Giữ nghề truyền thống

15/09/2014 15:31

(Baonghean) - Để lưu giữ và phát triển làng nghề sản xuất nước mắm của quê hương, mong muốn được đóng góp sức lực và trí tuệ của mình đối với làng nghề, thời gian qua, Đoàn Thanh niên khối Phú Lợi 1, phường Quỳnh Dỵ, Thị xã Hoàng Mai đã có nhiều sáng kiến trong phát triển kinh tế. Đặc biệt là thành lập được tổ hợp tác chế biến nước mắm và đi vào hoạt động có hiệu quả…

Mô hình sản xuất nước mắm của anh Nguyễn Văn Tuất.
Mô hình sản xuất nước mắm của anh Nguyễn Văn Tuất.

Anh Trần Văn Tuất - Bí thư Chi đoàn khối Phú Lợi 1 là Tổ phó tổ hợp tác chế biến nước mắm, mắm tôm ngay từ ngày đầu thành lập. Nghề làm nước mắm đòi hỏi vốn xoay vòng lớn, chi phí đầu tư nhiều; do vậy, tham gia vào tổ hợp tác, anh Tuất đã được các thành viên trong tổ hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư vào việc nâng cấp, mở rộng quy mô và mua các loại nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, anh còn được các thành viên trong tổ trao đổi thêm những kinh nghiệm cho ra loại nước mắm thơm ngon, dậy mùi. Mỗi năm anh Tuất thu mua từ 20 – 30 tấn cá cơm và xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh 10 vạn lít nước mắm. Sau khi trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng. Sản phẩm do chính tay anh làm ra đều lưu giữ được hương vị đặc trưng của cha ông bao đời truyền lại. Anh Trần Văn Tuất chia sẻ: “Thành lập tổ hợp tác này nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên về việc làm, góp phần giải quyết lao động dôi dư ở địa phương, tăng mức thu nhập cải thiện đời sống, tạo mối quan hệ đoàn kết giữa các đoàn viên trong chi đoàn cũng như trong Đoàn phường với nhau, giúp nhau phát triển kinh tế có hiệu quả”.

Tổ hợp tác chế biến nước mắm chính thức hoạt động đến nay đã được hơn 3 năm, có 5 thành viên. Với mục đích chính nhằm liên kết hỗ trợ lẫn nhau trong làm ăn, thông tin cho nhau để tìm đầu mối thu mua nguyên liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Mỗi tháng các thành viên trong tổ lại tổ chức sinh hoạt một lần, vừa đánh giá công tác hoạt động; bàn kế hoạch thời gian tới và đúc rút kinh nghiệm làm ăn. Đồng thời, trao đổi kỹ thuật, quy trình chế biến. Đặc biệt, các thành viên trong tổ luôn có quy ước ngầm với nhau, đó là, phải giữ cách chế biến truyền thống của cha ông; sản xuất nước mắm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây dựng thương hiệu nước mắm Phú Lợi. Nhờ có đầu mối thu mua nguồn cá ổn định nên mỗi năm tổ hợp đã thu gom từ 60 – 70 tấn cá, ruốc của ngư dân trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu và Thanh Hóa. Thương hiệu nước mắm của tổ hợp tác sản xuất ra đã cạnh tranh được với các thương hiệu nổi tiếng như Vạn Phần ở huyện Diễn Châu, Chin Su, Nam Ngư và nhận được đơn đặt hàng từ các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình...

Với hiệu quả trong việc liên kết sản xuất, hàng năm tổ hợp tác thu lãi hàng trăm triệu đồng. Những thành quả đã đạt được, tổ hợp tác vinh dự được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Anh Hồ Sỹ Vương - Phó Bí thư Đoàn phường Quỳnh Dỵ, Thị xã Hoàng Mai cho biết: “Sau 3 năm hoạt động, tổ hợp sản xuất nước mắm của đoàn viên thanh niên vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tạo việc làm cho rất nhiều đoàn viên, thanh niên; đồng thời phát huy được truyền thống sản xuất nước mắm của cha ông. Từ đó, tạo dựng thương hiệu làng nghề nước mắm Phú Lợi. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình. Cái khó hiện nay của tổ là nguồn vốn, địa bàn xây dựng xưởng sản xuất nước mắm. Rất mong sự hỗ trợ của cấp trên, gỡ khó cho tổ về 2 vấn đề trên”.

Đây là một mô hình phát triển kinh tế thực sự có hiệu quả của Đoàn Thanh niên phường Quỳnh Dỵ. Qua đó, góp phần giảm bớt tình trạng thanh niên địa phương làm ăn xa quê. Đồng thời, thu hút thêm nguồn nhân lực để làng nghề nước mắm Phú Lợi ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Bài, ảnh: Hồng Diện

(Đài Quỳnh Lưu)

Mới nhất

x
Giữ nghề truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO