Hạn chế ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp khi nâng cấp hồ đập

29/05/2015 14:39

(Baonghean) - Có nhiều địa phương đang tiến hành nâng cấp sức chứa của các hồ đập. Quá trình đó, các công trình phải tháo nước để sửa chữa, nâng cấp. Đó là yêu cầu cần thiết của nhà thầu thi công, nhưng vấn đề này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh hợp lý để đảm bảo sản xuất và đời sống cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng.

Giữa tháng 5, chúng tôi có mặt tại công trình nâng cấp đập Bà Tùy ở xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu. Đập này có dung lượng hơn 5,6 triệu mét khối cấp nước ổn định cho 127,1 ha lúa của nông dân xã Quỳnh Tân và vùng lân cận. Thế nhưng, đập đã cạn trắng đáy do nhà thầu thi công nâng cấp đập tháo cạn nước. Điều đó khiến cho nông dân trong vùng phải tạm thời bỏ hoang diện tích ruộng vì không có nước sản xuất.

Lòng đập Bà Tùy cạn kiệt nước.
Lòng đập Bà Tùy cạn kiệt nước.

Dự án sửa chữa, nâng cấp đập Bà Tùy (xã Quỳnh Tân) do Công ty TNHH Minh Quang thi công, tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng được Công ty TNHH 1TV Thủy nông Bắc làm chủ đầu tư. Hiện nhà thầu đã thi công đập chính, tràn xả lũ, đập phụ thực hiện được 60% khối lượng. Theo phương án thi công đã được duyệt, cuối năm 2014 tháo nước và thi công đập dâng vào năm 2015 nên đập không tích nước. Ông Lê Văn Cường, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Những diện tích đất, cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng do phục vụ thi công dự án sẽ được đền bù, còn lại diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng do đập Bà Tùy không tích nước sẽ được chủ đầu tư, chính quyền địa phương thực hiện phương án hỗ trợ sản xuất”. Tìm hiểu kỹ thêm về phương án hỗ trợ, chúng tôi được biết phần hỗ trợ này trích từ thủy lợi phí, trong đó HTX Tân Tiến, xã Quỳnh Tân được hưởng phần chủ động bơm tát để cấp nước phục vụ tưới là 60% kinh phí và Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu được hưởng phần cấp nước tạo nguồn là 40%.

Tuy nhiên, với phương án hỗ trợ trên, như trong vụ xuân 2015, Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu chỉ tạo nguồn từ lòng hồ đập Bà Tùy và kênh Vực Mấu tưới cho 55 ha lúa và 86 ha màu, và HTX Tân Tiến, xã Quỳnh Tân dùng máy bơm di động, đào kênh mương để tiếp tục tưới cho những diện tích đó đến kỳ thu hoạch. Còn những diện tích còn lại không điều tiết được tưới.

Việc đập Bà Tùy không tích nước và phương án hỗ trợ sản xuất nói trên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân. Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân, ông Nguyễn Văn Mậu cho biết thêm: “Có 10 xóm với 700 - 800 hộ bị ảnh hưởng khi thi công đập Bà Tùy. Vụ xuân do đập tháo nước, năng suất lúa đạt khoảng 4 tấn/ ha vì thiếu nước tưới. Vụ hè thu không còn nước, xã đang chỉ đạo bơm các nguồn khác lên để làm hè thu muộn, nhưng chắc chắn không đảm bảo. Chúng tôi mong các ngành và bên thi công cần đẩy nhanh tiến độ để đập kịp tích nước mùa mưa tạo điều kiện cho sản xuất vụ mùa. Thiếu nước để sản xuất lúa, huyện, xã đã vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng, tuy nhiên hiệu quả chưa cao”. Một trong những vấn đề “nóng” vào thời điểm hiện nay ở Quỳnh Lưu là hạn hán. Lượng mưa thấp, đạt 131mm, trong khi đó lượng nước bốc hơi là 154 mm, nên mực nước các hồ chứa chỉ có 40% dung tích dự trữ. Hiện tại huyện có 95 hồ đập do địa phương quản lý. Vụ hè thu – mùa 2015, huyện sản xuất trên 2.707 ha. Bởi vậy, các vùng sản xuất lúa của huyện sẽ phải đối mặt với tình trạng khô hạn kéo dài.

Bài học về thiếu nước sản xuất do quá trình nâng cấp đập chứa từng diễn ra mấy năm trước ở vùng đạp Vình, xã Giai Xuân (Tân Kỳ); đập Rộc U (Nghĩa Đàn); đập Ký Rượu, xã Tăng Thành (Yên Thành). Tại các vùng ảnh hưởng, bà con nông dân từng phải “bỏ hoang” ruộng trong một thời gian. Hiện, đập Khe Lá ở Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) cũng đang chậm tiến độ ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân. Mới đây khi kiểm tra công trình cống Nam Đàn, đoàn kiểm tra của tỉnh cũng nhận thấy năng lực của một số nhà thầu không đáp ứng công việc, một số hạng mục thi công chậm, ảnh hưởng tới việc cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP. Vinh.

Thi công nâng cấp hồ, đập, hầu hết phải tháo kiệt nước, nạo vét, nâng cấp thân đập, tràn xả... nhưng nếu bị chậm 1 năm cũng có nghĩa là nông dân đã mất 2 vụ lúa, 2 năm 4 vụ lúa. Thiếu nước tưới phải bỏ ruộng sản xuất, đồng nghĩa với việc nhà nông có thể sẽ thiếu đói. “Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”, vì vậy những diện tích lúa nếu bị bỏ hoang 1 – 2 vụ sẽ trở nên cằn cỗi, hoang hóa, cỏ mọc nhiều, khi trở lại sản xuất, nhà nông gặp rất nhiều khó khăn và chi phí cải tạo lại đồng ruộng tăng lên. Chuyện thi công đập và các công trình thủy lợi không chỉ là một công trình mà liên quan đến dân sinh, đến an toàn hồ đập mùa mưa lũ. Tháo nước để sửa chữa, nâng cấp hồ đập là việc cần thiết đối với nhà thầu để thi công, nhưng vấn đề đảm bảo đời sống cho người dân tại các vùng có diện tích tưới cần được địa phương quan tâm thường xuyên và có giải pháp tháo gỡ. Phương án hỗ trợ sản xuất cho người dân cũng cần tính toán cho phù hợp và không nên để ruộng bị hoang hóa.

Trong khi một số địa phương thiếu những giải pháp đảm bảo nguồn nước sản xuất do thi công nâng cấp hồ đập thì ở huyện Yên Thành có những cách làm hiệu quả. Hiện huyện có 4 hồ chứa đang thi công, theo kinh nghiệm của một số xã, điều quan trọng là nắm chắc năng lực nhà thầu và điều tiết thi công hợp lý sẽ tránh được việc bỏ hoang mùa vụ. Ông Lê Văn Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Thành cho hay: “Hồ chứa Trại Xanh được nâng cấp trị giá trên 9 tỷ đồng, tuy nhiên để đảm bảo nước tưới cho 60 ha lúa vụ hè thu, UBND xã đã đưa ra các phương án yêu cầu đơn vị thi công xây dựng các hạng mục phụ trước, phần thân đập thi công sau, giai đoạn lúa làm đòng trổ bông nếu nâng cấp phần thân đập phải có phương án giữ nước ở đập phụ dùng máy bơm nước từ lòng hồ chứa ra đảm bảo nước tưới lúa”. Còn ở xã Trung Thành, hiện đang thi công hồ chứa Hồ Hà và hồ chứa Bàu Trang, hiện hồ chứa Hồ Hà phía thượng nguồn đang giữ nước cho hồ chứa hạ nguồn Bàu Trang. Ông Đinh Hữu Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: “2 hồ chứa trên tưới cho khoảng trên 40 ha lúa, theo khảo sát thì lượng nước chỉ đủ để gieo cấy đợt 1 vụ hè thu. Vì vậy, UBND xã đã yêu cầu đơn vị thi công xây dựng các hạng mục như đường bai, cống lấy nước, phần thân đập sẽ thi công sau khi thu hoạch lúa hè thu”. Trong quá tình xây dựng hồ chứa, huyện Yên Thành luôn coi trọng ưu tiên nước tưới cho vụ hè thu. Huyện tập trung chỉ đạo các đơn vị thi công, xây dựng phương án thi công để vừa đảm bảo tiến độ, vừa tạo điều kiện cấp nước cho bà con gieo cấy lúa.

Rõ ràng, để tránh những thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp khi nâng cấp hồ đập là yêu cầu cấp thiết. Vấn đề mấu chốt là các cấp, ngành liên quan, chủ đầu tư phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vừa yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng đảm bảo điều tiết nước hợp lý cho mùa vụ sản xuất. Nếu thiếu trách nhiệm trong một số khâu đoạn có thể dẫn đến những hệ lụy không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Hạn chế ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp khi nâng cấp hồ đập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO