Giáo viên vùng cao Nghệ An ‘quên’ nghỉ hè lao vào tham gia chống dịch

Đình Tuân 09/08/2021 18:42

(Baonghean.vn) - Dù đang trong thời gian nghỉ hè, nhưng ngay sau khi xuất hiện những ca dương tính với Covid-19 đầu tiên ở bản Chăm Puông, xã Lượng Minh (Tương Dương), nhiều cán bộ, giáo viên huyện rẻo cao Tương Dương đã tự nguyện “gác” thời gian nghỉ hè để tham gia chống dịch cùng các lực lượng.

Hơn 400 cán, bộ giáo viên tự nguyện tham gia chống dịch

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, ngay khi xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở bản Chăm Puông, nhận thấy dịch bệnh đã có nhiều diễn biến phức tạp và có thể lây lan ra diện rộng nếu như không kịp thời dập dịch. Huyện Tương Dương đã “thần tốc” huy động lực lực gồm công an, y tế, quân sự…vào tâm dịch để triển khai công tác lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, trực các chốt kiểm soát…

Để “chia lửa” với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, ngành đã kêu gọi cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn cùng chung tay tiếp sức trong công tác phòng, chống dịch. Hiện đã có trên 400 cán bộ, giáo viên tự nguyện đăng ký tham gia nấu ăn cho các lực lượng tại tâm dịch, ở các khu cách ly; vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm vào tâm dịch.

Trong hơn 400 cán, bộ giáo viên tự nguyện đang ký tham gia chống dịch thì có nhiều giáo viên quanh năm xa nhà, xa vợ con. Tuy thời gian nghỉ hè chưa lâu, nhưng khi xảy ra dịch bệnh họ vẫn “gác” lại thời gian nghỉ hè để tham gia lên tuyến đầu phòng, chống dịch.

Thầy Xây, thầy Thương cùng các cô chuẩn bị bữa ăn cho các lực lượng tuyến đầu phòng,chống ở bản Chằm Puông
Thầy Xây, thầy Thương cùng các cô chuẩn bị bữa ăn cho các lực lượng tuyến đầu phòng,chống dịch ở bản Chăm Puông, xã Lượng Minh (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân

Gia đình hiện ở làng Mỏ Than, xã Tam Quang, để đến trường thầy Đào Như Kiều - giáo viên Trường Tiểu học Lượng Minh phải vượt qua quãng đường gần 100 km. Do đường xa, nên cứ 2 - 3 tuần thầy Kiều mới về thăm nhà một lần. Những thời điểm mưa bão, hay công việc nhiều thì còn lâu hơn. Nhưng khi hay tin bản Chăm Puông (nơi thầy Kiều đang giảng dạy) xảy ra dịch Covid -19. Không chút do dự, thầy Kiều đã tự nguyện viết đơn vào tâm dịch để “chia lửa” cùng các lực lượng.

Thầy Kiều chia sẻ “Tôi công tác tại bản Chăm Puông đã một thời gian dài, người dân ở đây tuy khó khăn, vất vả nhưng rất tình cảm. Ở đây chúng tôi được bà con đùm bọc, che chở như con em của họ. Chính vì thế mà tôi xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Khi nghe tin trong bản có trường hợp dương tính với Covid – 19, tôi tự nguyện viết đơn vào tâm dịch. Vào đây tôi được giao nấu ăn cho các lực lượng tuyến đầu. Những suất ăn được mọi người vui vẻ tiếp nhận, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để làm tốt hơn phần việc của mình”.

Thầy Đào Như Kiều quanh năm công tác xa nhà, nhưng khi dịch bệnh xẩy ra vẫn tự nguyện tham gia
Thầy Đào Như Kiều quanh năm công tác xa nhà, nhưng khi dịch bệnh xảy ra vẫn tự nguyện tham gia. Ảnh: Đình Tuân

Cũng như thầy Kiều, thầy Vang Văn Thương - giáo viên Trường Tiểu học Yên Thắng và thầy Lô Văn Xay - giáo viên Trường Tiểu học Lượng Minh quanh năm đều công tác xa nhà, nhưng khi có dịch vẫn viết đơn tham gia chống dịch.

Thầy Thương cho biết: “Công việc của anh em chúng tôi bắt đầu từ lúc chưa đầy 4h sáng và kết thúc vào khoảng 8 - 9h đêm. Xa nhà, thường tối đến khi hoàn thành nhiệm vụ mới gọi điện được cho vợ con. Biết được công việc của chồng nên vợ cũng thường xuyên động viên để tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Tuy không ở tại tâm dịch. Nhưng, gần tháng nay (kể từ ngày các ca F1 thực hiện cách ly tại 3 khu cách ly tại trung tâm huyện) hàng trăm giáo viên của các trường học trên địa bàn huyện đã thay phiên nhau tham gia chuẩn bị các suất ăn cho các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly cũng như người dân thực hiện cách ly, để góp phần vào công tác phòng, chống dịch.

Qua tìm hiểu được biết, tránh tình trạng thừa - thiếu nhân lực. Hơn nữa để đảm bảo cho quá trình phục vụ dài ngày. Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo Tương Dương đã lên lịch phân công mỗi trường đảm nhiệm nấu ăn 1 ngày.

Gần tháng nay gần như hôm nào cô Lô Thị Duyệt cũng có mặt tham gia chế biến món ăn cho công dân cách ly
Gần tháng nay gần như hôm nào cô Lô Thị Duyệt cũng có mặt tham gia chế biến món ăn cho công dân cách ly. Ảnh: Đình Tuân

Một số giáo viên ở địa bàn thị trấn, dù không phải đến phiên trường mình nấu ăn nhưng ngày nào cũng đến bếp ăn để tham gia hỗ trợ cho các đồng nghiệp. Cô Lô Thị Duyệt - giáo viên Trường Tiểu học Tam Thái là một trong nhiều trường hợp như vậy.

“Bình quân mỗi buổi, cán bộ, giáo viên, phải nấu hàng trăm suất ăn. Mọi công việc từ khâu tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, nấu nướng và chia suất ăn đều do 6-7 người làm. Nhà ở gần địa điểm nấu ăn lại đang nghỉ hè nên thời gian cũng rảnh rỗi, nên gần như này nào tôi cũng lên phụ giúp cùng các thầy, cô trường khác”, cô giáo Lô Thị Duyệt chia sẻ.

Những chuyến xe 0 đồng

Không tham gia nấu ăn như các thầy, cô khác, thầy Tạ Kim Trọng - giáo viên Trường THCS thị trấn Thạch Giám và một số giáo viên nữa lại tình nguyện lấy xe nhà chở gạo và nhu yếu phẩm vào tâm dịch cho người dân. Gần tháng qua không kể nắng hay mưa những chuyến xe 0 đồng của các thầy vẫn đều đặn lăn bánh chuyển đồ ăn thức uống vào tâm dịch. Từ trung tâm huyện Tương Dương vào tâm dịch bản Chăm Puông phải đi quãng đường gần 50 km. Tuy quãng đường không xa, nhưng đường nhỏ, lại quanh co, nhiều đèo dốc.

Những chuyến xe “0 đồng” của các thầy giáo đều sẵn sàng lăn bánh khi có nhu cầu
Những chuyến xe “0 đồng” của các thầy giáo đều sẵn sàng lăn bánh khi có nhu cầu. Ảnh: Đình Tuân

Thầy Trọng chia sẻ “Dịch bệnh xảy ra đúng thời điểm đang nghỉ hè, nên khi biết tin huyện cần phương tiện để vận chuyển hàng hóa vào tâm dịch nên tôi đăng ký tham gia, với mong muốn góp một phần công sức vào công tác phòng, chống dịch. Anh em chúng tôi một lúc đảm nhiệm 2 nhiệm vụ đó là vừa làm tài xế vừa kiếm luôn cả bốc xếp. Những ngày đầu, do số lượng gạo và nhu yếu phẩm cần vận chuyển vào tâm dịch nhiều, để kịp thời cấp phát cho người dân, nên gần như cả ngày chúng tôi đều ngồi trên xe đến tới mịt mới về để nhà”.

Khi xảy ra dịch bệnh ở bản Chăm Puông, đã có hàng trăm ca F1 phải thực hiện cách ly theo quy định. Huyện rẻo cao Tương Dương đã thành lập 3khu cách ly tập trung tại trung tâm huyện. Từ ngày các khu các ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 được lập ra. Cứ đều đặn ngày 3 buổi, sáng, trưa, chiều anh Đặng Thái Sơn - kế toán Trường Mầm non Mai Sơn, đều dùng chiếc xe bán tải cá nhân của mình chất đầy đồ ăn thức từ điểm chế biến đến 3 khu cách.

Ngoài ra, anh còn tham gia vận chuyển thực phẩm vào tâm dịch bản Chăm Puông. Anh Sơn cho biết: Những việc làm này đều do tôi tự nguyện tham gia. Bởi, tôi muốn góp sức mình vào cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh để dịch bệnh sớm được đẩy lùi”.

Ngày 3 buổi, anh Đặng Thái Sơn đưa cơm vào các khu cách ly
Ngày 3 buổi, anh Đặng Thái Sơn đưa cơm vào các khu cách ly. Ảnh: Đình Tuân

Cô Võ Thị Tuyết Chinh - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết “Phòng, chống dịch là trách nhiệm không chỉ ngành nào mà cần phải có sự vào cuộc của cả cộng đồng. Xuất phát từ tinh thần trách nhiệm và trên tinh thần kêu gọi của lãnh đạo phòng, nên trong thời gian qua, lực lượng cán bộ, giáo viên trong toàn ngành đã tự nguyện tham gia cùng với các lực lượng chống dịch.

Ngoài tham gia chế biến thức ăn, vận chuyển nhu yếu phẩm, thì lực lượng giáo viên đã tổ chức kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch. Theo ghi nhận thì số lượng quà do các thầy, cô giáo kêu góp được cũng khá lớn”./.

Mới nhất

x
Giáo viên vùng cao Nghệ An ‘quên’ nghỉ hè lao vào tham gia chống dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO