Gỡ khó cho công tác cai nghiện

10/02/2015 21:05

(Baonghean) - Toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 7,3 nghìn đối tượng nghiện ma túy nhưng trong năm 2014 chỉ lập hồ sơ đưa vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc được 97 đối tượng. Nguyên nhân là do nhiều quy định trong Nghị định 221 của Chính phủ chưa sát thực tiễn…

Khó triển khai

Tính đến tháng 6/2014, tỉnh ta có gần 7,3 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; trong đó có 849 người nghiện mới phát hiện, 1.976 người nghiện ma túy tái nghiện, 5.884 người nghiện ma túy có mặt tại cộng đồng và có khoảng gần 1,4 nghìn người nghiện đang ở trong các Trung tâm Giáo dục lao động – xã hội, trại tạm giam. Đưa người nghiện đi cai bắt buộc không chỉ giúp những đối tượng này có cơ hội làm lại cuộc đời mà còn giúp ngăn chặn phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT địa phương. Thế nhưng, từ tháng 2/2014, khi Nghị định 221 của Chính phủ có hiệu lực thì công tác này gặp nhiều khó khăn. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh chỉ lập được 97 hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc theo quy định của Nghị định 221 (các năm trước đây là khoảng 800 người). Theo số liệu của cơ quan công an, đến tháng 10/2014, lực lượng chức năng phát hiện có 826 vụ, việc hành chính mà người vi phạm đủ điều kiện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tuy nhiên trên thực tế thì chỉ áp dụng đưa được 22 người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, giảm 515 người so với cùng kỳ năm 2013.

Các học viên tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Tương Dương.
Các học viên tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Tương Dương.

Trước đây, thẩm quyền đưa người đi cai nghiện bắt buộc thuộc UBND cấp huyện nhưng theo Nghị định 221 thì nay được quy định bởi luật và quyết định của tòa án cấp huyện. Mục đích là đảm bảo quyền công dân, quyền con người và đồng bộ với Hiến pháp năm 2013. Song, khi áp dụng vào thực tế, Nghị định 221 có nhiều quy định không phù hợp thực tế như: Thời gian, quy trình lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện vào trung tâm quá dài (từ 37 ngày, trước đây 15 ngày). Khi hoàn tất quy trình lập hồ sơ người nghiện đã bỏ trốn, khó triệu tập về cho tòa tuyên án; việc giao trách nhiệm cho gia đình quản lý người nghiện có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không hiệu quả; Những đối tượng đã chấp hành việc cai nghiện nhưng tái nghiện mà chưa qua biện pháp giáo dục tại phường, xã thì không thuộc đối tượng bị lập hồ sơ trong khi đối tượng này tại Nghệ An chiếm số lượng lớn; thẩm quyền xác định người nghiện ma túy là các cơ sở y tế phường, xã nhưng hầu hết chưa được cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn ma túy... Những vướng mắc đó khiến việc lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai gặp rất nhiều khó khăn và bỏ sót một lượng lớn người nghiện ma túy ngoài xã hội. Và hệ lụy nảy sinh là tình trạng trộm cắp, cướp giật, vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp, gây hoang mang trong đời sống nhân dân, gây bất ổn xã hội.

Thành phố Vinh là một trong những địa phương có số lượng người nghiện ma túy lớn. Đến cuối năm 2014, toàn thành phố còn 842 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 481 người đang ở ngoài xã hội. Trước khi Nghị định 221 có hiệu lực thì mỗi năm, thành phố đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc khoảng 200 đối tượng. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 221 có hiệu lực, thành phố mới chỉ đưa được 1 trường hợp đi cai nghiện tập trung.

Ông Nguyễn Văn Hương, cán bộ phòng LĐTB&XH Thành phố Vinh cho biết: Những quy định quá rườm rà, không sát với thực tế trong Nghị định 221 đang là rào cản lớn khiến việc lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai bắt buộc rất khó khăn. Theo điều 11, Nghị định 221 quy định: Đối tượng lập hồ sơ được quyền đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ và phát biểu ý kiến tại tòa. Quy định này nhằm đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình lập hồ sơ. Nhưng trên thực tế, các đối tượng bị lập hồ sơ khi nhận được thông báo lập hồ sơ không ký xác nhận và tìm cách lẩn trốn, gây rất nhiều khó khăn cho việc xét xử của tòa án. Bên cạnh đó, Điều 3, Nghị định 221 quy định thì người nghiện ma túy từ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường nhưng vẫn còn nghiện. Trong khi Điều 9 lại yêu cầu phải có giấy chứng nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng là không thống nhất, đồng bộ.

