Giới trẻ vùng cao trong cuộc sống hôm nay: "Kinh hóa" ngôn ngữ

16/10/2014 20:09

(Baonghean) - Để trở nên hợp thời hơn, các bậc cha mẹ trẻ vùng cao cũng đã sớm dạy cho trẻ tập nói tiếng phổ thông từ khi mới lọt lòng. Cùng với đó, những cái tên mang yếu tố Hán - Việt, thậm chí là yếu tố Hàn Quốc, cũng được họ chọn đặt cho con cái...

Một nhà hai thứ tiếng

Vào một tối dừng chân tại nhà người quen ở bản Nhao (xã Bắc Sơn - Quỳ Hợp), chúng tôi đến thăm nhà chị Vi Thị Lan, anh Mạc Văn Thành. Cặp vợ chồng đều là người Thái, sinh sống trong một căn nhà sàn dựng kiểu truyền thống. Căn nhà dễ chừng đã vài chục năm tuổi, xung quanh có vườn cây lưu niên. Câu chuyện giữa chúng tôi, những người Thái với nhau, thật gần gũi, thân tình. Ra chào khách lạ là 2 bé trai, trong đó có cậu học sinh lớp 2, một bé nữa còn chưa đến tuổi đi mẫu giáo. Điều khiến tôi khá ngạc nghiên là các cháu nhỏ không dùng tiếng Thái mà dùng tiếng phổ thông, mặc dù tôi đã đáp lại bằng tiếng mẹ đẻ. Ban đầu, cứ ngỡ con cái nhà ai ở thị trấn trung tâm huyện hay một hộ gia đình người miền xuôi nào đó lên định cư trong bản. Hỏi ra thì được biết, đó là con của anh Thành, chị Lan.

Trẻ em vùng cao.
Trẻ em vùng cao.

TIN LIÊN QUAN

Thấy tôi lạ lẫm về việc hai cháu bé có cha mẹ đều là người Thái lại đang sinh sống trong một bản tuyệt đại đa số là người Thái, lại nói tiếng Kinh, chị Lan giải thích rằng “Bày tiếng Kinh bọn trẻ đi học sẽ tiếp thu kiến thức nhanh hơn”. À ra vậy! Trẻ em vùng cao huyện Quỳ Hợp ngày nay đã được giáo dục khá căn bản, không còn nhiều khoảng cách so với những bạn đồng trang lứa ở miền xuôi. Đi qua Trường Mầm non xã Bắc Sơn, nhìn chẳng khác nào các trường ở miền xuôi. Yêu cầu về chất lượng học tập cũng cao hơn. Để trẻ sớm tiếp xúc với tiếng phổ thông xem ra cũng là một yêu cầu cần thiết để trẻ có thể theo kịp những yêu cầu khắt khe của việc học ngày nay.

Chị Lan giải thích thêm: Cho trẻ sớm tiếp xúc với tiếng Kinh, không chỉ là vì việc học. Bây giờ, các mối quan hệ xã hội không còn khép kín trong làng bản như ngày xưa nữa mà đã tiếp xúc rộng rãi với người miền xuôi, vì thế một đứa trẻ thạo tiếng Kinh, không nói “lơ lớ” như các cụ, cũng là một lợi thế khiến trẻ năng động, tự tin hơn trong công việc sau này.

Tìm hiểu thêm thì được biết, không phải chỉ có gia đình anh Thành, chị Lan dạy con học tiếng Kinh ngay từ thuở lọt lòng, mà nó đã thành phong trào khá rộng khắp của những bậc phụ huynh trẻ ở nhiều địa bàn vùng cao. Nhiều nơi, trẻ được tiếp xúc với tiếng phổ thông trước khi học tiếng mẹ đẻ. Phong trào này, xuất hiện từ giới trẻ nhưng cũng được những bậc trung niên, cao niên ủng hộ. Vào một buổi sớm mai, chúng tôi ghé thăm xóm Mường Ham (xã Châu Cường - Quỳ Hợp). Làng bản nơi đây gần như vắng bóng nhà sàn, thế nhưng tiếng nói và văn hóa Thái vẫn hiển hiện trong cuộc sống của bà con.

Trong khi đang chuyện trò cùng một cây viết của xứ Mường Ham, một phụ nữ dắt cháu đến chơi. Cuộc cuộc tiếp xúc giữa chúng tôi và người phụ nữ nọ diễn ra theo kiểu cách của người Thái. Trước khi bắt đầu câu chuyện bao giờ cũng hỏi han sức khỏe của nhau và gia đình, mặc dù trước kia chưa hề gặp gỡ. Thấy cháu bé còn chưa chào mọi người, người phụ nữ nhắc nhở ngay bằng tiếng phổ thông. Thế là cháu bé khoanh tay chào theo đúng cung cách của một bé mầm non ở miền xuôi. Lúc này, tôi mới hỏi bằng tiếng Thái: “Cháu có biết tiếng Thái không?”. Cháu bé im lặng lắc đầu tỏ ra không hiểu tôi đang nói gì. Bà nội của bé thì giải thích rằng cháu còn chưa được học tiếng Thái. Vậy là cô bé mầm non này đã được phụ huynh của mình cho học “ngược”, tiếng phổ thông trước, tiếng mẹ đẻ sau?!

Theo quan sát của người viết, thì phong trào dạy con nói tiếng Kinh từ thuở lọt lòng đã trở nên rất phổ biến trong những gia đình người Thái ở Con Cuông, các bản lân cận Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương), hay một số gia đình công nhân, viên chức người Mông ở Huồi Tụ (Kỳ Sơn)... Đối với người vùng cao, bữa cơm gia đình vào mỗi buổi sáng, hay chiều tối là lúc sum họp của cả nhà. Đối với bữa cơm nhiều nhà có trẻ nhỏ đang học nói ở vùng cao hiện nay, cuộc chuyện thường diễn ra bằng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông. Các bậc cha mẹ trẻ khi trò chuyện với con nhỏ thường chỉ hoàn toàn nói tiếng Kinh...

Vì sự “hợp thời”

Từ khá lâu rồi, người Thái, Khơ mú ở miền Tây Nghệ An dùng tên Kinh để đặt cho con cái. Vì vậy khi đến những bản làng vùng cao dễ bắt gặp phụ nữ Thái có tên Lan, Hồng, cúc Huệ... hay cánh đàn ông với những cái tên Hùng Mạnh, Kiên, Cường... hệt như người miền xuôi!

Gần đây, người viết bài này có dự lễ đặt tên của một cháu họ. Nghi thức làm lễ đặt tên theo phong tục người Thái vẫn được tuân thủ. Tuy nhiên, tên gọi của cháu bé thì hoàn toàn xa lạ với văn hóa Thái. Việc chọn lựa những tên gọi này hầu như đều do các bậc cha mẹ trẻ, hoặc những thành viên trẻ trong họ tộc chon lựa. Thậm chí, những tên gọi mang yếu tố Hàn Quốc cũng xuất hiện trong tên gọi của khá nhiều học sinh tiểu học, THCS ở Yên Na (Tương Dương).

Lý giải về điều này, nhiều bậc phụ huynh trẻ cho rằng, việc sớm dạy tiếng phổ thông cho trẻ hay đặt tên theo xu hướng của người miền xuôi ngày nay giúp trẻ dễ dàng hơn trong các mối quan hệ xã hội sau này. Tên gọi của những cháu bé vùng cao hiện nay thường có hai âm tiết Hán - Việt, hoặc tên của các diễn viên hay nhân vật điện ảnh Hàn Quốc!

Tuy vậy, cũng có người vốn tâm huyết với tiếng Thái, lo ngại việc cho trẻ sớm học tiếng phổ thông sẽ khiến vốn từ tiếng mẹ đẻ của những thế hệ sau sẽ trở nên nghèo nàn hơn. Còn những phụ huynh được hỏi thì cho rằng trẻ không thể quên tiếng mẹ đẻ dù dạy tiếng Kinh cho chúng ngay từ khi mới lọt lòng. Những đứa trẻ vẫn sống trong cộng đồng làng bản, mà việc giao tiếp chủ yếu hàng ngày vẫn là tiếng mẹ đẻ, sau này chúng sẽ tự học trong quá trình sinh sống. Có một thực tế là vốn từ tiếng mẹ đẻ của những trẻ được dãy tiếng Kinh từ khi mới lọt lòng có vẻ đang bị nghèo nàn dần. Trong những cuộc nói chuyện với học sinh vùng cao ở Con Cuông, nhiều em nhỏ đã không còn biết tên gọi của con voi rừng bằng tiếng mẹ đẻ, một số khác thì không biết cách gọi một số màu sắc như vàng, đỏ, xanh, tím...

Chúng ta không thể phủ nhận việc sớm dạy tiếng phổ thông đã giúp trẻ em vùng cao trở nên năng động hơn. Tuy nhiên, đối với những người tâm huyết với tiếng nói của người thiểu số thì đó là một điều đáng ngại. Xem ra, sự “hợp thời” đang là yêu cầu thực tế đối với trẻ vùng cao. Học sinh miền xuôi đang cố gắng hướng đến những trường quốc tế mà ở đó chỉ dùng ngoại ngữ để trẻ trở nên năng động hơn thì việc những bậc phụ huynh vùng cao cho con cái học tiếng phổ thông sớm cũng là điều dễ hiểu.

Hữu Vi

Mới nhất
x
Giới trẻ vùng cao trong cuộc sống hôm nay: "Kinh hóa" ngôn ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO