về xuôi đang để lại những khó khăn cho các trường và địa phương. Vậy theo ông, các địa phương và ngành Giáo dục cần có giải pháp nào để giữ chân những giáo viên này?
GS.TS Thái Văn Thành: Nghệ An đang thiếu trên 7.000 giáo viên ở tất cả các cấp học, bậc học và không chỉ riêng các huyện miền núi. Tuy nhiên, ở các huyện vùng cao, việc tuyển dụng sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là ở những môn đặc thù. Thời gian tới, sau khi có chỉ tiêu biên chế, ngành sẽ tham mưu với Sở Nội vụ để ưu tiên tuyển dụng đủ giáo viên cho các địa phương, trong đó ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho các huyện vùng cao.
Với những giáo viên đang công tác lâu năm ở các huyện miền núi, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng đề án Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và ngành cũng đang nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh có cơ chế chính sách trong đề án Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số miền núi. Đặc biệt, có chú ý đến đội ngũ giáo viên ở xa lên miền núi công tác, hoặc giáo viên các môn đặc thù không chỉ về vật chất mà cả về mặt tinh thần để động viên họ an tâm ở lại cống hiến cho giáo dục miền núi.
Hiện, Quốc hội cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, từ đề án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Chính phủ có những chính sách phù hợp với từng tỉnh, thành, từng vùng miền nhằm góp phần phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao đời sống của các giáo viên vùng cao.
Tôi nghĩ, giáo viên vùng cao thì cứ phải an cư mới lạc nghiệp. Trong đó, đầu tiên là chế độ tiền lương và hiện nay về cơ bản Nhà nước đã quan tâm đến giáo viên vùng cao, quan tâm đến những người công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải đưa ra cơ chế mở để các địa phương làm cơ chế đặc thù và tuỳ từng địa phương sẽ có cơ chế riêng phù hợp. Ngoài ra, Trung ương có thể nghiên cứu hỗ trợ kinh phí cho những tỉnh có cơ chế đặc thù để hỗ trợ về mặt tinh thần, cuộc sống, về nhà công vụ. Các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, tương tự như chúng ta hỗ trợ đất đai cho những gia đình có công với đất nước. Từ sự quan tâm này sẽ tạo môi trường làm việc thuận lợi thì họ an tâm công tác ở miền núi.
PV: Trước thềm năm học mới, ông có điều gì gửi gắm tới các giáo viên đang công tác ở khu vực miền núi khó khăn?
GS.TS Thái Văn Thành: Mỗi khi đã chọn nghề giáo và khi đã lên miền núi thì phải yêu nghề thực sự. Chúng tôi biết rằng, các giáo viên miền núi rất vất vả và những năm qua các thầy cô đã hy sinh, đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, tương lai thế hệ trẻ, các cháu vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi với tinh thần tận tâm, tận lực. Từ những nền tảng này, tôi mong các thầy cô tiếp tục gắn bó thương yêu học trò hơn nữa và an tâm ở lại công tác. Đã tận tâm rồi thì tận tâm, tận lực, tận tụy hơn nữa. Ngành luôn dõi theo, biết ơn, tri ân và sẵn sàng đồng hành, sát cánh với những khó khăn của thầy cô miền núi.
PV: Xin cảm ơn GS.TS Thái Văn Thành!