Hải quan Nghệ An phát triển theo hướng hiện đại

08/09/2017 08:08

(Baonghean) - Ngày 10/9/1945, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký sắc lệnh thành lập “Sở Thuế quan và Thuế gián thu”, khai sinh ra ngành Hải quan Việt Nam.

Từ thời điểm lịch sử đó đến nay, ngành Hải quan luôn tuân thủ tuyệt đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ đắc lực cho từng giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.

Lãnh đạo tỉnh gắn Huân chương Lao động hạng Ba lên Cờ truyền thống của Cục Hải quan Nghệ An. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Lãnh đạo tỉnh gắn Huân chương Lao động hạng Ba lên Cờ truyền thống của Cục Hải quan Nghệ An. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Ngay sau khi được thành lập, cán bộ nhân viên ngành Hải quan đã tỏ rõ ý chí kiên cường dũng cảm trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với thực dân Pháp nhằm bảo vệ chủ quyền thuế quan của nhà nước cách mạng.

Từ năm 1954, cả đất nước ta tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng, bảo vệ Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Trong bối cảnh đó, với tên gọi mới là Sở Hải quan Trung ương, cán bộ nhân viên Hải quan đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ độc quyền ngoại thương, ngoại hối của Nhà nước, trực tiếp góp phần vào phát triển kinh tế đối ngoại, giao lưu quốc tế, đồng thời tích cực phục vụ nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Năm 1975, sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta được hoàn toàn giải phóng, ngành Hải quan cũng thống nhất tên gọi Cục Hải quan Trung ương thuộc Bộ Ngoại thương. Ngày 20/8/1984, Hội đồng Nhà nước phê chuẩn thành lập Tổng cục Hải quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, ngành Hải quan đã có những bước tiến mạnh mẽ trên các mặt công tác như cải tiến các quy trình nghiệp vụ hải quan, cải cách thủ tục hành chính cùng với việc xây dựng tác phong, thái độ làm việc của cán bộ công chức; tăng cường hiệu quả công tác giám sát quản lý, thu thuế xuất nhập khẩu, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, góp phần đắc lực vào sự phát triển hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch, thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và thế giới của đất nước.

Năm 2001, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Luật Hải quan, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2005 và 2014. Trên cơ sở Luật Hải quan, tổ chức bộ máy và hoạt động của ngành Hải quan đã có những thay đổi căn bản. Từ chỗ là một tổng cục, cơ quan thuộc Chính phủ, trở thành một cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính. Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính và lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và trình Bộ phê duyệt các kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa 2004 - 2008, 2008 - 2010 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành Hải quan Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg.

Thời gian qua, ngành Hải quan đã không ngừng nghiên cứu và triển khai áp dụng các kỹ thuật nghiệp vụ mới, nhằm đơn giản hoá quy trình thủ tục hải quan và rút ngắn thời gian thông quan, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra thực tế hàng hoá. Ngành Hải quan đã triển khai hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS và nhờ đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác hải quan được tăng lên rõ rệt; phương pháp, phong cách làm việc cũ đã được thay đổi, tạo thuận lợi tối đa cho việc thông quan nhanh hàng hoá, tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam ra thị trường quốc tế...

Thông qua đổi mới hoạt động, công tác thu ngân sách của ngành Hải quan cũng đạt được những thành tựu to lớn. Từ năm 2000 đến nay, ngành Hải quan luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, số thu năm sau tăng cao hơn năm trước, chiếm từ 25% đến hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước. Là cơ quan quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tổng hợp tình hình hàng hóa xuất nhập của cả nước, trong những năm qua, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong công tác điều hành giá cả, kiềm chế lạm phát, hạn chế nhập siêu, góp phần bình ổn thị trường, phát triển kinh tế đất nước.

 Kiểm tra hàng hóa XNK tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Kiểm tra hàng hóa XNK tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Hoàng Vĩnh


Với nhiều cố gắng và nỗ lực phấn đấu, ngành Hải quan đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Là đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Nghệ An không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức bộ máy, cán bộ và kỹ thuật nghiệp vụ. Hiện nay Cục Hải quan Nghệ An có 12 đơn vị thuộc và trực thuộc, bao gồm 5 phòng, 2 đội kiểm soát và 5 chi cục hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu, với 255 CBCC và hợp đồng lao động. Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức không ngừng được tăng lên cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, ngoại ngữ…

Cục Hải quan tỉnh Nghệ An đang triển khai kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hoá giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Có 100% chi cục được triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; ở các phòng và các đơn vị đã được tin học hoá và ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ hải quan. Nhờ đó, chất lượng công việc và các sản phẩm dịch vụ ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch trên địa bàn.

Kim ngạch XNK do Cục Hải quan Nghệ An làm thủ tục đã và đang đạt đến ngưỡng trên 1 tỷ USD (năm 2016 là 882,2 triệu USD; 6 tháng năm 2017 đạt 489,3 triệu USD), thu thuế XNK đã đạt mốc trên 1.000 tỷ đồng (năm 2016 là 1.118,7 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2017 đạt 683,7 tỷ đồng) và đang phấn đấu cao hơn trong các năm tới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần thứ XVIII, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Cục Hải quan tỉnh Nghệ An đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/2015-CT-UBND ngày 20/5/2015 về “tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hải quan trên địa bàn”.

Thời gian tới, Cục Hải quan tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đầu tư các nguồn lực về cơ sở vật chất của cục và các chi cục, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục hải quan, cung cấp cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp những dịch vụ tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Mặt khác, Cục Hải quan tỉnh Nghệ An sẽ phối hợp tốt với các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương để ký kết các quy chế phối hợp, trao đổi thông tin để tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch trên địa bàn. Trước hết là quan hệ với các Hội doanh nghiệp, đại diện phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đảng ủy Khối Các doanh nghiệp để bàn cơ chế xây dựng thoả thuận đối tác Hải quan - Doanh nghiệp, tạo sự tin cậy vững chắc, ổn định lâu dài giữa cơ quan Hải quan và cộng đồng các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan sẽ cùng các đối tác tiến hành kiểm tra việc đo đếm thời gian thông quan cho từng lô hàng xuất, nhập khẩu theo từng loại hình cửa khẩu, đưa thời gian thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu Nghệ An ngang bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của toàn ngành.

Đồng thời, có các giải pháp để nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, phấn đấu đến đến năm 2020 kim ngạch xuất, nhập khẩu sẽ tăng gấp 3 lần như hiện nay, thu thuế xuất, nhập khẩu sẽ đạt khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng, riêng năm 2017 phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu được giao là 1.400 tỷ đồng để góp phần cùng toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh Nghệ An đề ra; xây dựng đồng bộ trụ sở của Cục và các Chi cục hiện đại, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá hải quan.

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm thành lập, Đảng uỷ và lãnh đạo Cục Hải quan Nghệ An xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các ngành, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng các doanh nghiệp đã có những sự chỉ đạo, giúp đỡ, phối hợp trong thời gian vừa qua và mong muốn nhận được nhiều sự giúp đỡ phối hợp hơn nữa trong thời gian tới để xây dựng Cục Hải quan Nghệ An ngày càng phát triển theo hướng hiện đại.

Chu Quang Luân

(Bí thư Đảng ủy - Cục trưởng Cục Hải quan Nghệ An)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Hải quan Nghệ An phát triển theo hướng hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO