Hạn chế 'cò' từ đấu giá đất bằng bỏ phiếu gián tiếp

P.V 10/12/2019 14:27

(Baonghean) - Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 11 huyện, thành, thị thí điểm triển khai đấu giá đất bằng hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp. Hoạt động này bước đầu đã tạo những chuyển biến tích cực, nhưng thực tế vẫn còn những hạn chế , bất cập cần sớm được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Hạn chế “cò” đất

Có mặt tại phiên đấu giá 15 lô đất ở tại xã Hậu Thành (Yên Thành) vào cuối tháng 7/2019, điều nhận thấy rõ là không còn cảnh chen lấn hay “cò đất” làm náo loạn; cũng không còn cảnh lực lượng công an phải bảo vệ vòng trong, vòng ngoài như các phiên đấu giá trước đây.

Dưới sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng giám sát huyện, phiên đấu giá được thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Chỉ sau 2 giờ đồng hồ, 15/15 lô đất tại xã Hậu Thành đã được đấu giá thành công, lô cao nhất có giá hơn 1,302 tỷ đồng, lô thấp nhất có giá 381 triệu đồng. Tổng số tiền thu được 8,339 tỷ đồng, cao hơn so với giá khởi điểm 4,338 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, một người dân trên địa bàn cho biết: “Sau khi nhận phiếu, tôi điền các thông tin về mức giá trả, số lô. Tiếp đó, bỏ vào phong bì và ký tên đè lên mép dán để “niêm phong” và bỏ vào hòm phiếu chờ công bố. Tôi thấy với cách làm này người mua có tâm lý thoải mái, không phải chịu sức ép từ “cò” như trước”.

Ảnh: Đ.C
Các phiên đấu giá đất bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp diễn ra trật tự tại các địa phương. Ảnh tư liệu

Theo đại diện Hội đồng giám sát huyện Yên Thành: Vốn là điểm nóng trong đấu giá đất do tình trạng “cò” thông đồng, dìm giá, gây mất trật tự, bức xúc trong nhân dân và làm thất thu ngân sách, huyện được tỉnh chọn làm điểm trong việc thay đổi hình thức đấu giá từ trực tiếp, sang bỏ phiếu gián tiếp. Hình thức đấu giá đất mới này đem lại hiệu quả tốt, tiền vào ngân sách tăng lên và đất đến được tay người dân có nhu cầu; tình trạng cò đất mồi chài, ép buộc người dân giảm hẳn.

Không nằm trong số những địa phương được chọn làm điểm, huyện Nghi Lộc vẫn triển khai thí điểm đấu giá đất bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp. Trong tháng 8/2019, UBND huyện Nghi Lộc phối hợp tổ chức đấu giá đất bằng hình thức bỏ phiếu kín áp dụng cho 12 lô đất tại xóm 6 và xóm 7, xã Nghi Thịnh. Đây là phiên đấu giá theo hình thức mới lần đầu được tổ chức trên địa bàn.

Tham gia đấu giá có 26 hồ sơ đăng ký. Theo đó, chỉ trong 1 buổi, 10/12 lô đất trên đã được đấu giá thành công. Lô cao nhất có giá hơn 1,8 tỷ đồng, lô thấp nhất có giá 800 triệu đồng (còn 2 lô không đủ điều kiện để đấu giá do chỉ có 1 hồ sơ tham gia). Địa phương thu về hơn 16,72 tỷ đồng cho ngân sách từ việc đấu giá 10 lô đất nói trên.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Tư pháp, tại Công văn số 8443/UBND-NC, ngày 2/11/2018, UBND tỉnh đã lựa chọn 6 đơn vị, gồm TP. Vinh, huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Yên Thành và TX. Hoàng Mai thí điểm áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp trong đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, có 5 đơn vị đã áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp trong đấu giá quyền sử dụng đất là Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, Đô Lương và TX. Cửa Lò.

Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2019 các đơn vị trên đã ký kết 77 hợp đồng dịch vụ đấu giá quyền sử dụng đất, áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, với tổng giá khởi điểm 620.510.093.985 đồng, giá trúng đấu giá 709.327.100.482 đồng, chênh lệch 169.781.006.487 đồng, vượt 27,36% so với giá khởi điểm.

Theo đánh giá chung, hiệu quả các cuộc đấu giá bằng hình thức gián tiếp đều đạt cao, giá trúng đấu giá bình quân vượt so với giá khởi điểm cao (27,36%). Đáng nói tình hình an ninh, trật tự tại các cuộc đấu giá ổn định, hầu như không còn xảy ra hiện tượng thông đồng, thương lượng giữa những người tham gia đấu giá và hiện tượng “cò đấu giá”, “xã hội đen” gây rối trật tự tại các cuộc đấu giá, can thiệp, dọa dẫm, chèn ép người tham gia đấu giá. Từ đó, giúp cho người dân có nhu cầu mua đất thật sự có thể mua được đất mà không bị sức ép hay phải qua khâu trung gian nào khác.

2. Công an huyện Diễn Châu phá thành công chuyên án 1217G, triệu tập 13 đối tượng thuộc 2 nhóm cò đất vào cuối năm 2018. Ảnh Mai Giang
Công an huyện Diễn Châu phá thành công Chuyên án 1217G, triệu tập 13 đối tượng thuộc 2 nhóm cò đất vào cuối năm 2018. Ảnh: Mai Giang

Phản ánh với Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại cuộc giám sát công tác đấu giá quyền sử dụng đất trong tháng 10 vừa qua, đại diện UBND thị xã Cửa Lò cho biết, tính từ thời điểm tháng 1/2018 đến tháng 9/2019, thị xã Cửa Lò tổ chức thành công 17 cuộc đấu giá đất, trong đó có 15 cuộc đấu giá bằng hình thức trực tiếp và 2 cuộc đấu giá gián tiếp. Tổng số đấu giá thành công là 268 lô đất với số tiền trúng đấu giá hơn 214,3 tỷ đồng, tăng 15,7% so với giá khởi điểm.

Theo ông Võ Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò: “Việc tổ chức đấu giá đất theo hình thức trực tiếp thu hút nhiều người tham gia, tạo sự sôi nổi và quá trình đấu giá có những lô đất tăng sau 2 - 3 vòng đấu và tăng giá trị đấu giá thành cao so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, hạn chế của đấu giá trực tiếp là không “lọc” được “quân xanh”, người không có nhu cầu mua đất cũng tham gia đấu giá đất khiến thị trường méo mó và gây lộn xộn về an ninh, trật tự.

Từ thực tiễn đó, thị xã đã thí điểm tổ chức 2 cuộc đấu giá bằng hình thức gián tiếp, bước đầu cho thấy đã hạn chế được “cò cói” và người có nhu cầu mua đất tự xác định khả năng của mình để tham gia, người nào đấu giá cao thì trúng”.

Khắc phục bất cập, hạn chế

Dù đấu giá đất bằng bỏ phiếu gián tiếp là hình thức có nhiều điểm nổi trội so với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, do mới triển khai nên các tổ chức đấu giá tài sản còn thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý một số tình huống trong quá trình tổ chức tiếp nhận hồ sơ và công bố kết quả đấu giá. Đa số người dân không nắm bắt được mức giá thị trường nên khó khăn trong việc xác định giá phải trả để có thể trúng đấu giá.

Đáng nói, việc bán hồ sơ tham gia đấu giá, bảo mật thông tin người đăng ký tham gia đấu giá do tổ chức đấu giá chịu trách nhiệm, nên khó giám sát được sự bảo mật thông tin từ các tổ chức này. Bởi thực tế, do quy định người tham gia đấu giá đất phải đăng ký với đơn vị đấu giá sẽ đấu lô đất nào trước khi bỏ phiếu nên vô tình tạo kẽ hở để “cò đất” biết để mặc cả, dàn xếp với người mua.

Trong số 11 đơn vị triển khai áp dụng hình thức đấu giá gián tiếp, hầu hết có kết quả trúng đấu giá vượt cao so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, có 3 đơn vị gồm Thanh Chương, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai giá trúng đấu giá không tăng cao so với giá khởi điểm (5,42% - 7,53%). Nhiều ý kiến cho rằng thực tế này diễn ra không bình thường. Mặc dù chưa thể kết luận có dàn xếp hay không nhưng tình trạng này tiếp diễn thì mục đích hạn chế “cò đất” vẫn chưa được giải quyết triệt để...

Khách hàng kiểm tra niêm phong thùng phiếu và niêm phong phong bì sau khi thùng phiếu được mở tại phiên đấu gias tại xã ậu Thành (Yn Thành). Ảnh Thái Dương
Khách hàng kiểm tra niêm phong thùng phiếu và niêm phong phong bì sau khi thùng phiếu được mở tại phiên đấu giá đất ở xã Hậu Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu Thái Dương

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quế Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Hình thức đấu giá đất bằng bỏ phiếu gián tiếp bước đầu cho thấy, ngoài việc giá trúng đấu giá vượt so với giá khởi điểm cao, hiện tượng “cò đất” lộng hành, náo loạn tại các phiên đấu giá ở các địa phương giảm hẳn, người dân có nhu cầu mua đất đã mua được đất mình cần.

Tuy nhiên, do hình thức đấu giá đất gián tiếp bằng bỏ phiếu kín mới được triển khai nên khó tránh khỏi một số bất cập phát sinh. Bởi vậy, thời gian tới, cùng với tiếp tục triển khai ở các địa phương được chọn thí điểm, cũng như ở nhiều huyện, thành, thị khác, trên cơ sở các ý kiến đóng góp từ các địa phương, sẽ được các sở, ngành liên quan thu thập, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện.

Mới nhất

x
Hạn chế 'cò' từ đấu giá đất bằng bỏ phiếu gián tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO