Gồng mình chống bão
(Baonghean.vn)-Dự báo là cơn bão có sức gió mạnh nhất chưa từng thấy trong lịch sử, sau khi tàn phá Philippines và tiến vào biển Đông, siêu bão HaiYan đang có diễn biến hết sức phức tạp. Cả hệ thống chính trị và người dân khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh ta đang gồng mình để chống bão.
Vừa cố gắng chèo chiếc nốc thúng từ tàu cá đang neo đậu ở âu thuyền Cảng Cửa Lò lên bờ, cụ ông Lê Viết Xuân (60 tuổi), người có thâm niên 40 năm trong nghề biển tỏ vẻ lo lắng. Nghe tin bão lớn đổ bộ, cả gia đình ông căng thẳng, chạy một mạch từ Vịnh Bắc bộ trở về. “Mấy chục năm đi biển, tôi từng chứng kiến nhiều cơn bão nhưng nay thấy dự báo về cơn bão này, tôi cùng con cháu cũng như các chủ thuyền khác phải khẩn trương vào bờ trú ẩn. Mình phải chủ động chứ, vì con tàu là cả gia sản lớn của gia đình tôi cũng như anh em góp vốn. Hy vọng là bão sẽ giảm xuống chứ không thì dân khổ lắm”, ông Xuân chia sẻ.
Ngư dân Quỳnh Long-Quỳnh Lưu vận chuyển người và đồ đạc sơ tán lên bờ tránh bão |
Cũng như ông Xuân, hàng trăm chủ tàu, thuyền ở Thị xã Cửa Lò cũng đang cố gắng tìm cho mình một chỗ neo đậu an toàn ở các âu thuyền tránh, trú bão. Vừa neo đậu thật chắc chắn, họ vừa cố gắng giữ khoảng cách để tránh va đập, gây hỏng hóc. Cơn bão Haiyan được giới chuyên gia quốc tế xác định là siêu bão, có thể là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử loài người, với sức gió lên đến 315km/giờ, giật 380km/giờ, mạnh hơn bất kỳ cơn bão nào từng ghi nhận được từ trước đến nay.
Theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, nhiều gia đình đã chủ động chằng chéo nhà cửa, tăng thêm các bì cát chèn lên mái tôn. Nhưng theo ông Phạm Xuân Tùy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, hiện trú tại Thị xã Cửa Lò thì trước cơn bão này vẫn có rất nhiều người chủ quan. Ông Tùy cho hay: “Mặc dù nhà cửa đã kiên cố, vững chắc nhưng theo dự báo, tôi vẫn thấy lo ngại với sức mạnh của cơn bão. Tôi đã cùng con cháu cho thêm các bì cát đè lên mái tôn và khuyến cáo mọi người cùng thực hiện các phương án phòng tránh bão…”.
Hồ Vực Mấu tiến hành xả lũ đề phòng nước hồ dâng cao |
Tại Thị xã Hoàng Mai, từ trưa 9/11, hồ Vực Mấu đã tiến hành xả lũ 1 cửa để đưa mực nước về mức 20 mét, đề phòng hoàn lưu bão gây mưa lớn, nước hồ dâng cao phải xả một lúc nhiều cửa gây ngập úng ở hạ lưu. Sáng 9/11, chúng tôi có mặt tại Thị xã Hoàng Mai và chứng kiến cảnh người dân đang lo lắng đối phó với cơn bão lớn nhất trong lịch sử. Trên lạch Cờn, tàu thuyền tấp nập chạy vào nơi trú ẩn. Trên bờ, người và xe đi lại nhộn nhịp vận chuyển cá, mực từ tàu lên bờ, mang ra chợ bán để kịp tránh bão. Đứng trên Lạch Cờn chỉ đạo người dân neo đậu tàu thuyền, ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương lo lắng cho biết, dù đã kêu gọi từ ngày hôm trước nhưng đến trưa 9/11 vẫn có 4 chủ tàu thuyền mất liên lạc khiến ai nấy đều lo lắng.
Tại Quỳnh Lưu - địa phương có đội tàu thuyền lớn nhất tỉnh Nghệ An với hơn 1.200 chiếc lớn nhỏ, nghe tin bão đổ bộ, các chủ tàu thuyền dù đang trúng đậm cá trên biển nhưng vẫn cố gắng quay về. Chiều 9/11, ngư dân Bùi Ngọc Đạt cho biết, mấy ngày qua, tàu của anh trúng được lượng cá trị giá khoảng 30 triệu đồng thì nghe tin siêu bão đổ bộ, may mà vẫn kịp chạy về đất liền an toàn. Cũng như các cửa sông, cửa biển khác ở Lạch Quèn, Tiến Thủy, Quỳnh Long, Sơn Hải, Lạch Thơi, ngư dân đều đang vượt sóng chạy vào bờ tìm nơi trú ẩn. Đến 19h, ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết, trong số 600 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của huyện, chỉ còn 13 chiếc đang trên đường trở về trú bão và 1 chiếc tàu của ngư dân Quỳnh Nghĩa đã tìm được nơi trú đậu ở tỉnh Quảng Ninh.
Tàu thuyền được các ngư dân chằng néo an toàn tại bến |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Nghệ An có 4.017 phương tiện tàu thuyền và trên 20.083 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Đến 20h30 ngày 9/11, các phương tiện trên đã về neo đậu tại bến đảm bảo an toàn, trừ 20 phương tiện (11 phương tiện của huyện Quỳnh Lưu và 9 phương tiện của Thị xã Hoàng Mai về đến cửa Lạch Cờn, Lạch Quèn nhưng do nước thủy triều thấp không thể vào lạch được, đang chờ nước lên mới vào nơi trú tránh) và 1 tàu với 14 lao động đang neo đậu tại đảo Cát Bà. Ngoài ra, có 55 phương tiện với 420 lao động ngoại tỉnh đang neo đậu tại các âu thuyền trong tỉnh.
Nhóm P.V