Giúp trẻ chọn thực phẩm có lợi
TS Melina Sothern, Giám đốc phòng thí nghiệm Ngăn ngừa trẻ em béo phì ở trường ĐH Louisiana (Mỹ) chia sẻ các mẹo giúp trẻ chọn ăn thực phẩm có lợi.
Không hạn chế thức ăn
Hạn chế thức ăn gây ra hậu quả xấu đối với sự sinh trưởng và phát triển của trẻ và làm gia tăng nguy cơ rối loạn ăn uống sau này như chán ăn, háu ăn. Cha mẹ nên cố gắng đa dạng hóa những thực phẩm có lợi cho sức khỏe trẻ như trái cây, rau củ, và ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế thức ăn vặt hay chế biến sẵn.
Để sẵn thức ăn có lợi cho sức khỏe
Trẻ nhỏ thường có khuynh hướng ăn bất cứ thứ gì có sẵn. Hãy để một tô trái cây như táo hoặc chuối trên bàn ăn. khi bạn muốn ăn vặt, hãy dùng trái cây. Hành động của bạn có sức thuyết phục lớn hơn bất cứ những gì bạn dạy bảo trẻ.
Không gắn nhãn thức ăn "tốt" hay "xấu"
Không nên nói thức ăn này tốt hay thức ăn kia xấu, mà nên liên hệ đến những thứ mà con bạn mong muốn. Nên cho trẻ biết rằng những chất chống oxy hóa trong trái cây và rau củ sẽ làm tóc thêm mượt mà và giúp da dẻ trắng đẹp hơn.
Cho trẻ biết chất đạm không béo như thịt ức gà, hoặc canxi trong sữa sẽ giúp xương chúng chắc khỏe hơn để chơi bóng đá. Hãy khuyến khích trẻ ăn bữa sáng đầy đủ để chúng có thể tập trung hơn khi học bài.
Khen ngợi khi trẻ chọn thực phẩm có lợi
Luôn luôn cho trẻ biết bạn hãnh diện khi bé chọn những thức ăn có lợi cho sức khỏe.
Không dùng thực phẩm để khen thưởng
Việc thưởng cho con món gà rán hay chai nước ngọt khi trẻ đạt thành tích sẽ gây ra những vấn đề cân nặng trong tương lai. Hãy thưởng cho trẻ những phần quà không phải thực phẩm như những trò chơi vận động: đi chơi ở công viên, đạp xe, chơi cút bắt với cha mẹ.
Ăn tối với gia đình
Bữa ăn giúp gắn kết mọi thành viên gia đình. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, những trẻ ăn tối cùng cha mẹ sẽ ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng hơn và ít gặp rắc rối khi dậy thì. Nếu gia đình bạn chưa có thói quen này, hãy bắt đầu mỗi tuần một lần rồi tăng dần.
Để trẻ tự điều tiết
Hãy để trẻ tự điều tiết những thực phẩm mà chúng ăn và tham gia vào việc quyết định những món sẽ ăn. Bắt đầu bằng việc đề nghị trẻ ăn vài thứ, dù chỉ nếm chừng vài ba muỗng và cho điểm 1 - 10 như ở trường.
Tham vấn bác sĩ
Hãy tham vấn bác sĩ khi bạn muốn thay đổi chế độ ăn cho trẻ, cho dù là chế độ ăn giảm cân hay tăng cân, hoặc chỉ một dấu hiệu thay đổi đối với những thực phẩm trẻ thường ăn. Đừng tự đánh giá trẻ béo quá hay gầy quá, tất cả đều phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo Alobacsi.vn