Giữ hồn miền sênh phách…
Cách nay khá lâu, ngày kép lão – nghệ nhân Trần Hải còn sống với điêu luyện ngón đờn, chúng tôi đã có dịp về đây để được đắm mình trong một chiều sênh phách gió mưa của một vùng đất chứa đựng hồn cổ ca trù: xã Diễn Liên cùng với những Diễn Hoa, Diễn Yên (Diễn Châu)…
(Baonghean.vn) - Cách nay khá lâu, ngày kép lão – nghệ nhân Trần Hải còn sống với điêu luyện ngón đờn, chúng tôi đã có dịp về đây để được đắm mình trong một chiều sênh phách gió mưa của một vùng đất chứa đựng hồn cổ ca trù: xã Diễn Liên cùng với những Diễn Hoa, Diễn Yên (Diễn Châu)…
Bây giờ, trở lại Phủ Diễn đã không được ngưỡng mộ một tay đờn phảng phất cái tài tử đất Phủ Diễn xưa nữa. Nhưng vẫn còn đây những sóng sánh đam mê lời ca, nhịp phách của các kép đờn, đào nương thế hệ mới. Nếu không có cái huyền thiêng đắm đuối của trăm năm ca trù vận vào thân phận đời người thì phỏng ca trù Phủ Diễn có còn mưa gió sênh phách cho tới tận nay như thế?
Diễn Châu là mảnh đất ngàn năm văn vật, là một trong những cái nôi văn hoá giàu bản sắc của xứ Nghệ nói riêng và miền Trung nói chung. Là địa phương có nhiều danh thắng, di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng như Đền Cuông, Sông Bùng, Hai Vai, Cửa Hiền, cửa Bích.... Diễn Châu cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá, người Diễn Châu không những hát dân ca, ví dặm, hát tuồng, chèo, quan họ, cải lương rất hay mà hát ca trù cũng không thua kém so với người Kinh Bắc.
Về Diễn Châu, không thể không tìm đến Đình Cháy được xây dựng từ năm 1836, nay thuộc xã Diễn Yên. Đây là nơi ngày xưa có phường nhà tơ Đại Hàng - Kẻ Lứ với gia phả 7 đời quản giáp ca công trong phủ chúa, có di tích đình Cháy chính là nơi xưa kia được lấy làm địa điểm hát ca trù của giáo phường - nay là Đình Cháy đang cần được phục chế, bảo tồn bởi đã xuống cấp và thiếu sự bảo quản.
Quê kiểng là đây, đất cổ là đây: Làng Ngoại, thuộc xã Diễn Yên còn lưu bàn thờ họ Trần, là nơi lưu giữ các sắc phong của giáo phường nhà tơ Đại Hàng - Kẻ Lữ. Là nơi một thời rực rỡ về ca cầm từ thời Lê Trung Hưng đến thời nhà Nguyễn. Ấy là thuở đất Hoan Châu từng có giáo phường nhà tơ của dòng họ Trần với 12 đạo sắc phong cho những quản giáp xuất sắc hiện vẫn còn được lưu giữ nguyên bản gốc chữ Nôm tại bàn thờ tổ sư của giáo phường ở nhà anh Trần Giang. Ngay trong bản phả của giáo phường nhà tơ Kẻ Lứ cũng có ghi lại: Trong 3 thế hệ họ Trần thuộc tộc phường Kẻ Lứ có 11 bà vợ là ca nương; trong 15 người con gái, 8 người con trai thì 16 trong số họ là ca nương, 13 quản giáp xuất sắc... trong đó nổi danh nhất là bà Trần Thị Khoan, một ca nương tài sắc được chúa Trịnh lấy làm vợ.
Kế thừa truyền thống giáo phường nhà tơ Đại Hàng - Kẻ Lứ. Tại xã Diễn Yên ngày nay có 2 gia đình mà cả nhà tham gia ca trù là gia đình ông Nguyễn Tài Khoản và bà Chu Thị Phùng, gia đình ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Mai Hạnh. Họ là những cặp kép đờn, ca nương được nhiều người biết đến. Ca nương Nguyễn Mai Hạnh là người đoạt giải nhất trong liên hoan ca trù toàn quốc 2011.
