Gợi ý tự làm mâm cơm chay cúng Rằm tháng Bảy

(Baonghean.vn) - Thời điểm này tuy đã bước sang mùa thu nhưng tiết trời còn khá nóng, nên lựa chọn đồ ăn có vị mát, tính hàn, và các món chay trong mâm cúng là ý tưởng hay, ý nghĩa để chị em có thể làm và thành kính dâng lên tổ tiên trong Rằm tháng 7.

Sau đây là những gợi ý cho mâm cơm chay cúng Rằm tháng 7:

Mâm chay rằm tháng bảy
Mâm chay rằm tháng bảy

- Xôi hạt sen lá dứa

- Chả chay

- Chả giò chay

- Đậu hũ nhồi nấm hạt sen

- Gỏi ngó sen

- Canh nấm hạt sen và bánh da lợn. 

Cách làm:

1. Xôi hạt sen lá dứa :

Nguyên liệu: 300g gạo nếp, 150g hạt sen tươi, 20g dừa, 1 bó lá dứa, muối, đường, 1 thìa nước cốt dừa. 

Cách làm: Lá dứa (lá nếp) rửa sạch, để lại khoảng 2 lá lát nấu cùng xôi, phần còn lại xắt khúc, xay nhỏ cùng với chút nước. Sau đó vắt lấy phần nước cốt để ngâm gạo tạo màu cho xôi. Cho nước lá dứa vào xâm xấp mặt gạo nếp ngâm khoảng 6-7h. Sau đó vo sạch, để ráo, xóc cùng chút muối cho xôi thêm đậm đà.

Đun xôi nước trong xửng hấp, cho gạo cùng với 2 cái lá dứa đã chừa lại ở trên vào hấp cho đến khi chín. Trong khi hấp thỉnh thoảng dùng đũa đảo cho xôi được chín đều, phía đáy không bị nát. Trong khi chờ xôi chín, bạn chuẩn bị hạt sen và dừa nạo. Hạt sen rửa sạch, cho vào nồi luộc chín cùng xíu muối. Dừa cạo phần vỏ đen, rửa sạch, nạo sợi. 

Khi xôi vừa chín tới, gắp bỏ phần lá dứa đồ cùng xôi đi, sau đó cho hạt sen đã luộc chín ở trên cùng với 1 thìa nước cốt dừa, 1 thìa đường vào trộn đều.

Cho xôi ra đĩa, rắc phần dừa đã bào sợi ở trên lên trên đĩa xôi là được. 

Xôi hạt sen lá dứa
Xôi hạt sen lá dứa

2. Chả giò chay:

Nguyên liệu: 20g miến dong, 1 tai mọc nhĩ, 1 thếp bánh đa nem; 20g đậu xanh không vỏ; 50g khoai môn; 1/2 củ cà rốt, 1 củ đậu nhỏ (khoảng 50g), hành lá; Bột nêm chay, tiêu, chanh, ớt, giấm, đường, muối, 1 thìa bột chiên giòn hay bột mì đều được. 

Cách làm:

Đậu xanh ngâm nước lạnh khoảng 3 giờ, sau đó đem hấp chín. Mộc nhĩ ngâm nước cho nở mềm, sau đó rửa sạch, thái sợi và xắt nhỏ. Miến cũng ngâm sơ qua nước lạnh cho mềm, vớt ra để ráo, dùng kéo cắt khúc cỡ 1,5-2cm. 

Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, 2/3 củ đem thái lát mỏng sau đó thái sợi, phần còn lại cắt lát mỏng để làm nước chấm. Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, bào sợi. Củ đậu gọt vỏ, rửa sạch, bào sợi, vắt bớt nước cho nem khỏi ướt. Hành lá cắt rễ, rửa sạch, xắt nhỏ.

Cho tất cả các nguyên liệu trên vào một cái tô lớn, trộn đều với chút bột nêm chay, tiêu cho vừa khẩu vị, để khoảng 5 phút cho nhân ngấm gia vị. Sau đó, dùng khoảng 1 thìa bột chiên giòn trộn đều cùng các nguyên liệu để làm chất kết dính.

Lấy ½ bát nước thêm khoảng 1 thìa dấm gạo, khuấy đều, hỗn hợp này dùng để làm mềm bánh khi gói và có tác dụng giúp nem giòn, đẹp hơn khi rán. Trải 1 cái bánh đa nem ra thớt, dùng hỗn hợp nước – dấm ở trên để làm mềm bánh trước khi gói. Lấy 1 thìa nhân đặt vào vị trí khoảng ¼ bánh từ dưới lên, dàn đều nhân sang hai bên tùy theo kích thước của cuốn nem mà bạn muốn. Sau đó, gấp 2 mép và cuộn kín. Không nên cuốn chặt tay, nếu cuốn chặt quá khi bạn chiên nem rất dễ bị bể. Thực hiện như trên cho đến khi hết lượng nhân đã chuẩn bị.

Chả giò (nem) chay rán
Chả giò (nem) chay rán

Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng, lượng dầu sao cho ngập nem hoặc khoảng 2/3 cái nem là được. Dầu sôi, thả nem vào rán cho đến khi nem chín vàng đều là được. Để nem tròn, màu đẹp bạn phải đun dầu thật nóng già, vặn nhỏ lửa, thả nem vào rán và khi bạn thả nem vào chảo dầu, chú ý lăn đều sao cho xung quanh nem vỏ bánh se lại sau đó mới rán chín từng mặt.

Trong lúc chờ nem chín, bạn chuẩn bị pha nước chấm nem. Ớt rửa sạch, băm nhỏ. Chanh gọt vỏ, bổ đôi, vắt lấy nước cốt. Phần cà rốt còn lại ở trên, thái lát mỏng ngâm với chút dấm, đường. Pha nước chấm nem từ muối, nước cốt chanh, đường, ớt và chút nước màu để tạo màu cho nước chấm. Sau khi muối, đường đã tan hoàn toàn, cho phần cà rốt ở trên vào, nêm nếm cho vừa ăn là được. Nước chấm nem pha nhiều một chút vì sử dụng cho cả món bánh hỏi lá cẩm. 

3. Đậu hũ nồi hạt sen nấm:

Nguyên liệu: 6 bìa đậu hũ nhỏ, 1 tai mọc nhĩ, 50g hạt sen, 50g nấm đông cô, dầu ăn, dầu hào chay, bột nêm chay, tiêu, muối. 

Cách làm: Đậu hũ rửa sạch, để ráo, chiên vàng đều các mặt. Hạt sen rửa sạch, luộc chín mềm cùng chút muối. Bớt lại 1/3 để trang trí, phần còn lại dùng thìa tán nhuyễn. 

Mọc nhĩ ngâm nở mềm, rửa sạch, cắt gốc, thái nhỏ. Nấm rửa sạch, bóp sơ cùng chút muối, rửa lại cho sạch, để ráo. Lấy khoảng 2 cái thái lát mỏng, phần còn lại xắt hạt lựu. Dùng dao nhọn khoét một mặt miếng đậu, lấy phần nhân bên trong ra cho vào 1 cái bát cùng với nấm thái nhỏ, hạt sen tán nhuyễn ở trên. Thêm chút bột nêm chay, tiêu trộn đều. 

Nhồi phần nhân trở lại miếng đậu hũ. Bắc chảo lên bếp, thêm dầu ăn đun nóng. Khi dầu nóng già cho đậu hũ vào chiên vàng 2 mặt miếng đậu hũ sau đó cho ra đĩa. 

Chắt bớt dầu trong chảo, cho phần nấm thái lát mỏng và hạt sen còn lại ở trên vào cùng 1 thìa dầu hào chay đảo kỹ. Sau đó cho phần nước luộc hạt sen ở trên cùng chút bột nêm chay nêm nếm vừa ăn. Cho đậu hũ đã chiên ở trên vào om khoảng 5 phút là được. 

Đậu hũ nồi hạt sen nấm
Đậu hũ nồi hạt sen nấm

4. Gỏi ngó sen:

Nguyên liệu: 200g ngó sen, 1 củ cà rốt nhỏ, 1 trái dưa leo, 20g lạc, ớt, rau răm, rau mùi, muối, chanh, đường.

Cách làm: Ngó sen căt khúc dài khoảng 4-5cm, chẻ làm 2 hoặc 3 tuỳ ngó to hay nhỏ. Ngâm ngay vào nước có pha chút muối và chanh cho ngó sen được trắng. Sau đó rửa thật sạch, vớt ra rổ cho ráo. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc cỡ 4-5cm sau đó thái sợi nhỏ. Dưa leo rửa sạch, chẻ đôi rồi lát lát mỏng. 

Rau răm, rau mùi nhặt bỏ rễ, gốc già, rửa sạch, xắt nhỏ. Lạc rang chín, bóc vỏ, giã giập. Chanh bổ đôi, vắt lấy nước cốt. Ớt rửa sạch, xắt nhỏ. 

Pha nước trộn gỏi từ muối, đường, nước cốt chanh, ớt xắt sao cho vừa ăn. Cho hỗn hợp ngó sen, cà rốt vào 1 cái tô lớn, cho 2/3 nước trộn gỏi đã pha ở trên vào trộn đều để khoảng 15-20' cho ngấm. Sau đó cho dưa leo và phần nước trộn gỏi còn lại vào cùng trộn đều. Cuối cùng cho rau thơm xắt nhỏ, nêm lại cho vừa ăn. Cho ra đĩa rắc lạc đã giã giập lên là được. 

Món gỏi ngó sen chay
Món gỏi ngó sen chay

5. Canh nấm hạt sen: 

Nguyên liệu: 50g hạt sen, 100g nấm các loại (nấm đông cô, nấm linh chi và nấm rơm), 1/2 trái bắp ngọt, 1 củ cà rốt, 1 bìa đậu hũ non, hành lá, muối, bột nêm chay. 

Cách làm: Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc. Bắp ngọt cũng rửa sạch, cắt khúc. Nấm các loại cắt bỏ chân nấm, ngâm với nước muối loãng khoảng 5-10 phút, rửa sạch, vớt ra rổ cho ráo. Đậu hũ non xắt miếng vuông nhỏ. Hành lá bỏ rễ, rửa sạch, xắt nhỏ. 

Đun 1 nồi nước sôi, cho hạt sen, cà rốt và bắp ngọt vào nấu khoảng 5-7 phút. Sau đó cho các loại nấm vào đun thêm khoảng 2-3 phút. Nêm nếm vừa ăn, cho đậu hũ non, hành lá vào đun sôi trở lại, tắt bếp múc ra bát tô là được. 

Món canh nấm hạt sen
Món canh nấm hạt sen

6. Bánh da lợn:

Nguyên liệu: Phần bánh màu xanh: 200g bột năng, 30g bột gạo, 150-200g đường, 1 bó lá dứa. Phần bánh màu vàng: 50g bột năng, 50g bột gạo, 50g đậu xanh không vỏ, 100g đường, 1 lon nước cốt dừa. Muối, dầu ăn. 

Cách làm: Lá dứa rửa sạch, xắt nhỏ, xay nhuyễn, lọc lấy phần nước cốt, pha thêm nước thành khoảng 400ml. Cho các nguyên liệu phần bánh màu xanh vào 1 cái tô lớn trộn đều cùng 400ml nước lá dứa. 

Đậu xanh ngâm khoảng 2h cho nở, cho vào nồi cùng ít nước xâm xấp mặt, thêm xíu muối nấu chín rồi xay nhuyễn. Cho các nguyên liệu phần bánh màu vàng cùng với đậu xanh xay nhuyễn ở trên vào 1 cái tô lớn rồi trộn đều. 

Bắc xửng hấp, cho khuôn bánh có tráng một lớp dầu ăn vào cùng. Khi khuôn nóng cho một lớp bột màu xanh vào trước, đậy nắp lại hấp khoảng 5 phút. Sau đó cho tiếp một lớp bột màu vàng vào hấp khoảng 6-7 phút. Tiếp đó cho thêm 1 lớp bột màu xanh vào, hấp thêm khoảng 10' nữa bánh chín là được. Bạn có thể làm nhiều lớp hơn tuỳ thích. 

Bánh chay da lợn
Bánh chay da lợn

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với mâm chay ngày Rằm tháng 7!

Thu Trà

(tổng hợp)

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.