Giữ gìn vốn cổ ở bản Choọng
“Bản Choọng/ nơi ấy có mẹ tôi/Có cây đa trầm tư/có bến nậm Choọng êm đềm/Có cây gạo cao ngất trời/Có mùa hè trai gái dập dìu/ Có Lễ hội đền Mường Choọng trên Pu Đên…”. Mấy câu ca đó như phảng phất đâu đây khi tôi đặt chân đến bản Choọng, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) - một bản được huyện chọn làm điểm “bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái”.
(Baonghean) - “Bản Choọng/ nơi ấy có mẹ tôi/Có cây đa trầm tư/có bến nậm Choọng êm đềm/Có cây gạo cao ngất trời/Có mùa hè trai gái dập dìu/ Có Lễ hội đền Mường Choọng trên Pu Đên…”. Mấy câu ca đó như phảng phất đâu đây khi tôi đặt chân đến bản Choọng, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) - một bản được huyện chọn làm điểm “bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái”.
Theo các già bản thì Mường Choọng là 1 trong 5 mường của người Thái sinh sống trên đất Quỳ Hợp, gồm các xã Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn ngày nay. Theo anh Cao Duy Thái, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Châu Lý, đồng thời là chủ của trang web “Mường Choọng một cõi đi về” thì bản Choọng là bản gốc của mường này. Bởi khu vực này có địa danh đều mang tên mường như Nậm Choọng, Đền Choọng. Nằm trên một vùng đất thoai thoải, cách trung tâm xã Châu Lý chừng dăm bảy cây số, bản Choọng đang là bản thuần Thái, vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái vùng miền Tây xứ Nghệ.
Một ngôi nhà sàn lâu năm ở bản Choọng.
Có một điều khá thú vị, trưởng bản cổ này lại là một chàng trai vừa bước sang tuổi 30. Anh có bằng cao đẳng hẳn hoi và có cái tên cũng thật thơm thảo: Lô Văn Hiếu. Anh cho biết, bản Choọng có 112 hộ, gần 550 nhân khẩu, trong đó có nhiều gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống. Tuy làm nghề nông như xưa, nhưng cùng với xã hội, đời sống của dân bản nhiều năm gần đây ngày càng được cải thiện. Hầu hết các nhà trong bản đều có xe máy, ti vi, tất cả các cháu trong độ tuổi đều được đến trường. Bản được công nhận là “Làng Văn hóa” cấp huyện cách đây gần 10 năm.
Thấy chúng tôi bước vào ngõ, chị Vi Thị Cường đang ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm dưới sàn nhà cùng mẹ chồng đon đả đón khách. Chị tươi cười “Không phải dệt thổ cẩm cho con gái sắp cưới chồng mô. Nó đang học lớp 12 mà. Là dệt cho vui, khi cần thì sử dụng thôi”. Theo bà Biết - mẹ chồng chị, thì phần lớn phụ nữ, con gái ở bản này đều biết dệt thổ cẩm. Đó không chỉ là nghề mà còn là nét duyên của chị em bản Choọng. Thời xưa thì nhà nào cũng dệt để có vải mặc còn bây giờ vải vóc công nghệp, quần áo may sẵn nhiều, lại giá rẻ nên chỉ dệt mặc vào lễ, tết, hội hè.
Truyền nghề dệt thổ cẩm.
Thấy khách đưa mắt nhìn nhà sàn được quét véc-ni sáng sủa. Bà Biết bảo, nhà cũ thôi, vợ chồng nó chỉ phụ thêm ít gỗ và quét thêm sơn nên mới thế. Toàn bộ rường cột đều là nhà bà mua lại từ hơn 30 năm trước. Cách đây chưa lâu, con trai có ý định bán nhà sàn xây nhà trệt như dưới xuôi nhưng bà không nghe. Nhà nước có chủ trương, bản Choọng phải bảo tồn bản sắc văn hóa của người Thái. Hơn thế, ngôi nhà này gắn bó với mấy mẹ con bà lắm.
Cùng chung cái “bụng” như bà Biết, những người có tuổi trong bản như ông Lô Văn Dương, cụ Vi Thị Phành, cụ Lô Thị Ngân và các già bản khác đều coi nhà sàn là cái “hồn”, cái “tâm” của người Thái. Dù làm bằng vật liệu gì, có thể là gỗ quý như táu, lim, sến, vàng tâm hoặc cũng có thể bằng tre, nứa, mét. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế từng nhà nhưng đều có đặc điểm chung là trên sàn là nơi người ở để tránh chướng khí, tránh thú dữ, tránh ẩm ướt. Tầng dưới xưa thì nuôi trâu, bò, lợn, gà thì nay để lương thực, vật dụng trong đó có chiếc khung cửi dệt thổ cẩm.
Từ xưa đến nay, nếp nhà sàn vẫn chứng kiến các nghi lễ trọng trong mỗi nhà như lễ cầu thọ cho người già, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ làm vía… cùng các tục lệ như búi tóc ngược cho con gái ngày cưới, hợp vía cho cô dâu... Bếp lửa người Thái ở bản Choọng thường xuyên đỏ lửa, là nơi quần tụ của cả nhà trong những ngày giá buốt. Là nơi để các bà, các chị chế biến các món ăn đặc trưng của người Thái như cơm lam, canh ột, canh môn, mọc, bánh sừng trâu.
Vài ba năm lại đây, để bảo tồn dân nhạc, dân vũ của người Thái, bản Choọng đã lập một đội văn nghệ gồm những người cao tuổi, những người nặng lòng với điệu xuối, câu lăm. Họ có trách nhiệm truyền cho con cháu hát múa; dạy cho lớp trẻ cách đánh chiêng, cồng, các trò chơi dân gian trong các dịp lễ, hội. Nhờ đó đến nay, các làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc Thái ở bản vẫn được lưu giữ.
Bà Nguyễn Thị Loan - Phó Chủ tịch xã Châu Lý, cho biết: “Việc bảo tồn, phát huy bản sắc của dân tộc Thái ở bản Choọng dù bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được ý thức bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc cho chính bà con dân bản. Đồng thời, các cấp, ngành hữu quan cần có sự vào cuộc tích cực, hỗ trợ cả về chuyên môn lẫn vật chất…”.
Thạch Vĩnh