Tại Quỳnh Lưu, năm 2014 chỉ đưa được 2 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên tổng số 104 người nghiện trên địa bàn. Huyện Nghĩa Đàn có 65 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý nhưng trong năm 2014 cũng chỉ đưa được 4 đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Toàn huyện Kỳ Sơn có 765 đối tượng nghiện ma túy nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, việc áp dụng Nghị định 221 chưa được thực hiện. Nguyên nhân lãnh đạo huyện cho biết là do chưa có văn bản dưới luật để áp dụng, các bộ, ngành chưa có thông tư hướng dẫn nên huyện gặp rất nhiều khó khăn. Tương Dương, Quế Phong là 2 địa phương có số người nghiện nhiều nhất tỉnh và cũng là địa phương được đánh giá làm tốt công tác này, được tỉnh tuyên dương, ghi nhận. Trong năm 2014, huyện Tương Dương đã đưa được 40 đối tượng và Quế Phong đưa được 47 đối tượng vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ông Kha Đình Phê, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Tương Dương cho biết: Trên địa bàn Tương Dương hiện có hơn 1.000 đối tượng nghiện, trong đó có khoảng 800 đối tượng có mặt tại địa phương. Theo chỉ tiêu thì mỗi năm huyện phải lập hồ sơ đưa đi cai nghiện khoảng 200 người nhưng từ khi có Nghị định 221 thì chỉ đưa được 40 người đi cai nghiện. So với các địa phương khác thì đây là kết quả đáng ghi nhận.

Giải pháp tạm thời

Theo chỉ tiêu thì năm 2015, toàn tỉnh phải lập hồ sơ và đưa đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện là 600 đối tượng. Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong công tác lập hồ sơ theo Nghị định 221. Tại hội nghị triển khai Nghị định 221 do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 26/11/2014, UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền và các cấp, ngành chức năng liên quan cần có quyết tâm chính trị trong việc chỉ đạo công tác cai nghiện. Các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường đối với người nghiện ma túy để có căn cứ pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập hồ sơ. Các ngành LĐTB&XH, Công an tỉnh, Viện KSND chủ động nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ mẫu để thống nhất hướng dẫn lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai bắt buộc. Trong thời gian chờ xét duyệt hồ sơ thì có thể vận động người nghiện và gia đình đồng ý đi cai tự nguyện tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội.

Đồng thời, thành lập các tổ tư vấn tại các địa phương trong công tác lập hồ sơ, xem xét, quyết định đưa người nghiện cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm có chức năng cai nghiện. Nhiệm vụ của tổ tư vấn tham mưu UBND cấp huyện xây dựng hệ thống biểu mẫu chuẩn và quy trình lập hồ sơ, xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc tại trung tâm theo hướng đơn giản, rút ngắn thời gian làm thủ tục; nghiên cứu, tham mưu UBND cấp huyện tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong quá trình lập hồ sơ, chỉ đạo và hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện. Nhờ đó, thời gian lập hồ sơ sẽ được rút gọn đáng kể, đảm bảo công tác đưa người nghiện đi cai bắt buộc thuận lợi hơn.

Bà Nguyễn Thị Hường, Phó chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: Hiện tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi một phần các Trung tâm giáo dục lao động xã hội, có phân khu chức năng gồm: Khu điều trị nghiện bắt buộc, khu điều trị nghiện tự nguyện, khu điều trị thay thế bằng Methadone hoặc tiếp nhận đối tượng xã hội. Các khu điều trị trong trung tâm có chung bộ máy quản lý, mỗi khu phải bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nhân sự đáp ứng yêu cầu về sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, điều trị cho người nghiện ma túy và an ninh trật tự.

Việc chuyển đổi sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở này có thêm chức năng tiếp nhận và điều trị cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để phân loại xử lý chuyển về gia đình, cộng đồng; tới cơ sở điều trị nghiện tự nguyện hoặc chuyển tòa án xem xét, quyết định đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, sở Y tế đã tiến hành tập huấn và cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho 180 cán bộ y tế phường, xã, trung tâm cai nghiện, bệnh viện và trung tâm y tế. Theo kế hoạch, trong quý II năm 2015, sở Y tế sẽ tiến hành tập huấn và cấp chứng chỉ cho 480 xã, phường, thị trấn để đảm bảo việc lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện được đầy đủ, đúng quy định.

Nguyên Hưng

Mới nhất
x
Gỡ khó cho công tác cai nghiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO