Giữ vững vùng xanh, tạo đà phát triển – Bài 3: Khôi phục sản xuất sau đại dịch

Thời điểm dịch Covid – 19 bùng phát mạnh trên địa bàn Nghệ An, nhiều địa phương buộc phải áp dụng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để khoanh vùng dập dịch, do đó, nhiều cơ sở kinh doanh cũng phải tạm dừng hoạt động. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, khi dịch cơ bản được kiểm soát thì hầu hết các dịch vụ đều đã mở cửa trở lại tại nhiều địa phương.

Tại phố biển Cửa Lò, sau khi chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19, nhiều dịch vụ cũng được phép hoạt động trở lại sau khoảng thời gian dài nghỉ dịch. Chị Nguyễn Thu Hoài – Chủ một nhà hàng tại TX Cửa Lò cho biết: “Đến nay tôi đã mở cửa trở lại được 20 ngày rồi, dù lượng khách hàng không thể so được với thời điểm chính mùa du lịch nhưng bà con vẫn thấy vui vì không rơi vào tình cảnh “thất nghiệp” như trước đó. Khi mở cửa trở lại, chúng tôi đều nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn”.

Lường trước được việc lượng khách dịp cuối năm giảm mạnh nên các chủ nhà hàng cũng đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp để thích ứng trong tình hình mới. Theo đó, thay vì nhập lượng lớn hải sản để cho nuôi trong các bể chứa thì nay khi có khách yêu cầu thì chủ hàng sẽ chủ động liên hệ với các mối để cung cấp, tránh tình trạng tồn dư, ế ẩm. Ngoài ra, hầu hết các nhà hàng tại TX Cửa Lò đều cắt giảm số nhân viên hoặc chỉ gọi làm theo giờ khi khách đông để tiết kiệm tối đa chi phí…

Ông Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND TX Cửa Lò cho biết: “Từ thời điểm được phép mở cửa kinh doanh trở lại từ ngày 21/9, các hàng quán, cơ sở lưu trú trên địa bàn đều thực hiện đảm bảo các biện pháp phòng dịch và được lực lượng chức năng của thị xã kiểm tra thường xuyên. Dù cuối tháng 9 đã xuất hiện ổ dịch mới, tuy nhiên chúng tôi chỉ khoanh vùng, cách ly tại phường Nghi Hải và phường Nghi Hòa, tại các phường khác thì việc sản xuất, kinh doanh của người dân vẫn được tiến hành bình thường, không bị gián đoạn. Hiện toàn thị xã có hơn 50% số lượng hộ kinh doanh đã được tiêm vắc xin phòng dịch, tỷ lệ sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Đối với những hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thị xã cũng sẽ họp bàn và có phương án hỗ trợ, động viên…”.

Sau khi cơ bản khống chế được dịch bệnh, huyện Diễn Châu cũng được UBND tỉnh Nghệ An cho phép mở cửa một số dịch vụ thiết yếu từ ngày 18/9. Đến nay, nhiều dịch vụ kinh doanh trên địa bàn huyện cũng đã trở lại hoạt động bình thường, mặc dù vậy, nguy cơ bùng phát dịch trở lại vẫn đang tiềm ẩn do đây là địa phương có nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua với mật độ giao thông lớn mỗi ngày.

Ông Tăng Văn Luyện – Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Hiện nay cơ bản các dịch vụ, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đã được mở cửa trở lại và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì riêng dịch vụ ăn uống không được tập trung quá đông người, danh sách thực khách đến quán phải được ghi chép đầy đủ và chỉ được hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ hàng ngày. Đặc biệt, các hàng quán không được bán tại chỗ đối với những trường hợp xe đường dài, ngoại tỉnh…”.

Trong làn sóng dịch Covid – 19 thứ 2 bắt đầu từ ngày 14/8, TP.Vinh là địa phương có dịch bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp nhất trên địa bàn tỉnh với hơn 500 ca nhiễm. Thành phố đã thực hiện các biện pháp phòng dịch lên mức cao nhất, đỉnh điểm là thực hiện Chỉ thị 16 nâng cao bắt đầu từ 23/8 – 5/9, bắt buộc người dân “ai ở đâu, ở yên đấy”, hầu hết tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ buộc phải đóng cửa, chợ dân sinh tạm dừng hoạt động.

Sau gần 40 ngày căng mình chống dịch, TP. Vinh đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh và trở về thực hiện Chỉ thị 19 từ ngày 24/9. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, giữ vững được thành quả đạt được, TP. Vinh cũng rất thận trọng khi cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ với những yêu cầu nghiêm ngặt.

Theo đó, thành phố vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ gồm các khu vui chơi, giải trí, các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, massage, xông hơi, quán bar, spa, cơ sở làm đẹp, dịch vụ thẩm mỹ, phòng tập gym, yoga, bi-a, dịch vụ trò chơi điện tử, điểm truy cập internet, bể bơi. Riêng đối với dịch vụ ăn uống dù được phép mở bán tại chỗ tuy nhiên phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe như tuyệt đối không được kinh doanh, bán hàng ăn, uống trên vỉa hè và khu vực công cộng, bao gồm cả hồ điều hòa, đường ven sông Lam (quán ăn, quán bia, giải khát…); sử dụng không quá 50% chỗ ngồi và đảm bảo được khoảng cách theo quy định; chủ cơ sở trực tiếp quản lý và nhân viên, người lao động của cơ sở phải tổ chức xét nghiệm test nhanh hoặc PCR 7 ngày/lần, hoạt động không quá 22h mỗi ngày… Ông Hà Thái Sơn – Trưởng phòng Kinh tế TP.Vinh cho biết: “Việc quy định nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các hộ, tuy nhiên trước thực tế nguy cơ tái bùng phát dịch trong cộng đồng vẫn còn hiện hữu, các chủ kinh doanh cần thấu hiểu và cảm thông để cùng chính quyền, cộng đồng chung tay phòng, chống dịch. Khi nào dịch được kiểm soát hoàn toàn, người dân được tiêm vắc xin đạt tỷ lệ theo yêu cầu thì thành phố sẽ nới lỏng hơn các biện pháp phòng dịch để người dân yên tâm kinh doanh, buôn bán lâu dài”.

Qua 2 đợt dịch lớn vừa qua trên địa bàn thành phố Vinh, có thể thấy chợ dân sinh là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch rất cao, các tiểu thương và người mua hàng đổ về từ các vùng miền nên khó khăn cho việc điều tra, truy vết, kiểm soát dịch. Tuy nhiên, việc TP.Vinh đóng cửa các chợ dân sinh trong thời gian qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự cung ứng hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn TP.Vinh. Do đó, trong tình hình mới, chợ dân sinh phải được mở cửa để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân vì đây là kênh mua bán truyền thống không thể thay thế. Song song với đó, việc thực hiện các biện pháp phòng dịch tại chợ phải được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ để ngăn ngừa dịch xâm nhập.

Trước tình hình đó, thành phố Vinh đã chỉ đạo UBND các phường xã, BQL các chợ đồng loạt thực hiện các biện pháp phòng dịch như thiết lập hệ thống vách ngăn chống giọt bắn toàn bộ khu chợ, xét nghiệm định kỳ cho tiểu thương, bố trí lối ra vào có lực lượng túc trực thường xuyên… Đến nay, toàn thành phố đã có 21/26 khu chợ đủ điều kiện hoạt động trở lại, hơn 11.000 tiểu thương đã cơ bản được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, việc cung ứng thực phẩm trên địa bàn thành phố cơ bản đã dần được đảm bảo.

Tại các công ty, xí nghiệp, nhà máy công tác phòng chống dịch trong tình hình mới cũng đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt, trong đó việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người lao động là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo không bị đứt gãy quy trình sản xuất nếu xảy ra sự cố về dịch bệnh trong tương lai. Bà Lê Thị Ngọc Cẩm – PGĐ Công ty Đầu tư phát triển KCN Bắc Vinh cho biết: “Toàn KCN hiện có 37 nhà máy, công ty với tổng số gần 6.700 công nhân. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản 100% số công nhân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt như phụ nữ mang thai sẽ được tiêm riêng. Người lao động đến làm việc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định”.

Qua trao đổi, ông Trần Quang Lâm – Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh cho biết: Toàn thành phố hiện có 6.200 doanh nghiệp với tổng số trên 17.000 lao động. Thực hiện chiến lược chống dịch mới hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn phải thực hiện đầy đủ các phương án phòng chống dịch Covid-19 theo quy định bao gồm: Định kỳ 7 ngày xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% người lao động của cơ sở, doanh nghiệp; Quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoài địa bàn Thành phố làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) để đảm bảo sản xuất. Ngoài ra các doanh nghiệp tiếp tục quản lý chặt chẽ người lao động và tổ chức sản xuất giãn cách, phân công hợp lý lao động theo từng ca để đảm bảo không tập trung quá đông người. Trong trường hợp xuất hiện ca nhiễm Covid-19 thì có phương án sẵn sàng để cách ly kịp thời tuy nhiên phải có biện pháp cụ thể để hạn chế tối đa việc ngừng sản xuất. Đến nay, thành phố hiện đã cơ bản hoàn thành việc tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin cho các công nhân, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp. Về lâu dài, tùy theo số lượng vắc xin được phân bổ sẽ tiếp tục tiêm cho những đối tượng còn lại.

(Còn nữa)