Hai tiếng lung linh

Mấy hôm nay, khu phố tôi đang sống rộn ràng các buổi tập múa hát của trẻ em. Cứ chiều tối, bọn trẻ lại xúm xít chạy ra nhà văn hóa của phường, nói là đi tập vì sắp có lễ. Người lớn ngơ ngác ngồi nhẩm tính lễ gì, thế rồi chạy theo ra ngoài nhà văn hóa xem sao. Đám trẻ dưới sự hướng dẫn của các anh chị đoàn viên đang múa nhịp nhàng theo bài “Ba ngọn nến lung linh”. Có thêm một vở kịch nói về gia đình, kể chuyện bữa cơm nhà của thời cha mẹ bận rộn cơm áo gạo tiền. Nhìn tấm phông bạt đang trang trí ghi rõ “Mừng ngày Gia đình Việt Nam”, người lớn gật gù, hóa ra đây là lễ mà đám con nít của xóm nghèo đang háo hức.

Ngày Gia đình Việt Nam có từ năm 2001 và ấn định vào 28/6 hằng năm. Vậy là 22 năm, chẳng phải mới mẻ nhưng lắm khi những bậc phụ huynh lơ đãng vội quên. Ngay cả chính trong cái xóm bình dân này với trăm nóc nhà mà cũng mấy ai nhớ, nếu không có sự chộn rộn của đám trẻ thì có lẽ trong trí nhớ của người lớn ngày đó vẫn là ngày thứ Tư bình thường, vẫn bôn ba mưu sinh chứ chẳng có ý niệm về một ngày lễ đặc biệt.

Sự kết nối trong gia đình giữa thời đại này kỳ thực đang dần có khoảng cách. Khoảng cách nới rộng bởi thế hệ khác nhau, tư duy khác nhau, và không gian sống khác nhau. Chính những điều đó khiến sự gắn kết không còn đậm đà như thuở xưa.

Ngày nay, cha mẹ cứ đắm đuối với nhọc nhằn mưu sinh, nhất là ở những đô thị có nhịp sống vội vã. Những đứa con trong gia đình sau giờ học lại mê mẩn với game, với các hình thức giải trí bắt tai, bắt mắt trên mạng xã hội. Nếu lớn thêm chút, đám trẻ sẽ có bạn riêng để tụ tập và sống đúng lứa tuổi mình. Hoặc như đã ra đi làm và có chút đỉnh tiền là sẽ có những buổi chiều cà phê, những chuyến đi du lịch và cả chưa kể những đứa trẻ thuộc thế hệ 9X, 2K, sớm có ý thức tách ra sống riêng. Thành thử sợi dây kết nối duy nhất với gia đình ngày càng dài ra. Một bữa cơm sum vầy đủ đầy các thành viên đôi khi tính tháng, tính năm hoặc phải đợi chờ dịp Tết.

Với những lưu dân tứ xứ đổ về các thành phố lớn để lập nghiệp, gia đình để lại phía quê. Cuộc sống bộn bề và quãng đường về xa xăm thì hai tiếng gia đình mênh mông vô chừng. Thoảng khi nhớ thì điện thoại vài cuộc, trong vài phút. Nếu dùng mạng xã hội thì video call chốc lát rồi cũng hối hả với cơm áo gạo tiền thị thành. Những cuối tuần ngắn ngủi cũng không thể chạy về quê, mấy dịp lễ thì mới vượt chặng đường xa mà về. Ý niệm về hai chữ gia đình, nhớ đó nhưng cũng đành chịu. Nhiều khi chuyến về chỉ là ngày Tết dăm ba bữa rồi vội vàng chạy lên thị thành gắn chặt đời mình với nhọc nhằn mưu sinh. Thời gian trôi, dòng đời trôi, và nhớ thương cũng trôi theo những lo toan lệ thường khác. Riết thành đâm ra một thói quen, gia đình cất gọn hai chữ vào một góc con tim. Ít lắm cơ hội để thể hiện ra bên ngoài.

Vậy nên, ngày Gia đình Việt Nam chính là một sự nhắc nhớ về nguồn cội của yêu thương, của sự hiện diện bằng hình hài trên cõi đời này, và đơn giản cho chúng ta thấy, chí ít giữa bộn bề xoay vần cuộc đời này cũng có 1 ngày để nhắc lòng mình về hai tiếng lung linh: Gia đình. Ai cũng có một gia đình để từ đó mình lớn lên, ra đi, trở về và cũng sẽ phải tạo dựng một gia đình nhỏ cho riêng mình. Vậy nên, hai tiếng “Gia đình” không chỉ thiêng liêng như máu mủ ruột rà chảy trong từng tế bào mà còn là một nét đẹp lung linh như bản sắc văn hóa của người Việt mình.

Gia đình luôn được xem là “một tế bào” không thể thiếu của xã hội, là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nên những con người có nhân cách tốt đẹp. Gia đình tốt thì xã hội tốt, và xã hội tốt thì cuộc đời này mới là đáng sống. Và cuộc đời đáng sống đôi khi khởi phát từ hai tiếng lung linh của mấy đứa trẻ hôm nay.


Bài: Tống Phước Bảo
Ảnh minh họa: T.L