Giới trẻ vùng cao trong cuộc sống hôm nay: Lên mạng tìm vợ
(Baonghean) - Những thế hệ trước, con trai vùng cao đến tuổi trưởng thành phải khá vất vả trong việc từ bản nọ đến mường kia để tìm người con gái hợp ý. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và mạng internet, những bạn trẻ vùng cao cũng đã biết dùng mạng xã hội để giao lưu bạn bè và đi tìm “ý trung nhân”...
(Baonghean) - Những thế hệ trước, con trai vùng cao đến tuổi trưởng thành phải khá vất vả trong việc từ bản nọ đến mường kia để tìm người con gái hợp ý. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và mạng internet, những bạn trẻ vùng cao cũng đã biết dùng mạng xã hội để giao lưu bạn bè và đi tìm “ý trung nhân”...
Theo tục lệ của người vùng cao, trong lời mào đầu cho câu chuyện của họ nhà trai, được ông mối thể hiện khi đi hỏi vợ cho con cháu trong họ, thường có nói về nỗi gian nan của chàng trai trong khi đi tìm hiểu. Để đến được với cô gái và nên vợ, nên chồng chàng trai phải men theo dòng nước, qua những vùng ruộng nước rồi vào khắp các bản. Và rằng, khi tìm thấy người vừa ý rồi mới về thưa lại với cha mẹ cho phép đi hỏi về làm vợ. Đây là cách ví von có phần cường điệu, nhưng hàm chứa một thực tế, vì ngày trước giao thông cách trở, việc đi tìm hiểu của con trai miền núi quả thật gian nan. Họ phải trèo đèo, lội suối thực sự...
Một cặp vợ chồng người Thái quen nhau qua mạng xã hội. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong một ngày cuối tháng 9/2014, chúng tôi đến thôn Trung Yên (Yên Khê - Con Cuông). Ở đây, có một xóm người Nùng di cư từ tỉnh Cao Bằng đã trên 20 năm nay. Vừa may, trong bản có một đám cưới tổ chức đơn sơ nhưng ấm cúng. Chú rể là Lô Văn Oanh, ở bản Tổng Xan (Thạch Ngạn - Con Cuông); còn cô dâu tên là Đặng Thị Nhạy, thích lên mạng kết bạn. Oanh kể quá trình quen nhau của hai người: Cách đây hơn 1 năm rồi, lên mạng facebook, vào trang cá nhân của một cô gái thì thấy có cảm tình, vì cô nàng đưa lên những hình ảnh đẹp về gia đình và bạn bè, thái độ sống có vẻ nghiêm túc. Thế là Oanh liền kết bạn. Sau những câu chuyện trên mạng, biết được chỗ ở của Nhạy, Oanh biết nhà hai người cách nhau khoảng 25 km. Khoảng cách như vậy cũng không phải là xa, chưa đầy 1 giờ đồng hồ ngồi xe máy. Vào những buổi tối, Oanh cùng chúng bạn đến bản của cô gái mới quen để tìm hiểu. Những cuộc điện thoại và mạng xã hội vẫn là phương tiện liên lạc chính của đôi trẻ này. Sau một thời gian, Oanh và Nhạy đã tiến tới hôn nhân. Đám cưới tổ chức theo phong tục truyền thống của người bản địa. Cô gái về nhà chồng mặc váy Thái, không mặc trang phục Nùng. Ông Nông Văn Sáng, một thành viên của cộng đồng Nùng ở thôn Trung Yên cho biết: Bạn trẻ ngày nay, nhất là khi chuyển về quê mới, chủ yếu vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ, nhưng đã dần bỏ những tập tục truyền thống của cộng đồng mình.
Lên mạng kết bạn đang trở thành “thói quen” mới của giới trẻ vùng cao. Hiện nay, sóng điện thoại di động, sóng 3G đã vươn đến những làng bản xa nhất. Việc sắm một chiếc điện thoại di động cũng không còn khó khăn như trước. Trong các làng bản, hầu hết những thanh niên bản từ độ tuổi học sinh THCS trở lên đều có một vài tài khoản mạng xã hội facebook. Ban đầu, những người chơi mạng xã hội chỉ là sinh viên, học sinh có điều kiện ra thành phố học tập. Nhưng rồi, những bạn trẻ chỉ suốt ngày trên rừng, trên nương cũng đã tham gia phong trào mạng xã hội gọi là để mở mang hiểu biết, giao lưu tìm kiếm bạn bè. Từ đó, không chỉ có cặp đôi của Oanh và Nhạy nên vợ, nên chồng. Cách đây ít lâu, trong một lần bị tai nạn xe máy, một chuỗi ngày dài dằng dặc chờ hồi phục, Vi Văn Đạt trú bản Nam Đình (Chi Khê - Con Cuông) lên mạng xã hội và quen được Lô Thị Ngân, cách nhà gần 20 km. Là người sống thực tế, ban đầu Đạt coi những mối quan hệ qua mạng chỉ để cho khuây khỏa. Thế nhưng qua những lời đông viên chân tình của cô bạn mới quen, anh thấy có cảm tình. Sau thời gian hẹn hò qua mạng được nửa năm, hai người đã tổ chức đám cưới. Đạt cho biết, hai người chủ yếu “gặp nhau” qua mạng, nếu tính từ khi quen đến ngày cưới nhau chỉ giáp mặt nhau dăm bảy lần.
