Gìn giữ vốn xưa

25/07/2013 20:12

(Baonghean) - Để tăng cường mối hòa đồng giữa các dân tộc và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, thời gian qua tỉnh Nghệ An đã có những chủ trương thiết thực và đạt kết quả đáng khích lệ trong việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số.

Sự hồi sinh của chữ Thái

Người Thái chiếm hơn 70% tổng số đồng bào dân tộc ít người ở Nghệ An, chủ yếu cư trú ở vùng miền núi phía Tây. Không chỉ đông về số lượng, người Thái ở Nghệ An còn được biết đến bởi lưu giữ được nhiều nét văn hóa mang tính bản sắc. Từ ngôn ngữ (lời nói), trang phục, nghề truyền thống đến các làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ đều thể hiện nét riêng của dân tộc mình. Đặc biệt, về tiếng nói, đồng bào Thái ở Nghệ An cơ bản vẫn lưu giữ được ngôn ngữ của tổ tiên mình để phục vụ việc giao tiếp hàng ngày. Đồng thời, người Thái ở đây từng có chữ viết riêng để thực hiện chức năng giao tiếp và lưu trữ. Nhưng do sự biến động của lịch sử- xã hội, một thời gian dài thứ chữ ấy gần như bị lãng quên. Thật may, có những người luôn yêu mến nét chữ tổ tiên đã tìm cách lưu giữ, để hôm nay chữ Thái đang có cơ hội được hồi sinh.

Trong những lần lên các huyện miền Tây công tác, chúng tôi may mắn gặp được những người tâm huyết với chữ Thái. Họ là những trí thức người Thái nặng lòng với vốn di sản văn hóa do người xưa truyền lại.Người đầu tiên chúng tôi muốn nói đến là ông Sầm Văn Bình (sinh năm 1962) ở xã Châu Quang (Qùy Hợp). Tốt nghiệp Đại học Hàng hải nhưng ông Bình lại trở về quê và chuyên tâm nghiên cứu về chữ Thái. Qua một thời gian nghiên cứu, ông nhận thấy chữ Thái thực sự là vốn quý của tổ tiên, thế hệ sau cần phải nắm bắt để hiểu một phần tâm hồn, phẩm cách của dân tộc mình.

Ý tưởng mở lớp truyền dạy chữ Thái bắt nguồn từ đó. Khi đề xuất ý tưởng này, ông được bà con nhân dân, bạn bè và chính quyền địa phương hết sức ủng hộ. Vậy là các lớp học chữ Thái ra đời đã thu hút đồng bào dân tộc Thái ở nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần tham gia. Từ các em học sinh, đoàn viên thanh niên, cán bộ địa phương đến bà con nông dân đều tranh thủ đến lớp để hiểu hơn nét chữ ngày xưa cha ông mình thường dùng.

Qua mỗi lớp học, giáo án giảng dạy của ông Sầm Văn Bình ngày càng hoàn chỉnh, đảm bảo được tính khoa học và đại chúng. Trên cơ sở đó, bộ sách “Hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai Tay” (2 tập) ra đời, đáp ứng cơ bản nhu cầu tìm hiểu và học tập của bà con địa phương. Bên cạnh đó, ông còn viết 5 cuốn sách có giá trị khảo cứu về chữ Thái cổ, được giới Thái học trong cả nước đánh giá cao. Gần đây, ông Sầm Văn Bình còn góp công lớn trong việc vi tính hóa mẫu chữ Thái hệ Lai Tay. Điều này hết sức có ý nghĩa với việc giảng dạy và phổ biến hệ chữ này, bởi việc lưu trữ, in ấn và truyền dạy sẽ được thuận lợi hơn rất nhiều.


Thi viết chữ Thái tại Lễ hội Mường Ham.
Ảnh: Cao Duy Thái

Lên huyện biên giới Quế Phong, chúng tôi được gặp ông Lô Khánh Xuyên (77 tuổi, ở xã Mường Nọc), cũng là một trong những “cây đại thụ” về chữ Thái. Ông Xuyên nguyên là Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, nghỉ hưu ông dành phần lớn thời gian cho việc sưu tầm , tìm hiểu các loại tài liệu, văn bản được viết bằng chữ Thái cổ. Trước tiên ông tìm đến các cụ già đang giữ tư liệu chữ Thái để mượn hoặc xin về đọc, rồi cất công đến các bản làng để ghi chép những câu chuyện cổ, tục ngữ, ca dao, dân ca của dân tộc mình. Những cái góp nhặt được, ông tập hợp vào các công trình: “Tục ngữ, ca dao và dân ca người Thái”, “Hát giao duyên của người Thái”...

Bên cạnh đó, ông Xuyên còn vận động con cháu trong gia đình, bản làng và các thầy, cô giáo, cán bộ địa phương học chữ Thái. Lớp học được mở tại nhà, ông giáo tuổi cao, gầy gò vẫn miệt mài với từng nét chữ, dù không có một đồng thù lao. Có lẽ vì thế mà người dân huyện Quế Phong gọi ông một cách trìu mến là “Ông già chữ Thái”. Cũng ở Quế Phong, chúng tôi từng được gặp ông Lang Văn Quốc (đã mất, ở xã Quang Phong) - cũng là một người hết mực yêu mến chữ Thái cổ. Lần gặp ấy, ông Quốc đã 85 tuổi nhưng vẫn khá minh mẫn.

Theo lời kể của ông, cụ thân sinh ra ông mất lúc ông 12 tuổi, trước lúc ra đi có đưa ra 2 cuốn sách chữ Thái và dặn dò con trai: “Bằng mọi giá phải giữ được những cuốn sách này cho con cháu đời sau”. Và 2 cuốn sách ấy đã đồng hành cùng ông Lang Văn Quốc suốt cuộc đời, trước lúc qua đời ông lại đưa 2 cuốn sách ấy giao người con trai cả kèm theo lời dặn giống với lời của cụ thân sinh dặn ông năm xưa. Nội dung của 2 cuốn sách ấy là những câu chuyện và phong tục tập quán của đồng bào người Thái được lưu truyền trong dân gian. Sinh thời, ông Quốc gần như thuộc lòng từng chữ, từng dòng.

Một người nữa chúng tôi muốn nhắc đến là ông Vi Khăm Mun (72 tuổi) ở bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa (Tương Dương). Là một giáo viên dạy Toán về hưu nhưng ông Mun một lòng tâm đắc với những giá trị tốt đẹp của văn hóa Thái. Không những tích cực truyền dạy chữ Thái Lai Pao, ông Mun còn miệt mài với việc sưu tầm vốn cổ và ghi lại bằng thứ chữ này. Những lần lên Tương Dương công tác nghỉ lại ở nhà ông, chúng tôi đều thấy ông thức dậy từ 2h sáng, ngồi vào bàn làm việc và tỉ mẩn với từng nét chữ.

Ban ngày, vào những lúc rảnh rỗi, ông đi khắp làng trên, bản dưới để sưu tầm truyện cổ tích, tục ngữ, ca dao, đồng dao của người Thái. Đến đêm, vào lúc yên tĩnh nhất, ông thức dậy ghi lại bằng cả chữ quốc ngữ và chữ Thái Lai Pao, phía dưới có phiên âm. Sau một thời gian miệt mài với vốn cổ, đến nay ông Vi Khăm Mun đã có trên chục công trình tập hợp, sưu tầm cổ tích, tục ngữ, ca dao, truyện cười dân tộc Thái được in bằng 2 loại chữ (chữ quốc ngữ và chữ Thái Lai Pao). Trong số đó, 3 công trình đã đạt giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Giờ đây, nói đến chữ Thái Lai Pao, mọi người đều nhắc đến ông Vi Khăm Mun.

và sự vào cuộc...

Công tác bảo tồn tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Nghệ An không chỉ được thực hiện bởi những trí thức ở các địa phương mà còn được sự cổ vũ, động viên và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban, ngành liên quan. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của mình, các ban, ngành đều có sự định hướng trong việc tiếp cận tiếng nói, chữ viết của đồng bào.

Ở thời điểm hiện tại, huyện Con Cuông đang tổ chức 2 lớp dạy chữ Thái Lai Pao với tổng số lên tới 84 học viên. Đối tượng tham gia các lớp học này chủ yếu là cán bộ các ban, ngành từ huyện đến xã và giáo viên các trường học vùng sâu, vùng xa. Các học viên đều đến với tinh thần tự nguyện, tự giác và hăng hái. Thầy Nguyễn Văn Minh - giáo viên Trường THCS Lục Dạ (Con Cuông) chia sẻ: “Địa bàn tôi công tác chủ yếu là đồng bào Thái nên tôi phải tranh thủ học tiếng Thái, chữ Thái để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Biết được tiếng người dân bản địa sẽ rất thuận lợi cho công tác giảng dạy và tiếp cận phụ huynh, từ đó tạo điều kiện cho mình có được phương pháp, cách ứng xử phù hợp”. Không chỉ Con Cuông mà các huyện khác như Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong cũng đang tích cực trong việc đẩy mạnh việc học tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc cho đối tượng cán bộ các ban, ngành các cấp và đội ngũ giáo viên.

Ở cấp tỉnh, hàng năm Ban Dân tộc thường xuyên nghiên cứu và cấp kinh phí cho một số địa phương để tổ chức các lớp giảng dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số. Nhiều nhất là các lớp dạy chữ Thái, tiếng Mông và tiếng Ơ đu. Một số ban, ngành khác cũng đang đẩy mạnh việc học tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn. Điển hình là Ban Dân vận Tỉnh ủy hiện đang thí điểm chương trình dạy tiếng dân tộc cho cán bộ, nhân viên để tạo sự thuận lợi trong giao tiếp, tiếp xúc với đồng bào.

Hàng năm, ngành Công an đều mở các lớp học tiếng Mông cho bán bộ, chiến sỹ ở các huyện vùng cao, biên giới để thực hiện tốt công tác phối hợp với bà con trên địa bàn đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An cũng đã triển khai kế hoạch học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sỹ và các đơn vị cấp dưới. Thiếu tá Hoàng Văn Huy - Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết: “Địa bàn quản lý của chúng tôi gồm 3 dân tộc: Thái, Mông và Khơ mú. Cán bộ, chiến sỹ của Đồn đều sử dụng, giao tiếp khá thành thạo tiếng nói của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn nên rất thuận lợi cho công việc”. Theo số liệu thống kê của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến nay đã có hơn 531 cán bộ, chiến sỹ tự học tiếng dân tộc thành công, trong đó chủ yếu là 3 thứ tiếng: Thái, Mông và Khơ mú.

Như vậy, trên các bản làng miền Tây xứ Nghệ, có nhiều người đang ngày đêm miệt mài, lặng lẽ với công tác bảo tồn những nét văn hóa mang giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Họ làm việc bởi niềm đam mê, sự tâm huyết với vốn cổ. Vì thế, họ luôn được bà con dân bản yêu mến và quý trọng. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của địa phương cũng đang vào cuộc tích cực để giúp bà con giữ được vốn quý của mình. Điều này còn tạo nên sự đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào các dân tộc, tạo nên sự gần gũi giữa nhân dân và chính quyền cũng như các ban, ngành địa phương.


TƯỜNG ANH

Mới nhất
x
Gìn giữ vốn xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO