Góp phần gìn giữ di sản quý
(Baonghean) - Không hẹn mà gặp, rất tự nhiên họ tự tìm đến với nhau bằng thú vui sưu tầm cổ vật, tụ họp thành Hội. Từ chỗ chung sở thích, họ nhận ra rằng: “Chơi đồ cổ không thể đơn nhất! Không ai có thể đủ tiền để mua hết đồ cổ. Mà đồ cổ, nếu chỉ để "một mình mình biết, một mình mình hay" thì không có giá trị gì!". Điều quan trọng hơn cả là phải làm thế nào để giá trị văn hóa của cổ vật đến với mọi người. Cổ vật cần phải được bảo tồn và phát huy...
Từ ý tưởng ban đầu, mấy anh em mê cổ vật nhóm họp lại tự đưa các hiện vật ra trưng bày tại Hội Báo Xuân năm Nhâm Thìn (2012) và một số ngày lễ kỷ niệm long trọng khác trên địa bàn tỉnh trong 2 năm (2012-2013) tại Thư viện tỉnh. Tuy còn trưng bày theo chuyên đề nhỏ, nhưng cũng đã quy tụ được khá nhiều cổ vật giá trị và có ý nghĩa cao, như chuyên đề cổ vật Rồng trong dịp Tết Nhâm Thìn; chuyên đề cổ vật Xuân Quý Tỵ; chuyên đề cổ vật Nhật Bản trong Tuần Văn hóa Nhật Bản tại Nghệ An...
![]() |
Gian trưng bày gốm sứ hoa lan tại Đại hội Chi hội Di sản văn hóa – Cổ vật Sông Lam lần thứ I. |
Ông Đào Tam Tỉnh – Người say mê sưu tầm cổ vật và cũng là người có số lượng sưu tầm cổ vật khá nhiều cho biết: Hội Cổ vật Sông Lam dù mới được nhóm họp, hình thành, số hiện vật sưu tầm, lưu giữ còn nhỏ so với các hội khác như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Vĩnh Phú, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... nhưng bước đầu cũng đã có những bộ sưu tập quý giá, được giới chơi cổ vật cả nước đánh giá cao.
Tiêu biểu như bộ sưu tập của anh Võ Văn Toàn (sinh năm 1966). Họ Võ từng thăng trầm cùng cổ vật, nhưng rồi vẫn tồn tại, vượt lên, nổi trội, trở thành một đại gia với các bộ sưu tập: Đồ Đông Sơn - Làng Vạc, gồm thạp, thố, bình đồng; đồ Lý - Trần - Lê, với các thạp hoa nâu, liễn, âu, bát, đĩa men ngọc có hoa văn độc đáo. Đặc biệt, anh Toàn có một bộ sưu tập nhiều tô đĩa men C có hoa văn được tuyển chọn đẹp hoàn mỹ; một số cổ vật thời Lê - Chu Đậu và bình, bát thời Tống - Nguyên - Minh (Trung Hoa) rất đẹp và giá trị.
Còn anh Đặng Xuân Hoàng chơi cổ vật từ khi còn ở Cầu Giát. Nay anh đã về quê xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên để mở rộng không gian trưng khoe cổ vật. Bộ sưu tập của anh thuộc đủ các loại hình: Gốm, đồng, sứ, gỗ, giấy... thuộc đủ các triều đại Trung Hoa và Việt Nam. Đặc biệt, anh nổi lên với bộ sưu tập bình, chóe Bát Tràng, xa lông chạm lộng, sập gụ, tủ chè, bộ "Chày đâm, cối giã" của ông bà ta trước đây để lại.... Anh xây dựng 3 ngôi nhà để trưng bày cổ vật, trong đó có 2 ngôi nhà gỗ làm theo kiểu kiến trúc cổ truyền dân tộc. Mọi người rất thích đến thăm cơ ngơi của anh và gọi nó với cái tên trìu mến là Phủ Hoàng Châu.
Anh Nguyễn Quyết Thắng cũng có thâm niên chơi cổ vật cùng thời với anh Hoàng và anh Toàn, có mối giao lưu với nhiều đại gia đồ cổ cả nước, nhiều cổ vật của anh được người sưu tầm các nơi trong Nam, ngoài Bắc ưa thích mua về. Hiện anh còn giữ lại bộ sưu tập đồ ngọc óc eo, bộ rừu đồng, rừu đá... Riêng bộ gốm cào Đông Sơn của anh cũng có thể xếp vào loại nhiều nhất so với những bộ gốm đất khác của người chơi ở Việt Nam... Anh Lưu Thành Chung, một thương binh, bộ đội Cụ Hồ, từ khi còn "dụng võ" ở đất Nam bộ, được cấp đất làm nhà ở Phú Quốc đã đam mê chơi cổ vật. Anh làm giàu từ nghề sáng tạo, dựng xây hòn non bộ, một nghề gia truyền do ông cha để lại khá nổi tiếng. Anh đang trăn trở làm sao để thực hiện được điều ước nhanh chóng dựng xong tòa nhà truyền thống, trong đó chứa đầy cổ vật, như ngôi nhà của ông nội anh từng sống, nơi anh từng sinh ra và lớn lên sau Cách mạng tháng Tám.
Nghề chơi cũng lắm công phu, được đồ lành, đồ nguyên: "Nhất dáng, nhì da (men), tam toàn, tứ cốt ", rồi đồ kỳ, đồ lạ, đồ có gắn với sự tích, sự kiện lịch sử dân tộc là ưu tiên sưu tầm số 1. Có được đồ tốt rồi thì ngày đêm mê mẩn ra ngắm vào nghía, rồi dành trà ngon pha ấm da Chu, rượu ngon uống chén ngọc quý, mời bạn bè đến cùng thưởng ngoạn, trao đổi, luận đồ học hỏi kinh nhiệm lẫn nhau.... Anh em còn ham chơi đến mức tiếc cả từng cái mảnh vỡ cổ vật, có khi mua về để chất đống trong nhà. Các đồ vật bể, sứt mẻ, gãy núm, vú, cụt vòi... vẫn được người chơi trân trọng cất giữ. Có khi còn tỉ mẩn chắp vá, hàn gắn, mong đồ vật được dễ nhìn hơn và có thể vẫn trưng bày được.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng Ban quản lý DTDT tỉnh cho biết: Để sưu tầm, lưu giữ được chừng ấy di sản cho quê hương, đất nước cũng không phải dễ dàng gì. Anh em đã mất biết bao mồ hôi công sức, tiền bạc, thời gian để sưu tầm và bảo quản. Với niềm mong mỏi thỏa sự đam mê sưu tầm cổ vật nhưng hơn tất thảy là góp phần nhỏ bé gìn giữ những giá trị cổ vật quý hiếm của cha ông để lại.
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin và xây dựng các chương trình phim truyền hình chuyên đề người chơi cổ vật Nghệ An phát chiếu nhiều lần gây được sự chú ý của người xem, người đọc. Đó là các chương trình của Đài Truyền hình Nghệ An giới thiệu bộ sưu tập của anh Đặng Xuân Hoàng ở Cầu Giát; anh Võ Văn Toàn và anh Nguyễn Quyết Thắng ở Thành phố Vinh. Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập của anh Lưu Thành Chung ở xã Nghi Kim, Tp. Vinh; bộ sưu tập của anh Đào Tam Tỉnh ở Hưng Lộc…
Từ những thông tin ấy, tiếng lành đồn xa, nhiều anh em chơi cổ vật đã tìm đến nhau, gặp gỡ, giao lưu, tạo điều kiện cho nhau cùng hòa nhập vào thú chơi cổ vật. Anh em cũng có nguyện vọng là cần phải thành lập hội để nâng tầm người chơi và phát triển thêm người chơi mới. Có như thế, người chơi cổ vật xứ Nghệ mới xứng tầm cùng người chơi ở các địa phương khác trong cả nước. Và rất mừng là lãnh đạo Sở VHTTDL và các ban, ngành liên quan đã ủng hộ tích cực để giúp cho việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp trên ra quyết định thành lập Hội.
Trong năm 2013 này, những người yêu cổ vật xứ Nghệ đã có quyết định thành lập hội: Số 14/QĐ-HDSVHVN: Quyết định về việc thành lập Chi hội Di sản Văn hóa Cổ vật Sông Lam, tỉnh Nghệ An của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, ngày 16 tháng 5 năm 2013. Sau khi thành lập, người chơi cổ vật xứ Nghệ có điều kiện để tiến tới và phát triển. Ngày 22/11, Chi hội Di sản Văn hóa – Cổ vật Sông Lam chính thức ra mắt. Sau khi đại hội, sẽ định ra điều lệ, nghị quyết để hội viên thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm, chung tay góp sức xây dựng hội ngày càng vững mạnh. Động viên, khuyến khích thêm nhiều người chơi cổ vật, sưu tầm, bảo vệ cổ vật; kết nạp thêm các hội viên để tăng thêm sức mạnh cho hội.
Thanh Thủy