Trong một chuyến xe khách đường dài, người viết bài này gặp một chàng trai Mông tên là Vừ Bá Lềnh, ở bản Trường Sơn (Nậm Cắn – Kỳ Sơn). Cuộc chuyện cho thấy, Lềnh là một người sống khá hiện đại vì so với những bạn bè cùng trang lứa thì Lềnh là một người muộn chuyện vợ con. Trước khi cưới vợ, anh đã có một thời gian 3 năm làm việc tại Đài Loan. Qua mạng xã hội, anh quen một cô gái người Thái ở gần bản và cảm thấy tâm đầu ý hợp. Hết hạn lao động trở về, Lềnh liền xin cha mẹ cho đi hỏi vợ, khiến ai nấy đều ngỡ ngàng. Người già trong họ không hiểu được tại sao Lềnh đang làm việc ở nước ngoài vẫn đi kiếm vợ gần bản được. Theo Lềnh, cái mạng xã hội nó đơn gian chỉ như một cái sân ném pao để cho mọi người giao lưu tìm hiểu.
Giới trẻ vùng cao ngày nay không chỉ biết sử dụng mạng internet để kết nối bạn bè và tìm kiếm bạn đời. Trong cách tổ chức đám cưới, họ cũng đã có những thay đổi so với trước kia. Đám cưới truyền thống của người vùng cao không thể thiếu những cuộc vui. Nét đặc trưng trong đám cưới của người Thái, dù ở đâu, cũng không thể thiếu tiếng chiêng, trống và những điệu múa, hội rượu cần. Tuy vậy, trong hầu hết những đám cưới của các bạn trẻ vùng cao ngày nay, đều đã thiếu vắng những nội dung vừa nêu. Đám cưới của cặp đôi Oanh và Nhạy, chúng tôi có dịp tham dự cô gái chỉ mặc váy Thái gọi là lấy lệ khi cùng chồng đi ra mắt hai họ, và khi chuẩn bị về nhà chồng. Đám rước dâu phải đi khá xa, cô dâu được rước bằng xe máy. Ngoài những thời khắc quan trọng, cô dâu chủ yếu mặc quần bò. Đó cũng là sở thích của không ít các cô gái trẻ vùng cao ngày nay. Để gây hoạt náo, thay cho tiếng cồng, chiêng, hiện nay giới trẻ vùng cao thích mở nhạc sàn. Và khi đã “có chén”, thanh niên nam nữ cùng nhau nhảy múa, mỗi người một kiểu riêng. Miễn sao là vui vẻ hết mình trong ngày cưới, được coi là trọng đại đối với cuộc đời mỗi người...
Tuy nhiên, có một điều đáng ghi nhận ở những đám cưới vùng cao gần đây, đó là thủ tục cưới đã được làm đơn giản hơn. Chẳng còn mấy nơi tổ chức những đám cưới dài ngày, gây tốn kém như trước nữa. Ông Đặng Văn Bình, thuộc cộng đồng người Nùng, thôn Trung Yên (Yên Khê - Con Cuông) nhớ lại: Hồi còn ở quê cũ (Hà Quảng - Cao Bằng), mỗi đám cưới, nhà trai phải mang đến nhà gái 20 triệu đồng tiền mặt, 80 kg gạo nếp, 80 kg gạo tẻ, 4 vò rượu. Còn nàng dâu mới phải sắm đủ nồi niêu, vật dụng bếp núc, giường, chiếu… khi về nhà chồng. “Thành ra, có người dù con đã lớn vẫn chưa hết nợ. Bọn trẻ bây giờ tiến bộ hơn, vì theo xu thế mới...”, Ông Bình chia sẻ!
Bài, ảnh: Hữu Vi