Hạn chế tiêu cực trong cấp, quản lý thẻ bảo hiểm y tế
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 8/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào phát biểu ý kiến. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN |
Cần nâng cấp toàn diện các cơ sở y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở
Liên quan đến việc khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, gây quá tải ở tuyến tỉnh và trung ương, đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) dẫn chứng: tình trạng khám trái tuyến, vượt tuyến ngày càng tăng từ 3 triệu lượt năm 2010 lên 11,6 triệu lượt năm 2012. Một số bệnh viện phải sử dụng 50-70% quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để chi trả cho khám trái tuyến, vượt tuyến trong khi không thể kiểm soát được phần chi phí này, khi đó các cơ sở y tế tuyến trên tăng cường và lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao với chi phí lớn.
Theo đại biểu, nguyên nhân do người bệnh lo ngại về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị tại y tế tuyến dưới. Đại biểu Nguyễn Minh Phương đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng đều cho các tuyến đặc biệt là tuyến tỉnh để phù hợp thực tế hơn; có cơ chế tài chính, biện pháp đặc thù tạo điều kiện để các bệnh viện tỉnh phát triển kỹ thuật cao như ở tuyến trung ương bằng nguồn vốn phát triển sự nghiệp của đơn vị.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên vốn ngân sách đầu tư, mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng điều trị, tăng cường xã hội hóa y tế, đa dạng các hình thức khám, chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, đẩy mạnh việc nâng cấp toàn diện các cơ sở y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở.
Với quan điểm “nếu làm tốt việc khám, điều trị ở tuyến dưới, tạo được lòng tin đối với người dân, người dân sẽ tự nguyện giam gia bảo hiểm y tế nhiều hơn, không cần phải vận động nhiều như hiện nay, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nêu rõ: Đây là vấn đề Bộ Y tế cần quan tâm hơn, chỉ đạo đầu tư thật tốt cho tuyến cơ sở.
Hạn chế tiêu cực trong việc cấp, quản lý thẻ bảo hiểm y tế
Việc cấp, quản lý thẻ bảo hiểm y tế là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý kiến. Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) dẫn chứng: tình trạng trùng thẻ bảo hiểm y tế ở các đối tượng do ngân sách hỗ trợ xảy ra ở nhiều tỉnh, trong đó cá biệt có người nhận 4-5 thẻ bảo hiểm y tế.
Giai đoạn 2009-2012 qua rà soát 42 tỉnh đã phát hiện gần 800.000 thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần khẩn trương triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đảm bảo kết nối thông tin giữa các đơn vị trong ngành bảo hiểm y tế và những người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chỉ sử dụng một mã số duy nhất nhằm thanh toán chính xác, kịp thời chi phí khám, chữa bệnh và khắc phục tình trạng cấp trùng bảo hiểm y tế.
Tỏ ý băn khoăn về số liệu của Bảo hiểm Xã hội ước tính người tham gia bảo hiểm xã hội năm 2013 là 71,2%, đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng con số này đã trùng lặp và tính luôn các đối tượng trùng thẻ bảo hiểm y tế ở các đối tượng do ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Đại biểu đề nghị Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan tổ chức triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất trong cả nước và kết nối với nhau từ cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu đến cả tuyến trung ương. Mỗi người chỉ có một mã thẻ bảo hiểm y tế cho riêng mình để công tác quản lý bảo hiểm y tế được chính xác, đạt hiệu quả cao, hạn chế tiêu cực; đồng thời theo dõi xuyên suốt quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân.
Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) phân tích: Hiện nay bảo hiểm y tế phân ra quá nhiều nhóm đối tượng, có đến hơn 25 đối tượng dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Vì nhiều đầu mối nên quản lý chồng chéo, nhiều đối tượng nằm trong diện nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế, nhưng không biết đầu mối quản lý ở đâu, không ai lập danh sách nên họ bị bỏ sót, ngược lại có trường hợp cấp trùng một người nhận 3-5 thẻ. Đối tượng này thường là đối tượng được nhà nước hỗ trợ bảo hiểm nên gây thất thoát nguồn công quỹ khá lớn.
Thẻ Bảo hiểm Y tế hiện nay làm bằng giấy chưa tốt, dễ bị nhàu, nát, trên thẻ có chỗ dán hình, nhưng người mua bảo hiểm không được dán hình, nên khi khám, chữa bệnh phải có vừa thẻ bảo hiểm, vừa phải có chứng minh nhân dân. Nếu không có chứng minh nhân dân thì sẽ rất khó khăn cho việc điều trị bệnh.
Tăng cường quản lý quỹ bảo hiểm y tế, xử lý hợp lý khoản kết dư
Nhìn nhận về tình trạng ép chi khi bội chi quỹ bảo hiểm y tế, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng hiện nay mức đóng bảo hiểm y tế của nước ta còn thấp nên tổng quỹ bảo hiểm y tế không nhiều, nếu không nâng mức đóng bảo hiểm y tế sẽ không đủ chi nhưng ngược lại, nâng mức bảo hiểm y tế sẽ ảnh hưởng đến người dân, do đó, cơ quan bảo hiểm xã hội tìm mọi cách hạn chế người cung cấp dịch vụ y tế bằng việc khống chế số dịch vụ kỹ thuật áp dụng trên một người bệnh. Chính điều này đã làm cho các bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh phát hiện bệnh nhân chậm hơn, chất lượng điều trị kém hơn. Để giải quyết vấn đề trên, đại biểu đề nghị xem xét nâng mức đóng bảo hiểm y tế của người dân trong một chừng mực nhất định.
Hiến kế giảm bội chi quỹ bảo hiểm y tế, các đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị soát xét kỹ những hạn chế bất cập trong việc thực hiện các chính sách về giá thuốc trong khám, chữa bệnh, không để mất cân đối nguồn tài chính dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; cân nhắc việc giải quyết vượt trần và vượt quỹ khám, chữa bệnh, nguyên tắc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần tuyến hai được quy định cụ thể tại Điều 16 Thông tư liên tịch 09 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính.
Đại biểu cho rằng trên thực tế cơ quan bảo hiểm xã hội chưa xử lý xong chi phí khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần tuyến hai năm 2011 tại 50 tỉnh thành phố với tổng số tiền 638 tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thanh toán tiền thuốc cho các công ty cung ứng thuốc. Đại biểu cũng đề nghị chỉ thanh toán cho những trường hợp chi hợp lý, hợp lệ, có đủ chứng từ, hóa đơn, kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng và xử lý nghiêm những hợp vi phạm trong việc giải quyết vượt trần trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thảo luận về việc sử dụng nguồn tiền kết dư từ quỹ bảo hiểm y tế, đa số ý kiến đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét trích một phần kết dư quỹ để thực hiện việc cho vay ưu đãi, để các cơ sở y tế tư nhân tham gia khám bảo hiểm y tế, đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo các đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang), Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), Hoàng Văn Thượng (Cao Bằng): Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh), Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Luật bảo hiểm y tế quy định, trường hợp các tỉnh thành phố có số thu bảo hiểm y tế lớn hơn số chi thì được sử dụng một phần kết dư để phục vụ khám, chữa bệnh tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay số tiền kết dư gần 13.000 tỷ đồng chưa được phân bổ làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng quỹ, gây khó khăn cho địa phương.
Phân tích một khía cạnh được cho là nghịch lý, đại biểu Huỳnh Nghĩa lập luận: Nghị định 62/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định 60% kinh phí kết dư hàng năm được sử dụng để mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, đào tạo nghiệp vụ... nhằm phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương; quỹ dự phòng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được sử dụng để bổ sung cho những địa phương bội chi. Nguồn quỹ này hình thành từ 10% số thu bảo hiểm y tế và 40% kết dư trong năm cho các địa phương có kết dư chuyển về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Trên thực tế tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa bệnh viện, dù có bệnh nhưng người dân cũng ít đến bệnh viện nên quỹ bảo hiểm y tế kết dư cao còn tại các thành phố lớn thì bội chi quỹ. Điều này có nghĩa người nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang bù đắp chi khám bệnh cho người giàu, đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được.
Đồng quan điểm, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắk Kạn) cho rằng 3 năm qua, kết dư quỹ bảo hiểm xã hội hầu hết ở các địa phương khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân không có điều kiện để được hưởng lợi từ các dịch vụ kĩ thuật y tế hiện đại và thuốc đắt tiền do bảo hiểm y tế chi trả nhưng cho đến nay chưa địa phương nào được hưởng phần kết dư từ quỹ. Số dư đó lại được chuyển về trung ương để bù đắp cho những tỉnh thâm hụt quỹ. Sự bất ổn trong quản lý quỹ đã tạo nên hiện tượng bao cấp ngược nguồn lực của bảo hiểm y tế.
Từ những phân tích trên, các đại biểu đề nghị sau khi cân đối, thực hiện nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, số kết dư này cần đầu tư trở lại cho các tỉnh có kết dư để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật y tế, mua sắm phương tiện vận chuyển và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, để người dân được hưởng lợi một cách công bằng, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế./.
Theo TTXVN