Giữ lửa trong mái ấm gia đình

07/03/2014 15:11

(Baonghean) - Theo thời gian, những chuẩn mực của người phụ nữ có thay đổi thế nào chăng nữa, thì họ vẫn là người “thắp lửa” và “giữ lửa” cho mái ấm mỗi gia đình; có vai trò quan trọng trong giữ gìn hạnh phúc, là hậu phương vững chắc cho chính người chồng và những đứa con.

Người ta thường ví vai trò của phụ nữ trong gia đình như "người giữ lửa trong nhà", vì thế, khi họ rời bỏ công việc gia đình, chăm sóc con cái, là họ đã tự mình đánh mất vai trò ấy. Nhiều người chồng sau giờ làm việc không muốn trở về nhà ngay cũng một phần chỉ vì người vợ không còn là một người vợ, người mẹ đúng nghĩa nữa. Thực tế cho thấy, người phụ nữ dù phấn đấu có chức vụ cao đến mấy, thì vẫn không thể xem là thành đạt nếu gia đình họ không hạnh phúc, êm ấm, không có bữa cơm ngon, con cái không được chăm sóc tốt... Khi đàn ông thường được coi là trụ cột gia đình, thì phụ nữ là sợi dây bền chặt, mềm dẻo để giữ cho gia đình mãi là một tổ ấm..

Cả nhà vào bếp.
Cả nhà vào bếp.

Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Soa và anh Hoàng Văn Hồng ở xóm 5, xã Nam Lĩnh, Nam Đàn, trong ngôi nhà khang trang, được làm từ sự nỗ lực chắt bóp của cả hai vợ chồng; chị Soa vui vẻ chia sẻ: 21 tuổi chị đã là mẹ. Ở với ông bà nội được 3 năm, được sự giúp đỡ của ông bà ngoại, anh chị mua miếng đất nhỏ sát cánh đồng và quyết định cất nhà ra ở riêng. Cuộc sống khó khăn của anh chị bắt đầu từ đây. Vốn liếng của hai vợ chồng là một sào đất màu và một sào đất lúa, nếu không có ngành nghề gì khác, chỉ nhìn vào từng ấy thì không bao giờ đủ ăn. Hai vợ chồng bàn bạc: ngoài trồng lúa, còn phải trồng thêm rau muống, nuôi thêm con gà, con vịt... Anh thì thêm nghề hàng xáo, xay lúa chở xuống Vinh bán kiếm lời. Còn chị, ở nhà vừa chăm con, vừa gánh rau muống ra chợ Vạc bán quá trưa mới về, rồi tất tả lo cơm nước chu đáo cho anh. Chị nghĩ: chồng mình suốt ngày vất vả ngược xuôi, mình ở nhà không làm được gì cũng phải cố gắng cho nhà cửa sạch sẽ, chồng về có cơm canh nóng, ấm chè xanh thơm ngon... Với anh Hồng, cuộc sống chỉ cần vợ chồng thương yêu nhau, cùng chung một quan điểm, một chí hướng. Là phụ nữ nông thôn, lúc các con còn nhỏ, do cuộc sống vất vả, lam lũ nên không bao giờ chị nghĩ đến chuyện tham gia các phong trào VH – TT ở xóm, làng. Nay cuộc sống đã thay đổi, khi con cái lớn khôn, chị Soa thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt phụ nữ, câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu… Từ những buổi sinh hoạt đó chị đã có thêm kiến thức trong nuôi dạy con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chính vì thế mà dù sinh con một bề là gái, nhưng các con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. Như Quỳnh – con gái của chị Soa cho biết: “Trong nhà mẹ là người đặc biệt nhất, luôn động viên, khuyến khích chúng em cố gắng học tập, nấu cho cả nhà những món ăn ngon, bày dạy cho chúng em những điều nên làm. Mẹ bảo: có khổ mấy cũng phải học, nhất là con gái lại càng phải học hơn, học để sau này lớn lên còn đi đây đi đó, đừng như bố mẹ…”.

Còn với bà Lê Thị Ninh (64 tuổi) ở Nghi Liên (TP Vinh) thì niềm vui lớn nhất của bà vẫn là được hàng ngày nấu cho chồng, cho con những món ăn hợp khẩu vị, bày dạy cho cháu nội những điều hay lẽ phải, lúc rảnh rỗi lại chăm sóc vườn cây, ao cá. Điều đáng mừng là hiện nay trong gia đình bà cả ba thế hệ cùng chung sống, đặc biệt ba cô con dâu của bà Ninh tuy ở cùng một nhà nhưng rất hòa thuận và biết lo lắng cho cuộc sống gia đình. Ông Lê Ngọc Nam - chồng bà Ninh cho hay, nếu không có sự tần tảo, hy sinh vì chồng con của bà thì cả 3 cậu con trai của ông cũng không thể thành đạt như ngày hôm nay. Bởi suốt quãng thời gian tuổi trẻ, ông Nam hết đi bộ đội, rồi chuyển công tác làm trong ngành Y, xa gia đình nên mọi việc ở nhà một tay bà Ninh lo liệu. Đến nay, khi các con khôn lớn, trưởng thành thì chính bà Ninh cũng là người làm cầu nối tình yêu thương, sự đồng cảm giữa các cô con dâu.

Nhận thức vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc”, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh luôn đẩy mạnh việc nâng cao trách nhiệm của hội viên, phụ nữ trong thực hiện cuộc vận động gia đình hạnh phúc “5 không, 3 sạch” (trong đó có các nội dung như không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học). Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, đạo đức cho phụ nữ. Bên cạnh đó, các cấp hội rất chú trọng đến việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, nắm rõ Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình… Ngoài ra, Hội còn xây dựng các mô hình câu lạc bộ như: “Gia đình phát triển bền vững”, “Gia đình hạnh phúc”, “Mẹ và con gái”... Có thể nói, các cấp hội đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chị em xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội.

Tuy nhiên, để gia đình thực sự trở thành tổ ấm vững bền thì không chỉ người phụ nữ, mà mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là người cha, người chồng trong gia đình cần phải biết tôn trọng, thương yêu, quan tâm chia sẻ và cùng nỗ lực dựng xây, vun đắp tình yêu thương.

Thanh Thủy

Mới nhất
x
Giữ lửa trong mái ấm gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO