Hàn Quốc mượn súng đạn để kiếm hòa bình?
(Baonghean) - Những tín hiệu đầu năm 2014 trên bán đảo Triều Tiên thực sự ngày càng xấu, bởi sau khi hai bên mở màn "chào hỏi" đầu năm mới bằng lời qua tiếng lại thì ngày 7/1 có tin Hàn Quốc đồng ý cho Lầu Năm góc điều động thêm quân lính và các phương tiện chiến tranh ở khu vực biên giới với Bắc Triều Tiên. Hành động này lập tức làm cho khu vực Đông Á và các quốc gia lân cận trở nên nóng hơn, bởi thật khó tin lúc này "súng đạn" có thể sản sinh ra hòa bình.
Ngày 7/1, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ sẽ điều động thêm 800 binh lính và xe tăng, xe bọc thép đến 2 doanh trại Hovey và Staley nằm sát với khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Thời điểm tiến hành sẽ bắt đầu từ ngày 1/2/2014. Đây thực sự là điều nằm ngoài mong muốn không chỉ của Bắc Triều Tiên mà còn với nhiều quốc gia trong khu vực. Bởi trong năm 2013 thế giới và khu vực đã quá mệt mỏi với những tuyên bố khủng về chiến tranh từ phía Bắc Triều Tiên cùng những lần tập trận rầm rộ giữa liên minh Hàn - Mỹ. Chẳng hay ho gì mới vào đầu năm mới 2014 được vài tuần mà hai miền bán đảo Đông Á này đã lời qua tiếng lại và giờ đến lượt Hàn Quốc "động binh" bằng hình thức mượn "oai hùm".
![]() |
Xe tăng M1A1 Abram của Mỹ. Ảnh internet |
Với Hàn Quốc, thật khó tin khi vừa ngày 6/1 nữ Tổng thống Park Geun Hey vừa đề nghị nối lại đoàn tụ cho những gia đình ly tán giữa hai miền trong chiến tranh, thì một ngày sau thế giới lại có tin Hàn Quốc trải thảm cho binh lính và xe tăng, bọc thép của Mỹ tăng cường tại đây. Quả là "đàn bà dễ có mấy tay", bây giờ đến lượt Hàn Quốc đẩy Bắc Triều Tiên vào thế khó xử bởi cùng lúc nữ Tổng thống Hàn Quốc vừa kêu gọi nối lại đoàn tụ, vừa mượn súng đạn và lực lượng "ngoại binh" để thị uy. Lý do mà Hàn Quốc và Mỹ vin cớ để đổ thêm quân là sự biến Bắc Triều Tiên thanh trừng nhân vật quyền lực số 2 Jang Song-thaek - chú rể của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đó là dấu hiệu cho thấy nội bộ lãnh đạo Bắc Triều Tiên có những xáo trộn nhất định và rất có thể nước này có những hành động khiêu khích hiếu chiến, manh động để chuyển sự chú ý của dân chúng ra bên ngoài đất nước, hoặc củng cố sự "đoàn kết nội bộ" bằng cách tập trung cao độ để hướng về "kẻ thù chung".
Vì vậy, cách mà Hàn Quốc mượn bàn tay sức mạnh của người đồng minh để làm "ngáo ộp" với nước láng giềng thể hiện sự thay đổi căn bản trong đường lối đối ngoại của Hàn Quốc với Bắc Triều Tiên. Giờ là lúc Hàn Quốc muốn tạo lập môi trường hòa bình và nối lại quan hệ bằng thế chủ động chứ không hoàn toàn tùy thuộc vào sự tùy hứng bất thường của phía láng giềng. Hơn nữa, hòa bình là con đường cùng chung tay xây dựng chứ không phải là cái để có thể thích thì đưa ra mặc cả, không thì thôi.
Về phía Bắc Triều Tiên, nước này thực sự đang đứng trước thế "tiến thoái lưỡng nan", các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên hẳn cũng đã không thể giữ được sự bình tâm khi Mỹ tiếp tục hiện diện ngay sát biên giới quốc gia, nhưng đây không phải là lúc mà Bắc Triều Tiên có thể vừa "oai" vừa "yên" như trước. Thật khó mà đoán được điều gì có thể xảy ra nếu thời điểm này Bắc Triều Tiên đưa ra các tuyên bố đe dọa chiến tranh như trong năm 2013, nhưng cũng thật khó nếu chỉ im lặng để cầu an bởi đó không phải là cách mà người Bắc Triều Tiên quen làm.
Về phía Mỹ, còn gì vui hơn khi "nhất cử lưỡng tiện", tăng cường quân vào Hàn Quốc, Mỹ đồng thời thực hiện được hai mục đích: thắt chặt hơn nữa liên minh Mỹ - Hàn, thực hiện một bước tiến dài hơn trong chiến lược xoay trục về khu vực châu Á - Thái Bình dương. Về thời gian đồn trú, Lầu Năm góc cho biết dự kiến 800 binh sĩ được tăng cường lần này sẽ phục vụ tại Hàn Quốc trong vòng 9 tháng, sau đó sẽ được rút về. Trong khi đó, 40 xe tăng Abrams M1 và 40 xe thiết giáp Bradley được để lại cho quân đội Mỹ tại Hàn Quốc tiếp tục sử dụng. Vậy là, số binh lính Mỹ tại Hàn Quốc sẽ không dừng lại 28.500 quân như hiện tại mà sẽ còn linh hoạt tăng giảm một cách cơ động, trong đó xu hướng tăng là chủ yếu.
Vậy là, con đường hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn xa vời vợi. Bởi không dễ gì có thể tìm kiếm hòa bình bằng con đường thị uy về mặt quân sự. Không những thế, độ "nóng" trên bán đảo Triều Tiên có có nguy cơ "tỏa nhiệt" sang các quốc gia lân cận. Với những tín hiệu đầu năm không mấy khả quan, năm 2014 khó có thể trông chờ tin vui trên bán đảo Triều Tiên.
Chí Linh Sơn