Chuyển đổi số

Google tăng cường 'lá chắn' chống trộm cho điện thoại Android

Phan Văn Hòa 17/05/2025 10:27

Google đang triển khai nhiều tính năng bảo mật mạnh mẽ cho hệ điều hành Android, giúp các thiết bị chạy hệ điều điều hành an toàn hơn trước các đối tượng trộm cắp.

Google vừa công bố loạt cải tiến quan trọng về bảo mật trên hệ điều hành Android, với mục tiêu nâng cao khả năng chống trộm và tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người dùng.

Trong bản cập nhật mới nhất, hãng không chỉ tinh chỉnh và mở rộng các tính năng chống trộm đã có, mà còn bổ sung nhiều công cụ thông minh mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, các cập nhật lần này được thiết kế để hoạt động trên phạm vi rộng hơn nhiều so với trước đây, bao gồm hầu hết các thiết bị chạy Android 10 trở lên.

Điều này có nghĩa là phần lớn điện thoại và máy tính bảng Android hiện có trên thị trường, từ các mẫu phổ thông đến cao cấp, đều sẽ được hưởng lợi từ lớp bảo vệ tăng cường này.

Không chỉ giới hạn trong các thiết bị Pixel của Google, các tính năng mới còn hỗ trợ nhiều thương hiệu lớn như Samsung, Xiaomi, Oppo, OnePlus...

Khóa phát hiện trộm cắp: AI “canh gác” điện thoại 24/7

Một trong những cải tiến nổi bật là tính năng Khóa phát hiện trộm cắp (Theft Detection Lock). Dựa trên AI và công nghệ học máy được tích hợp trực tiếp trên thiết bị, hệ thống có thể phân tích các tín hiệu chuyển động bất thường, ví dụ như hành động giật điện thoại để nhận diện nguy cơ bị đánh cắp.

Ảnh minh họa1
Khóa phát hiện trộm cắp có thể phân tích các tín hiệu chuyển động bất thường, ví dụ như hành động giật điện thoại để nhận diện nguy cơ bị đánh cắp. Ảnh: Internet.

Khi nghi ngờ có trộm, thiết bị sẽ tự động khóa màn hình ngay lập tức nhằm ngăn chặn truy cập trái phép. Tính năng này hiện đã được triển khai toàn cầu cho các thiết bị chạy Android 10 trở lên, bao gồm phần lớn điện thoại và máy tính bảng đang hoạt động hiện nay.

Khóa thiết bị ngoại tuyến: Đề phòng thủ đoạn “ngắt kết nối”

Kẻ xấu thường cố tình ngắt mạng thiết bị ngay sau khi đánh cắp để tránh bị theo dõi hoặc xóa dữ liệu từ xa.

Đó là lý do Google giới thiệu tính năng Khóa thiết bị ngoại tuyến (Offline Device Lock), tự động kích hoạt khi thiết bị đã được mở khóa nhưng ở trạng thái ngoại tuyến trong thời gian quá dài.

Ảnh minh họa2
Khóa thiết bị ngoại tuyến sẽ tự động kích hoạt khi thiết bị đã được mở khóa nhưng ở trạng thái ngoại tuyến trong thời gian quá dài. Ảnh: Internet.

Điều này giúp bảo vệ người dùng ngay cả khi điện thoại không còn truy cập mạng, loại bỏ “vùng an toàn” mà kẻ trộm từng lợi dụng.

Khóa điện thoại từ xa mà không cần nhớ mật khẩu

Cải tiến tiếp theo nằm ở tính năng Khóa điện thoại từ xa (Remote Lock), thuộc hệ sinh thái bảo mật Tìm thiết bị của tôi (Find My Device).

Đây là công cụ giúp người dùng khóa thiết bị của mình từ xa chỉ bằng một số điện thoại đã được xác minh, ngay cả khi họ không nhớ tài khoản Google hoặc mật khẩu đăng nhập.

Ảnh minh họa3
Khóa điện thoại từ xa giúp người dùng khóa thiết bị của mình từ xa chỉ bằng một số điện thoại đã được xác minh. Ảnh: Internet.

Điều này đặc biệt hữu ích trong tình huống hoảng loạn khi mất điện thoại và không thể truy cập tài khoản kịp thời.

Tính năng này cũng sẽ sớm được bổ sung câu hỏi bảo mật tùy chỉnh, tạo thêm một lớp xác minh nhằm ngăn chặn những kẻ tìm cách mở khóa trái phép.

Bảo vệ khi khôi phục cài đặt gốc

Để ngăn chặn hành vi phổ biến là xóa sạch thiết bị rồi bán lại, Android tiếp tục nâng cấp tính năng Bảo vệ khi khôi phục cài đặt gốc (Factory Reset Protection), lớp bảo vệ ngăn kẻ trộm thực hiện khôi phục cài đặt gốc nếu không có sự cho phép hợp lệ từ chủ sở hữu.

Ảnh minh họa4
Để ngăn chặn hành vi phổ biến là xóa sạch thiết bị rồi bán lại, Android tiếp tục nâng cấp tính năng Bảo vệ khi khôi phục cài đặt gốc. Ảnh: Internet.

Trên các phiên bản Android mới hơn, cơ chế này hoạt động chặt chẽ hơn, hạn chế đáng kể khả năng “làm mới” thiết bị bị đánh cắp, đồng thời khiến việc bán lại trở nên vô giá trị.

Sử dụng sinh trắc học bảo vệ các thiết lập nhạy cảm

Với Android 15 trên dòng Pixel và giao diện người dùng One UI 7 trên thiết bị Samsung Galaxy, người dùng đã có thể trải nghiệm tính năng Sinh trắc học bảo vệ các thiết lập nhạy cảm (Identity Check).

Lớp bảo mật bổ sung này yêu cầu xác minh sinh trắc học (như vân tay hoặc khuôn mặt) khi thực hiện các hành động nhạy cảm, chẳng hạn như thay đổi mã PIN hoặc mật khẩu, vô hiệu hóa các lớp bảo vệ chống trộm hoặc truy cập khóa mật khẩu trên thiết bị.

Ảnh minh họa5
Sử dụng sinh trắc học bảo vệ các thiết lập nhạy cảm chỉ kích hoạt khi thiết bị đang ở ngoài các vị trí tin cậy (như nhà riêng), nhằm đảm bảo người dùng thực sự là chủ nhân của thiết bị.
Ảnh: Internet.

Tính năng này chỉ kích hoạt khi thiết bị đang ở ngoài các vị trí tin cậy (như nhà riêng), nhằm đảm bảo người dùng thực sự là chủ nhân của thiết bị. Identity Check dự kiến sẽ được mở rộng cho nhiều hãng sản xuất hơn trong phiên bản Android 16 sắp tới.

Dù Google sẽ triển khai các tính năng này theo từng giai đoạn và có thể mất một thời gian để đến tay tất cả người dùng, nhưng sự đầu tư mạnh mẽ vào bảo mật của Android là tín hiệu đáng mừng.

Đây không còn là những công cụ đơn lẻ mà đã trở thành một hệ thống phòng thủ phối hợp toàn diện, biến điện thoại Android trở thành "chiếc két sắt kỹ thuật số" chống trộm hiệu quả.

Theo Howtogeek
Copy Link

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Google tăng cường 'lá chắn' chống trộm cho điện thoại Android
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO