Giúp người lầm lỗi hoàn lương
(Baonghean) - Đã có lúc, cuộc đời họ chìm trong bóng tối. Nhưng nhờ sợ động viên của gia đình và sự cảm thông của xã hội, họ đã vượt qua mặc cảm để làm người lương thiện. Dẫu con đường hoàn lương không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, họ đã trở thành công dân có ích cho xã hội.
Tìm về nẻo thiện
Từng hai lần đi tù vì tội cố ý gây thương tích, đánh bạc và hủy hoại tài sản, cuộc đời của anh Phan Trọng Lương (ở xóm 4, xã Đồng Thành, Yên Thành) những tưởng đã là dấu chấm hết. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, sự quan tâm của chính quyền địa phương… anh đã thay đổi...
Cơ sở chế biến hải sản Hùng Châu ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu). |
Ngày ra trại, chỉ có hai bàn tay trắng, trong khi bạn bè cùng trang lứa giờ đã có nghề nghiệp ổn định, có cuộc sống gia đình êm ấm. Anh Lương “thèm” được làm lại cuộc đời. Thật may mắn khi anh được chính quyền địa phương cho tiếp nhận gần 100 ha rừng dẻ để trồng và bảo vệ. Thời gian đầu do kinh nghiệm chưa có nên gặp không ít khó khăn. Nhưng qua đó, anh mới thấy được giá trị của lao động chân chính. Khắc phục mọi khó khăn, sau 5 năm, rừng dẻ đã cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Anh mạnh dạn làm đơn xin xã cho nhận thầu khoán 800 ha lòng hồ đập Vệ Vừng để nuôi cá và đầu tư vốn mở nhà hàng, cải tạo lại cảnh quan, tạo đà cho hướng phát triển du lịch sinh thái.
Từ việc trồng rừng, khai thác thủy sản và kinh doanh nhà hàng, anh đã có nguồn thu hơn 800 triệu đồng/năm. Hiện cơ sở của anh đang tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập thấp nhất từ 2,2 triệu đồng, đến 10 triệu đồng/người/tháng… “Người lầm lỗi ai cũng có mong muốn được hướng thiện, được trở lại làm công dân bình thường, cái họ cần nhất là sự chia sẻ và giúp đỡ của gia đình và xã hội để có thêm niềm tin vào cuộc sống. Hy vọng, công tác tái hòa nhập cộng đồng tạo được nhiều điều kiện cho những con người lầm lỗi như tôi xóa bỏ mặc cảm, vươn lên làm lại cuộc đời ”- anh Lương bày tỏ.
Ở phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò) ai cũng cảm phục anh Nguyễn Đình Khang (SN 1965) bởi anh đã vượt qua lầm lỗi để hoàn lương, làm giàu chính đáng… Cách đây hơn 15 năm, bước ra khỏi cánh cổng trại giam, anh cảm thấy cô đơn, lạc lõng và mặc cảm với cộng đồng bởi những gì mình gây ra trước đó đã làm ảnh hưởng đến bố mẹ, anh em họ hàng và bạn bè. Được sự động viên của mọi người, nhất là người vợ, anh đã vay vốn để mở quầy bán giày dép tại chợ Hôm.
Sau một thời gian anh ra Hà Nội làm thuê, tìm các mô hình sản xuất để lập nghiệp. Đến năm 2009, anh về quê mở xưởng sản xuất vôi sơn cao cấp Long Vân. Nhờ quyết tâm của bản thân và uy tín trong kinh doanh nên cơ sở của anh Khang sớm chiếm lĩnh được thị trường, ngày một phát triển. Đến nay, mỗi năm cơ sở sản xuất từ 1.000 - 1.200 tấn sản phẩm cung cấp cho gần 100 đại lý lớn, nhỏ trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Quảng Bình; tạo việc làm ổn định cho 15 lao động thường xuyên, 3 - 4 lao động mùa vụ với mức lương ổn định từ 3,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh Nguyễn Đình Khang còn là một trong những người tham gia tích cực các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện ở địa phương. Đặc biệt, anh vinh dự được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng bầu làm Ủy viên BCH Hội Nông dân phường Nghi Thủy kiêm Chi hội trưởng Chi hội nông dân khối. Năm 2012, anh được kết nạp Đảng và được tôn vinh trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuối năm 2014, anh vinh dự là đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù do Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội.
Cầu nối hoàn lương
Nhận thức được vai trò của công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng trong công tác giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương.
Diễn Ngọc (Diễn Châu) là một trong những địa phương làm tốt công tác này. Trước tình hình tệ nạn xã hội đang gia tăng ở địa phương, đặc biệt là số người chấp hành xong án phạt tù trở về không có việc làm, dễ quay lại con đường cũ, từ năm 2009, cấp ủy, chính quyền xã đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng mô hình “Chung tay đánh bắt, chế biến hải sản”. Nòng cốt của mô hình là động viên, khuyến khích những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, mạnh dạn vay vốn làm ăn, sắm tàu thuyền lớn để vừa vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, để làm được điều đó không hề đơn giản. Bởi vì, hầu hết các chủ tàu cũng như các đơn vị, doanh nghiệp luôn có suy nghĩ, tâm lý dè dặt, e ngại khi tiếp nhận những người đã từng chấp hành án phạt tù trở về. Để mô hình đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã đã khuyến khích, động viên các chủ tàu thuyền nhận lao động là người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng vào làm việc, giúp họ có thu nhập ổn định. Qua công tác vận động, toàn xã đã có 4 chủ tàu, 1 cơ sở chế biến hải sản nhận 20 người mãn hạn tù vào làm việc với mức thu nhập trung bình từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, xã Diễn Ngọc còn chỉ đạo Đoàn Thanh niên thành lập “Câu lạc bộ giúp bạn” với 15 thành viên là những người chấp hành xong án phạt tù. Hình thức hoạt động là phối hợp tuyên truyền, vận động, giúp đỡ những người lầm lỗi làm kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội… Bên cạnh đó, xã còn đảm nhận vai trò là tổ chức tín chấp cho 8 người từng lầm lỗi vay vốn ngân hàng, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Điển hình như anh Cao Đức Hiển (ở xóm Yên Quang) là người từng phải chấp hành án phạt tù vì tội cố ý gây thương tích, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 100 triệu đồng nâng cấp tàu thuyền, đánh bắt hải sản trên biển dài ngày. Hiện tại, tàu của anh Hiển đang tạo việc làm cho 18 - 20 lao động, trong đó có 4 người từng chấp hành án phạt tù trở về cộng đồng. Đó là anh Nguyễn Văn Hùng, chủ cơ sở chế biến hải sản Hùng Châu tạo việc làm cho 3 người đã chấp hành xong án phạt tù.
Theo kết quả khảo sát từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn Thị xã Thái Hòa có 427 người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương sinh sống, trong đó có nhiều người tiếp tục tái phạm. Trước tình hình trên, cuối năm 2013, UBND thị xã đã xây dựng mô hình “Xóa bỏ mặc cảm, làm nở nụ cười, giúp người lầm lỗi”. Sau hơn 1 năm triển khai công tác tái hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành xong án phạt tù, đã có 342/427 người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, tự ti vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như anh Nguyễn Cảnh Thông (ở khối Tây Hồ II - phường Quang Tiến), sau 7 năm chấp hành án phạt tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, trở về địa phương được sự động viên, gần gũi của các ban ngành, đoàn thể đã giúp anh vượt qua mặc cảm tham gia các hoạt động xã hội và được nhân dân trong khối tín nhiệm bầu làm khối phó kiêm tổ trưởng bảo vệ dân phố.
Hay anh Hồ Ngọc Điền (ở xã Tây Hiếu) sau khi chấp hành xong án phạt đã được Nông trường Tây Hiếu I nhận vào làm công nhân và giao quản lý 2 ha đất trồng cây cao su lâu năm. Trường hợp chị Lê Thị Yến (ở phường Quang Tiến), sau khi chấp hành xong án phạt 10 năm tù giam về địa phương đã được Hội Phụ nữ phường làm tín chấp vay vốn ngân hàng với số tiền 80 triệu đồng để mở cửa hàng kinh doanh gas, bếp gas; nay gia đình chị có thu nhập ổn định, bình quân 8 - 9 triệu đồng/tháng, nuôi được 2 con vào đại học…
Hoàn lương là ý nguyện của hầu hết của những người sau khi mãn hạn tù. Nhưng thiếu hiểu biết về kỹ năng sống, kiến thức xã hội và một quá khứ lầm lỗi thực sự là những rào cản để các phạm nhân quay về nẻo thiện, có thể tìm được một việc làm phù hợp. Đường về sẽ thênh thang khi họ có sự quan tâm từ gia đình, những sẻ chia từ xã hội. Với sự quan tâm, sự phối hợp tích cực giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các mô hình về tái hòa nhập cộng đồng cho người phạm tội đang được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng giúp những người đã từng lầm lỗi có cơ hội rèn luyện bản thân, tích cực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, tích cực tham gia vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương, góp phần phòng ngừa phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.
Ngọc Anh