Gieo chữ trên dãy Trường Sơn
(Baonghean) - Dưới chân núi Puxailaileng cao 2.711 mét - được mệnh danh là “nóc nhà” xứ Nghệ thuộc miền biên giới huyện Kỳ Sơn, hàng ngày tiếng học bài của học sinh người Mông, Khơ Mú vẫn vang lên đều đặn. Vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh cả tuổi trẻ, những thầy, cô giáo đã và đang “cõng” con chữ ngược lên đại ngàn, vun đắp cho sự nghiệp Ơtrồng người”…
Mùa này, con đường độc đạo dẫn vào xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn trơn trượt, đầy ổ voi, ổ gà. Vừa dẫn tôi đi, thầy Đặng Đình Chinh (quê Hưng Nguyên) vừa trò chuyện: “Để dạy chữ cho các em người dân tộc thiểu số nơi đây, ngoài kiến thức sư phạm, thầy, cô giáo còn phải là những tay lái cừ khôi. Không có lòng nhiệt huyết, yêu nghề thì không thể “cõng” chữ vượt qua những con dốc, khe suối, vực sâu này được”. Con đường cứ ngoằn ngèo vắt qua những dãy núi cao vút, cứ lên mãi, lên mãi như gần chạm tới cổng trời. Mới ngoài cửa Rào (thuộc xã Xá Lượng- Tương Dương) - nóng bức là thế, mà lên đây không khí đã âm u, se lạnh.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, thầy Đặng Đình Chinh đã tự nguyện xin về Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Càn – một trong những xã miền núi xa xôi nhất của huyện Kỳ Sơn để dạy chữ. Những ngày mới lên, cũng như bao thầy, cô giáo trẻ khác, nỗi nhớ nhà đến da diết. Đồng lương ít ỏi, tiền xe đò lại đắt đỏ nên vài ba tháng, có khi nửa năm, thầy Chinh mới về thăm nhà một lần. Thời gian trôi đi, lớp lớp học trò người Mông, Khơ Mú ra trường, trưởng thành từng ngày, đem kiến thức học được xây dựng cộng đồng, bản làng. Thế nhưng có ai hay, tuổi thanh xuân của những người thầy, người cô cũng dần trôi đi, có lúc lỡ “chuyến đò” tình duyên nơi miền biên viễn heo hút. “Để yên tâm công tác, bám trụ với dân bản, học sinh, nhiều thầy, cô đã lập gia đình tại nơi mình dạy học. Mà ở đây các cặp vợ chồng chủ yếu là thầy, cô giáo với bộ đội thôi.” - Thầy Nguyễn Công Danh - Hiệu trưởng trường vui vẻ tâm sự.
Lên Kỳ Sơn dạy học từ khi còn trẻ, thời gian thấm thoắt thoi đưa, vậy mà đã hơn 30 năm, thầy Nguyễn Công Danh gắn bó với mảnh đất, với những thế hệ học trò vùng biên viễn này. Cách xa gia đình hàng trăm cây số, nên vài ba tháng, thầy mới có dịp về thăm vợ con một lần. Hơn 30 năm cho những chuyến xuôi ngược, để gắn bó với trường lớp, dân bản, chắc rằng đó không chỉ là nghề nghiệp mưu sinh mà còn là nhiệt huyết cho sự nghiệp “trồng người”, lòng yêu nghề, yêu trò, đem con chữ khai phá miền núi lạc hậu, heo hút. Màn đêm dần buông, cái lạnh như cắt vào da thịt đến tê tái, đau buốt. Sau bữa cơm tối, người thầy tóc pha sương lại lặng lẽ trở về căn phòng cũ, cặm cụi soạn giáo án cho ngày mai mới biết sự hy sinh thầm lặng ấy chẳng có gì đếm đong được.
Lớp học mẫu giáo ở Trường Mầm non Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn). |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đa số các gia đình người Mông còn xem nhẹ việc cho con đến trường ở tuổi mẫu giáo, nên khi lên nương rẫy, họ gùi con sau lưng hoặc để ở nhà cho anh chị trông coi. Ăn uống thiếu thốn, không được chăm sóc nên nhiều cháu còi cọc, ốm đau. Để đưa các cháu đến trường, các cô giáo phải đến từng nhà vận động, phân tích. Ấy thế nhưng nhiều lúc cái bụng của một số người Mông không hiểu, thầy, cô phải đến hết lần này tới lần khác để vận động, thuyết phục. Những con suối, vực sâu không ngăn cách được đôi bàn chân nhỏ nhắn của những cô giáo yêu trẻ nơi miền biên cương xa xôi. Cô Lê Thị Ngọc Hải- Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Càn tâm sự: “Nhiều lúc các cháu đến lớp học, bố mẹ còn lên dắt về, phải động viên, phân tích mãi mới thôi. Không được hỗ trợ vật chất đầy đủ như ở dưới xuôi, trên này ngoài giờ giảng dạy, các cô giáo còn làm các đồ chơi, vật dụng học tập cho các cháu. Ngoài ra, mọi lao động trong trường đều do các cô làm cả, vì các cháu nhỏ, huy động phụ huynh rất khó khăn”.
Không giống như trường lớp ở đồng bằng, thị thành, vào những ngày lễ, tết, những cô giáo, thầy giáo dưới chân núi Puxailaileng chẳng có một lời chúc hay lẵng hoa, có chăng là những lời động viên từ các đồng nghiệp. Trường ở trung tâm xã còn đỡ vất vả, chứ ở các cơ sở lẻ cực kỳ khó khăn, thiếu thốn. Đường đi hiểm trở, có khi mất cả nửa ngày đường cuốc bộ mới vào đến thôn bản, nên có những thầy, cô xin ở tá túc trong nhà dân hay dựng lán ăn ở cùng các em. Mỗi lần vào bản Nậm Khiên, Huồi Nhao, Liên Thành, đối với các cô Lương Thị May, Lô Thị Ngọc, Vi Thị Bốn… chẳng khác nào một cuộc vật lộn với núi rừng. Chồng là bộ đội, hai con còn nhỏ, đứa lớn 2 tuổi, đứa nhỏ mới hơn tuổi, nội ngoại đều ở xa nên cô Vi Thị Bốn đã phải đưa 2 con lên ở với mình. Công việc vất vả, lại phải chăm con nên nhiều lúc cô Bốn bị suy nhược, mất sức. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, động viên của chồng, đã giúp cô đứng vững tiếp tục nhiệm vụ.
Chứng kiến một bữa ăn của các cháu mẫu giáo, mới thấy hết sự khó nhọc, vất vả của các cô giáo trẻ. Hết đút cơm cho cháu này lại đút cơm cho cháu khác, các cô làm việc luôn tay. Các cháu nhỏ nên hay giận dỗi, quấy khóc, các cô phải nhẹ nhàng, ân cần từng chút một. Do chưa có chế độ cho mẫu giáo vùng cao, nên bữa ăn của các cháu được bố mẹ mang đến. Tuy nhiên, thức ăn cũng chỉ là mì tôm, rau quả, cá khô, có khi là thịt chuột bắt bẫy được trên rừng. Đã nhiều lần nhà trường vận động các phụ huynh góp gạo, kinh phí để các cô nấu ăn cho, nhưng có gia đình ưng, có gia đình không, nên chẳng đi đến đâu. “Nhiều lúc thấy các cháu ăn uống kham khổ quá, chúng tôi ứa nước mắt mà nhường phần ăn của mình. Nhưng về lâu dài, cần phải có phương án, sự chung tay, giúp đỡ của các cấp chính quyền, cộng đồng mới giải quyết được vấn đề ăn uống cho các cháu” – cô Lê Thị Ngọc Hải tâm sự.
Trên dãy Trường Sơn xa xôi, heo hút, hàng ngày những thầy, cô giáo vẫn tận tụy, bám trụ với nghề để gieo chữ cho lớp lớp thế hệ học trò. Rồi đây, nhờ sự học ấy, các em người Mông, Khơ Mú sẽ xóa được đói nghèo, lạc hậu, đưa miền núi bắt kịp miền xuôi. Tạm biệt những thầy, cô giáo dưới chân núi Puxailaileng vào một ngày đầy nắng ấm, trong chúng tôi dâng lên niềm cảm phục và mến thương. Phải chăng sức mạnh của họ chính là lòng yêu nghề, yêu trẻ, khát vọng cháy bỏng đổi thay những miền biên cương, xa xôi, heo hút của đất nước.
Bài, ảnh: Triều Dương