Một buổi sinh hoạt của CLB ca trù xã Diễn Yên
Nói về công lao xây dựng nên CLB Ca trù Diễn Châu hôm nay, phải kể đến cố nhà văn, nhà giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên. Ngày bắt đầu thực hiện ý tưởng thành lập nên Hội Ca trù ở mảnh đất Phủ Diễn này. Khi thầy đã hơn 80 tuổi, thầy đạp xe tìm đến tận nhà của những nghệ nhân ca trù hiếm hoi vẫn còn sống, để nghe lại ca trù, để thuyết phục họ một lần quay lại cầm ca. Thầy là người tìm ra di chỉ của giáo phường ca trù Kẻ Lữ, rồi lập kế hoạch bảo tồn ca trù, năm 2002 sáng lập ra CLB ca trù Diễn Châu mà nòng cốt là các nghệ nhân trẻ do thầy phát hiện, đào tạo. Thực là ca trù Phủ Diễn đã trao trọn sứ mệnh nơi thầy!
Nghệ nhân dân gian Trần Hải qua đời năm 2012, thọ 104 tuổi. Cuộc đời cụ đã như hơi thở một tuyệt phẩm ca trù mặn nỗi nhân gian yêu cầm ca tài tử. Cạnh bàn thờ cụ vẫn còn nguyên cây đàn đáy hơn 130 năm tuổi cùng những dụng cụ mà cụ dùng để đờn, hát, truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Điều thú vị là, nhà cụ Hải đã được lấy làm nơi sinh hoạt CLB ca trù của xã Diễn Liên. Đây là CLB ca trù đầu tiên ở huyện Diễn Châu và là CLB nòng cốt cho CLB ca trù của huyện. Tại đây có một gia đình bố là kép đờn Nguyễn Công Suý, con là ca nương Nguyễn Thị Mai.
Chị Mai được coi là một trong những hạt nhân đầu tiên cho CLB ca trù huyện nhà, chị đã tham gia rất nhiều liên hoan ca trù khu vực cũng như toàn quốc và nhận được nhiều giải thưởng, giấy khen, bằng khen- trong đó có 1 giải nhì toàn quốc. Và chị là người có công trong việc truyền dạy ca trù cho lớp ca nương trẻ, như việc đào tạo một hạt nhân trẻ từ khi cô bé mới lên 7 tuổi cho đến nay.
Phong trào đàn hát ca trù ở Diễn Châu ngày càng được nhân rộng và phát triển vững vàng. Khi mới thành lập CLB có 30 hội viên gồm những người biết hát ca trù và những người “tán trợ”. Nhờ có những người tâm huyết với ca trù trong ban chủ nhiệm qua các thời kỳ, nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo huyện mà trực tiếp là trung tâm Văn hoá thông tin- thể thao huyện, CLB đã hoạt động có hiệu quả và ngày càng phát triển. Ngoài việc biểu diễn phục vụ lễ hộ trong tỉnh, huyện CLB cũng đã đại diện cho tỉnh NA dự các kỳ liên hoan ca trù cấp khu vực và toàn quốc. Bắt đầu tham dự liên hoan vào năm 2005 cho đến nay, đã đạt được 1 giải đặc biệt, một giải nhất, hai giải bạc và nhiều giải thưởng khác ở cấp quốc gia.
Những ca nương nổi bật như Cao Bích Lâm; Nguyễn Thị Mai; Nguyễn Mai Hạnh và một số kép đờn như Nguyễn Công Suý, Nguyễn Văn Thành; Nguyễn Đình Phúc... luôn tìm tòi, sáng tạo, cống hiến khả năng của mình để đem lại cho ca trù Diễn Châu những thành công nhất định. Rồi ca trù Diễn Châu sẽ còn được biết đến nhiều hơn nhờ những tấm lòng, những con người tâm huyết, đam mê với thể loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Tạm biệt Phủ Diễn - miền sênh phách gió mưa khi đưa một loại cầm ca trong cung đình về miền dân dã lại hóa đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc nỗi niềm về đời người, phận người trong một mạch nguồn mỹ cảm hiện thực lớn lao và bền bỉ. Ấy mà sao, lưu luyến lời ca nương: “Hãy ngồi lại gẩy chơi khúc nữa/Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca…” (Tỳ bà hành – Ca trù lời cổ).
Đ.S-T.V