GS Ngô Bảo Châu: Đừng sai vặt nhà khoa học trẻ
Hơn 100 câu hỏi của bạn đọc đã gửi tới chương trình giao lưu trực tuyến với GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Nguyễn Phương Văn (đồng tác giả của tác phẩm Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình, được xem là "tiểu thuyết toán hiệp" đầu tiên của Việt Nam).
Giáo sư Ngô Bảo Châu (bìa phải) giao lưu với độc giả tại hội trường Idecaf, TP.HCM chiều 31-8 - Ảnh: MINH ĐỨC
GS Ngô Bảo Châu trả lời câu hỏi bạn đọc - Ảnh: THANH ĐẠM
Với phong cách làm việc chuẩn mực của một nhà khoa học, GS Ngô Bảo Châu đã rất thận trọng đọc kỹ các câu hỏi và tự tay gõ câu trả lời cho độc giả.
Trả lời câu hỏi của một bạn đọc về sự thất bại, GS Ngô Bảo Châu tâm sự: "Thời gian ngay sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ khá khó khăn đối với tôi. Ðó là lúc phải bắt đầu một hướng nghiên cứu mới. Tuy bằng cấp đã đầy đủ nhưng thật ra chuyên môn còn non lắm. Một số kế hoạch nghiên cứu không thực hiện được. Một số kết quả mình làm ra không được cộng đồng đánh giá cao. Nhưng trong giai đoạn đó tôi cũng học được nhiều điều: Một là không ngừng học tập để bản thân tiến bộ, hai là kiên định trong những dự định của mình".
Giải bài toán khó: phải luôn nghĩ về nó
GS Châu đã chia sẻ kinh nghiệm về việc mất niềm tin trong cuộc sống: "Nhiều khi niềm tin của bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt những người thân trong gia đình đặt vào ta làm ta vững tin trở lại".
Một bạn đọc 17 tuổi cho biết rất thích học các môn thiên về tư duy và tính toán nhưng không biết làm thế nào để tập trung cao độ khi giải bài tập? GS Châu cho rằng: "Ðể tìm tòi, giải một bài toán khó, có lẽ phải luôn nghĩ về nó. Nghĩ về nó ngay cả khi đang làm việc khác, vì thế nhà toán học hay mang tiếng đãng trí. Nghĩ về nó rất lâu nhưng thời gian tập trung cao độ thật ra không lâu lắm. Ít người có khả năng tập trung cao độ liên tục, như tôi không có khả năng đó". Về câu hỏi "GS đánh giá thế nào về sách giáo khoa toán ở trường phổ thông hiện nay?", GS Ngô Bảo Châu nhận định: "Theo tôi, sách giáo khoa có thể có chỗ này chỗ khác bất ổn, nhưng nhìn tổng thể thì cũng không tệ. Vấn đề là ở chỗ các thầy cô dạy như thế nào".
Dịp này, GS Châu đã "bật mí" về dự án sách "Cánh cửa mở rộng": "Tủ sách này tập trung dịch những tác phẩm kinh điển văn học, triết học và khoa học. Ðối tượng hướng đến chủ yếu là giới trẻ. Chúng tôi lo dịch và xuất bản những quyển sách này vì tin rằng chúng chuyển tải được những giá trị phổ quát của nhân văn. Những suy tưởng tinh tế đó, cảm thụ được sẽ là hành trang cho ta mang theo suốt cuộc đời".
Băn khoăn về giáo dục Việt
"Ða số cha mẹ học sinh tỏ ra rất lo lắng với việc học ở trường của con mình. Rất nhiều người than thở về những hiện tượng tiêu cực ở trường học. Sự thật có hoàn toàn đúng như những lời than thở của cha mẹ học sinh không ta còn phải để cho ngành giáo dục tranh luận trở lại nữa. Nhưng sự lo lắng của xã hội là có thật và chỉ điều đó thôi cũng là lý do để ngành giáo dục phải nhìn lại mình, để đổi mới chính mình" - với câu hỏi: "Nghĩ gì về nền giáo dục Việt
Về vấn đề đào tạo tại chức và nhiều cơ quan không tuyển dụng những người học tại chức, GS Châu thẳng thắn: "Việc học tại chức ở nước ta có vẻ bị biến dạng vì động cơ của nó không xuất phát từ nhu cầu nội tại của công việc, từ sự cầu tiến của bản thân mà lại từ cái người ta gọi là chuẩn hóa bằng cấp. Có lẽ ràng buộc hành chính việc thăng quan tiến chức với sở hữu bằng cấp là nguyên nhân". Ông kết luận: "Ðánh giá năng lực con người là việc rất khó, không thể đơn giản hóa thành chuyện sở hữu một số bằng cấp".
Dừng lại rất lâu ở câu hỏi về việc sử dụng người tài, GS Ngô Bảo Châu đã viết: "Ðúng là có quá nhiều nhà khoa học trẻ phải lãng phí thời gian và năng lượng của mình để vượt qua những rào cản hành chính do chúng ta tự đặt ra. Bên cạnh việc cải thiện điều kiện sống, điều kiện làm việc, tôi nghĩ chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm việc để tiết kiệm thời gian cho cán bộ trẻ. Ðừng coi các giảng viên trẻ, các nhà khoa học trẻ là đối tượng để sai vặt nữa".
Nhiều câu hỏi không dễ trả lời
Buổi giao lưu trực tuyến kết thúc lúc 12g, mặc dù phải đi ngay vì giờ làm việc khá sít sao, GS Ngô Bảo Châu vẫn dành thêm 5 phút cho cuộc phỏng vấn ngắn:
* Cảm xúc của GS như thế nào sau khi giao lưu trực tuyến với bạn đọc?
- Có rất nhiều câu hỏi bạn đọc gửi đến nhưng tôi suy nghĩ chậm nên trả lời không được nhiều lắm. Nhiều câu hỏi rất hay và không dễ trả lời. Sau buổi giao lưu vẫn còn nhiều câu tôi chưa trả lời, không phải vì tôi không quan tâm hay không trả lời được mà để trả lời những câu hỏi đó một cách thấu đáo cần phải có thêm thời gian trong khi buổi giao lưu chỉ trong hai giờ. Sau này khi có điều kiện, tôi sẽ viết lại những vấn đề mà bạn đọc Tuổi Trẻ quan tâm vào một dịp khác, đầy đủ hơn và cụ thể hơn.
* Thời gian gần đây gs có nhiều điều kiện tiếp xúc và làm việc với giới trẻ Việt Nam, GS nhận định như thế nào về cách làm việc cũng như lý tưởng của họ?
- Nếu nói chung chung thì hơi khó, vả lại tôi không thích nhận định một cách chủ quan. Tôi xin nói về học viên lớp học ở Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (do GS Châu giảng dạy - PV), tôi thấy các bạn học tốt hơn so với mong đợi ban đầu, cả về khả năng làm việc, cách suy nghĩ cũng như kết quả học tập.
* Từ khi đoạt giải Fields và làm giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, hoạt động nghiên cứu và giảng dạy về toán học ở Việt Nam đã khởi sắc chưa, thưa GS?
Theo TuổiTrẻ-M